“Mẹ Què” – cuốn tự truyện đầy nước mắt của một người mẹ đơn thân tật nguyền

me-que-01“Tôi vẫn chẳng thể tưởng tượng nổi nỗi đớn đau khi chị bị người ta chà đạp, hãm hại để rồi trở thành một người mẹ đơn thân, tự vật lộn với cuộc đời để nuôi con lớn từng ngày…”, Vân Hugo chia sẻ về tác giả cuốn tự truyện đầy ám ảnh “Mẹ què”.

Vác cả gánh nặng trên đôi chân tật nguyền

“Đã bao lần tôi chẳng cầm được giọt nước mắt khi nghĩ về cuộc đời chị. Đã bao lần tôi thử tưởng tượng về cái nỗi đau của đôi chân tật nguyền mỗi khi thời tiết “đỏng đảnh thất thường”, nỗi chua chát sau những lần bị lừa gạt, nỗi cô đơn khi sống không gia đình, nỗi mòn mỏi của cuộc sống tha hương…

Nhưng tôi vẫn chẳng thể tưởng tượng nổi nỗi đớn đau khi chị bị người ta chà đạp, hãm hại để rồi trở thành một người mẹ đơn thân, tự vật lộn với cuộc đời để nuôi con lớn từng ngày…” (Vân Hugo).

Đây chỉ là một dòng suy nghĩ cũng của một người làm mẹ dành cho tác giả cuốn tự truyện “Mẹ què”. Chị – con người tật nguyền bị cả gia đình quay lưng, sống cảnh chửa hoang, nuôi con lớn từng ngày.

Giữa nơi phố thị phồn hoa, hai mảnh đời éo le, nhỏ bé ấy đang sống lay lắt qua ngày. Nỗi tủi nhục, sự bất hạnh, cái nhìn của người đời và mọi thăng trầm trong cuộc sống… đều được tác giả với bút danh Thiện Tâm (Xin giấu tên thật) ghi lại chân thực và đầy cảm động trong cuốn tự truyện với cái tên biết bao ám ảnh. Chị sinh năm 1987, quê ở Bắc Giang.

Một ngày đối với chị cũng như bao ngày khác. Nhiều năm nay, chưa bao giờ chị được say giấc. Giấc ngủ chập chờn cứ kéo dài và không biết đến bao giờ mới kết thúc. Tiếng con khóc, tiếng đời đang réo gọi, dư âm của quá khứ, nỗi lo của tương lai…, tất cả cùng bủa vây lấy chị như một tấm lưới chằng chịt không lối thoát.

me-que-02

Những góc khuất trong cuộc sống của một người mẹ què

Ngày thức để trông con, đêm thức để làm việc kiếm tiền. Dường như cơ thể chị không lúc nào được ngơi nghỉ. Chân yếu, chợ xa, có khi cả tuần chị chỉ ăn trứng hấp cơm. Nhà trọ chật chội, ẩm thấp, che gió che mưa cho hai mảnh đời bất hạnh: chị và đứa con gái nhỏ – kết quả của một lần chị bị lừa gạt, hãm hại trong đêm mưa. Chị tự sự đã từng ghét bỏ con, trút mọi căm giận lên con… nhưng con vẫn sống. Có thể, con đến với thế giới này để xoa dịu những vết thương trong cuộc đời chị.

Sau một trận ốm thập tử nhất sinh từ khi còn nhỏ, ông trời lấy đi mất ở chị đôi chân khỏe mạnh. Không chịu được những trận đồn roi từ người bố, sự ghẻ lạnh từ gia đình, sự khinh miệt từ làng xóm… chị bỏ nhà ra đi lên Hà Nội – nơi chị mới chỉ nghe qua trong những câu chuyện. Để từ đây, cuộc sống của chị bước sang trang khác: nhiều màu hơn nhưng không kém phần u tối.

Đã từng sống cầu bất cầu bơ nơi bến xe, bị đồng nghiệp lừa từng đồng lẻ, bị hàng xóm chửi rủa vì khinh ghét… chị mạnh mẽ hơn, thấm đời hơn. Bạo lực gia đình, nạn hiếp dâm, bệnh vô cảm…, biết bao sự bất công trong xã hội vẫn còn tiếp tục diễn ra âm ỉ trong cuộc sống ngày nay.

“Phải sống chứ không chỉ là tồn tại”

Trải lòng mình trên từng trang viết, chị muốn đến gần với mọi người hơn. Chị muốn mọi người hiểu rằng, chị vẫn đang tiếp tục cố gắng sống, chứ không phải chỉ là tồn tại. Chị vẫn hàng ngày tập làm quen với cuộc sống xung quanh, tập làm mẹ để chở che cho đứa con nhỏ… Đã kinh qua biết bao mưa gió cuộc đời, chị càng phải mạnh mẽ bước tiếp về phía trước.

Chị mong rằng, xã hội sẽ có những cái nhìn bao dùng và thân thiện hơn với những mảnh đời tật nguyền bất hạnh, với những bà mẹ đơn thân… và với những đứa trẻ sống trong một gia đình không hoàn chỉnh.

Cuộc đời có những người vô tình, máu lạnh… nhưng cũng không thiếu những tấm lòng nhân ái. Họ có thể không giàu về vật chất, nhưng tình thương người thì vô vàn. Và chị cũng đã may mắn gặp được những người như thế. Họ vẫn hàng ngày khích lệ hai mẹ con, cùng chia ngọt se bùi với chị… Những con người xa lạ mà thân thiết hơn cả máu mủ, ruột thịt.

Dòng đời vẫn cứ trôi, con vẫn cứ lớn hàng ngày và chị ngày một yếu. Với đồng lương ít ỏi từ việc gõ capcha mỗi đêm, chị không chắc hai mẹ con chị trong tương lai sẽ đi về đâu. Có đau khổ, có dằn vặt, có tiếc nuối… nhưng vẫn lạc quan, chị cứng đầu nhưng không bi lụy. Sống để làm mẹ, sống để có ích cho đời và chị mong câu chuyện của mình cũng sẽ tiếp thêm sức mạnh cho những mảnh đời éo le khác.

Phương Nhung

Theo Dân Trí

Check Also

Truyền thông Bảo Vệ Sự Sống (BVSS) tại Đại hội giới trẻ Giáo phận Thanh Hoá ngày 25/8/2024

Ngày 25/8/2024, tại giáo xứ Hữu Lễ – Giáo phận Thanh Hoá, đã diễn ra …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.