Mái ấm Tình Mẹ 2, nơi che chở nữ công nhân lầm lỡ và trẻ sơ sinh

Nạo phá thai và bỏ rơi trẻ sơ sinh trong cộng đồng nữ công nhân và sinh viên nhập cư tại các tỉnh Miền Đông, nơi có rất nhiều khu công nghiệp, hiện là hiện trạng nhức nhối, đau lòng. Chính vì thế, Dòng Thừa Sai Bác Ai Chúa Ki Tô đã mở ra các cơ sở mái ấm tình thương làm chỗ dựa cho các thai phụ bị ruồng bỏ để giảm thiểu nạn phá thai và bỏ rơi trẻ sơ sinh.

MaiAn-TinhMe-01-696x507

                        Mái ấm Tình Mẹ 2 đang chăm sóc 60 em bé sơ sinh và 21 phụ nữ mang thai.

Mái ấm Tình Mẹ 2, hay còn gọi “Cộng Đồng Mẹ Thiên Chúa,” nằm ở cuối đường An Thạnh 73, thuộc phường Hưng Định, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương. Thành lập vào năm 2006, đến nay, mái ấm đã giúp đỡ gần một ngàn phụ nữ cơ nhỡ sinh con an toàn và đùm bọc cho họ vượt qua hoàn cảnh éo le của cuộc đời.
Tiếp chúng tôi trong căn phòng khách giản dị, Soeur Hồ Thị Thu Thúy không thể giấu vẻ mệt mỏi của một người phụ nữ lao lực lao tâm, dù gương mặt bà vẫn toát lên vẻ rắn rỏi, cương nghị.

Từ 5 soeur, nay cơ sở đã tăng cường lên 12 soeur nhưng vẫn không đáp ứng nổi. Ở giai đoạn này, các soeur đang chăm sóc 60 em bé sơ sinh và 21 phụ nữ mang thai. Trong đó, có nhiều cô gái còn quá trẻ, họ không biết cách chăm sóc con và chăm sóc bản thân, nên các soeur phải nuôi cả hai.

“Nhiều cô gái xa gia đình lên ở trọ đi làm, đi học. Trong môi trường ở trọ, họ dễ sống chung đụng, dễ bị lừa gạt và có thai. Chúng tôi mở ra cơ sở này nhằm giúp đỡ các thai phụ, cưu mang các bào thai để các cô không vì quá cực khổ mà phá bỏ,” Soeur Thúy nói.

MaiAn-TinhMe-02-696x494

                                              Trụ sở Mái ấm Tình Mẹ 2.

Soeur Thúy cho biết, ở mái ấm một thời gian, những người nào có khả năng đi làm và nuôi con được thì họ xin đưa con ra ngoài nuôi. Tuy nhiên, nhiều cô gái gửi con lại cho mái ấm nuôi và đi ra ngoài làm hoặc trở về quê. Họ giấu kín việc đã từng có bầu, đã từng sinh con.

Hầu hết những phụ nữ đến nương tựa vào mái ấm đều trong tình trạng tuyệt vọng về tinh thần và nghèo khổ về vật chất. Các soeur đón nhận họ phải vừa động viên, an ủi, vừa lo mọi sinh hoạt ăn uống. Đến ngày sinh nở, các soeur thay nhau đưa đi bệnh viện, lo hết mọi chi phí, sinh xong lại đưa về nuôi cả mẹ lẫn con.

Trong hàng chục em bé sơ sinh, có những thời điểm 4-5 bé cùng đổ bệnh. Mỗi lúc như thế, các soeur lại thêm vất vả vì phải chia nhau ẵm đến các bệnh viện tại Bình Dương hoặc Sài Gòn để chữa trị.

Bà Nguyễn Thị Tương, nhà ở gần Mái ấm Tình Mẹ 2, cho hay: “Thương các soeur lắm. Họ quá vất vả! Soeur chứ người thường như mình thì không làm nổi đâu. Tôi được biết mỗi đêm như vậy phải có 5 bà soeur trực, phải thức trắng để chăm trẻ sơ sinh.”

Theo lời kể của người dân địa phương, nơi này thường xuyên có những phụ nữ mang thai đến kêu cửa xin giúp đỡ. Có một số trường hợp vừa đến tới cửa mái ấm thì lập tức hạ sinh. Các soeur phải ra đưa vào rửa ráy, cắt rốn, chăm sóc hậu sản và làm thủ tục khai sinh cho trẻ.

Xót xa trước nạn chối bỏ thai nhi

Bình Dương là tỉnh thu hút các công ty ngoại quốc vào đầu tư mở nhà máy, xí nghiệp thuộc hàng lớn nhất Việt Nam, tập trung gần 30 khu công nghiệp với trên 1 triệu công nhân lao động. Phần lớn công nhân là người nhập cư, sống tạm bợ trong các khu nhà trọ. Cường độ làm việc cao, đời sống vật chất và tinh thần nghèo nàn, nhiều công nhân đã dễ dàng yêu đương, sống thử, quan hệ tình dục thiếu cân nhắc.

MaiAn-TinhMe-03-696x416

  Bình Dương là tỉnh có gần 30 khu công nghiệp với trên một triệu lao động, trong đó nữ công nhân là thành phần chịu nhiều thiệt thòi và nguy hiểm.

Hệ quả là rất nhiều nữ công nhân mang thai ngoài ý muốn.
Trong khi đó, các chàng trai thì cũng chưa lo nổi cho bản thân huống chi là nuôi cả một gia đình. Thế là họ “quất ngựa truy phong,” để lại các cô gái trẻ một mình gánh chịu hậu quả. Người yêu chối bỏ cộng với nỗi lo sợ bị gia đình phát hiện, rất nhiều cô gái đã tìm đến bệnh viện phá thai. Một số người khác sinh con ra rồi đem bỏ lại bệnh viện, cửa chùa, cơ sở nuôi trẻ mồ côi, nhà dân,… thậm chí là bỏ vào thùng rác.

Theo Soeur Hồ Thị Thu Thúy, khi các cô gái đến bệnh viện xin làm thủ tục nạo phá thai, các y bác sĩ có từ tâm đã khuyên can đồng thời giới thiệu cho họ địa chỉ của mái ấm Tình Mẹ. Tuy vậy, vẫn có rất nhiều người chối bỏ thai nhi. Soeur Thúy cho biết, với sự hỗ trợ của các cộng tác viên, đến nay Mái ấm Tình Mẹ 2 đã làm thủ tục tẩm liệm và an táng cho khoảng 2 ngàn hài nhi bị bỏ ở các bệnh viện thuộc tỉnh Bình Dương. Một con số làm bất cứ ai cũng giật mình và đau xót!

Việt Nam là quốc gia đứng thứ 5 thế giới và đứng đầu Đông Nam á về nạo phá thai, với con số khoảng 300 ngàn ca mỗi năm. Không chỉ các bệnh viện, trạm xá công lập, rất nhiều cơ sở y tế tư nhân cũng tham gia vào dịch vụ này.

Check Also

Thánh Lễ Lòng Chúa Thương Xót và an táng 17 em thai nhi

Vào 3 giờ chiều ngày 30-08-2024, tại Nhà thờ Giáo Xứ Thái Hà, Cha Đặc …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.