Thái Hà (11/5/2016)-Cha mẹ ơi, đừng lãng phí tài năng của trẻ.
Mỗi trẻ là một cá thể độc lập và đầy tiềm năng. Vậy làm sao để giúp bé phát triển đúng hướng và phát huy khả năng tối đa?
Thay vì đánh giá con bằng điểm số, cha mẹ hãy quan sát, trò chuyện với con để phát hiện nhiều bất ngờ và sẽ đồng ý rằng, bé thông minh hơn chúng ta nghĩ.
Vượt qua suy nghĩ “con phải học giỏi nhất lớp”
“Con tôi nói tiếng Anh hay lắm!”, “Bé nhà mình làm phép tính nhanh hơn bạn bè nhiều”… hẳn là những điều mà các bậc cha mẹ thường mơ ước khi bé nhà mình chuẩn bị bước vào giai đoạn đến trường. Là cha mẹ, ai cũng muốn con mình đạt thành tích cao ở lớp, vượt trội hơn bạn bè đồng trang lứa, nhưng liệu chỉ dựa vào một môn học có phản ánh đúng năng lực và tố chất của con? Vị trí dẫn đầu chỉ có một và được định đoạt bằng thứ hạng, điểm số nhưng nếu bé không đạt vị trí đó, các bậc cha mẹ đừng vì nỗi thất vọng mà bỏ quên những giá trị khác của trẻ. Bởi theo thuyết Trí thông minh đa diện đã được công nhận rộng rãi tại các nước phát triển trên thế giới, bé không chỉ sở hữu một loại trí thông minh mà còn rất nhiều tài năng khác như: thông minh ngôn ngữ, logic-toán học, không gian-thị giác, âm nhạc-nhịp điệu-tiết tấu, vận động cơ thể, tương tác-xã hội, nhận thức bản thân và trí thông minh tự nhiên. Và mỗi bé là một cá thể độc lập, có thế mạnh của mình với sự kết hợp các loại hình thông minh vượt trội rất riêng.
Góc nhìn toàn diện về tài năng của trẻ
Khi cha mẹ mở lòng, những đứa trẻ cũng sẽ được mở cánh cửa tương lai theo cách chúng muốn mà không bị rào cản “phải theo số đông, phải hơn bạn bè” trói buộc. Nếu hướng về trẻ với góc nhìn toàn diện hơn, điều kỳ diệu sẽ đến: cha mẹ sẽ nhận thấy sự khác biệt và tố chất tài năng mà trước giờ chưa hề để ý ở bé yêu của mình.
Vậy, làm sao để có góc nhìn toàn diện về tài năng của con trẻ? Hãy dành thời gian chơi cùng con và quan sát lúc chúng chơi cùng bạn bè, ghi nhận lại những điều con làm tốt nhất và đặc biệt hứng thú, say mê. Bởi khi được chơi đùa một cách tự nhiên, bé sẽ cảm thấy thoải mái khi bộc lộ tư chất của mình. Cũng theo thuyết Trí thông minh đa diện (do Tiến sĩ Thomas Armstrong, Giám Đốc Viện nghiên cứu tiềm năng con người Hoa Kỳ phát triển), khi một đứa trẻ được định hướng, tạo điều kiện để bộc lộ và phát huy trí thông minh mình sở hữu cũng sẽ kéo theo sự phát triển của các loại hình trí thông minh khác, từ đó mang đến sự phát triển toàn diện cho trẻ.