Chính sách 2 con của Trung Quốc: Vẫn tiếp tục cưỡng chế kiểm soát dân số

ccd48f313c
BVSS (11.01.2016) Phụ nữ Trung Quốc và gia đình họ sẽ tiếp tục phải chịu nỗi đau đớn và thống khổ từ chính sách 2 con của chính quyền, tương tự như đối với chính sách 1 con vốn đã kéo dài suốt 35 năm qua.
 
Đó là kết luận tại phiên điều trần ngày 3/12/2015 của Ủy ban Điều hành Quốc hội Mỹ về Trung Quốc (CECC). Trước đó, Tân Hoa Xã, hãng thông tấn chính thức của chính quyền Trung Quốc, đưa tin hôm 29/10/2015 rằng tất cả các cặp vợ chồng sẽ được phép có 2 con. Tuy nhiên, các tuyên bố tiếp theo của Tân Hoa Xã vào đầu tháng 11 lại nói rằng chính sách 2 con chưa có hiệu lực, đây mới chỉ là “đề xuất” và sẽ được cơ quan lập pháp xem xét phê duyệt vào năm sau.
 
Như vậy, một chút nới lỏng về chính sách dân số của Trung Quốc hiện mới chỉ nằm trên giấy và việc có thêm con vẫn là điều mong tưởng của nhiều người dân Trung Quốc. Nhưng dù chính sách này có được ban hành hay không, thì hệ quả của các biện pháp kiểm soát dân số mang tính cưỡng chế của Trung Quốc vẫn không được giải quyết và tiếp tục khiến người dân Trung Quốc khốn khổ.
 
Chính sách 2 con: Tiếp tục cưỡng chế phá thai và triệt sản
 
Bà Reggie Littlejohn, Chủ tịch Hiệp hội Nhân quyền Phụ nữ Không biên giới (Women’s Rights Without Frontiers – WRWF), cho biết tại phiên điều trần rằng những quy định kiểm soát kế hoạch hóa gia đình của Trung Quốc vẫn sẽ có hiệu lực với chính sách 2 con. Phụ nữ mang thai trái phép sẽ bị bắt buộc phá thai, còn các phụ nữ đã có đủ số con quy định thì đối mặt với nguy cơ bị triệt sản.
 
Ở Trung Quốc, chỉ có các cặp vợ chồng mới được phép sinh con. Bà Littlejohn cho biết, với chính sách 2 con, “Phụ nữ chưa lập gia đình mà mang thai sẽ vẫn là bất hợp pháp. Dù được sinh bao nhiêu con, thì những phụ nữ mang thai không có phép sẽ vẫn bị lôi tuột khỏi nhà, đè xuống bàn, và bị nạo bỏ đứa bé mà họ muốn có.”
 
Hơn nữa, chính sách hai con của Trung Quốc không phải là một tiến bộ lớn vì phụ nữ vẫn đối mặt với mối đe dọa bị triệt sản, mà điều này có khả năng khiến sức khỏe của họ bị hủy hoại. Với những phụ nữ có con đầu là con trai, có khả năng họ sẽ không muốn sinh con thứ hai vì không muốn bị triệt sản. Mặt khác, nếu con đầu là con gái, các bà mẹ sẽ muốn giấu việc họ mang thai lần thứ hai, vì nếu không họ sẽ bị buộc phải triệt sản sau khi sinh đứa con thứ hai.
 

Nhiều phụ nữ sẽ nạo bỏ đứa con gái thứ hai của mình, bởi vì sau khi sinh con thứ hai, họ sẽ bị triệt sản và không có cơ hội sinh con trai. Trường hợp khác, họ có thể sẽ giấu đứa con gái thứ hai, không đăng ký khai sinh cho nó, nhờ vậy tránh được bị triệt sản và vẫn có cơ hội có được một đứa con trai. Khi đó, đứa con không được đăng ký sẽ trở thành “người lậu”, không được thừa nhận là công dân Trung Quốc.

 

Tiếp tục có thêm “người lậu”
 

Dù với chính sách một con hay hai con, tình trạng giấu giếm con như trên vẫn xảy ra, và Trung Quốc sẽ tiếp tục có thêm “người lậu”, tức là những người không được đăng ký khai sinh, không có hộ khẩu, không được hưởng phúc lợi xã hội, thậm chí không làm được những điều căn bản như: đi học, đi bệnh viện, đi máy bay, kết hôn một cách hợp pháp. Theo điều tra dân số năm 2010 của chính quyền, Trung Quốc có khoảng 13 triệu “người lậu” như vậy. Chính sách kiểm soát dân số thô bạo này của Trung Quốc đã khiến hàng chục triệu người vô tội có cuộc sống khốn khổ.

 

Tị nạn để sinh con
 
Cô Sarah Huang, một bà mẹ đồng thời là một nhà hoạt động Trung Quốc đã tham gia phiên điều trần tại Mỹ từ một địa điểm bên ngoài phòng họp để giữ bí mật thanh danh.
 
Cô Huang và chồng từ nhiều năm qua đã mong muốn có thêm đứa con thứ hai. Tưởng rằng chính sách một con đã được bãi bỏ, họ nghĩ vấn đề của họ đã được giải quyết và cũng mừng cho các gia đình khác muốn sinh thêm con. Tuy nhiên, cơ quan của chồng cô nói rằng họ “cần thiết và bắt buộc phải phá thai.” Chồng cô “đã bị đe dọa và đặt thời hạn để phá thai.”
 
Vợ chồng cô đã phải chật vật để tránh các quan chức nhà nước ép buộc phá thai. Cô nói: “Vì điều này, tôi đã liều mình tị nạn sang Mỹ để bảo vệ đứa con trong bụng.”
 
Sau khi em bé được sinh ra, dự kiến tại Hoa Kỳ, gia đình cô Huang sẽ về nước, và khả năng sẽ phải nộp phạt “gần 36.000 USD” (hơn 800 triệu đồng). Tuy nhiên, đối với phần đông người Trung Quốc, không phải ai cũng có điều kiện đi tị nạn để sinh con, cũng như đủ năng lực tài chính để nộp phạt như gia đình cô Huang.
 
Người dân Trung Quốc, đặc biệt là các cặp vợ chồng mong mỏi có thêm con sẽ phải tiếp tục chờ xem các nhà lập pháp của nước này có thông qua chính sách 2 con hay không. Tuy nhiên, nếu chỉ đơn thuần là chuyển từ chính sách một con sang hai con thì những quy định cưỡng chế thô bạo và các vấn đề của chúng vẫn tiếp diễn.
 
Cho dù chính sách này được ban hành thì nó cũng sẽ không phải vì lòng thương xót đối với người dân Trung Quốc, không phải vì chính quyền hối tiếc về hơn 400 triệu ca phá thai, hay hàng trăm triệu bà mẹ trẻ bị buộc phải phá thai và triệt sản trong suốt 35 năm qua, theo lời của ông Steven W. Mosher, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Dân số, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Mỹ.
 
Theo Gary Feuerberg, Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh
Mai Lan tổng hợp

Nguồn: Đại Kỷ Nguyên Tiếng Việt

Check Also

Truyền thông Bảo Vệ Sự Sống lớp GLHN K59

Lúc 20h, ngày 18/5/2024 tại Giáo xứ Thái Hà, nhóm Bảo Vệ Sự Sống (BVSS) …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.