Theo báo cáo mới công bố ngày 27-9 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 25,5 triệu ca phá thai được tiến hành tại các cơ sở y tế “chui” hoặc thậm chí tại nhà và bằng các phương pháp lạc hậu.
Tuyệt đại đa số (97%) là diễn ra tại các nước châu Phi, châu Á và khu vực Mỹ Latinh, đe dọa tính mạng của 24 triệu phụ nữ.
Trong khi đó, tại các nước phát triển là một bức tranh khác hẳn.
Báo cáo đăng trên tạp chí y tế The Lancet, sử dụng số liệu thu thập trong giai đoạn 2010-2014, cho thấy tỷ lệ các ca phá thai đạt tiêu chuẩn an toàn đều trên 90%, trong đó, cao nhất là Bắc Mỹ (99%), theo sau là Bắc Âu (98%), Tây Âu (94%) và Nam Âu (91%).
Chỉ có 3 khu vực đang phát triển đạt tỷ lệ số ca phá thai an toàn trên 50% là Đông Nam Á (60%), Tây Á (52%) và Nam Phi (74%).
Khác với các tài liệu trước đó, báo cáo này của WHO tiếp tục xếp những ca phá thai không an toàn này thành 2 nhóm, theo đó, trên 67% trường hợp được xếp vào dạng “kém an toàn” vì sử dụng thuốc mà không có sự hỗ trợ của các chuyên gia y tế hoặc sử dụng các phương pháp lỗi thời như nạo thai, song do những người được đào tạo tiến hành.
Có khoảng 31,4% các ca phá thai không an toàn thuộc loại “an toàn tối thiểu” với người tiến hành là những người không được đào tạo chuyên môn và sử những phương pháp can thiệp nguy hiểm. Phần lớn các ca phá thai tại châu Phi đều thuộc nhóm này và đi kèm với tỷ lệ tử vong cao.
Theo tác giả nghiên cứu Bela Ganatra, có sự liên quan mật thiết giữa luật phá thai và mức độ an toàn của các ca phá thai. Cụ thể, tại 57 quốc gia – nơi công nhận quyền được nạo phá thai của phụ nữ – số ca xử lý an toàn là 90%.
Trong khi đó, tại 62 nước cấm việc phá thai hoặc chỉ cho phép trong trường hợp khẩn cấp, tỷ lệ phá thai an toàn chỉ là 25%.
Theo số liệu của WHO, khoảng 47.000 phụ nữ tử vong do phá thai mỗi năm, chiếm gần 13% các ca tử vong liên quan tới thai sản trên toàn thế giới.
theo báo tuổi trẻ