Một phần tư thế kỷ từ sau thông điệp Humanae Vitae, đã đồng thời xảy ra một sự suy sụp chung về đạo đức mang tên cuộc cách mạng tình dục.
Tình trạng này, ngày càng biến đổi sâu xa, từ phong trào híp-pi cổ võ việc làm tình tự do ở thập niên 60, đến việc bình thường hóa hiện tượng đồng tính luyến ái bằng định chế hôn nhân như là nhân quyền. Mặc dù những hiện trạng cực đoan trên chỉ là thiểu số, nhưng giữa thành phần đa số thầm lặng, cuộc cách mạng tình dục này cũng đã gây nên trong họ nhiều mất mát, khi có sự gia tăng về tranh ảnh khiêu dâm, chung chạ tình dục, bất trung trong hôn nhân, ly dị, phá thai, hủ bại tình dục, và những nỗi buồn trong cuộc sống.
Chúng ta đang chứng kiến sự đảo lộn giá trị trong lãnh vực tình dục của con người và đời sống gia đình. Kinh nghiệm thật của tình yêu bị lầm tưởng là sự thèm khát tình dục. Đứa trẻ bị gọi là con hoang đã đành là từ một tình yêu nhảy rào, còn đứa trẻ sinh ra từ tình yêu hôn nhân thì lại bị xem như một sai lầm, với não trạng tránh thụ thai. Tình dục được xem như đồ chơi, trò giải trí, thuần túy mang lại hoan lạc. Tình cờ hay ngẫu nhiên, tình dục đang phá hoại chính bản chất của nó.
Trong thông điệp Humanae Vitae, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã dự đoán về cuộc cách mạng này, khi Ngài cảnh giác chúng ta về những hậu quả tiêu cực trong việc sử dụng phổ biến các biện pháp tránh thai. Ngài đã nhìn thấy tránh thai có thể trở nên mũi dao sắc bén đe dọa toàn diện nền luân lý (HV,14). Hồi tưởng lại quá khứ, ngày nay người ta có thể nhận ra được sự biến dạng của những giá trị tình dục, chính là hậu quả trực tiếp khi áp dụng biện pháp tránh thai trong tình yêu vợ chồng. Để có nhiều người chú ý đến lời giảng dạy của Giáo Hội, chúng ta cần trở về với cội nguồn đạo lý căn bản, hầu chống trả lại cơn thủy triều xanh của chủ nghĩa hưởng thụ và dâm ô.
Chúng ta có một niềm hy vọng thật. Bài diễn từ của Thánh Phaolô, về tình hình đạo đức dân ngoại xưa trong Rm 3, 24 – 32, thực sự là niềm tin của thời đại chúng ta hôm nay. Chính các Kitô hữu ban đầu đã có thể biến đổi xã hội bằng sức mạnh học thuyết của Đức Kitô và Giáo Hội, từ đời sống và hành động xác tín của họ.
Chúng ta hy vọng giáo huấn của Hội Thánh về tránh thai trong bản trình bày yếu lược này, có thể trợ giúp người Kitô hữu sống niềm tin đã lãnh nhận và biến đổi xã hội bằng Tin Mừng. Vấn đề tránh thai được đặt ra dưới nhiều lãnh vực. Chúng ta giới hạn bản trình bày này hoàn toàn trong tôn giáo và các luận cứ thuộc bình diện đạo đức, với xác tín rằng tác giả của luật luân lý cũng chính là Đấng Tạo Hóa và là Chúa của trật tự xã hội, và Ngài không thể mâu thuẫn với chính mình.
I. SỰ PHI LUÂN LÝ CỦA TRÁNH THAI
1. Tránh thai là gì?
Tránh thai là bất cứ hành động nào cản trở sự kết hợp của trứng và tinh trùng trước, trong và sau giao hợp. Các biện pháp tránh thai là bất cứ dụng cụ hoặc thuốc, sử dụng trong tránh thai. Các biện pháp tránh thai thường được áp dụng là: xuất tinh ngoài âm đạo, thắt ống dẫn trứng, cắt ống dẫn tinh, bao cao su, hóa chất diệt tinh trùng, thuốc viên và chích ngừa thai. Dụng cụ tử cung và viên thuốc sau giao hợp còn tệ hơn cả tránh thai, bởi khả năng trục xuất phôi thai đã hình thành và phát triển; chính xác là phá thai. Phá thai vi phạm đạo đức trầm trọng hơn tránh thai, vì chống lại giới răn thứ năm của Chúa: “Ngươi không được giết người”.
2. Tránh thai có phi luân lý không?
Tránh thai là đi ngược lại luật luân lý tự nhiên đối với sự hưởng dùng tình dục. Nó gây hỗn loạn nghiêm trọng đạo đức, và khách quan dẫn đến cấu thành một trọng tội. Bởi thế, hành vi này bị kiên quyết lên án bởi Giáo Hội.
Trong Kinh Thánh, chúng ta có thể thấy Chúa đã không hài lòng đối với việc tránh thai. Con của Giuđa là Ônan tưởng rằng đứa trẻ sinh ra thuộc dòng dõi của người anh đã chết. “Ônan biết rằng dòng dõi sinh ra sẽ không phải là của mình, nên khi ăn ở với chị dâu, cậu lại cho tinh rơi xuống đất, để không cho anh cậu có người nối dõi. Hành động của cậu không đẹp lòng Đức Chúa, nên Người cũng khiến cậu chết” (Sáng Thế 38, 9 – 10). Thần Học Luân Lý gọi tội này là Onanism, xuất tinh ngoài âm đạo, giao hợp không trọn.
3. Tránh thai có chỉ là tội cho Kitô hữu không?
Tránh thai là hành vi phi đạo đức cho mọi người nam và nữ vì sống ngược với luật tự nhiên. Đây là nền tảng tự nhiên đặt trên con người và là chương trình của Thiên Chúa, dành cho nhân loại nhiệm vụ quan trọng là chuyển giao sự sống. Luật luân lý tự nhiên, khác với luật Phúc Âm hay luật Giáo Hội, ràng buộc trên mọi người nam và nữ là con ngưòi. Khi tuyên bố sự phi đạo đức của việc tránh thai, Giáo Hội không áp đặt luật của mình. Giáo Hội chỉ làm tròn nhiệm vụ được Chúa Kitô trao: gìn giữ và giải thích xác thực về luật tự nhiên, mà tác giả là Đấng Tạo Hóa của mọi người nam và nữ.
4. Tại sao tránh thai chống lại luật Luân Lý tự nhiên?
Tránh thai, là một cám dỗ hấp dẫn trong giao hợp, khi cố tình ngăn cản sự mở ra cho khả năng tiềm tàng sáng tạo sự sống mới, chống lại mục đích thực sự và cấu trúc riêng biệt trong động tác giao phối vợ chồng. Cùng một lúc, người dùng biện pháp tránh thai đi ngược lại giá trị của sự sống, làm hỏng bản chất của tình yêu vợ chồng, tự giảm giá trị và phản lại chính mình cùng người phối ngẫu, và họ quyết tâm yêu sách một quyền năng chỉ dành riêng cho Thiên Chúa. Trong khuôn khổ của 10 giới răn (biểu tượng của luật tự nhiên), tránh thai lỗi phạm đến thứ tự từng điều răn: thứ năm, thứ sáu, thứ tám và thứ nhất.
5. Tại sao tránh thai lỗi phạm đến mục đích của tình dục?
Hôn nhân và cuộc sống tình yêu đã được tự nhiên sắp đặt để truyền sinh (procreation) và giáo dục con cái (GS. 50). Sự sinh sản con cái là mục đích nền tảng của hành động phối ngẫu, bắt nguồn từ chính bản chất của tự nhiên. Sử dụng tình dục mà chủ tâm thoái thác khả năng tiềm tàng mở ra cho sự sống, là phá vỡ chính bản chất của tình dục. Đó là lạm quyền, trên chính bản chất tình dục của con người.
Giống như những giới hạn mà chúng ta thường áp dụng trong việc ăn uống và dinh dưỡng. Bản chất tự nhiên của việc ăn uống là nuôi sống. Chúng ta ăn để sống. Khoái lạc cũng đồng thời có được khi ăn uống. Rõ ràng là đi ngược lại với bản chất của ăn uống (ngược lại với luật tự nhiên), khi chủ tâm thoái thác giá trị nuôi sống, mà chỉ muốn hưởng thụ khoái lạc. Một số người xưa bị chê cười vì ăn uống vô độ, họ móc họng nôn mửa (trong một phòng dùng cho việc nôn mửa), để sau đó có thể trở lại bàn ăn tiếp.
6. Tại sao tránh thai chống lại ý định của Thiên Chúa và bản chất sâu sắc của hành động phối ngẫu?
Cấu trúc của hành động phối ngẫu đặt nền tảng trên kế hoạch của Thiên Chúa để lưu truyền sự sống con người. Kế hoạch này được tóm lược như sau:
Bản chất con người bao gồm một thân thể vật chất và một linh hồn thiêng liêng, trong một hữu thể duy nhất. Người nam và người nữ được sáng tạo theo hình ảnh và giống như Thiên Chúa, họ được hưởng chính phẩm giá này. Theo như kế hoạch, thì sự hiện hữu của con người đến trong thế giới, khác với loài thú vật hung dữ, là kết quả tình yêu chân thật của người nam và người nữ, chỉ trong hôn nhân. Qua hành động phối ngẫu, rong phạm vi của hôn nhân và sự mở ngỏ cho sự sống, đôi vợ chồng trao cho nhau món quà tặng là chính mình trong 1 hữu thể, đồng thời cộng tác với Thiên Chúa cho một sự sống mới.
Hành động phối ngẫu là cử chỉ hiệp thông tình yêu giữa đôi vợ chồng, nó có 2 ý nghĩa oặc 2 bình diện: ý nghĩa kết hợp nên một, trong đó đôi vợ chồng diễn tả tình yêu lẫn nhau bằng trao tặng món quà chính mình; và ý nghĩa đồng sáng tạo (procreative) khi họ cùng nhận thức tính chất đặc biệt của tình yêu hôn nhân, là Đấng ban sự sống mong muốn tình yêu này được hoàn hảo bằng sự sáng tạo nên một con người mới. Hai bình diện này không thể tách rời được (tính chất này là nguyên tắc). Để bảo đảm cả hai bình iện cơ bản này, phải hướng toàn bộ hành động phối ngẫu vào tình yêu hôn nhân chân thật và ý thức trọng trách của bậc cha mẹ.
7. Có thể giải thích thêm gì về nguyên tắc không tách rời giữa tính đồng sáng tạo và sự kết hợp nên một trong hành động phối ngẫu?
Ý nghĩa hiệp nhất của hành động phối ngẫu là cách tỏ bày tình yêu duy nhất giữa chồng và vợ, qua việc trao tặng toàn bộ chính mình cho người kia. Khi tránh thai, họ đã dùng ngôn ngữ của thể xác để nói dối nhau, vì ngay khi bộc lộ câu: “Anh trao tặng em tất cả” trong lúc phối ngẫu, người ta đã giữ lại một phần quan trọng của chính mình: thiên chức làm mẹ hay thiên chức làm cha. Bởi thế, hành động phối ngẫu đi cùng với việc tránh thai thì không còn tính hiệp nhất và tính toàn bộ trong tình yêu nữa.
Cũng là phi luân lý khi mở ra cho sự sống mà không có ý nghĩa hiệp nhất, như trường hợp sinh sản trong ống nghiệm và mượn bà mẹ đẻ giúp. Ngoài ra từ những phôi thai gười, thí nghiệm trong bất cứ chương trình nào, đứa trẻ sinh ra rõ ràng không phải là kết quả của tình yêu đôi lứa và hoàn toàn thiếu tính duy nhất.
8. Cá nhân, gia đình có tội gì khi tránh thai?
Khi tránh thai, cá nhân lạm dụng quà tặng của tình dục, từ đó làm giảm phẩm giá con người. Vì là một tội trầm trọng, họ đánh mất tình bạn với Thiên Chúa, nguy cơ đến Ơn Cứu Độ đời đời. Tránh thai mở ra cho hôn nhân viễn tượng bất trung và tình trạng sa sút tổng quát về đạo đức. Bởi lẽ đó rất có hại cho gia đình và xã hội. Tránh thai dẫn đến mất tôn trọng phụ nữ, làm cho người nam có thể quen nhìn người nữ chỉ là đồ vật, giúp thỏa mãn sung sướng cho riêng mình, không còn là người bạn đường đáng yêu đáng trọng. Cuối cùng, tránh thai có thể bị lạm dụng bởi những khái niệm quyền cộng đồng, dẫn đến xâm phạm tính mật thiết trong hôn nhân của đôi bạn, khi nó hướng đến chủ nghĩa thực tế vị lợi.
Những hậu quả tiêu cực này, đến sau sự phổ biến thực hành tránh thai, đã được Đức Giáo Hoàng Phaolô VI tiên báo trong thông điệp Humanae Vitae. Và nay, dự đoán này đã được chứng thực bằng những điều đang xảy ra trong nhiều xã hội văn minh.
(còn tiếp)
Nguyên tác: Catechesis on Contraception
Tác giả : Roberto Latorre
Chuyển ngữ: Nguyễn Quốc Đoạt
Nguồn: catechesis.net