Các Giám mục Công giáo EU chỉ trích lời kêu gọi bổ sung việc phá thai vào Hiến chương nhân quyền của Tổng thống Macron

Hôm thứ Ba, các Giám mục Công giáo trên khắp châu Âu đã bày tỏ “quan ngại sâu sắc” trước đề xuất của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về việc bổ sung việc phá thai vào Hiến chương về các quyền cơ bản của Liên minh Châu Âu (EU).

Trong một tuyên bố vào ngày 8 tháng 2, Chủ tịch Ủy ban Hội đồng Giám mục của Liên minh Châu Âu (COMECE) lưu ý rằng không có “quyền” nào đối với việc phá thai được quy định trong luật Châu Âu hoặc luật quốc tế.

“Việc nỗ lực thay đổi điều này bằng cách đưa ra một quyền được giả định đối với việc phá thai trong Hiến chương về các quyền cơ bản của Liên minh châu Âu không chỉ đi ngược lại đức tin và giá trị cơ bản của châu Âu, mà còn là một luật bất công, không có nền tảng đạo đức và được coi là một nguyên nhân về xung đột vĩnh viễn giữa các công dân của EU”, tuyên bố cho biết.

Tổng thống Macron đã phát biểu với các thành viên của Nghị viện châu Âu ở Strasbourg, miền đông nước Pháp, vào ngày 19 tháng 1 rằng Hiến chương về các quyền của EU cần được sửa đổi.

“Chúng ta phải cập nhật hiến chương này để trở nên rõ ràng hơn về việc bảo vệ môi trường, công nhận quyền phá thai”, ông Macron nói.

Ông cho biết thêm: “Chúng ta hãy mở cuộc tranh luận này một cách tự do với anh chị em đồng bào của chúng ta… để thổi một luồng sinh khí mới vào trụ cột của luật pháp vốn hướng tới một châu Âu với những giá trị mạnh mẽ”.

Hiến chương, được các quốc gia thành viên phê chuẩn vào năm 2000, thừa nhận quyền được sống nhưng không đề cập đến việc phá thai.

Tổng thống Macron đã đưa ra lời kêu gọi một ngày sau khi cơ quan xây dựng luật của Liên minh châu Âu đã bầu chọn chính trị gia ủng hộ lập trường phá thai người Malta, bà Roberta Metsola, vào vai trò tân Chủ tịch.

Bà Metsola kế nhiệm ông David Sassoli, người qua đời vào ngày 11 tháng 1 ở tuổi 65. Cuộc bầu cử của bà đã được cả các Giám mục EU lẫn các nhà lãnh đạo Giáo hội Malta hoan nghênh.

Nghị viện Châu Âu đã bỏ phiếu vào tháng 6 năm 2021 ủng hộ một báo cáo mô tả phá thai là dịch vụ “chăm sóc sức khỏe thiết yếu” và đồng thời tìm cách tái xác định sự phản đối theo lương tâm là “sự từ chối việc chăm sóc y tế”.

Báo cáo cũng tuyên bố rằng các hành vi vi phạm “quyền và sức khỏe sinh sản và tính dục” là “một hình thức bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái”.

Vào ngày 1 tháng 1, Pháp đã tiếp nhận chức vụ Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Liên minh châu Âu, tổ chức đàm phán và thông qua luật của EU với Nghị viện châu Âu.

COMECE, được thành lập vào năm 1980 và có trụ sở tại Brussels, bao gồm các Giám mục được ủy quyền bởi các Hội đồng Giám mục của 27 quốc gia thành viên của Liên minh Châu Âu. Một Giám mục duy nhất đại diện cho Đan Mạch, Thụy Điển và Phần Lan, tất cả đều là thành viên EU.

Chủ tịch của cơ quan này bao gồm Chủ tịch COMECE, Đức Hồng y Jean-Claude Hollerich, S.J., Đức Giám mục Mariano Crociata người Ý, Đức Giám mục Noel Treanor người Ireland, Đức Giám mục Jan Vokál người Cộng hòa Séc, và Đức Giám mục Franz-Josef Overbeck người Đức.

Trong tuyên bố của mình, Chủ tịch COMECE cho biết: “Kể từ khi bắt đầu thành lập, tiến trình hội nhập châu Âu luôn được Giáo hội ủng hộ và đồng hành một cách chặt chẽ”.

“Chúng tôi đồng tình với Tổng thống Macron về tầm quan trọng của việc bảo vệ và thúc đẩy các giá trị của Liên minh châu Âu. Nhưng chúng tôi muốn chỉ ra rằng một trong những giá trị chính yếu đó là việc tôn trọng phẩm giá của mỗi con người trong mọi giai đoạn của cuộc đời, đặc biệt là trong những tình huống hoàn toàn dễ bị tổn thương, như trường hợp của một đứa trẻ chưa chào đời”.

“Những người cha đẻ sáng lập ra Liên minh Châu Âu, dựa trên truyền thống nhân văn chân chính tạo nên Châu Âu như hiện nay, rất ý thức về tầm quan trọng cơ bản của phẩm giá bất khả xâm phạm của con người cũng như của cộng đồng như nền tảng chung cho Liên minh của chúng ta”.

Họ tiếp tục: “Chúng tôi nhận thức được bi kịch và sự phức tạp của những tình huống mà các bà mẹ đang cân nhắc việc phá thai tự nhận thấy mình trong đó. Việc chăm sóc những phụ nữ gặp hoàn cảnh khó khăn hoặc xung đột vì họ đang mang thai là một phần trọng tâm của sứ vụ tư tế của Giáo hội và cũng phải là nghĩa vụ mà xã hội của chúng ta phải thực hiện”.

“Những phụ nữ đang lâm cảnh phiền muộn không nên bị bỏ mặc bơ vơ, cũng không thể phớt lờ quyền sống của đứa trẻ chưa chào đời. Cả hai đều phải nhận được mọi sự giúp đỡ và hỗ trợ cần thiết”.

Nguồn: CNA

Check Also

Tôi được thụ thai sau bi kịch của mẹ nhưng thật mừng vì tôi đã không bị phá thai. Tôi không phải chết vì tội ác của cha mình.

Tôi là Chủ tịch của Save The 1 – một tổ chức bảo vệ sự …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.