Lá thư hài nhi vong mạng xin… một nấm mồ

Giữa đêm Giáng sinh nhưng cha Đông vẫn lụi hụi tự tay khâm liệm cho một cháu bé xinh xắn gần đến ngày ra đời đã bị đấng sinh thành phá bỏ. Rồi chính cha và những người đồng hành phải bật khóc khi bắt gặp những túi đựng hài nhi bị bỏ lại quanh nghĩa địa. Đau đớn đến nỗi họ phải xây một tấm bảng ở giữa nghĩa trang, khắc dòng chữ: “Xin đừng vùi lấp, vứt bỏ, hãy đặt các con nơi đây để cô chú giúp đỡ”.

Hơn chục năm qua, những người hay đến nghĩa trang TP. Pleiku (Gia Lai) đã quá quen thuộc với những con người “kì dị” nơi đây. Ngày nắng họ nhổ cỏ, san đất xây mộ, ngày mưa thì rong ruổi khắp các ngóc ngách của thành phố để “xin” thai nhi bị phá bỏ, đón về chôn cất… Người dân quen gọi họ là “cha Đông”, “ông Sáu”, “ngoại Tâm”, “ba Phụng”, “ba Lễ”.

Khách đến thăm viếng khu mộ Đồng nhi. Ảnh: Cao Tuân

Chuyện buồn trong đêm Giáng sinh

Trong cái nắng nóng cuối thu của Tây Nguyên, tôi lái xe đảo gần hết khu nghĩa địa cũ của TP. Pleiku (Gia Lai). Khi đến khu vực có chi chít mộ phần bé nhỏ quét đủ màu sơn hồng, xanh, trắng, một người đàn ông da ngăm ngăm đen bước ra cất tiếng hỏi: “Anh tìm khu mộ Đồng nhi hả? Anh đến từ đoàn nào?”. Ấy cũng là bắt đầu câu chuyện về nỗi niềm Đồng nhi…

12 giờ trưa nhưng trong khuôn viên của bàn thờ chung khu mộ hài nhi vẫn còn nhiều người ngồi xung quanh trà nước, chuyện trò. Chốc chốc lại có người vào xin thắp nén nhang cho các vong linh bé nhỏ. Trong vai một người khách từ Hà Nội đến thăm viếng, tôi lặng lẽ quan sát, để câu chuyện ở đây được diễn ra bình thường.

Khi hỏi về khu mộ Đồng nhi, người đàn ông tên Phụng (45 tuổi) cho biết: “Từ năm 1992, Linh mục Nguyễn Văn Đông (Trưởng ban Bảo vệ sự sống nhà thờ Thăng Thiên, TP. Pleiku) là người đầu tiên lo việc chôn cất các hài nhi bị bỏ rơi. Còn tôi mới bắt đầu công việc này từ năm 2002…”.

Rồi anh kể về khoảng thời gian cha Đông gắn mình với công việc kỳ lạ này. Khoảng 20 năm trước, khi cha Đông đang khâm liệm cho một cháu bé thì có một cô gái người Ja Rai bước vào. Cô nói với cha Đông: “Nghe nói ông có nhận con, vậy tôi đem con cho ông. Nó ở trong cái gùi này”. Nói xong cô gái nghiêng gùi, đổ ra trước mặt cha Đông một bịch nilon màu đen kịt. Nhưng, vừa mở bọc nilon, cha Đông đã lạnh toát sống lưng: Một thai nhi đã thành hình hài, cháu bé đỏ hỏn song đã tắt thở.

Dù đã tự tay mình chôn cất hàng ngàn bào thai, nhưng chưa lần nào ông có cảm giác ớn lạnh như lần đó. Đứa bé là kết quả tình yêu của cô với một thanh niên trong làng. Nhưng luật làng thì vô cùng nghiêm khắc. Làng không chấp nhận những người mang bầu trước cưới. Sợ bị phạt trâu, phạt bò rất nặng và bị bêu xấu, nên cô gái đã không dám giữ lại bào thai. Hôm đó, đúng vào đêm Giáng sinh!

Lá thư xin… một nấm mồ

Anh Phụng (trái) và anh Lễ – những người làm công việc chôn cất cho hài nhi bị bỏ rơi.

Sau câu chuyện nhiều nước mắt vào đêm Giáng sinh đó, khu nghĩa địa càng có thêm nhiều thai nhi xấu số được bỏ lại ở đây. Các thai nhi được bỏ bên vệ đường, trên các nấm mộ trong nghĩa trang, kể cả treo trên cành cây… Những cô gái trót dại đã hủy đứa con của mình nhưng xấu hổ nên phần lớn thuê xe ôm mang đến bỏ lại đây…

Cha Đông xuất phát từ suy nghĩ, một đứa trẻ sinh ra cần có một mái nhà, thì hài nhi không được làm người cũng phải có được nấm mồ. Ngay sau đó, cha phát động tinh thần “Sống có nhà, chết có nấm mồ”. Trăn trở với số phận của những cháu bé vô tội, đêm hôm đó, cha Đông đã thức trắng để soạn thảo lá thư ngỏ.

Lá thư ngỏ do cha Đông viết tạo thông điệp mạnh mẽ ở phố núi Pleiku: “Âm Phủ, 0 ngày 0 tháng 0 năm. Kính gửi những người đang được quyền sống. Kính gửi ông bà nội ngoại, cô bác cậu dì của con. Kính gửi ba má chưa lần nào con được nhìn thấy mặt. Con muốn xin một nấm mồ. Xin hãy thay ba con thương con. Xin hãy thay má con thương con. Ba ơi ba đừng chối bỏ con mãi mãi. Má ơi má hãy thương con dù chỉ một lần thôi, con đã được an ủi lắm vậy. Xin hãy cho con một nấm mồ và gửi về cho cha Đông, Nhà thờ Thăng Thiên”.

Sau khi đánh máy xong, cha Đông cho phô tô ra thành nhiều bản rồi bỏ vào bì thư phát đi. Hơn một tuần đã có rất nhiều nhà hảo tâm ủng hộ. Cha Đông phối hợp với ông Tư, là Phật tử ở một ngôi chùa tại TP. Pleiku để xây các ngôi mộ cho hài nhi vô tội. Vậy là chỉ sau 5 ngày, 850 ngôi mộ được mọc lên. Việc này kỳ lạ như một câu chuyện cổ tích vậy!

Bỏ nghề xây dựng, đi nhặt… hài nhi

Những tấm ảnh chụp hài nhi bị vứt bỏ khiến người xem phải nghẹn đắng, xót xa.

Ở khu Đồng nhi này, người ta còn nhắc nhiều đến ông Sáu, một chủ thầu xây dựng. Chuyện bắt đầu vào một buổi chiều tối cuối đông năm 2002, khi đang xây mộ cho mẹ mình tại nghĩa trang Pleiku, Gia Lai, thì ông Sáu bất ngờ chứng kiến một cảnh tượng không cầm lòng được: Một cô gái trẻ khá xinh đẹp đi xe máy vụt lên nghĩa trang rồi vội vã bỏ lại gần khu mộ một túi nilon màu đen. Ngay sau đó, cô gái vội vã phóng xe đi về phía thành phố…

Thấy bất thường, ông đến mở túi nilon thì phát hiện một hài nhi đỏ hỏn bên trong. Nhìn cảnh tượng ấy khiến chân tay ông rụng rời, người ông không đứng vững được. Sau phút giây trấn tĩnh, ông nghĩ rằng lương tâm con người không thể làm ngơ chuyện này được, nên đã chôn cất và xây mộ cho sinh linh nhỏ bé này một cách tử tế.

Sau lần ấy, đêm về ngủ, trong đầu ông cứ ám ảnh bởi những hài nhi bị bỏ rơi. Hôm sau, ông quay lại nghĩa trang thắp hương mộ mẹ và khi đi qua khu mộ Đồng nhi, bước chân bỗng cứ chùn xuống như có ai đó níu kéo. Linh cảm đưa ông tìm đến góc khuất sau một ngôi mộ và lại bắt gặp thêm một hài nhi khác cũng bị bỏ rơi. Từ dạo ấy, ông bỏ luôn nghề xây dựng, lủi thủi làm việc chôn cất, xây mộ phần cho các cháu. Rồi ông Sáu gặp được anh Phụng và anh Lễ. Kể từ lúc đó, anh Phụng và anh Lễ học được thủ tục khâm liệm từ ông Sáu. Cả ba tất bật cả ngày đêm ở nghĩa trang để làm việc chôn cất cho các hài nhi chưa được một lần sống.

Họ kể, có những đêm ngủ dậy, sáng ra họ thấy túi đựng hài nhi được chôn lấp một cách sơ sài ở nghĩa trang thành phố Pleiku. Quá đau lòng, ông Sáu bảo hai anh Lễ và Phụng xây ngay một tấm bảng nằm ở vị trí trung tâm nghĩa trang khắc lên dòng chữ “Xin đừng vùi lấp, vứt bỏ, hãy đặt các con nơi đây để cô chú giúp đỡ”. Rồi các anh liên hệ với cánh xe ôm, dán số điện thoại khắp nơi, cùng dòng nhắn: “Có ai nhất thời khó khăn, túng quẫn hãy gọi số này mong giúp ngặt”. Cứ vậy, mỗi người họ đã khâm liệm và chôn cất hàng nghìn thai nhi bị bỏ rơi.

Vài năm trước, ông Sáu vào TP. Hồ Chí Minh sinh sống nên giao trách nhiệm trông coi khu mộ Đồng nhi cho anh Phụng, anh Lễ. Mọi người bảo, nghe đâu anh Sáu vào đó làm từ thiện ở các khu bệnh viện.

Trời đã dịu nắng, thắp nén hương lên bàn thờ chung, anh Phụng, anh Lễ lại bắt đầu công việc thường ngày của mình: Đi đến các điểm quanh thành phố để xin thai nhi xấu số mang về đây chôn cất. Tôi ngỏ ý muốn đi cùng để phần nào hiểu và chia sẻ với công việc của các anh. Anh Phụng nhìn tôi ái ngại rồi cũng đồng ý…

Ngay trong đêm Giáng sinh đánh dấu sự ra đời cái nghĩa trang Đồng nhi đó, hai linh hồn bé bỏng được cha Đông an ủi bằng cách đặt cho các cháu những cái tên để gọi. Đứa bé người Kinh ông đặt tên là Võ Minh Giáng Sinh, còn cháu bé con của cô gái người dân tộc Ja Rai, ông đặt cho cháu tên là Nay Noel. Đêm Giáng sinh ở Tây Nguyên bao giờ cũng là đêm lạnh nhất trong năm. Gió rét căm căm như những nhát dao cứa vào da thịt. Hai ngôi mộ nho nhỏ được đắp kề nhau, nghi ngút khói hương.

(Còn nữa…)

Theo Cao Tuân (Báo Gia đình & Xã hội)

 

Check Also

Anh chị đã phó thác vào Chúa và Chúa đã nhậm lời anh chị

Hôm trước đi lễ, mình nghe Cha kể lại câu chuyện Cha mới nghe từ …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.