Cha mẹ ơi, đừng lãng phí tài năng của trẻ.

Thái Hà (11/5/2016)-Cha mẹ ơi, đừng lãng phí tài năng của trẻ.

Mỗi trẻ là một cá thể độc lập và đầy tiềm năng. Vậy làm sao để giúp bé phát triển đúng hướng và phát huy khả năng tối đa?

Thay vì đánh giá con bằng điểm số, cha mẹ hãy quan sát, trò chuyện với con để phát hiện nhiều bất ngờ và sẽ đồng ý rằng, bé thông minh hơn chúng ta nghĩ.

Vượt qua suy nghĩ “con phải học giỏi nhất lớp”

“Con tôi nói tiếng Anh hay lắm!”, “Bé nhà mình làm phép tính nhanh hơn bạn bè nhiều”… hẳn là những điều mà các bậc cha mẹ thường mơ ước khi bé nhà mình chuẩn bị bước vào giai đoạn đến trường. Là cha mẹ, ai cũng muốn con mình đạt thành tích cao ở lớp, vượt trội hơn bạn bè đồng trang lứa, nhưng liệu chỉ dựa vào một môn học có phản ánh đúng năng lực và tố chất của con? Vị trí dẫn đầu chỉ có một và được định đoạt bằng thứ hạng, điểm số nhưng nếu bé không đạt vị trí đó, các bậc cha mẹ đừng vì nỗi thất vọng mà bỏ quên những giá trị khác của trẻ. Bởi theo thuyết Trí thông minh đa diện đã được công nhận rộng rãi tại các nước phát triển trên thế giới, bé không chỉ sở hữu một loại trí thông minh mà còn rất nhiều tài năng khác như: thông minh ngôn ngữ, logic-toán học, không gian-thị giác, âm nhạc-nhịp điệu-tiết tấu, vận động cơ thể, tương tác-xã hội, nhận thức bản thân và trí thông minh tự nhiên. Và mỗi bé là một cá thể độc lập, có thế mạnh của mình với sự kết hợp các loại hình thông minh vượt trội rất riêng.

Rất nhiều người đã ngả mũ kính phục những vận động viên thể thao chinh phục đấu trường quốc tế đem vinh quang về cho đất nước. Hay những nhạc công, ca sĩ mang âm nhạc chinh phục hàng triệu con tim. Những nhà tự nhiên học âm thầm khám phá, nghiên cứu những giống cây mới giúp phát triển kinh tế cho rất nhiều hộ gia đình… Đa số họ đều không phải là những người học giỏi toán nhất lớp khi còn bé. Vậy, phải chăng đã đến lúc khái niệm thông minh của con trẻ cần được cha mẹ có cái nhìn khách quan và toàn diện hơn?

Góc nhìn toàn diện về tài năng của trẻ

Khi cha mẹ mở lòng, những đứa trẻ cũng sẽ được mở cánh cửa tương lai theo cách chúng muốn mà không bị rào cản “phải theo số đông, phải hơn bạn bè” trói buộc. Nếu hướng về trẻ với góc nhìn toàn diện hơn, điều kỳ diệu sẽ đến: cha mẹ sẽ nhận thấy sự khác biệt và tố chất tài năng mà trước giờ chưa hề để ý ở bé yêu của mình.

Vậy, làm sao để có góc nhìn toàn diện về tài năng của con trẻ? Hãy dành thời gian chơi cùng con và quan sát lúc chúng chơi cùng bạn bè, ghi nhận lại những điều con làm tốt nhất và đặc biệt hứng thú, say mê. Bởi khi được chơi đùa một cách tự nhiên, bé sẽ cảm thấy thoải mái khi bộc lộ tư chất của mình. Cũng theo thuyết Trí thông minh đa diện (do Tiến sĩ Thomas Armstrong, Giám Đốc Viện nghiên cứu tiềm năng con người Hoa Kỳ phát triển), khi một đứa trẻ được định hướng, tạo điều kiện để bộc lộ và phát huy trí thông minh mình sở hữu cũng sẽ kéo theo sự phát triển của các loại hình trí thông minh khác, từ đó mang đến sự phát triển toàn diện cho trẻ.

Một lúc nào đó, nếu cha mẹ nghe con mình tự tin nói với ai đó bằng giọng hào hứng rằng: “Cháu giỏi nhất là đá bóng. Cháu sẽ trở thành cầu thủ số một Việt Nam!”, “Cháu rất thích vẽ. Cháu trở thành nhà thiết kế thời trang”,…Đừng vội cho rằng bé giỏi đá bóng chỉ biết đá bóng hay bé giỏi vẽ chỉ biết vẽ,…Thuyết Trí thông minh đa diện mở ra cho cha mẹ một góc nhìn mới rằng cách mà các bé tiếp nhận tri thức sẽ khác nhau, tùy trí thông minh bé sở hữu, từ đó, cha mẹ sẽ có một phương pháp giáo dục giúp bé phát huy tiềm năng trí tuệ của mình. Có một xu hướng mới đầy thú vị và rất khác với những quan niệm cũ (với những suy nghĩ đã dần trở thành lối mòn) đang chờ các bậc phụ huynh khám phá để hiểu con mình hơn, giúp con trẻ phát huy trí thông minh và thành công theo cách của riêng mình.
Theo Afamily

Check Also

Người phụ nữ chia sẻ hình ảnh con mình để cho thấy bé thành hình thế nào tại tuần thứ 10.

Một người phụ nữ chia sẻ những bức ảnh quý giá về thai nhi đã …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.