Phép Thánh Thể chính là cam kết bảo vệ sự sống

Thật thế, việc chúng ta cam kết Bảo Vệ Sự Sống cho những trẻ thơ chưa được chào đời chính là đã nhận được hình thái và chất liệu từ Phép Thánh Thể, như là Bí Tích của Đức Tin, của sự hiệp kết, của sự sống, của tình yêu và của sự tôn kính.

Eucharistic-Bread

Phép Thánh Thể chính là một Bí Tích của Đức Tin

Bánh đã được Thánh Hóa cũng chẳng khác gì nhiều so với bánh trước đó. Nó cũng có cùng mùi, vị, và hình dáng chẳng khác gì bánh chưa được thánh hóa. Trong năm giác quan, thì chỉ có một giác quan nghe – thính giác – mới nhận biết được sự thật.

Như Thánh Tôma đã từng bày tỏ: “Việc nhìn thấy, sờ, và ngửi có thể là sự giả dối hay lọc lừa, thế nhưng, việc lắng nghe thì lại khác hẳn.” Vì chưng, đôi tai lắng nghe được những Lời Của Thiên Chúa: “Đây là Mình Ta, và đây là Máu Ta”, và Đức Tin đưa chúng ta ra khỏi những hình dáng hay vẽ dung mạo bên ngoài của chiếc bánh, và rượu mang tính vật chất đó, để mà nhận biết được đó chính là “Mình Thánh” và “Máu Thánh của Chúa Kitô”.

Những người Kitô Giáo vẫn thường hay nhìn ra khỏi diện mạo bên ngoài. Đứa trẻ trong máng cỏ không giống với Thiên Chúa chút nào, lẫn người đàn ông trên cây thập tự giá. Tuy nhiên, bằng chính Đức Tin chúng ta biết được Ngài không chỉ là một con người thuần túy.

Kinh Thánh chẳng có dáng vẻ gì đặc biệt cho lắm so với những cuốn sách thông thường được bày trên các kệ sách. Tuy nhiên, bằng chính Đức Tin, chúng ta biết được đó là Lời của Thiên Chúa.

Phép Thánh Thể trông có vẻ như là một tấm bánh không men bình thường, và rượu cũng vậy, thế nhưng, bằng chính Đức Tin chúng ta tuyên xưng rằng: “Lạy Thiên Chúa, là Chúa của con” khi chúng ta quỳ xuống để suy tôn Phép Thánh Thể.

Cũng với động lực và chiều kích tương tự của Đức Tin, giúp chúng ta có thể nhìn ra khỏi vẻ dung mạo bên ngoài, để hướng vào trong những mầu nhiệm, vốn đưa chúng ta đến tận các anh em hàng xóm láng giềng của chúng ta. Chúng ta có thể nhìn vào những người chung quanh chúng ta, những người làm cho chúng ta khó chịu, những người xấu xí, hay bất kỳ ai đang hôn mê trên giường bệnh, vân vân để có thể nói lên rằng: “Chúa Kitô cũng đang có mặt nơi đây. Đây chính là các anh, chị, em tôi, những người được tạo dựng nên giống với hình ảnh của Thiên Chúa!”

Cũng với động lực và chiều kích tương tự như vậy của Đức Tin, chúng ta có thể nhìn vào các trẻ thơ chưa chào đời và nói với các em này rằng: “Các em cũng là anh chị em của tôi, chúng ta cùng có chung tính nhân phẩm và xứng đáng được bảo vệ như nhau!”

Một số người sẽ nói với trẻ thơ còn nằm trong bụng mẹ, đặc biệt là khi trẻ còn trong những giai đoạn phát triển sớm nhất, rằng vì trẻ hãy còn quá nhỏ để có thể nhận được những quyền có liên quan đến luật pháp. Thì liệu họ có dám lập luận rằng: vì Bánh Thánh quá nhỏ bé để có thể trở thành Thiên Chúa ? Hoặc không thể nào giống hệt với Đấng được tôn thờ sao?

Những phần tử nhỏ nhất của Bánh Thánh cũng đều là một Chúa Kitô trọn vẹn. Đức Tin vào Phép Thánh Thể chính là một thứ thuốc giải độc cho cái ý niệm rất nguy hiểm khi cho rằng giá trị phụ thuộc vào kích thước.

Phép Thánh Thể cũng chính là Bí Tích của sự Hiệp Nhất

“Và phần Thầy, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất”, Thiên Chúa nói, “Thầy sẽ kéo mọi người lên với Thầy” (Ga 12, 32). Thiên Chúa giữ trọn lời hứa của Ngài qua Phép Thánh Thể, vốn là cách để dựng xây nên Giáo Hội của Ngài ở trần gian. Giáo Hội chính là dấu chỉ và là nguyên do cho sự hiệp nhất của toàn thể gia đình nhân loại.

Hãy tưởng tượng về tất cả mọi người, trên mọi phần của thế giới, ngày hôm nay đang lãnh nhận Phép Thánh Thể. Thì thử hỏi có phải tất cả họ đang đón nhận một Chúa Kitô riêng lẻ và chỉ dành riêng ra cho cá nhân của họ mà thôi không ? Chẳng phải là mỗi người nhận được một và chỉ một Chúa Kitô mà thôi sao ?

Thông qua Bí Tích này, Chúa Kitô là Thiên Chúa, Đấng vinh hiển đang ngự trị trên Nước Thiên Đàng, đang quy tụ tất cả mọi người cùng hướng về chính bản thân Ngài, rồi Ngài lại quy tụ tất cả chúng ta đến với nhau.

Về điểm này, Thánh Phaolô đã nói như sau: “Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (Thư 1Cr 10, 17).

Khi chúng ta gọi nhau là “các anh chị em,” chúng ta không chỉ thuần tuý dùng phép ẩn dụ (metaphor) để hiện thể sự hiệp nhất một cách mờ nhạt giữa các em chị em của chúng ta trong cùng một gia đình có cha, có mẹ. Còn sự hiệp nhất mà chúng ta có trong Chúa Kitô hoàn toàn mạnh mẽ hơn sự hiệp nhất của các anh chị em có cùng huyết thống với chúng ta, vì lẽ, chúng ta cùng có chung một dòng máu, đó là dòng máu của Chúa Kitô.

Kết quả của Phép Thánh Thể chính là việc tất cả chúng ta đều trở nên một với nhau, và điều này ràng buộc chúng ta phải biết nhạy cảm và quan tâm đến nhau như thể tất cả đều là những thân thể của riêng chúng ta vậy.

Như Thánh Gioan đã bình chú rằng, việc Chúa Kitô chịu chết là để “quy tụ tất cả mọi con cái đang rải rác khắp nơi của Ngài.” Tội lỗi đã làm cho chúng ta rời xa Ngài. Thế nhưng, chính Chúa Kitô đoàn kết chúng ta lại với nhau. Từ “ma quỷ” (diabolical) có nghĩa là “việc ngăn cách từng mảnh” (to split asunder). Chúa Kitô đến “để tiêu diệt tội lỗi” (như trong Thư 1Ga 3, 8 trình thuật). Phép Thánh Thể dựng xây nên gia đình nhân loại trong Chúa Kitô, Đấng đã nói rằng: “Hãy đến với Ta, hãy ăn Mình Ta, và hãy trở thành Mình Ta.”

Thế nhưng, việc phá thai lại nói ngược lại, rằng: “Hãy cút xéo đi ! Bọn ta không có chỗ cho ngươi, không có thời gian dành cho ngươi, không có mong ước cũng như chẳng có trách nhiệm gì với ngươi cả. Hãy cút xéo đi ra khỏi mặt ta !” Việc phá thai chính là hình thức chống lại sự hiệp kết của gia đình nhân loại bằng việc tách chúng ta ra thành từng mảnh, tách hẳn đi mối quan hệ nền tảng giữa hai người với nhau: người mẹ và em bé. Phép Thánh Thể, như là Bí Tích của Sự Hiệp Nhất, đảo ngược lại chiều hướng và động lực của việc phá thai.

Phép Thánh Thể chính là Bí Tích của Sự Sống

“Ta là Bánh Sự Sống. Ai ăn Bánh này sẽ sống đời đời, và người ấy sẽ được sống lại vào ngày sau hết” ( như Ga 6, 47 – 58 có trình thuật ). Hy tế của Phép Thánh Thể chính là hành động thiết thực nhất mà Chúa Kitô đã dùng để tiêu hủy sự chết, và khôi phục lại sự sống cho tất cả chúng ta. Bất cứ khi nào chúng ta cùng nhau quy tụ lại trong hy tế này, tức là chúng ta cử hành chiến thắng của sự sống lên trên sự chết, cũng như lên trên cả sự phá thai.

Phong trào Bảo Vệ Sự Sống không chỉ đơn giản là làm việc “cho” sự chiến thắng; mà là chúng ta đang làm “từ” sự chiến thắng. Như Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị đã từng nói tại Denver vào năm 1993 rằng: “Các con đừng sợ hãi, vì rằng kết quả của chiến cuộc về Sự Sống đã được định đoạt rồi”. Công việc còn lại của chúng ta chính là việc đem ra áp dụng chiến thắng đã được khởi thiết đó vào trong tất cả mọi bộ mặt của xã hội. Việc cử hành Phép Thánh Thể chính là nguồn và cũng là cùng đích cho công trình đó.

Phép Thánh Thể chính là Hành Động Tôn Kính Cao Cả Nhất Dành Cho Thiên Chúa

Có hai bài học mà mỗi người trong chúng ta cần phải học hỏi chính là: có một Thiên Chúa, và đó không phải là tôi! Phép Thánh Thể, như là một hy tế trọn vẹn, nhìn nhận rằng Thiên Chúa chính là Thiên Chúa, và rằng: “Quyền của Ngài là chấp nhận sự phục tùng, vâng lời của tất cả mọi tạo vật do Ngài dựng nên” (như được đề cập trong Phần Mở Đầu của Sách về Bí Tích Học).

Phá thai, mặt khác, lại dõng dạc tuyên bố rằng sự chọn lựa hay quyền chọn lựa của một người mẹ chính là quyền tối thượng. Chỉ “sự tự do để chọn lựa” không thôi cũng đủ lý do để biện minh và lý giải cho việc chia cắt (dismemberment) đứa trẻ của mình. Sự chọn lựa để ly dị khỏi sự thật chính là một sự sùng bái ngẫu tượng (idolatry). Đó chính là mặt trái hay mặt đối lập của việc thờ kính đích thực. Nó giả vờ và cho rằng tạo vật (creature) chính là Thiên Chúa.

Sự tự do thật sự chỉ có thể tìm thấy được qua việc biết quy phục và dám nhìn nhận vào sự thật và ý chỉ của Thiên Chúa mà thôi. Sự tự do thật sự không phải là khả năng có thể làm được bất cứ điều gì mà mình mong muốn, mà là quyền năng để biết hành động sao cho phải lẽ, và phù hợp luân thường đạo lý.

Phép Thánh Thể cũng là một Bí Tích của Tình Yêu

Thánh Gioan đã giải thích về điểm này như sau: “Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được tình yêu là gì: đó là Đức Kitô đã thí mạng vì chúng ta. Như vậy, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em” (Thư 1Ga 3, 16). Chúa Kitô đã dạy cho chúng ta rằng: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15, 13).

Biểu tượng cao cả nhất của Tình Yêu không phải là con tim; không, không phải vậy đâu ! Mà biểu tượng cao cả nhất của tình yêu chính là cây thập tự giá. Việc phá thai chính là hình thức ngược đối lại với tình yêu. Vì chưng, tình yêu nói rằng: “Tôi tự hiến mạng sống mình vì những điều tốt đẹp cho người khác”. Còn việc phá thai thì lại nói rằng: “Tôi hy sinh người khác vì ích lợi cho riêng bản thân tôi.”

Trong Phép Thánh Thể, chúng ta nhận thấy được ý nghĩa của tình yêu và đón nhận quyền năng của Thiên Chúa để có thể sống trọn trong một tình yêu đó. Hơn nữa, cũng chính những ngôn từ tương tự ấy, mà Thiên Chúa đã dùng để dạy cho chúng ta biết được ý nghĩa của Tình Yêu, vốn oái oăm thay cũng được những người cổ võ cho việc phá thai sử dụng: “Đây là thân thể của tôi” (This is my body).

Sáu chữ này đã được vọng lên từ một góc đối lập xa xôi của vũ trụ, với những kết quả hoàn toàn trái ngược hẳn. Chúa Kitô đã hiến mạng sống mình để cho những người khác được sống; còn những người ủng hộ phá thai lại bám víu và dùng thân thể của họ để cho kẻ khác phải chết đi. Chúa Kitô nói: “Đây là Mình Thầy hiến dâng cho anh em; và Đây là Máu Thầy, Máu đã đổ ra cho tất cả anh em”. Thì đó chính là những ngữ từ của sự hy sinh; và đó mới đúng là những ngữ từ của một tình yêu thật sự huyền nhiệm và cao vời.

Vào năm 1994, tại Washington, Mẹ Chân Phước Têrêsa đã nói rằng: chúng ta phải tranh đấu chống lại việc phá thai bằng cách giảng dạy cho những người làm mẹ biết được một tình yêu thật sự có ý nghĩa huyền nhiệm và cao vời như thế nào, để họ có thể “sẵn sàng hy sinh, sẵn sàng cho đi dẫu rằng đó là sự đớn đau… Để những người mẹ nào đang nghĩ tới chuyện phá thai, nên được giúp đỡ để biết yêu thương, để hy sinh tất cả, để tôn trọng mạng sống bé nhỏ của đứa trẻ thơ mà mình đang mang trong bụng”.

Gustave Thibon đã từng nói rằng: “Thiên Chúa thật và đích thực sẽ giúp hoán chuyển bạo lực qua sự khổ đau, còn ngẫu thần thì lại biến sự khổ đau trở thành bạo lực”.

Người phụ nữ nào có khuynh hướng muốn phá thai sẽ biến sự đau khổ, chịu đựng của mình thành bạo lực, trừ phi người phụ nữ đó cho phép tình yêu hoán chuyển lấy mình, và để cho lý trí của mình biến mình trở thành một người biết hy sinh, biết từ bỏ chính mình đi vì mạng sống quý giá của trẻ thơ. Thì khi đó, người mẹ ấy sẽ nói rằng: “Đây là thân mình của mẹ, dòng máu của mẹ, mạng sống của mẹ, mẹ hy sinh tất cả vì con, và vì con là con của mẹ.”

Bất kỳ ai muốn phá thai, thì hãy nên mạnh dạn nói ra những điều như vậy. Chúng ta cũng vậy, chúng ta cần phải biết thực thi sự rộng mở, khoan dung mà chúng ta yêu cầu hay mong mỏi những người làm mẹ thực hiện. Chúng ta cần phải bắt chước chính những mầu nhiệm mà chúng ta cử hành.

“Các con hãy làm điều này để tưởng nhớ đến Thầy,” câu nói ấy được áp dụng cho tất cả mọi người trong chúng ta, để chúng ta sẵn sàng chịu khổ vì tình yêu dành cho Chúa Kitô để cho những người khác được sống.

Chúng ta phải là những tia chớp chói sáng ngay giữa giông tố, cuồng phong bão dữ, ngay giữa hiểm nguy của bạo lực và sự hủy diệt, để dám lên tiếng nói rằng: “Lạy Chúa, con sẵn sàng để áp chế đi kiểu bạo lực này, và biến nó thành tình yêu qua sự khổ đau, hoặc, nếu có, là chính sự mất mát của riêng bản thân con, để cho những người khác được sống, và sống dồi dào”.

Lời Kết

Thật vậy, Phép Thánh Thể đưa ra những huấn lệnh làm vốn liếng hành trang cho phong trào Bảo Vệ Sự Sống. Phép Thánh Thể cũng chính là nguồn cung cấp năng lực, chính là Tình Yêu. Vì quả thực, nếu phong trào Bảo Vệ Sự Sống không phải là một phong trào của tình yêu, thì nó chẳng có ý nghĩa gì cả.

Thế nhưng, nếu phong trào Bảo Vệ Sự Sống là vì tình yêu, thì sẽ không có gì có thể cản ngăn được, vì lẽ “tình yêu mãnh liệt như tử thần, cơn đam mê dữ dội như âm phủ. Lửa tình là ngọn lửa bừng cháy, một ngọn lửa thần thiêng” (Diễm Ca 8, 6).

Lm. FRANK PAVONE, Hội các Linh Mục Phò Sự Sống,
bản dịch của ANTHONY LÊ, VietCatholic
Ephata có biên tập lại một chút

Nguồn: báo Ephata

Check Also

Cô gái địu con 10 ngày tuổi khi tham dự lễ tốt nghiệp đại học

Một người phụ nữ ở Michigan không chỉ mặc lễ phục tốt nghiệp để nhận …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.