Vì nhiều lý do khác nhau, những thai nhi đang nằm trong bụng mẹ đã bị phá bỏ. Nơi ‘tập kết’ của những hài nhi vắn số ấy sẽ là bãi rác nếu không có việc làm thiện nguyện của nhóm ‘bảo vệ sự sống’.
“Tháng cao điểm”
Suốt 10 năm qua, một nhóm nữ tình nguyện viên với tên gọi “bảo vệ sự sống” (BVSS) tại thành phố Hải Phòng vẫn âm thầm làm công việc đầy nhân văn là gom nhặt xác hài nhi bị chối bỏ mang về mai táng.
Những hài nhi vắn số dù không được sinh ra nhưng nhờ bàn tay nhân ái của các thành viên nhóm BVSS, chúng đã được chết như một con người.
Chị Quỳnh đang “gom” xác thai nhi tại một bệnh viện
Một ngày cuối năm, chúng tôi theo nhóm thiện nguyện BVSS Hải Phòng đi… nhặt xác hài nhi. Phải vất vả lắm chúng tôi mới thuyết phục được chị Nguyễn Thị Quỳnh – Trưởng nhóm – cho đi cùng.
Các chị làm công việc thầm lặng, chính quyền không biết và người dân chẳng hay. Nếu để lộ ra, công việc của nhóm sẽ rất khó khăn. Do đó, khi đã chắc chắn chúng tôi tuyệt đối bảo đảm bí mật thì Trưởng nhóm này mới đồng ý cho đi cùng để biết về việc làm đầy nhân văn nhưng cũng rùng rợn của nhóm.
Một điểm “gom” thai nhi của chị Quỳnh tại huyện An Dương
Theo chị Quỳnh, dịp cuối năm, đặc biệt là tháng Chạp, tình hình nạo phá thai “nhiều khủng khiếp”. Người trưởng nhóm này lý giải, cuối năm vốn nhiều ngày lễ (20/10, Noel, Tết dương lịch) nên giới trẻ đi chơi nhiều. Chơi nhiều dễ… mang thai ngoài ý muốn. Hơn nữa, theo quan niệm thì đầu năm người ta kiêng cữ. Do đó, ai lỡ mang “khối tình” trong bụng đều tìm mọi cách để “giải quyết” trong năm cũ.
“Bình thường, nhóm chúng tôi “gom” được khoảng 300-400 hài nhi/tháng. Tuy nhiên, vào tháng cuối năm số lượng nhiều hơn. Như tháng 12 năm trước, cả nhóm nhặt được 600 hài nhi”, chị Quỳnh cho biết.
Ngôi mộ chứa 30 nghìn sinh linh
Theo chị Quỳnh, mục đích chính và “tối thượng” của nhóm là cứu lấy những đứa trẻ trước nguy cơ bị chối bỏ. Thế nhưng, để phát hiện ra một đứa trẻ đang đứng trước nguy cơ đó là rất khó. Biết được rồi, thuyết phục được các bà mẹ dừng lại việc làm độc ác đó lại càng khó hơn.
Suốt 10 năm qua, dù rất cố gắng nhưng nhóm mới chỉ cứu được 40 trẻ. Công việc của nhóm bây giờ vẫn chủ yếu vẫn là gom những thai nhi đã bị chối bỏ mang về khâm liệm, mai táng.
Nhóm BVSS ở Hải Phòng hiện có 30 thành viên nhưng 9 người làm công việc này trực tiếp, số còn lại là những cộng tác viên (CTV) đang làm việc ở các phòng khám và bệnh viện. Nhiệm vụ của các CTV là “trộm” thai nhi bị phá bỏ ở bệnh viện và các phòng khám, sau đó mang về để chị Quỳnh mai táng.
Họ đa số là những thanh niên có tuổi đời rất trẻ, mới tuổi mười tám đôi mươi, là công nhân, là y tá, là sinh viên… Thành viên cao tuổi nhất chính là Trưởng nhóm Quỳnh. Chị Quỳnh SN 1969 nhưng chưa lập gia đình.
Hàng đêm, chị Quỳnh và những thành viên trong nhóm BVSS vẫn lặng lẽ với công việc của mình
Công việc chính của chị Quỳnh là nấu ăn cho một nhà máy chuyên sản xuất dây cáp điện trên địa bàn thành phố. Một ngày làm việc ở công ty bắt đầu từ 7h sáng và kết thúc vào lúc 5h chiều. Sau khi xong việc ở nhà máy, chị Quỳnh không trở về nhà mà đến nhà thờ để tham gia nhóm BVSS. Chị chỉ trở về nhà vào lúc nửa đêm khi đã “gom” và khâm liệm xong những hài nhi xấu số.
Đêm nào cũng vậy, khi thành phố bắt đầu trôi dần về khuya thì BVSS gồm toàn thành viên nữ lại bịt mặt lên đường. Mục tiêu của nhóm là những các bệnh viện và phòng khám.
Hẹn trước tại một địa điểm trên phố Hoàng Văn Thụ, sau khi đã ngụy trang kín kẽ, đúng 8h tối, chúng tôi theo chân chị Quỳnh bắt đầu lên đường. Hôm đó, trời lất phất đổ mưa, đường phố vắng hoe nhưng người phụ nữ nhỏ bé này vẫn vượt cả chục km đến từng điểm thu gom hài nhi.
Thai nhi bị chối bỏ được chị Quỳnh gom về khâm liệm
Điểm đầu tiên của chúng tôi là một bệnh việc tư khá lớn và nổi tiếng nằm trên địa bàn huyện An Dương. Do đã quen nên sau khi đến bệnh viện, chị Quỳnh chỉ cần bỏ khẩu trang ra mấy người bảo vệ đã gật đầu cho chị vào.
Bởi đã gom ở bệnh viện này suốt nhiều năm qua nên chị Quỳnh đã quá quen. Đi thẳng vào nhà rác nằm ở phía bệnh viện, nơi đó có vô số thùng nhựa đựng rác và 1 chiếc tủ đông lạnh. Phía bên trong tủ đó, những túi nylon màu vàng được gói ghém cẩn thận chính là số thai nhi bị nạo phá trong ngày.
Chị Quỳnh mở ra đếm và cho biết, ngày hôm đó đã có 5 cháu bé bị bỏ tại bệnh viện này. Tiếp tục đến 1-2 phòng khám nữa, vẫn “quy trình” cho – nhận rất nhanh, đến 10h đêm, chị Quỳnh đã hoàn thành công việc thu gom. Tối hôm chúng tôi đi cùng, chị Quỳnh đã gom được tổng cộng 30 hài nhi.
Ngôi mộ chứa hàng chục nghìn thai nhi tại TP Hải Phòng
Tất cả hài nhi gom được đều mang về nhà thờ trung tâm thành phố. Nơi đó có 1 căn phòng nhỏ kín đáo được xây để phục vụ cho việc khâm liệm hài nhi. Chị Quỳnh bắt đầu phân loại. Có thai nhi mới chỉ là những giọt máu đỏ nhưng có thai nhi đã là đứa trẻ đã đầy đủ hình người.
“Cháu bé này chưa thành hình người, cháu này cũng phải 2-3 tháng tuổi. Thương quá, vì dụng cụ nạo hút thai nên cháu này đã chẳng còn nguyên vẹn… “, vừa phân loại, chị Quỳnh vừa “nhặt” từng thai nhi ra để khâm liệm. Nhìn cảnh tượng đó, chúng tôi rùng mình đau đớn.
Sau khi khâm liệm, những hài nhi được cho vào tủ đá để bảo quản. Một tháng nhóm lại đưa ra nghĩa trang mai táng 1 lần. 10 năm thu gom tại TP Hải Phòng, nhóm BVSS đã gom được hơn 30 nghìn thai nhi. Những thân phận oan nghiệt này được mai táng chung ở 1 ngôi mộ lớn nhiều tầng, ngôi mộ nằm trong nghĩa trang công giáo tại xã An Đồng, huyện An Dương…
* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi*
Theo Phụ nữ Việt Nam.