Thuốc ARV đang được cấp phát miễn phí cho người nhiễm HIV chủ yếu từ nguồn tài trợ quốc tế. Ước tính mỗi năm số tiền chi trả cho loại thuốc này khoảng 420 tỷ đồng. Trong năm 2015, nguồn ngân sách Nhà nước chiếm tỷ trọng khoảng 15% chi phí mua thuốc ARV. Thuốc ARV vừa có tác dụng điều trị, vừa có tác dụng dự phòng, vì thế mục tiêu kết thúc dịch AIDS vào năm 2030 cũng sẽ không còn xa vời nếu việc điều trị thuốc này được đảm bảo liên tục và bền vững.
Tuy nhiên hiện nay các tổ chức quốc tế đã cắt giảm kinh phí viện trợ cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS và chưa có bất kỳ tổ chức nào cam kết hỗ trợ Việt Nam sau năm 2017 kể cả kinh phí mua thuốc ARV. Do vậy trong tương lai người nhiễm HIV sẽ không tiếp tục được nhận thuốc ARV miễn phí.
Cả nước có hơn 100.000 người đang được điều trị miễn phí bằng thuốc này, chiếm hơn 40% số người nhiễm HIV còn sống tại Việt Nam. Nếu không được phát thuốc ARV miễn phí, nhiều người bệnh có nguy cơ sẽ bỏ điều trị dẫn đến nguy cơ chuyển sang AIDS và tử vong sớm; đồng thời làm tăng nguy cơ lây nhiễm đại dịch kháng thuốc ra cộng đồng.
“Giải pháp hiệu quả trước mắt là Chính phủ cần tăng chi ngân sách hằng năm để mua thuốc, đảm bảo các bệnh nhân được điều trị ARV liên tục. Lâu dài là cần nhanh chóng triển khai chi trả khám, chữa bệnh HIV/AIDS từ nguồn bảo hiểm y tế, tăng tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS tham gia bảo hiểm y tế”, tiến sĩ Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cho biết.
Tuy nhiên thực tế số bệnh nhân HIV có thẻ bảo hiểm y tế hiện ở mức rất khiêm tốn, chỉ 30% bệnh nhân có thẻ. Một phần vì tâm lý mặc cảm, lo sợ bị kỳ thị, một phần vì đang được cấp thuốc miễn phí nên nhiều người chưa cảm thấy thực sự cần thiết tham gia bảo hiểm y tế.
“Chúng tôi mong rằng chính người nhiễm HIV phải nhận thức được sự cần thiết của bảo hiểm y tế trong việc duy trì điều trị ARV trong thời gian tới và cần chuẩn bị thẻ để tiếp tục được điều trị ARV lâu dài. Đồng thời, người nhiễm HIV cũng cần vượt qua mặc cảm, không tự kỳ thị để tiếp cận các dịch vụ dự phòng và điều trị HIV/AIDS”, ông Long kêu gọi.
Bộ Y tế cũng đã chuẩn bị trình Chính phủ các giải pháp để tiến tới tạo điều kiện cho người nhiễm HIV có thẻ bảo hiểm y tế sẽ tiếp tục được điều trị ARV khi nguồn tài trợ chấm dứt. Kết hợp các giải pháp này cùng với sự chung tay của các địa phương trong việc hỗ trợ người nhiễm HIV, Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu là một trong những nước đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á, tiến tới kết thúc dịch HIV/AIDS vào năm 2030.
ARV là thuốc kháng virus có tác dụng ức chế sự sinh sôi và phát triển của HIV. Nó giúp cứu sinh mạng người nhiễm HIV. Nếu được uống thuốc sớm, liên tục và tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc điều trị, người bệnh sẽ giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội, giảm nguy cơ tử vong. Họ hoàn toàn có khả năng lao động và đóng góp cho kinh tế xã hội.
Theo Cục trưởng Hoàng Long, thuốc còn làm giảm nguy cơ lây truyền HIV sang người khác; điều trị ARV đúng có thể làm giảm đến 95% khả năng lây nhiễm HIV cho người khác. Nó cũng làm giảm lây truyền HIV từ mẹ sang con. Phụ nữ mang thai nhiễm HIV nếu không được điều trị ARV thì tỷ lệ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con là khoảng 30-40%; nếu được điều trị và các biện pháp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con thì tỷ lệ lây truyền chỉ còn dưới 2%.
theo: vnexpress.net