TP – Mấy năm gần đây, tình trạng mang thai ở tuổi vị thành niên ngày càng gia tăng và phổ biến. Những em gái 14, 15 tuổi đã trở thành bà mẹ “bất đắc dĩ”. Có lẽ một phần do trái tim các em lỗi nhịp nhưng phần lớn trách nhiệm thuộc bậc sinh thành.
Em nghèo nhưng trái tim rộng mở
Hà Nội, ngày…tháng…năm 2019
Giữa trưa hè oi bức, em Phạm Thị G. tìm đến “Nhà Mở”. Nghe vài câu, tôi biết em có tấm lòng trắc ẩn. Tôi đã không ngần ngại bỏ dở công việc của mình chạy đến với em. Tôi đón em về nhà. Người em nhếch nhác dơ bẩn, nốt muỗi cắn cùng với việc cào gãi khiến em ghẻ lở khắp người.
Nhìn khuôn mặt non choẹt, ở cái tuổi chưa đủ lớn nhưng sắp làm mẹ khiến tôi xót xa…
Tôi bảo em tắm rửa sạch sẽ rồi ăn cơm, em ngoan ngoãn làm theo như “con chiên ngoan đạo”. Năm nay em 15 tuổi, cha mất sớm nhà đông con nên em chỉ được học tới lớp 2. Tôi đưa em tờ giấy đọc về quy tắc của “Nhà Mở”. Em đánh vần từng chữ và đọc xong em chẳng hiểu gì, hệt như mối tình dang dở của em vậy.
Em kể, chàng trai đó làm thợ xây, xây ngôi trường ở quê em, khi em đang bước vào tuổi trăng tròn. Người con trai đó xuất hiện khiến trái tim em lỗi nhịp. Em đã tin và không ngần ngại trao gởi cuộc đời mình. Ngày người đó kết thúc hợp đồng xây dựng cũng là lúc thân thể em có thêm một mầm sống.
Chàng trai đó hứa đưa ba mẹ vào để cưới hỏi em, nhưng rồi lặn không sủi tăm. Em chờ đợi ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng kia, trong khi cái thai trong bụng em ngày một to dần. Tôi chạnh lòng xót thương khuyên bảo và đưa em về nhà. Trên đường đi, tôi cứ nghĩ em xa nhà lâu ngày giờ về chắc mẹ em mừng lắm. Con đường ngoằn ngoèo, quanh co không biết bao nhiêu lần muốn sụp xuống ruộng mới đến được nhà em.
Ôi trời ơi! Trong nhà duy nhất có cái ti vi, vách nhà vẫn được làm bằng đất và rơm rạ và không có cánh cửa. Mẹ em đang lom khom trong bếp, không biết có thấy tôi đưa em về không?
Tôi bước vào bếp chào thì bà chỉ ừ một tiếng rồi lạnh lùng hỏi tôi là ai, đi đâu vậy? Tôi bảo đưa em về gặp bà vì tôi muốn giúp em tìm chỗ cưu mang. Cuộc trò chuyện giữa tôi và bà kết thúc. Bà nói lời cảm ơn nhưng vẫn lạnh lùng làm tôi thấy sợ và thương em đến vô cùng.
Mẹ em hứa 2 ngày sau sẽ đưa em qua để gửi cho tôi. Hai ngày tôi chờ đợi, tôi đếm từng giờ để được gặp lại em mà cứ như đang chờ đợi để được gặp mặt người yêu vậy.Hai ngày rồi cũng trôi qua, em không đến nhưng đã gọi điện cho tôi vì biết tôi đợi em. Hai ngày tiếp theo em mới đến chỗ tôi nhưng em đi một mình.
Tôi hiểu đôi chút nên không dám hỏi điều gì. Em vén vết bầm trên 2 chân và cánh tay cho tôi xem. Em nói, đó là đòn roi mà anh trai em đã đánh khi em về bôi xấu gia đình. Lòng tôi thấy đau, em không khóc mà nước mắt tôi lại rơi.
Tôi đưa em đến trung tâm cưu mang những người bất hạnh như em. Tôi gửi gắm em xong rồi ra về và thấy một chút bình yên. Nhưng 1 tuần sau, người ở trung tâm gọi cho tôi nói rằng, em đã lấy cắp tiền và bỏ đi. Tự nhiên tôi thấy mình bị phản bội…
Bảy tháng sau, tí tách, tí tách những giọt mưa đầu đông không to nhưng tiết trời se lạnh. Chợt có tiếng gọi, anh, anh…trong sự mừng rỡ làm cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi. Tôi quay lại nhìn thấy em trên tay bế một thằng bé tí xíu, tay kia xách túi đồ nhỏ.
Trong túi nào sữa nào bánh. Em nói, em đi tìm tôi rất lâu rồi nhưng do quên đường. Lúc đó trong đầu tôi nghĩ, em tìm tôi làm gì? Để lấy tôi làm trò hề cho em nữa sao! Em hồn nhiên kể tôi nghe, em đẻ rớt thằng bé ngoài đường, may mắn mấy cô phòng trọ đi bán vé số dẫn mẹ con em về cho ở nhờ.
Ngày nào em cũng bán hơn trăm vé, có hơn 50 ngàn/ngày đủ mẹ con thuê hẳn 1 phòng trọ để ở. Tôi nghe mà cứ như thấy em nói dối. Tôi hỏi, vậy sao em không gửi con ở trung tâm? Tôi chưa dứt câu em đã cắt ngang lời tôi, anh xem, thằng bé đó có phải con của anh đâu, anh nuôi sao được? Còn đây là con của em… có đổi tiền tỷ em cũng không cho. Thấy em muốn đi, tôi lấy tờ 100 nghìn cho em, em cầm rồi cảm ơn. Em bồng con đứng dậy chào tôi ra đi trong cơn mưa lất phất.
Tôi dõi mắt nhìn theo. Những giọt mưa vẫn đều đều lất phất bay. Đến một ngày tôi biết, ở trung tâm có một điều luật là ai đến xin ở lại sinh con đều phải viết giấy cho con để trung tâm nuôi dưỡng. Và em nghĩ viết giấy cho là cho con vĩnh viễn nên em mới lấy cắp tiền của trung tâm rồi trốn đi.
tình mẫu tử
Hà Nội, ngày…tháng…năm 2020
Nguyễn Trần H.M. Em học chưa hết lớp 2. Tôi đưa cuốn nhật ký cho em, chữ em viết chưa tròn nét mà sao em lại có tấm lòng mẫu tử cao cả đến vậy? Lúc này tôi thấy xấu hổ vì đã nghĩ sai về em. Cái hình ảnh gầy nhom ôm đứa con thơ lại đi trong mưa gió hiện về rõ trước mắt làm trái tim tôi đau nhói và thấy có lỗi. Nước mắt tôi nhoè nhoẹt rơi xuống trong sự
hối tiếc.
Em đáng nể phục hơn gấp trăm ngàn lần những người có học mà tôi quen biết. Họ giàu có, có đủ điều kiện để sống tốt nếu gặp hoàn cảnh như em. Nhưng không, phần nhiều họ không vượt qua nổi sĩ diện với họ hàng, với xã hội và không ngần ngại trút bỏ đứa trẻ sinh ra có đôi mắt của bố hay vóc dáng của mẹ.
Gọi là hàng trí thức, nhưng mấy ai hiểu được tiếng nói vọng trong lương tâm như chính em đã hiểu. Giờ đây tôi muốn gặp lại em, dù chỉ một lần để nói lời xin lỗi và cảm ơn. Tên em đẹp như trong truyện Cổ tích Nguyễn Trần H.M.
Em muốn sinh con
Hà Nội, ngày…tháng…năm 2020
Nguyễn Phương N. Chỉ còn vài ngày nữa thôi em sẽ bước vào tuổi 17, tuổi mộng mơ đẹp nhất của thời con gái, nhưng mọi thứ vỡ vụn khi em biết mình đã mang thai được hơn 1 tháng. Qua trang thông tin trên mạng em tìm đến với tôi.
Ngồi trước tôi là em trong căn phòng tư vấn “Nhà Mở”. Em tự ti mặc cảm vì dáng người không hoàn chỉnh với cái u bướu gồ trên lưng của mình. Em đang học lớp 12. Rời vùng quê, trốn bố, bạn bè, làng xóm và những người thân khi biết mình mang thai. Em lên ở với chị gái tại nhà trọ để tạm lánh vì muốn giữ gìn giọt máu của mình. Mẹ mất khi em mới 4 tuổi. Ký ức về mẹ rất nhạt nhòa và chỉ còn biết cậy vào chị.
Ấy thế mà, người chị gái cũng bắt em bỏ thai vì: “Nuôi mày còn chưa xong lấy gì nuôi con mày”, đó là câu nói chị gái dành cho em.
Người em quen trên mạng hơn em 9 tuổi và làm nghề khắc bia mộ. Cuộc tình chóng vánh. Nói việc có thai anh bảo: “Tôi có bên cô suốt đâu, chắc gì… phá đi”. Nhưng em lại thốt lên với chúng tôi “em muốn sinh con và nuôi bé”! Tôi thầm cầu nguyện và em đã can đảm, cố gắng nỗ lực vượt lên chính bản thân. Em sinh một bé trai kháu khỉnh.
(Còn nữa)
(Bài viết tác giả có sử dụng tư liệu Mái Ấm)
Nguồn : Báo Tiền Phong