Sống trong một xã hội điên rồ khiến cho người ta dễ dàng bị đảo lộn các giá trị luân lý đích thực. Việc sử dụng tâm lí đám đông cuồng loạn và tích cực quảng cáo trên các phương tiện truyền thông nhằm loan truyền cho người khác những sự thật nửa vời, cố gắng biến mọi thứ từ trắng thành đen và biến sự dối trá thành chân lí của đời người.
Những “chiếc lưỡi không xương nhiều đường lắt léo” đã dẫn dắt biết bao nhiêu tâm hồn đi vào con đường tối tăm của sự sai lạc, và một trong những biểu ngữ mà nó thực hiện rất thành công chính là: Phá thai là nhân đạo.
Hãy nhìn xem những chính trị gia, những nhà nữ quyền và những nhà xã hội học “tân tiến” nói gì về phá thai. Họ cho rằng họ đang cố gắng “bảo vệ” phụ nữ bằng cách cho họ toàn quyền định đoạt trên thân xác chính mình mà không được ai can thiệp vào. Những lợi ích dối trá mà phá thai mang lại cho phụ nữ chính là:
– Bảo vệ tương lai của những cô gái trẻ độc thân vì cho rằng cái thai là một gánh nặng cuộc sống.
– Bảo vệ truyền thống và danh dự của cả gia đình và của cả xã hội vì một tương lai tốt đẹp với tiếng tăm thơm tho.
– Bảo vệ người mẹ vì nếu đứa trẻ sinh ra sẽ có ảnh hưởng đến sức khỏe người mẹ hoặc thậm chí gây ra cái chết cho mẹ.
– Bảo vệ đứa trẻ, vì nó không đáng có một tuổi thơ bất hạnh không có ba, không được chăm lo như những đứa trẻ khác. Nếu đứa trẻ ấy bị khuyết tật bẩm sinh hoặc có những di chứng về sức khỏe, thì giết nó đi cho nó đỡ phải khổ cha mẹ sau này, hay sau này lớn lên thấy đau khổ và mặc cảm vì chính bản thân nó.
– Khi phá thai trong giai đoạn mới thụ trứng thì không phải con người, do đó phá thai không gây hại cho ai cả, vừa có lợi cho mẹ mà vừa có lợi cho con
– Bảo vệ xã hội khỏi những thành phần vô dụng vì những đứa trẻ không được đầy đủ về vật chất và tinh thần dễ sa vào tệ nạn của xã hội, làm gánh nặng cho xã hội.
Những lí do nêu trên đều là những lí do ÍCH KỈ và coi mình là TRUNG TÂM của XÃ HỘI. Trong khi các vị hô hào bảo vệ cuộc sống của những tù nhân, kẻ nô lệ, người di cư, thì họ lại coi mạng sống của các thai nhi là RÁC RƯỞI, muốn giết thì giết, muốn định đoạt thế nào là tùy họ.
Nếu trở về những thế kỉ trước, việc phá thai được coi là một việc hết sức vô nhân đạo và phi nhân tính. Không phải tự nhiên mà người ta lại cho đó là một tội ác không thể nào chấp nhận được.
Bảo vệ tương lai của mẹ đứa trẻ? Thế nào gọi là bảo vệ? Có ai biết được khi nào mình chết không? Liệu khi những người mẹ này chết, họ có cảm thấy yên lòng vì chính bản thân đã từng ra tay giết đứa con mình trong bụng không? Những nỗi đau khổ dằn vặt đi tới cuối cuộc đời, nỗi ám ảnh về tội lỗi của chính mình liên tục hiện lên như bóng ma. Tâm hồn không lúc nào yên thân vì những điều xấu xa mình đã làm.
Danh dự thì cao trọng hơn mạng sống của một đứa trẻ vô tội ư? Chấp nhận giết đi một sinh mạng để bảo vệ phẩm giá của chính mình, có khác nào một lũ người khát máu đâu! Khi thân xác được chôn xuống mồ thì hư danh có còn giá trị gì nữa hay không? Người ta sợ mang tiếng với người đời khi trở thành một gia đình có con gái chửa hoang, nhưng lại không sợ ai đó nhìn mình bằng ánh mắt của một kẻ giết người!
Tại sao biết đến sinh mạng của mình nhưng lại không thể nào nghĩ đến sinh mạng của người khác? Tại sao có thể ích kỉ đến nỗi chối bỏ dòng máu đỏ hỏn đang chảy trong người mình được cơ chứ! Tình yêu giờ đây bị chôn vùi vì những ích kỉ của riêng mình, nó trở nên thứ tầm thường hơn tất cả mọi thứ, chỉ vì sự dối trá mà người đời đem lại.
Những thai nhi cho dù có bị khuyết tật hay bệnh hoạn, nhưng nó vẫn xứng đáng có được tình yêu từ mọi người, bởi vì nó là một CON NGƯỜI. Nó khuyết tật về thân xác, nhưng nó có khuyết tật về tâm hồn đâu?
Thế giới này đang thiếu TRẦM TRỌNG một thứ TÌNH YÊU nguyên tuyền, và những thai nhi này lại có một trái tim vẹn toàn và trong trắng nhất, sự hiện diện của nó chính là món quà của tình yêu mà xã hội CẦN.
Thế thì tại sao sự có mặt của nó lại bị coi là một cái gì đáng vứt đi, một thứ vô dụng và là một gánh nặng cho người khác. Tại sao lại tàn nhẫn đối với một đứa trẻ vô tội như thế?