Hút thai – Câu hỏi thường gặp

Hút thai chân không, hay nong và nạo hút buồng tử cung, là một thủ thuật phá thai thực hiện bằng việc đưa một ống thông hút vào tử cung của người mẹ để lấy thai nhi ra.

Các công cụ sau đó được sử dụng để nạo niêm mạc tử cung giúp loại bỏ các phần còn sót lại. Thủ thuật này được thực hiện trong tam cá nguyệt đầu tiên, điển hình trong khoảng tuần thứ năm và mười ba của thai kỳ (tức từ năm đến mười ba tuần sau ngày đầu tiên của kỳ kinh nguyệt cuối cùng).

Hút thai chân không được thực hiện như thế nào?

Hút thai chân không, hay nong và nạo hút buồng tử cung, được thực hiện tại phòng khám phá thai. Trước khi ca phá thai diễn ra, người phụ nữ cần được tiến hành xét nghiệm, bao gồm siêu âm để xác minh rằng mình đang mang thai, và chẩn đoán bất kỳ yếu tố phức tạp nào, như thai ngoài tử cung. Bác sĩ phá thai sử dụng các que kim loại hoặc thuốc để nong rộng cổ tử cung và tiếp cận tử cung nơi có em bé.

Sau đó, bác sĩ phá thai sẽ đưa một ống thông hút vào để hút thai nhi ra khỏi tử cung người mẹ. Máy hút có lực hút xấp xỉ gấp 10 đến 20 lần lực hút của máy hút bụi thông dụng. Quy trình được hoàn thành khi bác sĩ phá thai sử dụng một thiết bị kim loại sắc nhọn gọi là thìa nạo để lấy các phần còn lại của đứa trẻ ra khỏi tử cung người mẹ.

Sau cùng, việc xét nghiệm theo dõi và siêu âm được thực hiện nhằm giúp giảm thiểu nguy cơ phá thai không hoàn toàn.

Những rủi ro ngắn hạn và dài hạn, cùng tác dụng phụ của việc hút thai là gì?

Phương pháp phá thai này có thể dẫn đến việc tổn thương tử cung hay cổ tử cung, nguy cơ tổn thương đường ruột, bàng quang và các mạch máu lân cận. Các hậu quả khác bao gồm xuất huyết, nhiễm trùng và trong một số trường hợp có thể dẫn đến tử vong ở người mẹ.

Một ca “phá thai không hoàn toàn” xảy ra khi những phần còn lại của thai nhi vẫn còn sót lại trong tử cung người mẹ sau ca phá thai (tỷ lệ phá thai không hoàn toàn chiếm 1 trong 63 ca hút thai).

Phá thai không hoàn toàn có thể gây đau bụng, buồn nôn, chảy máu nhiều, thậm chí tử vong ở người mẹ. Người phụ nữ có thể cần phẫu thuật để loại bỏ các bộ phận còn sót lại của thai nhi, cũng như truyền máu và kháng sinh.

Nong và nạo hút buồng tử cung về lâu dài dẫn đến các biến chứng trong lần mang thai tiếp theo. Điển hình như gặp khó khăn trong việc mang thai đủ tháng ở người mẹ. Nong và nạo phá thai có thể gây tổn thương tử cung hoặc cổ tử cung, dẫn đến khả năng sinh rất non trong những lần mang thai kế tiếp. Vết sẹo để lại trên tử cung có thể làm tăng nguy cơ vỡ tử cung trong lần mang thai  tiếp theo, điều này có thể dẫn đến tử vong ở thai nhi, thậm chí gây tử vong cho người mẹ. Ngoài việc tăng nguy cơ sinh non, tổn thương niêm mạc tử cung cũng có thể gây ra các vấn đề khác cho những ca sinh nở của người phụ nữ trong tương lai, bao gồm tăng nguy cơ băng huyết.

Có nhiều Nghiên cứu chỉ ra rằng nguy cơ trầm cảm, lo âu và tự tử xảy ra ở phụ nữ phá thai do mang thai ngoài ý muốn cao hơn so với những phụ nữ mang thai ngoài ý muốn nhưng lựa chọn tiếp tục thai kỳ.

Thai nhi đã phát triển như thế nào tại thời điểm này trong thai kỳ?

Trong suốt giai đoạn này của thai kỳ, thai nhi đang phát triển nhanh chóng. Sau bốn đến năm tuần thai — tức bốn đến năm tuần sau ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối cùng, và chỉ hai đến ba tuần sau khi thụ tinh (mang thai) — các cơ quan của em bé bắt đầu phát triển và trẻ bắt đầu có nhịp tim. Những cột mốc phát triển này thường diễn ra trước cả khi người mẹ nhận ra mình mang thai.

Tuần 8: Ở tuần thứ tám trong thai kỳ, tay chân bé đang phát triển và các nơ-ron dẫn truyền thần kinh ở não bắt đầu hình thành. Bé không ngừng chuyển động trong tử cung mặc dù người mẹ không thể cảm nhận được điều này. (Nguồn: Baby Center)

Tuần 9: Đến tuần thứ chín, bé có thể mút ngón cái, đóng – mở hàm của mình, vươn vai và thở. Răng của bé bắt đầu hình thành và tim hoàn thiện việc chia thành bốn ngăn. (Nguồn: Baby Center)

Tuần 10: Vào tuần thứ mười, những cơ quan quan trọng của trẻ đã phát triển và bắt đầu hoạt động. Bé bắt đầu chuyển động trong tử cung. Móng tay và móng chân của bé cũng dần được hình thành. (Nguồn: Baby Center)

Tuần 12: Ở tuần mười hai, trẻ phát triển các phản xạ, đóng – mở các ngón tay, phản ứng lại các va chạm, và cử động miệng. Các tế bào thần kinh ở trẻ đang phát triển nhanh chóng. (Nguồn: Baby Center)

❗Bản dịch đã được bác sĩ sản-phụ khoa xem xét để phù hợp chuyên ngành y khoa. Tuy nhiên, nó không nên được dùng như một phương tiện thay thế tư vấn trực tiếp từ bác sĩ, nhất là chỉ định chuyên khoa đối với các tình huống cần can thiệp.

Nguồn bản dịch: https://www.abortionprocedures.com/aspiration/

Chuyển ngữ: Thư viện y khoa bảo vệ sự sống.

Check Also

Truyền thông Bảo Vệ Sự Sống (BVSS) tại Đại hội giới trẻ Giáo phận Thanh Hoá ngày 25/8/2024

Ngày 25/8/2024, tại giáo xứ Hữu Lễ – Giáo phận Thanh Hoá, đã diễn ra …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.