Quy định Pháp Luật liên quan đến nạo phá thai

BVSS (15/11/2016) -Quy định Pháp Luật liên quan đến nạo phá thai

Theo Quy định của Bộ Y Tế được ban hành trong “Quyết định số 4620/QD-BYT về việc ban hành “Hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản””, cụ thể tại “phần 7 Phá Thai An Toàn” thì tất cả các hành vi phá thai trên 22 tuần đều là vi phạm pháp luật. Ngoài ra đối với các thai nhi có tuổi thai khác nhau thì cũng đòi hỏi
những điều kiện khác nhau khi tiến hành thủ thuật nạo phá thai. Cụ thể về tuyến y tế thực hiện thủ thuật được quy định như sau:

– Phá thai bằng phương pháp hút chân không:
+ Tuyến xã: chỉ phá thai đến hết 7 tuần.
+ Tuyến trung ương, tỉnh và huyện: phá thai từ tuần thứ 6 đến hết tuần thứ 12.
– Phá thai bằng thuốc đến tuần thứ 9:
+ Tuyến trung ương: áp dụng cho tuổi thai đến hết 63 ngày.
+ Tuyến tỉnh: áp dụng cho tuổi thai đến hết 56 ngày.
+ Tuyến huyện: áp dụng cho tuổi thai đến hết 49 ngày
– Phá thai bằng thuốc từ tuần thứ 13 đến hết tuần 22:
+ Các bệnh viện từ tuyến tỉnh trở lên.
– Phá thai bằng phương pháp nong và gắp từ tuần 13 đến hết tuần 18:
+ Các bệnh viện tuyến trung ương và tuyến tỉnh.

Quy định về việc cấp giấy phép hoạt động cho các phép cho các cơ sở khám chữa bệnh, cụ thể là các cơ sở y tế, phòng khám tư nhân, Bộ Y Tế cũng ban hành “Thông tư số 41/2011/TT-BYT của Bộ Y tế: Hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh” được sửa đổi bổ sung trong “Thông tư 41/2015/TT-BYT – Sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư số 41/2011/TT-BYT ngày 14/11/2011 của bộ trưởng bộ Y tế hướng dẫn cấp phép hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh”. Theo đó, phạm vi chuyên môn đối với các cơ sở y tế có quy mô ở mức phòng khám đa khoa và chuyên khoa được quy định tại điều 24, 25, 26, 28, 29, 30, 32, 33 và 34 Thông tư 41/2011/ TTBYT, các cơ sở y tế này chỉ được cấp phép phá thai đến 6 tuần. Như vậy, các cơ sở y tế tư nhân không thể được cấp phép nạo phá thai với thai nhi trên 6 tuần tuổi.

Khoản 3 điều 44 luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân 1989 quy định rõ “Nghiêm cấm các cơ sở y tế và cá nhân làm các thủ thuật nạo thai, phá thai, tháo vòng tránh thai nếu không có giấy phép do Bộ y tế hoặc Sở y tế cấp”.

Quy định về xử phạt đối với các hành vi vi phạm liên quan:
– Xử phạt hành chính: “Nghị định 176/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế”:
+ khoản 5 điều 28: Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

 Hành nghề vượt quá phạm vi chuyên môn được phép, trừ trường hợp cấp cứu;
+ Khoản 6 điều 29: Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động hoặc đang trong thời gian bị đình  chỉ hoạt động;
b) Cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động, trừ trường hợp cấp cứu;
+ Khoản 3 điều 30: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không thực hiện hội chẩn khi bệnh vượt quá khả năng chuyên môn của người hành nghề hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
+ Khoản 6 điều 30: Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định của pháp luật về chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh gây ra tai biến cho người bệnh.
– Về xử lý hình sự: được quy định tại bộ luật hình sự 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009:
+ Điều 242. Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác:
1. Người nào vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 201 của Bộ luật này, gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người khác hoặc đã bị xử lý kỷ luật,xử phạt hành chính về hành vi  này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.
2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt từ từ bảy năm đến mười lăm năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
+ Điều 243. Tội phá thai trái phép
1. Người nào thực hiện việc phá thai trái phép cho người khác gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người đó hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ một năm đến năm năm.
2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Theo Thư viện Pháp Luật.

Check Also

Thánh Lễ Lòng Chúa Thương Xót và an táng 17 em thai nhi

Vào 3 giờ chiều ngày 30-08-2024, tại Nhà thờ Giáo Xứ Thái Hà, Cha Đặc …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.