Theo cách này thì huyệt mộ được đào rộng và chia thành các ngăn tầng “chung cư” để đựng tiểu sành. Có hôm hài nhi về đông quá, ông Hào phải để các bé tạm trú trong tủ cấp đông.
LTS: Tạo hóa cho con người quyền sống và khi chết đi được yên nghỉ theo những cách tôn kính nhất. Thế nhưng, với những hài nhi bị tước quyền sống ngay từ trong bụng mẹ thì còn có số phận không thể phũ phàng hơn.
Nhiều người đặt câu hỏi, ở các thành phố lớn, các khu công nghiệp, nơi tập trung đông dân thì sau khi tước bỏ quyền sống, cả ngàn hài nhi ấy sẽ được chuyển đi đâu, an táng thế nào?
Trả lời câu hỏi đó, chúng tôi đã tận thấy một sự thật kinh hoàng, phần lớn những hài nhi đó được người ta chuyển thẳng vào… bãi rác.
Cả trăm hài nhi bốc mùi, cả nhà sống trong tử khí
Không biển bảng chỉ đường, không đường nhựa, đường bê tông dẫn lối nên nhiều người đã vô cùng ngạc nhiên khi biết cách Hà Nội không xa, tại ngôi làng nhỏ thuộc xã Thanh Xuân (Sóc Sơn) có một nghĩa địa lạ kỳ chuyên an táng những hài nhi xấu số.
Nghĩa địa này do mấy người dân trong xã lập ra và xây dựng từ năm 2007. Và, chỉ sau 8 năm tồn tại, đến thời điểm này đã có hơn 80 nghìn hài nhi được quy tập, an nghỉ tại đây.
Những hài nhi ấy cơ bản lìa đời ngay trong bụng mẹ. Chúng chết sau một cuộc phẫu thuật tàn khốc mà người ta vẫn gọi bằng cụm từ đau đớn “nạo hút thai”.
Chúng tôi tìm đến nghĩa trang đồi Cốc vào giữa buổi trưa. Tiết đông mà trời chang chang nắng. Nghĩa trang nằm ở ria cánh đồng, không cây bóng mát mà mấy bác thợ xây vẫn đang miệt mài làm việc.
Gặp chúng tôi, một bác bảo, đang cố xây thêm mấy tầng mộ nữa để cuối tuần cho mấy trăm bé… “vào nhà mới”.
“Ở đây nhiều khi chúng tôi phải xây dựng theo kiểu chạy đua với thời gian ấy. Các cháu về mỗi ngày một nhiều. Về đây mà không có nhà ở ngay, cứ nằm trong tủ lạnh thì tội lắm”, bác thợ xây này chia sẻ.
Theo số điện thoại ghi trên nhà tưởng niệm, chúng tôi liên hệ với ông Nguyễn Văn Thạo, Trưởng ban quản lý nghĩa địa kỳ lạ này. Nhà ông Thạo ở cách nghĩa trang có vài trăm mét.
Ông Thạo mặt hiền khô, có nhiều nét của người lam lũ. Hỏi về việc làm lạ lùng mà ông cùng mấy nông dân trong xóm âm thầm làm suốt mấy năm qua, ông chỉ cười rồi bảo:
“Đất trời ban cho con người sự sống và sự sống bắt đầu ngay khi hài nhi mới phôi thai. Ngay từ nhỏ con người đã được dạy để yêu thương đồng loại.
Bởi thế, hà cớ gì lại đối xử tàn nhẫn với những hài nhi. Chúng cũng là người, đời cay nghiệt không cho chúng được sống thì khi chết, chúng cũng cần phải được yên nghỉ như người ta chứ!”.
Theo lời ông Thạo thì ông và mọi người âm thầm đi xin hài nhi về đây chôn cất là dựa vào lời chỉ dẫn của Đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt, khi đó là giáo sư trường Đại Chủng viện thánh Giu-se Hà Nội giờ là Giám mục chính tòa Giáo phận Bắc Ninh.
Năm 2007, ông Thạo và một số người dân trong đó có bà Nguyễn Thị Nhiệm, bà Nguyễn Thị Quế làm nòng cốt đã bắt tay vào thực hiện sứ mệnh cao cả này. Ông bảo, không tận tâm, không thực tâm thì không thể nào làm được
Chỉ sau mấy ngày tìm kiếm, mọi người đã gom được hơn 200 hài nhi. Con số này đã khiến nhiều người choáng váng bởi chẳng ai có thể nghĩ người đời lại “xổ ruột”, tống ra giọt máu của mình nhiều đến vậy.
“Thì tôi cũng cứ nghĩ là đi kiếm tìm giỏi lắm thì cũng chỉ được độ hơn chục cháu thôi, chôn đâu đó trong vườn, trong bãi thôi, ai ngờ…” , ông Thạo hồi tưởng.
Ngày ấy, ông Thạo lên làng gốm, đặt những chiếc niêu đất xinh xinh làm “áo quan” cho các sinh linh bé nhỏ. Tự tay ông tắm rửa cho từng cháu rồi xép chúng nên chiếc chõng tre ở ngay trái nhà bởi… không có chỗ chôn.
Trong xóm khi ấy nhiều người bảo ông và những cộng sự đắc lực của mình bị… điên nặng, bị ma ám, quỷ hành.
Cũng có người phản đối ra mặt, họ bảo, họ chẳng quan tâm đến việc nhân đức ông làm, họ sợ những hài nhi ấy đem về xóm những căn bệnh bí hiểm.
“Đúng là để vài ngày thì những hài nhi ấy bốc mùi khó chịu thật, nhưng ngay trong lúc đó chúng tôi chẳng biết xoay sở làm sao”, ông Thạo nhớ lại.
Thế rồi, tình thế căng thẳng ấy đã được cha xứ Phê-rô Mai Viết Thắng ở giáo xứ Nội Bài gỡ rối. Cha xin một phần đất nhỏ ở nghĩa trang của giáo họ Bến Cốc để đưa các em vào an nghỉ.
Hết đất đặt mồ, hài nhi phải vào ở “chung cư”
Tìm được “mảnh đất cắm dùi”, ông Thạo, bà Nhiệm, bà Quế lại tiếp tục công việc thầm lặng nhưng đầy lòng nhân ái của mình. Bà Nhiệm, bà Quế được giao nhiệm vụ tới các bệnh viện, các cơ sở sản khoa để… xin hài nhi.
Xin hài nhi, thứ mà nhiều nơi người ta sẽ tống thẳng… bãi rác ấy tưởng đơn giản mà khó vô cùng. Nhiều nơi nghi ngờ cho rằng mấy bà này đi gom hài nhi về để bán sang Trung Quốc để họ bào chế thần dược gì đó.
“Đến giờ, chỉ có hai cơ sở y tế ở Đông Anh và Mê Linh là đồng ý cho thôi”, ông Thạo cho biết. Tuy nhiên, cũng theo ông Thạo, chỉ riêng 2 cơ sở ấy, thêm lượng nhỏ những hài nhi do các bạn sinh viên thiện nguyện tìm được thì nghĩa trang đã… quá tải rồi.
“Nếu gom được ở các bệnh viện lớn ở Hà Nội, rồi lấy từ các cơ sở nạo phá thai trong nội đô thì không biết số lượng sẽ khủng khiếp thế nào”, ông Thạo xa xót.
Theo người đàn ông có khuôn mặt khắc khổ này, trung bình mỗi tháng, nghĩa trang hài nhi do ông quản lý đón nhận khoảng 1000 sinh linh tội nghiệp.
Dẫn chúng tôi quay ngược ra nghĩa trang, theo ông Thạo, ngày còn đặt các em vào trong niêu đất, chỉ chừng hơn năm thì đã xếp cao như núi. Thấy an táng bằng các đó không ổn, ông và mọi người mới quyết định đưa các em vào tiểu sành.
“May mà mấy năm gần đây thỉnh thoảng có nhà thiện tâm đã hiến tặng tiểu sành đấy không thì cũng căng lắm. Đấy, anh xem, chỗ tiểu kia chỉ ít bữa là hết thôi!” , chỉ vào đống tiểu sành xếp cao quá đầu người ở ngay cạnh nghĩa trang, ông Thạo cho biết.
Cứ chừng chục hài nhi thì được ông Thạo và mọi người xếp ngay ngắn vào một tiểu sành. Với những em đã 7-8 tháng tuổi thì được ưu tiên, một mình một tiểu.
Và, khi an táng các bé bằng tiểu sành thì bởi nghĩa trang không còn nhiều đất, ông Thạo đã thống nhất với mọi người là an táng các cháu theo kiểu “ở nhà chung cư”.
Theo cách này thì huyệt mộ được đào rộng hơn tới cả vài chục mét và được chia thành các ngăn, mỗi ngăn rộng chừng gần chục mét, chứa tiểu theo từng tầng. Ông Thạo bảo, mỗi tầng xếp chừng 30 tiểu, cứ 3-4 tầng thì lấp đất, đổ bê tông một lần.
Ông Thạo bảo, trước đây nghĩa trang của chỉ nhường cho các hài nhi một góc nhỏ, tuy nhiên, bởi số lượng hài nhi bùng nổ khủng khiếp nên ông và mọi người phải đề đạt xin diện tích đất lớn hơn.
Bây giờ, thì trên diện tích rộng đến vài trăm mét vuông chỗ nào cũng có mồ tập thể. Ông Thạo lo lắng là chỉ vài năm nữa, nếu lượng hài nhi xấu số vẫn được chuyển về đều đặn như hiện này thì không biết sẽ chôn cất thế nào.
Tạm trú trong… tủ cấp đông
Bên trái nhà tưởng niệm là ngôi nhà cấp 4 còn thơm mùi vôi vữa do mới được dựng lại. Ngôi nhà ấy là nơi tập kết các hài nhi mới được chuyển về.
Giữa nhà là chiếc tủ cấp đông loại lớn. Ông Thạo bảo, đó là nơi các hài nhi nghỉ tạm trước khi được đưa đi chôn cất.
Thắp nhang trên ban thờ ở gần đó, ông Thạo mở tủ và ngỏ ý mời chúng tôi xem. Thực lòng, tôi không dám nhìn vào trong tủ ấy bởi chỉ nghe lời ông Thạo kể thì cũng đã quá đủ đau xót, quá đủ hãi hùng.
“Đấy các anh xem, có cả các em lớn đây này, thế có tội không!?”. Vừa nói ông Thạo vừa nhấc từ trong tủ ra chiếc hộp nhựa, trong đó có một hài nhi nằm lấp ló trong lớp khăn bông màu xanh dịu mát. Em bé nằm như đang say giấc.
Tâm sự với chúng tôi, ông Thạo bảo, cứ mỗi lần ra nghĩa trang, thấy “chung cư” hài nhi lại mọc thêm một khu mới, một sàn mộ mới thì ông lại thấy lòng mình nhói buốt.
Mê Linh và Đông Anh là nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, công nhân nơi từ nhiều địa phương cũng đổ dồn về đây làm việc, mưu sinh. Theo tìm hiểu của ông Thạo thì chính lối sống buông thả của nhiều công nhân đã khiến lượng hài nhi chuyển về nghĩa trang đồi Cốc bùng phát.
Theo Soha/Tri Thức Trẻ