ĐỘC NHẤT VÔ NHỊ TỪ NGÀY ĐẦU TIÊN: ỦNG HỘ SỰ SỐNG THAI NHI CHÍNH LÀ ỦNG HỘ KHOA HỌC (P.2)

Ana Maria Dumitru là một bác sĩ nội trú thuộc khoa Ngoại Tổng quát tại Đại học California ở San Diego. Cô lấy bằng Tiến sĩ Hóa sinh tại Dartmouth vào năm 2017 và bằng Bác sĩ y khoa tại Trường Y khoa Geisel thuộc Dartmouth vào năm 2019.

III. BA CÁCH TIẾP CẬN CỦA PHÍA “ỦNG HỘ QUYỀN PHÁ THAI”

Qua nhãn quan của bên ủng hộ quyền phá thai, khoa học được áp dụng thông qua ba cách.

Cách thứ Nhất là công nhận khoa học nhưng lại nói rằng nó không cần thiết. Phép loại suy của Judith Jarvis Thomson về một nghệ sĩ vĩ cầm là một ví dụ, với ẩn ý rằng em bé đang phát triển trong giai đoạn trước khi sinh là một loài ký sinh không mời mà đến để sống bám vào các chất dinh dưỡng trong cơ thể người mẹ và sau cùng là ký sinh trên sức khỏe và hạnh phúc của người mẹ. Cho dù thai nhi có phải là một con người sống hay không (Thomsons giả định điều này là đúng trong phép loại suy của bà), thì vấn đề lớn hơn được đưa ra tranh luận là liệu người mẹ có phải hy sinh cơ thể của mình vì lợi ích của người khác hay không. Dữ kiện khoa học về sự phát triển của con người lúc này không còn liên quan, bởi vì việc phá thai là theo mong muốn của người mẹ.

Cách thứ Hai là vòng vo về tầm quan trọng của khoa học. Về bản chất, người ủng hộ quyền phá thai theo Cách Hai cho rằng “thai nhi chỉ là một cục tế bào”. Những người ủng hộ phá thai nói rằng phôi thai người ban đầu là một tế bào sống, một tế bào đơn lẻ phát triển thành một tập hợp đa bào. Nhưng họ lại không chắc chắn về tầm quan trọng của các cột mốc khoa học như nhịp tim và hệ thần kinh. Họ coi câu hỏi khi nào thì được công nhận và bảo vệ con người là một vùng xám về mặt đạo đức. Điều này chuyển hướng cuộc tranh luận ra khỏi việc ưu tiên suy xét về mặt khoa học của cơ thể người đang phát triển; mà thay vào đó là tập trung vào những trường hợp sẽ biện minh cho việc phá bỏ và chấm dứt sự sống của bào thai trong giai đoạn đầu hoặc việc thí nghiệm trên tế bào phôi người. Tiền đề là phá thai chỉ dần trở nên sai trái hơn khi bào thai bắt đầu trông giống và hiển nhiên là có chức năng tương tự như trẻ đã được sinh ra.

Có lẽ là do sự ảnh hưởng của người ủng hộ phá thai theo Cách thứ Hai, luật hạn chế phá thai khi thai nhi đã biết đau đã có hiệu lực vào những năm 1990, sau khi Tòa án tối cao quyết định rằng các bang nên dành một sự quan tâm đáng kể cho sự sống của những thai nhi có thể phát triển và tồn tại độc lập, song song với “quyền lựa chọn” phá thai của phụ nữ. Những người ủng hộ quyền phá thai theo Cách thứ Nhất và thứ Ba đã chỉ trích những điều luật này một cách gay gắt, khi họ cho rằng quyết định đó làm mập mờ giữa khoa học và triết học về tính người. Một lần nữa, không có một giai đoạn phát triển nào mà bào thai đột ngột mang tính người.

Cách thứ Ba là thừa nhận rằng trên thực tế những em bé chưa chào đời là những cá thể người về mặt khoa học, chứ chưa mang tính người về mặt triết học. Cách hiểu này cổ vũ cho mọi trường hợp phá thai, bao gồm phá thai để lựa chọn giới tính và tục giết trẻ sơ sinh, bởi vì em bé chỉ được coi là mang tính người ở một mốc thời gian nào đó sau khi ra đời. Lập luận này có nhiều điểm tương đồng với Cách thứ Nhất, nhưng khác ở chỗ những người ủng hộ điều này tin rằng người ta chỉ được coi là con người khi họ có cả khả năng tự chăm sóc lẫn tự nhận thức. Điều đó có nghĩa là những người bị sa sút trí tuệ hoặc có khiếm khuyết nghiêm trọng về thể chất hoặc trí tuệ không được coi là con người. Đây được cho là lý lẽ khắc nghiệt nhất, nhưng cũng là lý lẽ bám sát khoa học về sự phát triển con người nhất, của những người ủng hộ quyền phá thai.

IV. VAI TRÒ CỦA NHỮNG NGƯỜI ỦNG HỘ SỰ SỐNG THAI NHI

Ngược lại, những người ủng hộ sự sống thai nhi hoàn toàn công nhận khoa học và tiếp nhận những thông tin khoa học trên một lập trường phổ quát rằng cả sự sống của con người và nhân vị tính đều bắt đầu cùng một lúc. Một khi tinh trùng và trứng không còn là hai tế bào riêng biệt, và hợp nhất để tạo thành hợp tử, một thai nhi mới đã được xuất hiện. Cá thể người này chính là con người bởi vì, ngay từ đầu, cá thể đã chứa những năng lực sẵn có của cuộc đời cá nhân ấy (như khả năng đưa ra quyết định và biểu lộ sự tự nhận thức). Cho dù những năng lực này chưa được dùng đến, thì năng lực vẫn tồn tại ở dạng gốc. Mỗi bào thai đang là, và luôn luôn là một con người bởi vì mỗi cá thể người đều có chung bản chất của con người.

Nếu như những năng lực gốc rễ từ giây phút một con người được tạo thành chính là dấu chỉ của nhân vị tính, thì tất cả mọi người đều sẽ có quyền được bảo vệ. Điều đó nghĩa là những người tàn tật hoặc bị chấn thương cũng là những người có phẩm giá và đáng được tôn trọng. Những người thừa nhiễm sắc thể 21 (Hội chứng Down) có vị trí ngang hàng với những người mắc bệnh về não / ống thần kinh không phát triển đầy đủ (hội chứng não phẳng, nứt đốt sống), và có vị trí ngang hàng với những người phát triển bình thường trước và sau khi sinh. Những người này có vị trí ngang hàng với những người gần cuối đời, những người có thể đã mất đi một số khả năng mà họ từng có — ví dụ như những người bị sa sút trí tuệ, hoặc không còn có thể tự ăn uống được.

V. SỰ KẾT ĐÔI GIỮA KHOA HỌC VÀ TRIẾT HỌC

Vẻ đẹp của sự kết đôi giữa Khoa học và Triết học được thể hiện qua việc trân trọng phẩm giá sự sống của tất cả chúng ta, từ thuở ban sơ cho đến tận cùng trái đất. Chúng ta không thiên vị những con người “khỏe mạnh” hay “được cha mẹ yêu”. Chúng ta không dành nhiều sự yêu thích hơn cho những người có tài ăn nói hoặc vẻ đẹp của họ; cũng như chúng ta không cô lập những người không thể / sẽ không mang lại lợi ích về vật chất cho chúng ta.

Ngày hôm nay, khi chúng ta đang tuần hành, ta tuần hành cho những người bị khiếm khuyết, những người già, những người đau khổ, và những người dễ bị tổn thương quanh chúng ta. Ta tuần hành cho mọi người nữ, với niềm cảm thương đặc biệt dành cho những người phụ nữ đã từng bị xâm hại, thao túng, cưỡng bức, và bạo hành. Ta tuần hành cho những người cha trong cuộc đời ta và cả cho những người cha từng không có quyền để chọn. Ta tuần hành cho những người nam và người nữ đã ra đi, và cho cả sự thay đổi mà ta mong mỏi được nhìn thấy ở thế giới. Ta tuần hành với niềm hi vọng về tương lai, với tình yêu trong trái tim ta, và với kiến thức về khoa học giúp ta nhận ra rằng chúng ta là những con người độc nhất vô nhị kể từ giây phút được tạo thành.

Chúng ta tuần hành vì sự sống.

Bài viết được dịch từ Public Discourse bởi Heartbeat Project với sự cho phép của Ana Maria Dumitru

Check Also

Đức Thánh Cha gọi điện cho người phụ nữ định phá thai, thuyết phục cô giữ con

Anna, người gốc Arezzo ở miền trung nước Ý, có thai với một người đàn …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.