BVSS ( 24/10/2016)- Cô bé 4 tuổi bị mẹ “ép” phải làm mọi việc nhà và nguyên nhân phía sau sẽ khiến bạn rơi lệ.
Không chỉ biết nấu cơm, cô bé Hana còn biết giặt quần áo, rửa bát, quét nhà, tự sửa soạn đi học… từ khi mới lên 4. Thế nhưng, đằng sau hình ảnh cô bé chăm ngoan và có phần đảm đang trước tuổi ấy là cả một câu chuyện dài mà có lẽ khi đã trót đọc rồi thì chẳng ai có thể cầm được nước mắt.
Tuy nhiên, bạn trai của cô là anh Singo vẫn quyết tâm cử hành hôn lễ, bất chấp sự phản đối dữ dội của người thân. Sau ngày cưới, anh Singo luôn sát cánh cùng người vợ thân yêu chống chọi với mọi khó khăn của cuộc sống.
Những tưởng gia đình nhỏ của Chie sẽ chẳng bao giờ có thêm thành viên mới, bởi sau các cuộc phẫu thuật và xạ trị, cô được dự báo sẽ không thể làm mẹ như bao người phụ nữ khác. Ấy vậy mà, vào tháng 6/2012, kỳ tích đã đến với Chie khi cô phát hiện ra mình đang mang thai.
Chỉ có điều, nếu Chie sinh đứa trẻ này ra, căn bệnh ung thư của cô sẽ lại phát tác. Thế nhưng, đối với một người phụ nữ luôn đau khổ vì không thể thực hiện thiên chức cao cả của một người mẹ, làm sao cô có thể nhẫn tâm bỏ đi đứa con trong bụng? Quả thật, Chie đã rơi vào bế tắc, cô loay hoay không biết nên chọn mạng sống hay là giọt máu của mình…
Thấy con gái cứ mãi dằn vặt, bố của Chie đã khuyên cô: “Nếu như cảm thấy phá thai sẽ hối hận thì thà cứ sinh ra còn hơn!” Chính câu nói của bố đã khiến Chie hạ quyết tâm phải sinh bằng được đứa con này, bất chấp việc tính mạng của mình sẽ bị đe dọa.
Tháng 2/2003, Chie đã hạ sinh cô con gái nhỏ Hana và coi cô bé là cả cuộc sống của mình. Vậy mà hạnh phúc ngắn chẳng tày gang, khi Hana được 9 tháng tuổi, căn bệnh ung thư quái ác thêm lần nữa hành hạ người mẹ trẻ.
Chie bước vào hành trình chiến đấu với bệnh tật, cô tìm tòi về khẩu phần ăn, thực phẩm hỗ trợ người đang chữa bệnh ung thư, duy trì sức khỏe cho những người khỏe mạnh. Chie lập ra blog “Ngủ sớm, dậy sớm, gạo lức và súp miso” để chia sẻ kinh nghiệm, hiểu biết về thực phẩm và nhận được sự quan tâm cũng như yêu thích của rất nhiều người Nhật.
Tuy Chie đã gắng sức chống chọi, nhưng số phận trớ trêu lại không để cô được toại nguyện. Đến tháng 10/2006, tế bào ung thư đã lan ra khắp cơ thể Chie, khiến cho cô trở nên ốm yếu, ngay cả sức bế con cũng chẳng có.
Cô thường thủ thỉ tâm sự với Hana và xin lỗi con gái vì không thể bế ẵm cô bé như những người mẹ khác. Cô con gái nhỏ dường như thấu hiểu những nỗi khổ tâm của mẹ nên rất ít quấy khóc và cứ thế khỏe mạnh lớn lên.
Nhìn Hana ngoan ngoãn lại hiểu chuyện, Chie cứ mãi trăn trở phải làm điều gì đó có ý nghĩa cho con gái mình, để đến khi cô nhắm mắt xuôi tay, chồng và con của cô vẫn có thể sống tốt. Tự nhìn lại bản thân, Chie thấy mình chẳng có tiền bạc, quyền lực hay địa vị để truyền lại cho những người mà cô thương yêu nhất. Lâu nay cô chỉ an phận làm một người mẹ hiền, vợ đảm, vì vậy, cô chỉ còn biết dạy con gái làm việc nhà, để cô bé có thể tự chăm sóc cho bản thân dù không có mẹ ở bên cạnh.
Khi Hana lên 3, Chie bắt đầu dạy con làm những việc nhẹ nhàng như phơi quần áo, sắp xếp đồ đạc, dọn vệ sinh, chuẩn bị đồ dùng trước lúc đi học… Người mẹ trẻ không muốn sau khi cô rời xa thế giới này, người ta sẽ nói con cô không có mẹ dạy dỗ nên không biết làm gì. Vì vậy, mặc kệ Hana có sợ hãi, có ghét bỏ hay ăn vạ thì Chie vẫn kiên trì dạy con làm việc nhà.
Vào dịp sinh nhật 4 tuổi của Hana, Chie đã tặng con một chiếc tạp dề với lời nhắn nhủ: “Nấu ăn là một việc có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của con, thế nên mẹ sẽ dạy con cách dùng dao, để con có thể làm ra những món ăn. Con có thể xếp việc học hành xuống thứ 2, bởi chỉ cần con có sức khỏe, có thể tự chăm sóc cho bản thân thì bất luận tương lai như thế nào, cho dù con ở đâu cũng đều có thể sống tốt.”
Cứ như vậy, cô bé Hana đã bị mẹ “ép” vào bếp từ khi còn rất nhỏ. Món ăn đầu tiên mà Chie dạy con làm chính là súp miso. Chứng kiến con gái run rẩy cầm dao, dù rất đau lòng nhưng Chie vẫn cố nhẫn nhịn không ra tay giúp đỡ cô bé.
Ngoài ra, Chie còn dạy con phải luôn độc lập, luôn tự tìm ra lối đi cho riêng mình, bởi “thuyền đến đâu cầu tự nhiên sẽ thẳng”. Cô cũng chỉ cho con cách ứng xử và đối diện cuộc sống: “Đừng nói xấu người khác, cũng đừng quên mỉm cười. Tất cả những lời mẹ dặn dù có khó khăn thế nào, có không thích ra sao, hay khổ sở đến đâu, Hana cũng đừng bỏ cuộc nhé!”
Năm 2008, Chie qua đời khi con gái Hana mới lên 5 tuổi. Chồng của cô là Singo đã buồn bã suốt một khoảng thời gian dài sau đó. Anh mất hết hy vọng, hoang mang không biết phải làm sao để nuôi con gái lớn khôn và chỉ biết mượn rượu giải sầu hết ngày này đến ngày khác.
Bỗng đến một buổi sáng, Singo nhìn thấy Hana đứng trong bếp làm món súp miso. Cách làm của cô bé giống hệt mẹ mình và hương vị quá đỗi thân quen khiến anh bị bất ngờ. Không chỉ có vậy, cô bé còn làm hết mọi việc nhà y như cách mà Chie từng làm.
Kể từ đó, mỗi ngày Hana đều dậy sớm nấu món súp miso cho bố ăn. Cô bé đã giữ lời hứa với mẹ mình và chăm sóc tốt cho cả 2 bố con. Chính sự chu đáo và lạc quan của Hana đã giúp cho Singo lấy lại niềm tin vào cuộc sống và dần nguôi ngoai nỗi đau mất vợ. 2 bố con anh đã cùng nhau trải qua những tháng ngày vui vẻ và hạnh phúc bên nhau.
Tháng 3/2012, Singo quyết định đưa những dòng tâm sự trên blog của người vợ quá cố viết thành sách và xuất bản rộng rãi để truyền cảm hứng và niềm tin cho mọi người. Cuốn sách “Súp miso của bé Hana” không chỉ là di sản của Yasutaka Chie mà còn giúp lưu lại những ký ức về mẹ tuyệt vời nhất trong tâm trí Hana.
Câu chuyện về cuộc đời cô bé Hana đã được chuyển thể thành phim và khiến cho hàng triệu người phải xúc động rơi nước mắt.
Hana đã phải tự lập từ khi còn rất nhỏ.
Công việc nội trợ chẳng thể làm khó được cô bé.
Món súp miso của Hana.
Hai bố con Hana cùng nhau trải qua cuộc sống vui vẻ và hạnh phúc dù không có mẹ ở bên cạnh.
Theo Trí thức trẻ.