Câu chuyện này kể về một cặp cha con, người cha là một nhà văn, họa sĩ nổi tiếng và là tiến sĩ dạy học tại trường Đại học Columbia, thành phố New York; người con là thạc sĩ chỉ đạo âm nhạc tại Đại học Havard và là chủ chương trình radio tại Cambrige. Vậy quá khứ của họ thì không có vẻ suôn sẻ như vậy…
Người cha tên Đỗ Dung, người con tên Đỗ Hiên.
Tháng 9/2009, trong buổi họp báo và tặng chữ ký của tác giả Đỗ Hiên với cuốn sách có tựa đề “Những năm tháng ngỗ ngược”, anh đã chia sẻ với mọi người.
Khi bắt đầu vào cấp 2, tôi trở nên rất ngỗ ngược. Điều đó khiến cha tôi rất đau đầu.
Nghịch ngợm, trốn học, luôn mơ mộng viển vông, lúc đó tôi chỉ ước ngày nào đó mình có thể trở thành 1 tay đua xe cự phách giống như Michael Schumacher.
Vì vậy thành tích của tôi thật tệ hại. Chẳng biết từ lúc nào, điểm số của tôi không thể vượt quá điểm C.
Tất cả thầy giáo từng dạy tôi hồi đó đều bất lực.
Cha tôi cuối cùng cũng chịu không nổi, bắt tôi ngồi lại để nói chuyện. Từ sau khi tôi 12 tuổi, ông đã nói tôi có thể gọi thẳng tên của ông, tất nhiên, ông bảo ông sẽ thích hơn nếu tôi gọi ông là cha.
Lúc đó ông gọi tôi lại và muốn giáo huấn tôi, tất nhiên tôi cảm thấy không vui vẻ chút nào!
Ông trước tiên nhìn biểu hiện của tôi, rồi tự dưng nhìn tôi cười. Khoảnh khắc đó tôi thấy nụ cười đó thật “hiểm độc”.
Với vẻ mặt khiêu khích, tôi nói với ông ấy: “Michael Schumacher là thần tượng của con, khi tầm tuổi con anh ấy cũng có thành tích học tập thật tệ, có lúc còn có cả điểm liệt. Nhưng bây giờ chẳng phải anh ấy vẫn có thể trở thành tay đua cự phách nổi tiếng thế giới đó sao?”
Cha tôi tuy rằng lúc đó cười rất hiền từ, nhưng trong mắt tôi thì chỉ thấy dư vị của sự nham hiểm: “Anh ta bị điểm 0, và anh ta là 1 tay đua xe cự phách. Thế nhưng, con từ trước đến nay còn chẳng có điểm 0 nào, đều là điểm C cả”. Nói rồi ông lấy ra xấp bài kiểm tra, vẫy vẫy trong không trung cho tôi xem.
Việc ông ấy cười tôi chưa bao giờ được 0 điểm làm tôi nóng mặt lắm.
– Vậy bố thách con thi được điểm 0 hả?
Ông ấy dựa người vào lưng ghế, bày ra trạng thái thoải mái nhất rồi nói:
– Ý kiến này của con rất hay! Vậy hãy để chúng ta đánh cược một phen, nếu con có thể thi được 0 điểm, vậy thì từ sau ta sẽ không can dự vào chuyện học hành của con nữa. Thế nhưng, con một khi chưa thi được 0 điểm, thì nhất định phải nghe lời ta, học theo chỉ dẫn của ta, thế nào?
Chúng tôi đều tự hả hê với chính mình sau cuộc đánh cược đó. Tôi cười ngoác cả miệng, cảm thấy mình đang gặp một vận may từ trên trời rơi xuống.
– Tất nhiên, đã là “kiểm tra” thì phải tuân thủ đúng nguyên tắc của kiểm tra.
– Không được bỏ bài trống, câu hỏi nào cũng phải trả lời đầy đủ, không được bỏ sót câu hỏi nào. Nếu vi phạm thì coi như thua cuộc, thế nào?
Điều này quá đơn giản. Chẳng cần nghĩ nhiều, tôi liền đồng ý.
Ông ấy lại nói với tôi: “Thầy giáo con nói với ta rằng con cả ngày chỉ nằm dài trên bàn mơ mộng làm tay đua xe, chẳng thích học hành, đúng không?”
– Đúng!
Rất nhanh đã tới kỳ kiểm tra…
Tiếng chuông vừa báo, tôi rất nhanh điền tên và bắt đầu khoanh đáp án.
Cứ chỗ nào tôi cảm thấy có khả năng sai nhiều nhất, tôi sẽ chọn nó. Đấy, điểm 0 thì có gì là khó.
Câu hỏi đầu tiên là: Trong Thế chiến thứ 2, tổng thống chỉ huy đánh Phát xít là ai?
Bên dưới có 3 đáp án, tôi biết đó là Roosevelt, nhưng tôi lại khoanh vào cái tên Eisenhower.
Những câu hỏi sau đều làm như vậy.
Thế nhưng độ khó của những câu hỏi càng ngày càng tăng, tôi đành phải khoanh bừa.
Ra khỏi phòng thi, tôi cảm thấy trong lòng toát mồ hôi lạnh.
Tôi lần đầu cảm nhận được, hoá ra thi được điểm 0 cũng không dễ dàng gì.
Tôi bắt đầu uể oải, bởi vì tôi cảm thấy kiểu gì mình cũng sẽ khoanh vào 1 đáp án đúng nào đó.
Kết quả thật đúng như vậy, là cái chữ “C” đáng ghét chứ không phải số “0” đáng mong đợi.
Tôi ủ rũ trở về nhà. Vừa mở cửa ra, bố tôi đã bảo: “Chúng ta cứ theo cá cược mà thực hiện, vì con chưa đạt điểm 0, con phải làm theo chỉ dẫn của ta“.
Tôi cúi gằm đầu, tự mắng mình kém cỏi, đến điểm 0 cũng chẳng đạt nổi. Đồng thời trong lòng cũng có chút lo lắng, không biết cha tôi sẽ chỉ huy tôi làm cái gì? Không phải là bắt tôi thi đạt điểm A đấy chứ?
Lúc này, cha tôi mới nói với tôi:
– Bây giờ, ta chỉ mong con làm sao có thể sớm đạt được điểm 0. Con càng làm điều đó sớm bao nhiêu, con càng tìm được tự do cho mình sớm bấy nhiêu.
Tôi suýt nữa tưởng tai mình có vấn đề. Bố tôi vừa nói gì nhỉ? Đây thật chẳng khác nào cơ hội trời ban cho tôi, tôi mà không nắm chắc thì thật là có lỗi. So với điểm A, thì điểm 0 tất nhiên dễ hơn nhiều. Với suy nghĩ như vậy, tôi như tìm lại được ánh sáng sau đêm giông tố.
Rất nhanh bài thi thứ 2 lại đến, vẫn là điểm C. Bài thi thứ 3, rồi thứ 4,… cuối cùng một ngày nọ, tôi phát hiện rằng khả năng chọn đáp án sai của tôi ngày càng tăng. Nói cách khác, tôi ngày càng biết nhiều câu trả lời đúng hơn.
Một năm sau, tôi đã thắng cuộc. Tôi cuối cùng cũng đạt được điểm 0.
Cha tôi ngày đó dường như còn vui mừng hơn cả tôi, ông nói “Đỗ Hiên, chúc mừng con! Cuối cùng con cũng đã đạt được điểm 0 rồi.”
– Học sinh có thể thi được điểm A, mới có khả năng thi được điểm 0. Có lẽ điều này đến giờ con cũng đã hiểu rõ rồi, chỉ có điều con vẫn bị ta lừa, hahaha…!
Tôi thừa nhận tôi đã bị cha mình lừa.
Tôi vì để đạt được điểm 0, đã nỗ lực rất nhiều, tìm đủ loại phương thức để đi tới mục tiêu ấy mà cũng chẳng nghĩ nhiều.
Sau này, tôi thi đỗ trường điểm. Lúc đang học Thạc sĩ, tôi xuất bản sách, tìm hiểu thêm về âm nhạc, đạt được nhiều giải thưởng. Có thể nói, kể từ sau khi tôi 18 tuổi, tôi chẳng còn nghĩ gì đến Michael Schumacher hay đua xe lần nào nữa.
Theo 24h.