Tiếng gọi từ các thai nhi xấu số
Đêm ở TP. Bảo Lộc – tỉnh Lâm Đồng khá lạnh. Mặc trên người chiếc áo phông, khẽ nhúng chiếc khăn mềm vào thau nước ấm, ông Hùng nhẹ nhàng lau từng ngón tay, ngón chân, ngực và bụng của thai nhi xấu số. Nhìn ông, nếu không biết trước, sẽ nghĩ người đàn ông này đang chăm cháu, càng… ớn lạnh hơn khi công việc này được ông thực hiện ngay trong căn phòng ngủ của vợ chồng ông.
Tôi rùng mình khi biết ông có một quy tắc, nếu nhận các bé trước 0 giờ, ông sẽ mang ra nghĩa trang chôn cất, sau 0 giờ các bé sẽ được mang về nhà, thắp nhang cho ấm áp, đợi đến sáng ông sẽ mang ra nghĩa trang.
Đứa trẻ hôm nay đến… ngụ trong căn phòng này, được ông nhận vào ngày 17/9. Đọc được nỗi sợ hãi từ tôi, ánh mắt ông dịu xuống như trấn an, lại như đang nói về gì đó giản đơn đến tận cùng, như lẽ thường tình tạo hóa tặng cho con người một phẩm cách khác biệt, là cúi xuống đồng loại: “Không là gì cả, vợ tôi bảo các cháu thiệt phận, mang về nhà cho ấm áp, cũng có đêm hai – ba cháu được mang về phòng này”. Ông là Trần Đình Hùng (62 tuổi, ngụ xã Lộc Thanh, TP. Bảo Lộc) – người đã tám năm đi nhặt, chôn cất và chăm mộ cho các hài nhi bị mẹ chối bỏ.
Giữa màn sương lạnh lẽo, men theo con dốc, chúng tôi theo chân ông đến nghĩa trang Tín Thác – nơi an nghỉ của những thai nhi xấu số (xã Lộc Thanh, TP. Bảo Lộc). Nghĩa trang nằm trên một ngọn đồi, xung quanh là bạt ngàn cà phê chuẩn bị thu hoạch.
Đập vào mắt chúng tôi là 200 hàng gạch thẳng tắp dài hơn 20 mét chia thành từng ô nhỏ cho mỗi nấm mộ thai nhi. Thắp nén nhang, chúng tôi đi vòng qua các lô mộ, mỗi lô đều được đánh số thứ tự. Nhóm có số từ 1 đến 1.000 là nơi an nghỉ các thai nhi từ bốn tháng trở xuống; nhóm bắt đầu bằng số 01 dành cho các em năm đến bảy tháng và số 001 cho các em bảy đến chín tháng.
Đặc biệt có hơn 200 mộ dành cho các thai nhi từ tám đến chín tháng. Lần theo nhóm mộ số 01, chúng tôi mang chiếc hộp hình chữ nhật đặt nhẹ nhàng xuống và đánh số thứ tự 1106 – ngày 16/9/2016 cho đứa bé xấu số. Chợt nhìn sang, ngay sát bên, nấm mộ 1105 cũng vừa được dựng ngày 13/9, rồi một mộ khác ngày 10/9…
Càng về khuya, trời càng lạnh, chúng tôi đốt mớ lá khô để xua tan rét mướt. Rít điếu thuốc, ông kể: “Ngày 19/1/2009, nghĩa trang được thành lập do xơ (soeur) Nguyễn Thụy Hường làm trưởng nhóm. Do cảm thương các cháu bị mẹ mang bỏ bên gốc thông, bờ hồ, khe suối lạnh lẽo, chúng tôi mang các cháu về tắm rửa, quấn khăn bông, chôn cất và nhang khói.
Rồi nhiều cháu cứ lần lượt được đưa về đây, từ 800 nấm mộ vào cuối năm 2009 đến nay lên đến 8.000 nấm mộ”. Nói đến đây, giọng ông chùng xuống: “Tôi đã bỏ dở cuốn nhật ký vì không còn chỗ để viết, nhưng có lẽ trong đời, tôi không bao giờ quên buổi sáng ngày 5/5/2009”.
Rồi ông kể, mới 5 giờ sáng, ông nhận được điện thoại từ một bệnh viện biểu đến mang các cháu về. Nhận hai “gói quà” là hai bọc thai nhi, ông treo ở hai móc xe. Vừa rời bệnh viện, lại nhận cuộc điện thoại bảo ông đến bờ hồ nhận tiếp hai thai nhi. Trên đường mang các cháu về, ông lại tiếp tục nhận một cuộc điện thoại nữa. Đến nơi, ông bàng hoàng khi bệnh viện trao một thai nhi quá lớn, nặng đến 2,8kg. Biết đặt cháu ở đâu bây giờ?
Tần ngần mãi cuối cùng ông xin mấy cái khăn bông để quấn cháu lại. Chưa an tâm, ông cởi luôn chiếc áo khoác quấn một vòng nữa rồi đặt cháu phía sau xe. Chiếc xe chạy hơn chục cây số, băng qua nhiều dốc đồi mà chỉ dám nhích từng chút một, nhẹ nhàng lách qua từng ổ gà vì ông sợ làm đau các cháu. Cứ thế, có ngày ông chạy tới 100km, khi sáng sớm, lúc nửa đêm để kịp mang những thai nhi về nhà cho ấm áp.
Sương khuya giăng ngập lối đi. Cảm giác sợ hãi khi ở nghĩa trang như dần lùi xa, chỉ có cái lạnh thấm vô người. Nhang đã cháy hết, chỉ còn gió vi vu, tôi không cưỡng nổi ý nghĩ cay đắng phận người. Người ta nói quyền lớn nhất của người đàn bà là làm mẹ, bất luận nguyên do gì cũng không được chối bỏ con. Nhưng cuộc sống luôn có những trái khoáy đến khắc nghiệt. Hình như trong gió có tiếng cười thơ trẻ, bi bô ca hát. Những linh hồn hẩm hiu ấy rồi sẽ thành thiên thần, ngự nơi xa xôi, hẳn sẽ một lần vòng tay cúi đầu cảm tạ một con người đã tiễn đưa mình thăng thiên trọn vẹn.
Diệu kỳ 81 mầm sống
Đã từng nghe truyền miệng về chuyện hiện hữu và vô hình, nhưng lần này nghe ông kể, tôi như lạc vào thế giới khác, đầy nỗi ngơ ngác giao trộn giữa sợ hãi và đau đớn. Ví dụ như nấm mộ số 038 này của một thai nhi trai hơn bảy tháng tuổi được chôn năm 2011.
“Thật kỳ lạ, đứa bé này trước khi mang về đây đã khiến tôi nghe tiếng nó nói, nó cười và xin được thắp hương, cắm hoa. Thai nhi là gái hơn bảy tháng nằm ở mộ số 16 cũng cho tôi thấy rõ hình ảnh nó. Thai nhi này được mẹ lén lút mang bỏ ở nghĩa trang trong ba lớp bọc ni lông”, ông điềm nhiên nói, như đã quen rồi, như ngồi xuống cạnh các cháu đang hiện hữu, đang vui chơi trên cõi đời này.
Trên những nấm mộ bé xíu còn đó những cây kẹo mút, hộp sữa và rất nhiều giỏ hoa tươi xinh xắn mà ai đó đã âm thầm mang đến, lặng lẽ ngồi khóc và rời đi…
Nghĩa trang Tín Thác sau tám năm thành lập nay đã gần kín mộ, sắp tới phải phát thêm ba sào rẫy cà phê để có chỗ đón các cháu về. Để có ba sào rẫy cà phê này, ông Hùng phải thế chấp sổ hồng, vay ngân hàng 400 triệu đồng. Vậy mà mọi sự cứ ổn dần, sổ hồng ông đã lấy ra nhờ rất nhiều nhà hảo tâm hỗ trợ. Chưa kể, tiền phát rẫy, san lấp nền cho kế hoạch sắp tới cũng đã có người ủng hộ…
Rõ ràng, những câu chuyện cứ tiếp nối nhau, những điều kỳ diệu dần mở ra. Tôi lặng lẽ cúi đầu, dấy lên niềm cảm kích. Tâm tư và cái nhón tay chăm bẵm ấy, như một sự yên ủy không chỉ dành cho những hình hài xấu số, mà còn như một sự trao gửi, hãy sống đi, dẫu có đau khổ đến bao nhiêu đi nữa, vẫn phải cúi xuống và cho đi, để rồi làm người, ai cũng được phước phần như nhau…
Điều kỳ diệu nhất trong hành trình thầm lặng này của ông và nhóm thiện nguyện có lẽ là 81 mầm sống đang dần lớn lên trong Mái ấm Tín Thác (xã Lộc Thanh). Đó là kết quả của những lần tư vấn, thuyết phục các mẹ giữ lại thai nhi thành công.
Đó là các bé Giang Ân, Hồng Ân, Bảo Ân, Gia Ân… những đứa bé đầu tiên đến mái ấm này nay đã bảy – tám tuổi, rồi đến Cà Rốt, Khoai Tây, Su Su, Mãng Cầu, Súp Lơ… vừa bi bô tập nói. 81 đứa trẻ ở đây là 81 hoàn cảnh khác nhau nhưng cùng chung nghịch cảnh là bị mẹ bỏ rơi sau khi sinh ra và hiếm hoi lắm mới có trường hợp được mẹ mang về nhà nuôi.
Sáng thức dậy ở mái ấm, tiếng trẻ con cười nói tràn ngập sân nhà, chúng vô tư chơi đùa, hát ca bên những chiếc lồng đèn xinh xắn. Có đứa mè nheo, đòi các “mẹ” ôm ấp, vỗ về, đứa nào cũng thèm hơi mẹ. Ọ ẹ mãi, con bé Cà Rốt mới giật được chiếc kẹo từ tay bạn, nó chạy thật nhanh đến bên một tình nguyện viên đòi ẵm, đòi mở kẹo.
Tôi mải mê ngắm bọn trẻ vì chúng hồn nhiên quá, xinh xắn quá. Bỗng tiếng reo hò vang lên: “A, ông về!”. Đám trẻ tụ lại quanh người đàn ông đi xe thồ, đội nón cối, trên xe lỉnh kỉnh đồ ăn. Ông cười tươi khoe: “Hôm nay có cải thảo, cá tươi và mớ su hào, đổi món cho các cháu nhé!”.
Lại là ông, nhân vật hôm qua đã ngồi đốt lá đêm với chúng tôi ở nghĩa trang. Ông nói một câu thương lắm: “Hôm qua xin được cá hấp, khoai tây thì hôm nay phải cố xin cá tươi, rau cải để các cháu đủ chất”.
Men theo con dốc, chúng tôi đến nhà ông cách mái ấm chừng 500m. Ngôi nhà khang trang, rộng lớn. Trước sân nhà, bà cụ 87 tuổi, mẹ ông Hùng, đang ngồi phơi thóc. Bà nói với tôi: “Cậu Hùng đi vào rẫy cà phê rồi, mừng vì cà phê đặng, hứa hẹn mùa bội thu”.
Tôi cũng vui mừng, mong cho ông nhiều sức khỏe, công việc ổn định để tiếp tục đồng hành cùng 81 bé ở Mái ấm Tín Thác. Còn nghĩa trang ư? Chia tay ông, tôi muốn khấn lại câu đã từng khấn đêm qua ở nghĩa trang: “Mong ông thất nghiệp”!
Theo Thu Hồng/phunuonline