BVSS (30.6.2016) – Nơi đây không chỉ giúp họ giữ lại được giọt máu của mình mà còn tìm được niềm vui, hạnh phúc, niềm tin vào cuộc đời sau những mất mát, vấp ngã đầu đời.
Họ là những người phụ nữ cùng chung bi kịch, yêu mù quáng khi trót mang thai thì bị người tình chối bỏ, sợ đối mặt với bạn bè, người thân, sợ sự kỳ thị của xã hội nhưng lại không nỡ vứt bỏ giọt máu của mình. Lúc đau đớn, tuyệt vọng nhất họ đã tìm được chốn bình yên trong khu nhà tạm lánh Mai Tiến (thuộc khu phố 4, phường Hố Nai, TP.Biên Hòa, Đồng Nai).
Nơi tình yêu ngự trị
Khuất sau khu nghĩa trang hình bàn tay, nơi chôn cất của những hài nhi xấu số có một khu nhà tạm lánh dành cho những phụ nữ lầm lỡ. Ở trong căn nhà ấy, nỗi tuyệt vọng, bất an lo lắng đều bỏ lại bên ngoài nhường chỗ cho sự yêu thương, hạnh phúc và niềm tin ngự trị.
Giữa lối đi vào rộng rãi thoáng mát, một nhóm phụ nữ ngồi quây quần vừa trò chuyện rôm rả xoắn từng chiếc kẹo vào vỏ. Một bà mẹ trẻ vừa làm vừa nựng con nhỏ đang nằm gọn lỏn trong lòng trước sự xuýt xoa trìu mến của các “dì”. Cũng có một vài chị tách ra làm riêng trước căn phòng của mình, thỉnh thoảng lại với tay vào phòng lắc võng ru bé ngủ
Chị Nguyễn Thị Hoa (SN 1976, nhóm trưởng) cho hay, khu nhà có 12 phòng ở với gần 30 người, 1 phòng sinh hoạt chung và một khu bếp chung. Hàng ngày, mọi người luân phiên nhau dọn dẹp vệ sinh, đi chợ nấu nướng còn những người khác sẽ làm việc, học hành và chăm sóc con nhỏ.
“Những người bận con nhỏ thường làm việc riêng trước phòng để vừa làm vừa chăm con. Những người đang mang bầu thì tụ tập chỗ khác để tám chuyện mà không ảnh hưởng tới giấc ngủ hay làm em bé giật mình. Ở đây mọi người đều có chung cảnh ngộ nên hết lòng giúp đỡ và yêu thương nhau như chị em trong nhà”, chị Hoa chia sẻ.
Tuy nhiên, vì từng mất lòng tin nên không phải ai cũng sẵn sàng chia sẻ bi kịch của mình với người khác. Có người mất 1 tháng mới thổ lộ, có người dài hơn nhưng cũng có người giữ mãi trong lòng.
“Như em hồi mới vào mang cảm giác xấu hổ, tội lỗi, cũng sống khép mình, không dám để lộ nơi ở, chia sẻ chuyện buồn với ai vì sợ lộ ra gia đình, bạn bè sẽ biết chuyện. Em quen và yêu anh ấy mà không biết ảnh đã có vợ con. Tới lúc phát hiện ra sự thật thì đã có bầu. Vì sợ gia đình sốc, cũng không muốn là người phá hoại hạnh phúc người ta nên em âm thầm bỏ lên Biên Hòa vào nhà tạm lánh nương nhờ nhưng nói dối gia đình là tìm được chỗ làm mới”, một bà mẹ chia sẻ.
Đến ngày sinh em bé dù sức khỏe rất yếu, mọi người khuyên nên báo với gia đình nhưng chị không dám vì sợ xấu hổ. “Sau khi sinh sức khỏe cả hai mẹ con đều yếu, em buộc lòng phải liên lạc với anh trai. Anh trai em tức tốc cùng chị dâu đến thăm và chia nhau chăm sóc. Mãi khi được sự cảm thông của cả nhà, em mới chia sẻ chuyện của mình”, bà mẹ trẻ cho hay.
Khác với chị Hoa, bà mẹ gần phòng tên Tuyết lại hoàn toàn trái ngược. Ngay khi chân ướt chân ráo vào nhà tạm lánh em đã nức nở chia sẻ hoàn cảnh của mình. Em người miền Tây mới rời quê lên TP.HCM làm công nhân chưa được một năm. Tuyết quen với một công nhân cùng dãy trọ và sống như vợ chồng mà không hề biết gì về hoàn cảnh người tình.
Khi phát hiện có bầu thì người yêu nói về quê xin phép gia đình cưới hỏi nhưng một đi không trở lại. Tuyết giấu diếm mọi người cố chờ đến lúc thai nhi 5 tháng tuổi. Sợ mang tiếng “không chồng mà chửa” cô đã tìm đến bệnh viện định bỏ thai nhưng lúc này thai đã quá lớn không thể xử lý được nữa.
“Em tìm đến nhà tạm lánh trong tuyệt vọng, chỉ muốn được chia sẻ và trút gánh nặng mà không ngờ nhận được nhiều hơn những gì mình nghĩ. Em được mọi người quan tâm, chăm sóc, sinh con an toàn. Nhờ các chị dạy mà em biết đọc, viết và đã biết làm toán. Lúc con ngủ thì tranh thủ làm việc kiếm thêm tiền mua sữa tốt cho con”, bà mẹ trẻ cười giòn tan trong niềm hạnh phúc.
Cuối dãy nhà là căn phòng của ba mẹ con chị Phương. Dù sống ở đây khá lâu nhưng chị Hoa cho biết người phụ nữ này sống rất khép mình, không chia sẻ chuyện riêng với bất kỳ ai. Mọi người chỉ nghe láng máng, chị đến đây để trốn người chồng rượu chè, vũ phu đánh vợ đến mấy lần suýt sẩy thai song không dám hỏi vì ngại.
Những tấm lòng thiện nguyện
Anh Phạm Quốc Cường, quản lý nhà tạm lánh cho biết, khu nhà được xây dựng trên ý tưởng của linh mục Nguyễn Văn Tịch, chánh xứ Nhà thờ Tây Hải (phường Hố Nai, TP. Biên Hòa) lập nên từ năm 2011.
Sau khi xây dựng xong nghĩa trang hình bàn tay cho những hài nhi bị bỏ rơi, cha Tịch lại trăn trở khi thấy số lượng thai nhi quy tụ về nghĩa trang ngày càng nhiều. Những người mẹ bỏ thai nhi hầu hết là các cô gái trẻ nhẹ dạ cả tin, công nhân hoặc sinh viên chưa tự chủ cuộc sống nhưng bị người yêu bỏ rơi khi mang bầu.
Vì muốn hạn chế phần nào tình trạng nạo phá thai, giúp các cô gái lầm lỡ giữ lại đứa con của mình, cha Tịch đã kêu gọi giáo dân, các nhà hảo tâm quyên góp xây ngôi nhà tạm lánh giúp những người phụ nữ ấy có một mái ấp như gia đình, “mẹ tròn con vuông” mà không chịu sự kỳ thị của xã hội.
Nhà tạm lánh ban đầu chỉ là một ngôi nhà cấp 4 bình thường có 7 phòng, nhưng theo thời gian “tiếng lành đồn xa” rất nhiều thai phụ đến nương nhờ, cha Tịch một lần nữa lại kêu gọi sự quyên góp của mọi người xây dựng khu nhà mới với diện tích 750m² khang trang, rộng rãi hơn.
Khu nhà mới gồm hai dãy, ở giữa là hành lang lát gạch sạch sẽ, rộng thênh thang vừa là nơi để xe vừa là nơi sinh hoạt, làm việc của những thai phụ đang trong thời kỳ chuẩn bị sinh đẻ và ở cữ. Khu nhà có 12 phòng, mỗi phòng có thể ở từ 3-5 người, nhưng việc phân chia phòng ở tùy theo hoàn cảnh cụ thể.
Có phòng ở đến 5 người nhưng người mới sinh thường được ưu tiên ở phòng riêng để tiện việc chăm sóc con nhỏ. Những cháu cứng cáp hơn, tùy theo độ tuổi, sức khỏe sẽ được ở ghép với nhau sao cho phù hợp, thuận tiện nhất. Việc ăn ở, sinh hoạt hàng ngày đều theo quy định chung của khu nhà với sự thống nhất của mọi người.
Vì xem nhau như người nhà, như chị em gái nên chuyện dọn dẹp vệ sinh, đi chợ, nấu nướng đều diễn ra rất vui vẻ, người này rảnh thì giúp đỡ người kia không hề tính toán. Thông thường khoảng 11h và 6h mọi người sẽ tập trung lại để ăn trưa, ăn chiều. Mỗi tuần vào ngày cuối tuần mọi người dành một khoảng thời gian nhất định sinh hoạt chung vừa kết nối tình cảm với nhau vừa gỡ bỏ những bất cập, vướng mắc nếu có trong quá trình sinh hoạt.
Để đảm bảo cuộc sống cho các chị em trong thời kỳ thai nghén, linh mục Tịch không chỉ hỗ trợ chỗ ở, một phần tiền ăn mà còn lo tìm việc làm thêm cho chị em kiếm tiền cải thiện cuộc sống và dành dụm khi sinh nở. Không những thế, 3 tháng 10 ngày sau sinh, sản phụ không mất tiền viện phí, thuốc thang.
“Những người lỡ tìm đến nhà tạm lánh đều vì muốn giấu gia đình và mong tìm được sự giúp đỡ của người khác. Với cương vị là người quản lý, tôi chia ra từng thời gian giúp đỡ và các cách cụ thể. Giai đoạn mới vào thì nên để họ tin tưởng, thấy được sự cảm thông, chia sẻ để ổn định tinh thần. Sau sẽ giúp đỡ họ về vật chất, việc làm tiếp đến giúp họ lấy lại niềm tin, dũng cảm đối mặt với thực tại để thú nhận mọi chuyện với gia đình”, anh Cường chia sẻ./.
(Tên nhân vật đã được thay đổi)
Minh Quân
Theo: Pháp luật