Cả gia đình suốt 6 năm thu gom và chôn cất xác thai nhi

BVSS (8.8.2016) – Ông Đinh Văn Trọng cùng vợ, con gái và con dâu đã dành nhiều thời gian, công sức gom và chôn cất những sinh linh bé bỏng bị bỏ rơi.

Gia đình ông Đinh Văn Trọng sống tại xóm 5, xã Cồn Thoi, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Gia đình ông Trọng làm nông nghiệp, nguồn thu nhập chính của gia đình là từ 2 hecta nuôi trồng thủy sản. Nhắc đến ông, người dân ở đây gọi ông với cái tên “Trọng thai nhi”, bởi ông đã dành 6 năm và không biết bao nhiêu công sức đi thu gom xác thai nhi về chôn cất.

Do ba người con trai của ông đi làm ở nước ngoài thường xuyên nên công việc này chỉ có hai vợ chồng cùng cô con gái và con dâu tham gia. Đây là công việc chính của gia đình ông, mọi người ai nấy cũng nhiệt tình bởi lương tâm và trách nhiệm của mình đối với những thai nhi vô tội.

Cách đây 6 năm trong một lần xem TV, ông Trọng bắt gặp những xác thai nhi xấu số khi bị cha mẹ vứt bỏ sẽ bị ném vào thùng rác, bỏ mặc cho kiến ăn, ruồi đậu… Những hình ảnh đó đã ám ảnh tâm trí của ông, thấy tội nghiệp cho những sinh linh vô tội đó, ông quyết sẽ đi gom xác thai nhi về chôn cất.

Từ đấy ông tìm đến các phòng khám ở bệnh viện để xin xác thai nhi về chôn cất, ban đầu người ta nghi ngờ việc làm của ông. Sau người ta hiểu được tấm lòng của ông hơi có xác thai nhi là người ta lại gọi ông đến lấy.

ca-gia-dinh-01
Ông Trọng bên cạnh chiếc tủ đông lạnh chứa xác thai nhi trước khi đem chôn cất.

“Lúc mới bắt đầu làm vất vả lắm, nhiều khi đi cả 30 km để lấy xác thai nhi, vì chưa có tủ lạnh nên tôi phải đi hơn 20 km từ nhà lên thị trấn Phát Diệm để gửi nhờ. Mới đây, mọi người khuyên góp mua một chiếc tủ lạnh, từ đó tôi không phải lên Phát Diệm nữa.” Ông trọng nói.

Bà Nguyễn Thị Nguyệt là vợ của ông Trọng cũng chia sẻ những khó khăn khi mới bắt đầu làm, bà cho biết: “Lúc mới làm rất là phức tạp, đi đâu người ta cũng xa lánh, nhiều lúc đi lễ, những người ngồi cạnh mình họ chuyển hết chỗ khác để ngồi. Lúc đấy nghĩ bụng cũng tức lắm, mình có làm gì đâu mà xa lánh vậy, mãi mới nghĩ ra chắc là do đi gom xác thai nhi nên người ta mới vậy”. Dù mọi người có xa lánh đến đâu thì bà Nguyệt vẫn không từ bỏ công việc, bà làm vì tấm lòng yêu thương cũng như làm một điều gì đó cho những sinh linh bé bỏng tội nghiệp.

Hiện tại ngoài việc đi gom xác thai nhi về chôn cất, gia đình và nhóm thiện nguyện của bà còn khuyên những người làm mẹ đừng phá bỏ đứa con vô tội của mình. Tính đến nay, nhóm của bà đã khuyên ngăn được 80 trường hợp. Bà Nguyệt vui vẻ cho biết: “Cháu lớn nhất năm nay đã 5 tuổi, nhìn cháu trai khỏe mạnh là niềm động viên khích lệ tôi với việc làm của mình. Nhiều lúc đi ngoài đường gia đình người ta gặp cảm ơn rối rít, thấy mình làm được một việc tốt tôi vui lắm”.

ca-gia-dinh-02
Bà Nguyệt mở quyển sách đặt tên cho các thai nhi.

“Biết được thông tin ai có ý định phá bỏ thai nhi là tôi phải nhờ xem có ai là người nhà của gia đình đó và nhờ dẫn xuống. Sau đó mình nói chuyện với người ta, chứ tự dưng mình đến nhà người ta đặt vấn đề như thế thì có mà bị chửi chết. Có nhiều trường hợp thì khuyên ngăn được thì tôi vui lắm, còn nhiều lần thì không khuyên được lúc đó tôi buồn lắm vì không còn cách nào tôi mới phải chịu. Những trường hợp khuyên được hôm sinh tôi cũng phải xuống chăm sóc đến bao giờ sinh xong thì tôi mới về”, bà Nguyệt chia sẻ khó khăn.

Cũng theo bà Nguyệt cho biết, hầu như những người có ý định phá bỏ thì người ta giấu không cho ai biết, việc khuyên ngăn cũng chẳng dễ dàng gì, nhiều lúc còn bị gia đình đó hiểu nhầm. Khó là thế nhưng gia đình bà vẫn phải làm vì cái tâm, đạo đức làm người với quan niệm “Cứu một mạng người hơn xây 7 tòa tháp”.

Dường như thấy việc bố mẹ đang làm là việc tốt, hai người con trong gia đình ông là Chị Mai Thị Dung (con dâu bà Nguyệt) và chị Đinh Thị Lan (con gái bà Nguyệt) cũng tham gia nhiệt tình bằng cả tấm lòng của mình. Dù có nắng hay mưa, có xa hay gần thì hai chị em vẫn đến để xin lại đem về chôn cất tử tế.

“Lần đầu tiên tôi đi làm là cùng với mẹ, do mẹ tôi không biết đi xe máy nên tôi phải trở mẹ đi. Lúc đó đi trên đường thấy sợ lắm do lúc thì thi thể em bé treo ở xe, lúc thì mẹ tôi cầm tay để ngay cạnh hông. Nhiều lúc nghĩ mà xót xa, các em đó có tội tình gì đâu mà mẹ các em lỡ đối xử như thế. Nếu tôi mà không mang về thì không biết có chuyện gì xảy ra nữa”, chị Dung chia sẻ.

ca-gia-dinh-03
Bà Nguyệt và cháu nội bên cạnh ngôi mộ tập thể chôn hàng nghìn xác thai nhi xấu số sau 6 năm thu gom.

Không biết là con gái hay trai nhưng các thai nhi vẫn được dặt những cái tên rất đẹp như Hoa, Hồng, Hải…“Trước khi đem chôn, chúng tôi làm lễ, đọc kinh, cầu nguyện như nghi thức tiễn biệt những người bình thường khác”, ông Trọng nói.

Khu mộ tập thể của các thai nhi xấu số rộng khoảng 80 m2 nằm trong nghĩa trang xã Cồn Thoi. Đã có hai ngôi mộ chôn gần 500 thai nhi được xây kiên cố, ghi cụ thể số lượng và ngày tháng thu gom được. Trong khu mộ đặc biệt này có hàng chục hố chôn đào sẵn. Hằng tháng nhóm của ông Trọng chôn cất khoảng 30-40 thai nhi. Cứ 3-4 tháng thì đầy một hố, một năm thì xây mộ thai nhi.

Ông Nguyễn Minh Lý, Chủ tịch Hội chữ thập đỏ xã Cồn Thoi cho biết, việc làm thiện nguyện của gia đình và nhóm thiện nguyện của ông Trọng hoạt động tự nguyện hơn 5 năm nay. “Đây là việc làm mang ý nghĩa nhân đạo. Mọi kinh phí để chôn cất hài nhi cũng do các ông bỏ ra hoặc từ nguồn ủng hộ”, ông Lý nói.

Theo Pháp Luật Việt Nam

Check Also

Truyền thông Bảo Vệ Sự Sống (BVSS) tại Đại hội giới trẻ Giáo phận Thanh Hoá ngày 25/8/2024

Ngày 25/8/2024, tại giáo xứ Hữu Lễ – Giáo phận Thanh Hoá, đã diễn ra …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.