Cấp cứu thành công sản phụ thai 37 tuần bị vỡ tử cung

Khoa Phụ sản, Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt (Vĩnh Phúc) vừa tiếp nhận cấp cứu thành công cho hai mẹ con sản phụ T., (43 tuổi, trú tại Sơn Dương, Tuyên Quang) bị vỡ tử cung.

Sản phụ T. mang thai tuần thứ 37, đã từng sinh mổ lần 1 cách đây 14 năm. Khoảng 4 – 5h sáng ngày 20/9, sản phụ bị ra nước ối, nhưng không nhập viện ngay. Đến 8h30 cùng ngày, sản phụ được người quen đưa vào Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt để cấp cứu.

Tại phòng khám Phụ sản, sản phụ đau bụng cơn dữ dội, ra nhiều máu âm đạo, khám cổ tử cung đã mở 3 – 4 cm. Hình ảnh siêu âm cho thấy: Ối vỡ, hoàn toàn không có ối, tim thai trên hình ảnh siêu âm vào thời điểm vào viện vẫn bình thường.

Sản phụ được khẩn trương chuyển lên Khoa Phụ sản để xử trí cấp cứu. Lúc này, cổ tử cung của sản phụ đã mở hết, đầu thai nhi đã lọt, sản phụ được chỉ định cho đẻ thường.

Sau khi thai sổ ra, sản phụ được tiến hành bóc rau nhân tạo ngay, kiểm soát buồng tử cung và đoạn dưới. Bác sĩ sản khoa phát hiện được điểm vỡ đoạn dưới tử cung ngay vết mổ cũ phía bên trái khá rộng (đưa được cả bàn tay qua vết vỡ).

BSCKI. Phan Hồng Chín, Trưởng Khoa Phụ sản, Phó Giám đốc bệnh viện đã khẩn trưởng hội chẩn với bác sĩ hồi sức cấp cứu, gây mê, tư vấn giải thích cho người nhà đi cùng, tiến hành chuyển sản phụ sang phòng mổ cấp cứu.

Trong mổ, các bác sĩ nhận thấy điểm vỡ bị tụ máu ở khoang phúc mạc góc trái vết mổ cũ lóc xuống khoang trước bàng quang tử cung, bàng quang treo cao. May mắn lớp phúc mạc vẫn còn bao bọc lại ổ vỡ, nên không gây chảy máu ra ổ bụng, sản phụ không bị mất máu quá nhiều.

Sản phụ được khâu phục hồi lại bảo tồn tử cung. Trong và sau phẫu thuật các chỉ số huyệt động ổn định, sản phụ tiếp tục được được theo dõi tại khu hồi tỉnh.

Về em bé sơ sinh, chào đời với cân nặng 2,5 kg. Sau khi sinh, trẻ ngừng hô hấp tuần hoàn, chảy máu phổi. Trẻ được các bác sĩ Khoa Phụ sản phối hợp với Khoa Nhi sơ sinh xử trí cấp cứu ngừng tuần hoàn ngay tại phòng đẻ. Sau 4 – 5 phút, trẻ có nhịp tim trở lại và được chuyển lên Khoa Sơ sinh để điều trị tích cực.

Sau 4 ngày điều trị, trẻ đã tự thở được, rút nội khí quản, ăn tiêu, phản xạ tốt. Dự kiến, trẻ có thể được ra viện sau 7 – 10 ngày.

Qua trường hợp sản phụ trên, BSCKI. Phan Hồng Chín khuyến cáo: Các trường hợp đã có sẹo mổ cũ ở tử cung (sẹo bóc u xơ, mổ lấy thai…), mới mổ (trong 2 năm) hay mổ cũ nhiều năm, khi mang thai nguy cơ bị vỡ tử cung rất cao, hãn hữu mới có trường hợp sinh đường âm đạo an toàn.

Với các chị em phụ nữ thuộc các trường hợp như trên, khi mang thai cần phải được quản lý thai nghén, thăm khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ. Đặc biệt, khi có dấu hiệu chuyển dạ (vỡ ối, đau bụng, chảy máu âm đạo…) cần nhanh chóng tới bệnh viện để được bác sĩ thăm khám, theo dõi và xử trí ngay, tránh những tai biến đáng tiếc.

Nguồn: vtv.vn

Check Also

Truyền thông Bảo Vệ Sự Sống lớp GLHN K59

Lúc 20h, ngày 18/5/2024 tại Giáo xứ Thái Hà, nhóm Bảo Vệ Sự Sống (BVSS) …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.