“Hãy tạo điều kiện cho thai nhi dị tật ra đời, dù đứa trẻ đó có thể chỉ sống một thời gian ngắn nhưng đó chính là tình thương giữa người với người, tình thương giữa cha mẹ với đứa con mà mình mang nặng.”
Đây là lời chia sẻ của Đại đức Thích Minh Sĩ (TP HCM) với Phóng viên Báo điện tử Gia Đình Việt Nam về vấn nạn phá bỏ đối với các thai nhi bị phát hiện dị tật
Bỏ thai nhi là giết đi một mạng người
Theo thầy, nếu phát hiện thai nhi dị tật các bậc cha mẹ nên làm gì?
Tôi thấy hãy để cho các thai nhi bị dị tật này được sinh ra một cách tự nhiên. Vì nếu nói theo giáo lý nhà Phật, các thai nhi này đã có duyên với bố mẹ của chúng
Vì có duyên gắn kết nên mới kết tụ thành cha mẹ con cái ở kiếp này. Vậy sao không để mối duyên tình này hình thành.
Không phải chỉ người biết giáo lý nhà Phật, mà trong mỗi người đều có tình thương giữa người với người. Vậy thì, người mẹ nếu mang thai mà biết con mình như vậy thì có nên bỏ con mình hay không?
Hãy tạo điều kiện cho những đứa trẻ bị dị tật có quyền được sống (Ảnh minh họa)
Nhưng một số người cho rằng, các thai nhi này nếu ra đời sẽ làm khổ cho cha mẹ của chúng và xã hội?
Nếu ai đó cho rằng, thai nhi dị tật ra đời sẽ gây khó khăn về kinh tế cho cha mẹ chúng vì phải lo cho những đứa trẻ này thì hãy xem lại!
Với đứa con chưa thành hình, như núm ruột của mình mà còn bỏ được, thì họ sẽ đối xử với những đấng đã sinh thành ra họ thì sẽ như thế nào?
Chắc già rồi không làm gì được nữa thì đưa vào viện dưỡng lão, chối bỏ nuôi dưỡng chăng…?
Nếu như làm vậy sẽ tạo ra một tập tánh loại bỏ trong xã hội. Như vậy có tốt không?
Nhưng nếu đứa trẻ sinh ra không được lành lặn thì cũng tội cho nó?
Thai nhi bị dị tật là do nghiệp duyên của nó, với lại đứa trẻ chưa ra đời sao biết chúng sẽ khổ, sao lại cứ gán như vậy.
Điểm lại như hồi xưa, con người khi mắc bệnh lao phổi, không có thuốc chữa rồi chết. Giờ đây khoa học phát triển, bệnh này đã được chữa khỏi. Hay ngay chính căn bênh AIDS, chưa có thuốc chữa nhưng giờ đây khoa học cũng đã tìm ra phương thuốc để kéo dài sự sống đó thôi.
Vậy thì ai biết được nếu những thai nhi bị dị tật này nếu được ra đời, lúc đó khoa học phát triển sẽ chữa lành cho những đứa trẻ này thì sao.
Giờ đây, chúng ta bỏ thai nhi dị tật này đi có nghĩa là đã cướp đi cơ hội sống của chúng. Như vậy nên chăng? Có nên cướp đi mạng sống của chúng không?
Vậy theo đại đức thì các bậc cha mẹ bỏ thai nhi dị tật sẽ mắc tội gì?
Trước tiên hãy xét về tình người. Tôi biết có nhiều gia đình, con của họ bị dị tật, sống không lâu nhưng họ vẫn sinh ra và nuôi dưỡng. Họ luôn thương yêu và chăm sóc chúng. Vậy nếu những người biết đứa con chưa ra đời của mình bị dị tật lại tìm cách bỏ đi, vậy họ có tình phụ tử, mẫu tử không?
Còn nếu xét về mặt giáo lý nhà Phật thì thai nhi đó cũng có mầm sống. Thai nhi đó ra đời sẽ là một con người, nếu chúng ta loại bỏ chúng đi chỉ vì bị dị tật thì nhà Phật cho là đã phạm vào giới sát sanh.
Đừng cứ nghĩ nếu để thai nhi bị dị tật ra đời thì sẽ tốn kém về kinh tế. Chúng ta phải biết vật chất mất đi là điều nhỏ, cái mất lớn nhất đó chính là lòng thương giữa các đấng sinh thành và những đứa trẻ này.
Nhiều bậc cha mẹ chỉ vì bỏ đứa con chưa thành hình nên phải hối hận cả đời (ảnh chụp các bố mẹ đi cầu siêu cho vong linh thai nhi tại chùa Từ Quang, huyện Bình Chánh, TP HCM)
Phải biết thân người khó được
Thầy có thể lý giải vì sao những thai nhi này lại bị dị tật theo quan điểm nhà Phật không?
Nhà Phật luôn dạy về giáo lý nhân quả, nghiệp báo nếu anh làm điều gì tốt hay xấu thì sẽ đều nhận lại quả tương ứng với những gì đã làm.
Ví dụ anh ăn cướp thì sẽ bị bắt phạt, giết một mạng người thì phải đền lại một mạng… Mỗi người đều sẽ phải trả những nghiệp quả mà mình đã tạo ra, có thể ngay kiếp này hay ở kiếp sau.
Chính vì thế, ở đây các thai nhị dị tật cũng vậy, nếu như cuộc sống kiếp trước đây của những thai nhi này đã từng gây ra những điều ác làm tổn hại người khác thì sẽ bị thân hình không được lành lặn trong quá trình thọ thai của kiếp này để chờ ngày ra đời.
Nhưng nhiều người cho là điều này không ai kiểm chứng?
Có nhiều người cho rằng thai nhi dị tật cũng một phần do cuộc sống, cách sống hay thể trạng của người mẹ, hay do đột biến gen… nhưng nhà Phật cho rằng đó cũng là một phần liên quan, phần còn lại cũng là do nghiệp nhân quả mà thành.
Ngay chính trong dân gian, ông bà ta cũng đã từng dạy với ai mà sống bẻ cổ gà, bẻ cảng vịt… không lo làm phúc đức ở đời thì sau này sinh ra đời sau sẽ bị dị tật què tay, chân…
Nếu ai muốn sống để không bị nghiệp quả cho đời sau thì hãy sống tốt và yêu thương tất cả mọi người
Theo đại đức, con người cần phải sống sao để tránh nghiệp cho đời sau?
Tôi cho rằng, mỗi người hãy luôn nhớ câu “nhân thân nan đắc”, có nghĩa là làm thân người rất khó mà có được. Hay đức Phật từng dạy, để có thể sinh làm người, ví như một con rùa từ dưới đáy biển tìm cách ngoi lên mặt nước và cái cổ của nó chui lọt vào một lỗ trống vừa đủ của một tấm ván trôi lập lờ trên mặt nước.
Đâu có dễ mà lại hữu duyên để con rùa ngoi lên thì cái cổ chui vào được cái lỗ của tấm ván đó. Vì thế chúng ta cần biết để có được thân người rất khó, vậy sao chúng ta lại đi loại bỏ một mạng sống chưa được ra đời.
Các vị hãy nhìn trong xã hội hiện nay, có nhiều gia đình con cái rất nhiều, nhưng cũng có gia đình hiếm con, đi cầu tự khắp nơi chỉ để xin một mụn con.
Hay có những gia đình, lúc vợ mang thai thấy bị dị tật thì bỏ đi, sau này không thể mang thai lại. Không trân trọng đứa con mình được có, đem bỏ đi để sau này cứ hối tiếc và ăn năn suốt đời
Có những gia đình con cái tuy bị dị tật, khù khờ… nhưng cha mẹ nói con biết nghe, sống vui vẻ. Còn những gia đình con mạnh khỏe nhưng lại đi phá làng phá xóm, giết người… Vậy thì chúng ta thấy có nên chọn lựa con cái khi lúc mang thai không?
Vì thế, nếu là Phật tử thì hãy giữ và làm theo tam quy ngũ giới. Tam quy đó là Quy y Phật, Quy y Pháp, Quy y Tăng; còn ngũ giới đó là không sát sanh, ăn cướp, uống rượu, tà dâm và nói dối.
Nếu ai muốn sống để không bị nghiệp quả cho đời sau thì hãy sống tốt và yêu thương tất cả mọi người, hãy xem và thương yêu tất cả những đứa con như nhau…
Xin cảm ơn đại đức!
Nguồn : http://kenh13.info/