Tôi giật mình khi tỷ lệ nạo phá thai ở Việt Nam sau 10 năm ngày càng trẻ hóa và chỉ có tăng chứ không giảm.
Cách đây gần 10 năm, tôi lúc đó đang chân ướt chân ráo ra Hà Nội nhập học Đại học. Trong buổi lễ mừng tân sinh viên, chủ đề khá đa dạng nhưng điều đọng lại ấn tượng trong tôi lớn nhất, đó chính là – vấn đề nạo phá thai của lớp trẻ.
Vấn đề này được trao đổi khá ngắn, chưa đến 15 phút, cả hội trường đang ồn ào, bỗng dưng lặng đi, bởi con số được đưa ra – mỗi năm số ca nạo phá thai tại Việt Nam là hơn 300.000 ca (năm 2012), trong đó học sinh, sinh viên chiếm từ 45-55%, đặc biệt độ tuổi xảy ra phá thai nhiều nhất là 15-19 tuổi.
Gần 10 năm qua đi, sáng nay, qua một chương trình truyền thông sức khỏe sinh sản cho sinh viên, tôi giật mình khi nhìn số liệu tỷ lệ nạo phá thai ở Việt Nam ngày càng trẻ hóa và chỉ có tăng chứ không giảm. Theo số liệu của Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, trung bình mỗi năm cả nước có gần 300.000 ca nạo hút thai, chủ yếu ở độ tuổi 15-19, trong đó 60-70% là học sinh, sinh viên. Tỷ lệ các ca phá thai của phụ nữ chưa kết hôn dao động từ 20-30%, trong khi tỷ lệ phụ nữ có gia đình và phá thai bất đắc dĩ hầu như chiếm tỷ lệ rất ít (chưa đến 1%).
Đáng chú ý, tỷ lệ phá thai trên 12 tuần tuổi chiếm tới gần 80%. Đặc biệt, Theo đánh giá của WHO, tỷ lệ nạo phá thai độ tuổi vị thành niên ở Việt Nam cao trong các nước Đông Nam Á. Ngoài ra, Việt Nam cũng là một trong năm quốc gia có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới – một thứ hạng không lấy gì làm vui vẻ và đáng tự hào.
Phải chăng người trẻ đang quá dễ dãi và chính sách cũng như giáo dục giới tính ở Việt Nam hiện nay đã “việt vị”? Tại sao tỷ lệ nạo phá thai ngày càng trẻ hóa? Tại sao tỷ lệ nạo phá thai những năm qua chỉ có tăng chứ không giảm? Tại sao gần 70% số ca nạo phá thai nằm trong độ tuổi vị thành niên (15-19 tuổi) và học sinh sinh viên – những người được xem là thế hệ kế cận của đất nước?
Phải chăng phụ huynh đang quá coi nhẹ việc giáo dục giới tính cho các em? Phải chăng nhà trường “bất lực” trong việc giáo dục, nâng cao nhận thức hay phải chăng chính người lớn chúng ta, đang tạo áp lực và những “tiền lệ xấu” để không những làm giảm mà làm tăng tỷ lệ nạo phá thai?
Thiết nghĩ, một đất nước khỏe thì cần những con người khỏe. Khỏe ở đây là lành mạnh, biết phòng tránh và sử dụng biện pháp an toàn. Khỏe ở đây là không để “ba giây rùng mình” rồi gánh hậu quả. Khỏe ở đây là không còn tỷ lệ 70% ca nạo phá thai đến từ học sinh, sinh viên. Và khỏe ở đây là nên có những dự án sâu rộng nhằm nâng cao nhận thức cho các em hơn nữa.
300.000 ca nạo phá thai – tương đương với 300 ngàn sinh linh không được thấy ánh mặt trời. Liệu có quá đáng khi lý do chỉ là những ích kỷ, kém hiểu biết, thiếu kiềm chế, cũng như liệu người trẻ có hối hận khi chục năm nữa nhìn lại và cảm thấy day dứt?