Chúng ta hãy thực thi 14 mối thương người: cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, cho khách đỗ nhà, viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc, chôn xác kẻ chết, lấy lời lành mà khuyên người, dậy dỗ kẻ mu muội, yên ủi kẻ âu lo, răn bảo kẻ có tội, tha kẻ dể ta, nhịn kẻ mất lòng ta, cầu cho kẻ sống và kẻ chết. Đặc biệt hãy nghĩ đến và mở tâm hồn giúp đỡ những ai đang sống ngoài lề xã hội, những người không có tiếng nói, chịu bất công xã hội, những người “nhỏ bé”, đau khổ, bệnh tật, cô đơn, những người bị tước đoạt nhân phẩm. Chúng ta hãy cố gắng thăm hỏi và đưa những người đã xa rời Giáo Hội hay đang trong những hoàn cảnh ngoại lệ đến đón nhận lòng thương xót Chúa”. (Trích thư mục vu Mùa Chay)
*********************
TÒA TỔNG GIÁM MỤC HÀ NỘI
40 Phố Nhà Chung – Hà Nội
Hà Nội, ngày 06 tháng 02 năm 2016
THƯ MỤC VỤ MÙA CHAY NĂM 2016
Kính gửi: Các Linh mục và các tín hữu trong TGP Hà Nội
Quý Cha và anh chị em thân mến,
Chúng ta sắp bước vào Mùa Chay trong Năm Thánh Lòng Thương Xót.
Trong thư mục vụ Mùa Chay này tôi muốn cùng các cha và anh chị em suy niệm về lòng thương xót Chúa và áp dụng cụ thể vào Mùa Chay năm nay để chúng ta sống đích thực là những môn đệ của Chúa Giêsu, Đấng là “khuôn mặt của lòng thương xót Chúa Cha” để chúng ta trở nên vững bước hơn trong cuộc hành trình đức tin.
1. Bản chất của lòng thương xót Chúa
“Lòng thương xót Chúa không phải là ý tưởng trừu tượng, nhưng là một thực tại cụ thể qua đó Ngài mạc khải tình yêu của Ngài như của một người cha hay một người mẹ, rung động đến tận những sâu thẳm của tình yêu dành cho con cái mình” (Khuôn Mặt Thương Xót, số 6). Đức Giêsu là định nghĩa của lòng thương xót Chúa. Trong cuộc đời của mình Đức Giêsu luôn diễn tả lòng thương xót Chúa với việc rao giảng Tin Mừng bằng lời nói, hành động và cả sự hiện sinh của Người. Chúa Giêsu không chỉ là người tốt lành làm việc thiện cho mọi người mà ngài hiến mình chết trên thập giá và phục sinh để tiêu diệt tội lỗi là cội rễ của đau khổ và nối kết con người với Thiên Chúa. Ai xem thấy Đức Giêsu là xem thấy Chúa Cha (Ga 14:9). Trong Đức Giêsu, Chúa Cha nhìn vào chúng ta với lòng thương xót là khuôn mặt của yêu thương. Ai đón nhận lòng thương xót của Đức Giêsu là đón nhận và kinh nghiệm được lòng thương xót của Chúa Cha. Con Thiên Chúa đến để tìm kiếm những kẻ lạc mất.
Đức Thánh Cha Phanxicô cảnh giác chúng ta không nhầm lẫn lòng thương xót với “khuynh hướng phá hủy sự thiện” tức là nhân danh lòng “thương xót giả mạo” để băng bó các vết thương mà trước đó không chữa trị vết thương, chỉ chữa trị những triệu chứng mà không chữa căn nguyên của bệnh tật (Bài diễn văn kết thúc Thượng hội đồng ngoại thường về gia đình, tháng 10 năm 2014). Lòng thương xót Chúa không phải là sự tha bổng để tự do phạm tội hay làm cho tội không còn phải là sự dữ. Sứ điệp của lòng thương xót Chúa không phải là một sứ điệp của ân sủng rẻ mạt: Thiên Chúa luôn kỳ vọng chúng ta làm điều chính trực và điều thiện. “Lòng thương xót không mâu thuẫn với công lý nhưng trái lại thể hiện đường lối Chúa vươn đến các tội nhân, cho họ một cơ hội mới để nhìn vào chính mình, hoán cải, và tin tưởng” (Khuôn Mặt Lòng Thương Xót, số 21). Tựu chung, thương xót là ân sủng để chúng ta hoán cải.
2. Như đã lãnh nhận lòng thương xót Chúa, chúng ta hãy trao ban lòng thương xót
Chúa Giêsu không chỉ thể hiện lòng thương xót Chúa Cha mà còn đòi hỏi các môn đệ của Người có lòng thương xót khi Chúa dùng các dụ ngôn về lòng thương xót. “Ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao?” (Mt 18: 33). Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ: “Hãy thương xót như Cha anh em là Đấng có lòng thương xót” (Lc 6:36). “Phúc cho những ai có lòng thương xót vì người ấy sẽ được Chúa xót thương” (Mt 5:7). Vì thế khẩu hiệu của Năm Thánh này là “Hãy Thương Xót Như Chúa Cha.”
Lòng thương xót Chúa là nguồn sống của Hội Thánh. Khởi đầu mỗi Thánh Lễ, cộng đoàn Hội Thánh luôn khẩn cầu: Lạy Chúa, xin thương xót chúng con. Thực thi lòng thương xót là nhiệm vụ của cả Hội Thánh và mỗi người chúng ta. Đức Thánh Cha Phanxicô dạy chúng ta: “Thương xót là nhịp tim đang đập của Tin Mừng, là điều phải tìm được cách thấm nhập trái tim và tâm trí của mỗi người. Hiền thê của Chúa Kitô phải rập khuôn hành vi của mình như Con Thiên Chúa, Đấng đã vươn ra với mọi người không coi ai là ngoại lệ. Ngôn ngữ và những cử chỉ của Giáo Hội phải chuyển tải lòng thương xót, để chạm vào tâm hồn của tất cả mọi người và truyền cảm hứng cho họ một lần nữa để tìm ra con đường dẫn đến Chúa Cha. (Khuôn Mặt Lòng Thương Xót, số 12).
3. Sống lòng thương xót Chúa trong Mùa Chay 2016
a. Lãnh nhận lòng thương xót để hoán cải
Đức Thánh Cha thường nhắc nhở Giáo Hội “đi ra bên ngoài” để tiếp cận mọi người là Giáo Hội mở rộng cánh cửa để mọi người có thể gặp Chúa. Thay vì trở thành những người tài phán ban phát ân sủng, Giáo Hội phải giúp đỡ các tín hữu lãnh nhận ân sủng Chúa qua các bí tích (Niềm Vui Tin Mừng, số 47). Thiên Chúa không bao giờ mỏi mệt khi tha thứ. Lòng thương xót Chúa như con suối không bao giờ cạn, không bao giờ ngừng (Khuôn Mặt Lòng Thương Xót, số 25).
Lòng thương xót Chúa là sự tha thứ tội lỗi. Như Đức Thánh Cha đã kêu gọi, chúng ta sẽ tổ chức 24 giờ cho Chúa từ thứ Sáu đến thứ Bảy (ngày 4-5/3/2016) trước Chúa Nhật IV Mùa Chay tại giáo xứ. Mỗi giáo xứ hay những giáo xứ ở gần nhau sẽ tổ chức chầu Thánh Thể, để mọi người có cơ hội cầu nguyện sốt sáng liên lỉ, nhất là tập thói quen có nhiều khoảnh thời gian thinh lặng để cầu nguyện, trong khi đó các cha sẽ giải tội cho các tín hữu.
Chúng ta hãy mở rộng tâm hồn đón nhận lòng thương xót Chúa nơi bí tích Hòa Giải và Thánh Thể. Xin các cha trong Năm Thánh và trong Mùa Chay hãy tạo điều kiện và giúp cho các tín hữu lãnh nhận ân sủng một cách dễ dàng, nhất là những người đã lâu năm không được xưng tội rước lễ mà nay không còn bị ngăn trở theo giáo luật và những người còn sợ hãi không dám đến nhà thờ vì nhiều lý do.
b. Tỏ lòng thương xót cho người khác
Chúng ta hãy thực thi 14 mối thương người: cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, cho khách đỗ nhà, viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc, chôn xác kẻ chết, lấy lời lành mà khuyên người, dậy dỗ kẻ mu muội, yên ủi kẻ âu lo, răn bảo kẻ có tội, tha kẻ dể ta, nhịn kẻ mất lòng ta, cầu cho kẻ sống và kẻ chết. Đặc biệt hãy nghĩ đến và mở tâm hồn giúp đỡ những ai đang sống ngoài lề xã hội, những người không có tiếng nói, chịu bất công xã hội, những người “nhỏ bé”, đau khổ, bệnh tật, cô đơn, những người bị tước đoạt nhân phẩm. Chúng ta hãy cố gắng thăm hỏi và đưa những người đã xa rời Giáo Hội hay đang trong những hoàn cảnh ngoại lệ đến đón nhận lòng thương xót Chúa.
Như mọi năm, xin anh chị em hãy quảng đại đóng góp giúp người nghèo và những cộng đoàn nghèo trong TGP vào Chúa Nhật V Mùa Chay.
Lạy Chúa Giêsu, xin thương xót chúng con là những kẻ tội lỗi. Cầu chúc quý cha và anh chị em năm mới tràn đầy lòng thương xót Chúa và một Mùa Chay thánh thiện. Xin cầu cho Đức Cha Phụ Tá và cho tôi.
Thân ái trong Chúa Kitô,
Theo Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn-Tổng Giám Mục Hà Nội