Ngày hôm đó, tuổi trẻ của tôi như một lần nữa được sống dạy. Mãnh liệt. Nồng cháy. Và hăng say. Tôi yêu những khoảnh khắc lúc đó hơn bao giờ hết.
Tôi là một Ki-tô hữu, góp một chút sức mình, để trân quý, bảo vệ những sinh linh bé nhỏ chưa kịp khóc oa oa chào đời mà đã phải rời đi từ ngay trong bụng mẹ. Tôi muốn kêu hộ các em, khóc hộ các em, và ngay chính lúc đó, tôi được làm điều đó một cách nhiệt thành nhất.
Mùa hè của Hà Nội, nắng đổ xuống lòng Hà Nội khiến người ta mệt mỏi. Oi bức, nóng nực,… cộng thêm những bộn bề của cuộc sống có lẽ sẽ làm người ta chùn chân. Nhưng ở một khung cảnh khác, tại ngôi nhà thờ Thái Hà, các em học sinh vẫn chăm chỉ tụ họp đi học giáo lý. Rồi nhìn kìa! Những chiếc áo mang màu xanh của mầm sống đã tụ họp tại nơi đây để chuẩn bị cho những bước chân “tuần hành”, lên tiếng và loan truyền về nạo phá thai. Ai cũng có công việc riêng của mình, nhưng họ đã tạm gác lại để làm công việc đó trong nắng, trong bụi, trong những giọt mồ hôi, và ngay cả trong những lúc chuẩn bị chùn chân. Chúng ta vẫn tiếp tục lên đường, vừa đi, vừa phát tờ rơi, vừa hô vang những khẩu hiệu “ Phá thai- Là tội ác. Phá thai- là giết người”.
Ngồi nghỉ ngơi ở đối diện bệnh viện Phụ Sản Hà Nội, tôi chợt chạnh lòng muốn khóc. Bên trong bệnh viện đó, trước đó, lúc đó và sau đó, phải chăng chính là những thai phụ đang nộp tiền, nằm trên chiếc giường trắng của phòng thủ thuật, để các các sĩ tận tay cắt từng mảnh của con mình, hút con ra khỏi lòng mình…! Còn những sinh linh nhỏ bé kia, yếu đuối quá, nhỏ bé quá, sức phản kháng quá yếu ớt không thể nào chống chọi được với những công cụ cứng nhắc và lạnh lẽo kia. Các em dùng sự phản kháng của một thai nhi để giãy giụa trong vô vọng, và tuyệt vọng khi thấy bản thân bị cắt thành từng mảnh, ném xuống thùng rác, hoặc có thể được lấy lấy làm một vật “ngâm rượu”. Hết.
Chuyến hành trình của chúng tôi, không thể đi hết một vòng Hà Nội bởi thời gian và sức lực. Tuy nhiên, có thể những tờ rơi được phát ra sẽ được truyền từ tay người này sang tay người khác, đến tay những người thực sự cần. Tôi biết, sẽ có những tờ rơi bị ném một cách phũ phàng vào thùng rác, cũng có bạn thấy buồn cười vì nội dung của nó, có người còn cho rằng “ chúng tôi đi bán thuốc”,… Nhưng sự chạnh lòng ấy không khiến chúng ta nhụt chí. Vì tình yêu đối với những sinh mệnh bé nhỏ của Chúa, chúng ta vẫn quyết tâm bước đi, loan truyền sứ điệp về sự sống đến cho mọi người. Người này nói với người kia, mỗi ngày một chút, mỗi ngày đều thêm một thai nhi được cứu. Rồi, chúng ta hân hoan khi thấy tiếng khóc chào đời của các em, rồi nụ cười thơ ngây trên đôi môi tươi thắm của thiên thần. Rồi, cũng sẽ có ngày, phá-thai trở thành điều cấm, chỉ là, bao giờ mà thôi?
Vô sinh ở Việt Nam đã và đang trở thành một vấn nạn đáng lo ngại. Bên cạnh những người mong muốn, khao khát có con thì là những người đã trả tiền để lấy đi mạng sống của đứa con trong lòng mình. Tôi có từng nghe một cô bác sĩ phụ sản xót xa nói rằng : “ Nghề y sinh ra là để cứu người. Chỉ có nghề của chúng tôi là G-iết người mà thôi.” Rồi, sau khi mất đi, chúng ta sẽ trả lời với Chúa như thế nào đây? Chúng ta xin Chúa xá tội, vậy thì ai tha cho những đứa trẻ vô tội ấy? Phá-thai chính là giết người. Sự sống trong cuộc đời, chỉ có Chúa và chỉ có mình Ngài mới có quyền nắm giữ, bất kì ai cũng không được phép hủy hoại đi nó. Ngay cả sự sống của bản thân, chúng ta cũng không thể tự ý quyết định.
Sau những điệu nhạc sôi động, những lời cầu nguyện tâm tình, những giọt mồ hôi và mỏi mệt,…. Tôi thầm cảm ơn Chúa, đã đưa tôi đến với nhóm Bảo vệ sự sống, để tôi được là “ một khí cụ bình an” của Chúa. Tôi tìm lại được chính mình, tìm lại được nguồn hạnh phúc no say, tìm được tuổi trẻ dạt dào mà tôi đã đánh mất rất lâu nay, tìm thấy được bình an trong tâm hồn đang nặng trĩu những lo toan về cuộc sống. Không phải tôi đang làm cho Chúa, mà là Chúa đã ban ban cho tôi những gì tôi đang thiếu. Không phải là tôi dâng hiến, mà chính linh hồn tôi đang nhận lại sự thỏa thuê mà nó kiếm tìm bấy lâu.
Tuổi trẻ, là dấn thân, là phục vụ hết mình. Dòng máu nóng trong tim không cho phép bản thân chúng ta chết dần như thế, nó giục giã không ngừng khiến chúng ta không thể để bản thân mình chết trước khi trái tim mình ngừng đập.
Trái tim người trẻ, rồi sẽ làm gì đây ?
Nguyễn Oanh – Nhóm BVSS Hà Nội