Bạn đang rất mong chờ bởi không lâu nữa bạn sẽ được gặp con yêu rồi. Trước giây phút thiêng liêng đó, hãy cùng xem ở quý cuối này, thai nhi có gì đặc biệt.
Bạn đã được trải nghiệm những điều kỳ diệu xảy ra ở quý 1, quý 2 thai kỳ và bây giờ là những điều thú vị về thai nhi trong bụng ở quý 3:
27 tuần
Ở tuần 27 thai kỳ, em bé của bạn đã mở được mắt và phân biệt được ánh sáng và bóng tối. Em bé cũng học được cách tập trung nhìn mặc dù bé sẽ chỉ nhìn vật xa được khoảng 15cm khi chào đời.
Video sự phát triển của thai nhi 3 tháng cuối
28-32 tuần
Từ tuần 28 đến 32 của thai kỳ, em bé sẽ tăng khoảng 300-500g mỗi tuần. Đây là giai đoạn bụng mẹ lớn nhanh nhất và cũng giải thích vì sao những bộ quần áo trước đây lại không còn vừa vặn nữa.
Bên trong tử cung, nước ối có nhiệt độ khoảng 37,5 độ C – hơi ấm hơn nhiệt độ cơ thể bình thường để giữ ấm cho em bé trong khi thai nhi đang dần tích chất béo cho cơ thể trước khi ra đời.
32-35 tuần
Ở những tuần thai này, cân nặng của bé bắt đầu tăng trưởng chậm lại, khoảng 250g mỗi tuần.
Thai nhi cũng đã có thể phân biệt được mùi vị từ những thức ăn, đồ uống mẹ nạp vào cơ thể mỗi bữa và phản ứng với mùi vị quá đặc biệt hoặc đồ ăn quá cay nóng.
Thời điểm này, não bộ của em bé đang phát triển rất nhanh, có chu vi vòng đầu tăng khoảng 2,5cm mỗi tuần. Phổi của thai nhi cũng phát triển nhanh chóng, nếu như chào đời ở tuần 34, em bé vẫn phải cần máy hỗ trợ thở nhưng nếu là tuần 36 thì em bé chắc chắn đã có thể tự thở được.
35 tuần
Trọng lượng trung bình của thai nhi ở tuần 35 là khoảng 2,46kg, nếu được sinh ra thời điểm này, em bé có 99% cơ hội sống sót. Hầu hết thai nhi cũng đã ổn định vị trí ở ngôi thai thuận để sẵn sàng chào đời. Tuy nhiên, một số thai nhi nằm ở vị trí ngôi ngang hoặc ngôi ngược gây khó khăn cho bác sĩ khi đỡ đẻ. Theo thống kê, ở tuần 40 thai kỳ, có 95% trẻ chào đời với ngôi đầu (ngôi thai thuận), 4% là ngôi ngược và chỉ 1% ngôi ngang hoặc xiên.
Em bé cũng được bao quanh bởi một lớp chất trơn trượt có tên vernix – giúp bé dễ dàng đi qua ống sinh. Khi chào đời, trên người bé vẫn còn lớp này nhưng sẽ được các y bác sĩ vệ sinh sạch sẽ.
Kết quả siêu âm não cũng cho thấy thai nhi biết mơ ngủ từ tháng thứ 8. Ở tuần 35, em bé đã phát triển thính giác đầy đủ và có thể nghe rõ những câu chuyện của mẹ.
Trong những tuần cuối thai kỳ, hệ thống tiêu hóa của thai nhi chứa đầy phân su – một chất màu xanh đen là kết quả của các tế bào da chết, lông tơ và các chất được bài tiết từ ruột, gan và túi mật. Em sẽ sẽ thải ra phân su lần đầu tiên sau khi chào đời nhưng một số em bé sẽ thải ra ngay từ trong bụng mẹ ở những tuần cuối thai kỳ.
36 tuần
Ở tuần 36 thai kỳ, em bé đã di chuyển xuống khung xương chậu của mẹ, chỉ có 2/5 phần đầu là ở phía trên xương chậu – tư thế sẵn sàng chào đời.
37 tuần
Nếu ra đời ở tuần thai này, em bé đã được coi là đủ ngày đủ tháng. Quá trình sinh nở sẽ “khởi động” hệ thống tim mạch và hô hấp để em bé có thể thở và sống khỏe mạnh ở môi trường mới.
40 tuần
Ở tuần cuối thai kỳ này, nhau thai của mẹ bằng khoảng một chiếc đĩa lớn, nặng tầm 650g và dày khoảng 2-3 cm. Lúc này, nhau thai được coi là một cơ quan phụ.
Tử cung của mẹ lúc này tăng khoảng 500-1000 lần kích thước bình thường.
Và một điều quan trọng nữa là mẹ cần ghi nhớ: chỉ 5% trẻ chào đời đúng ngày dự sinh.
Theo Eva.vn