BVSS (22/11/2016) – Ngôi nhà của niềm tin và hy vọng
“Vì ngày mai, hãy can đảm tiến lên” là thông điệp ở nhà Tạm Lánh Mai Tiến (Kp4, p Hố Nai, tp. Biên Hoà, Đồng Nai). Hơn 5 năm qua, nơi đây đã cưu mang, chở che cho biết bao là mẹ đơn thân hoặc những cơ gái “lỡ làng” rơi vào ngõ quanh tăm tối của cuộc đời.
NỢ TÌNH BIẾT GỬI VÀO ĐÂU?
Nhà tạm lánh Mai Tiến do cha Nguyễn Văn Tịch lập năm 2011, nằm trong khuôn viên nghĩa trang thai nhi thuộc giáo xứ Tây Hải. Các bào thai đoản mệnh được cha Tịch đón nhận, chôn cất và trông coi phần mộ từ nhiều năm nay. Để giảm nguy cơ các em bị vứt bỏ, mái ấm Mai Tiến ra đời với mong muốn đồng hành và là chốn nương thân cho các cô gái trót dại “chửa hoang”. 5 năm nay nhà tạm lánh đã nuôi dưỡng hơn 200 trường hợp thai phụ và người mẹ đơn thân nương nhờ. Trong suốt 3 tháng 10 ngày sau sinh, các sản phụ được hỗ trợ viện phí, thuốc thang…
Những cô gái tuổi đôi mươi lầm lạc trong tình yêu để rồi phải lỡ làng cả phận người. Người yêu ruồng bỏ, bản thân lại không đủ can đảm thổ lộ với gia đình và áp lực từ điều tiếng dư luận, buộc họ phải đứng giữa ranh giới giữ hay bỏ con. Ngọc Minh, 18 tuổi (quê Bến Tre), yêu chàng trai làm cùng xí nghiệp ở Sài Gòn, muối tình đầu đẹp chẳng mấy chốc tan biến khi người yêu hay tin em có thai, lập tức “quất ngựa truy phong”. Trong lúc quẫn trí, Minh đến phòng khám, ngước mắt lên đã thấy mình nằm trên bàn mổ, thời khắc còn kịp cho sự lựa chọn cuối cùng, em hốt hoảng bật dậy… Nhờ có sự động viên, chăm sóc của bạn bè, đồng nghiệp Minh mới vượt qua cơn khủng hoảng. Lúc con sắp chào đời, Minh may mắn được cha Tịch đón nhận về nhà Tạm lánh, ổn định tinh thần, chuẩn bị mọi thứ cần thiết cho ngày vượt cạn.
Hầu hết các cô gái đến đây đều ở tâm thế lẩn tránh người thân. Song có một số trường hợp lại được chính gia đình gửi vào đây lánh tiếng đời. Đài xinh đẹp, hoạt bát, giỏi giang nên được không ít chàng trai theo đuổi. Một ngày Đài cảm nhận có điều bất thường trong người, đi khám thì tá hoả mình đã có thai gần hai tháng (trong khi mới chia tay người bạn trai tuần trước). Rối rắm, lo sợ, Đài nhốt mình trong nhà một tuần, cuối cùng quyết định đi làm mẹ đơn thân. Gia đình biết chuyện, thương nhiều hơn trách. Họ đồng tình giữ cháu nhưng chọn phương án gửi em vào nhà tạm lánh, đợi đến khi “mẹ tròn con vuông” sẽ tính tiếp.
Không chỉ các cô gái như Đài, nhà tạm lánh Mai Tiến còn cưu mang nhiều hoàn cảnh mẹ đơn thân khác. Chị Hiếu (Q. Gò Vấp, Tp HCM) đến nhà tạm lánh được hơn hai tháng. Ngày chị đến, ai cũng ngạc nhiên bởi trước giờ chưa thấy trường hợp nào đông như thế. Chị đi trước, khệ nệ xách mấy túi đồ, bốn đứa con lẽo đẽo theo sau, con gái lơn 16 tuổi, bồng em út mới hơn 3 tháng. Năm mẹ con chạy trốn người cha vũ phu, vô trách nhiệm và phản bội. bước vào gian phong, đặt đồ xuống sàn, quay sang nhìn lũ trẻ chị nói “Nơi đay là nhà mẹ con mình, không còn phải lo sợ gì nữa”.
CHÚNG TÔI LÀ MỘT GIA ĐÌNH
Thành lập nhà tạn lánh, cha Tịch luôn tâm niệm đây không phải là nơi để lẩn trốn cuộc đời, mà là nơi bắt đầu một cuộc sống mới để các cô gái chuẩn bị làm mẹ với tất cả trách nhiệm, khả năng và nhân phảm của mình. Hành trinh này cần sự chung tay của rất nhiều người.
Chị Nguyễn Thị Căn, người phụ trách và hỗ trợ sinh hoạt tại nhà tạn lánh chia sẻ : “Chúng tôi là một gia đình, tôi chăm lo và bảo ban các em như em gái mình”. Nhà thưởng tổ chức các buổi tư vấn tiền sinh sản, em nào cũng chăm chú lắng nghe, hỏi rất chi tiết nhiều vướng mắc. Ấy vậy mà khi sinh con vẫn không tránh khỏi nhiều lúc luống cuống hay “phá lệ”. Luật bất thành văn ở nhà là “bầu nhỏ chăm bầu lớn”, “mẹ rỗi rãi chăm con phụ mẹ bận”. Những cô yêu trẻ, chăm con khéo, bé nào cũng đòi ẵm nên tối ngày cứ lu bù. Vất vả nhưng các cô vẫn tíu tít nói cười, đùa nghịch, âu yếm, nựng nịu các bé.
Nhà tạm lánh còn có trường hợp bà Lan, chồng bỏ đi, một mình bà vất vả nuôi con gái Yến Chi hơn 10 năm qua. Chi học đến năm thứ 2 đại học, bị đột quỵ, để lại di chứng bại não, bất động, mù loà. Tài sản trong nhà lần lượt bán đi để chạy chữa cho em, căn nhà che mưa, che nắng cũng không còn, mẹ con bà dắt díu nhau tìm đến “gia đình” thứ hai này. Ở tuổi 71, mặc cho mọi khó khăn về sức khoẻ, vật chất dồn đuổi, bà vẫn dốc sức chăm lo cho con. Chăm trẻ đã khó, chăm một “đứa con to xác” thì khó khăn bội phần, chỉ có tình mẫu tử mới đủ sức giúp bà vượt qua. Nhiều hôm bà làm việc kiệt sức, chứng thoát vị đĩa đệm liên tục hoành hành. Cùng lúc đó, Yến Chi sốt, lên cơn co giật, cả nhà không ngủ, người lật đật đưa em đi viện, người ở nhà thay nhau túc trực bên bà. Dẫu vậy, không ai than phiền điều gì, bởi ai nấy đều xem mẹ con Yến Chi là người thân của mình.
Không chỉ ổn định chỗ ở, nhà tạm lánh còn tạo điều kiện để các mẹ có thêm thu nhập bặng việc bọc vỏ giấy kiếng cho kẹo. Xưởng nằm ngay tại nhà, do anh Phạm Quốc Cường quản lý. Cứ 5 kg kẹo, chị em được trả 10,000đ. Thu nhập tuy không cao nhưng việc nhẹ, làm tại nhà nên các mẹ có thể chủ động thời gian chăm con, khi đứa trẻ cứng cáp, cha Tịch lại lo tìm việc làm ổn định cho chị em, giúp họ tự vững bước trên đôi chân của mình khi tách khỏi nhà tạm lánh. Không ít người mẹ trẻ rời khỏi mái nhà chung, vừa đi làm, vừa tự nuôi con, vừa tiếp tục đi học.
Kế bên nhà tạm lánh là nghĩa trang nhỏ bé, có tiếng suối nước chày, thi thoảng có tiếng nhạc vang vọng giữa những hàng nến hoa. Hàng ngày có người mang thi hài trẻ đến xin được an nghỉ tại nơi này. “Ngày ngày nghe tiếng kinh cầu, lòng tôi lại thương xót cho số phận các em. Mong sao chị em đừng vì một phút bồng bột mà đánh đổi cả tương lai và sinh mạng của trẻ thơ vô tội” – một bà mẹ đơn thân bùi ngùi nhắn gửi.
Theo Báo Phụ Nữ.