Xót thương cô bé mồ côi, đếm từng ngày chờ chết vì căn bệnh thế kỷ

EMMAUS (03.03.2015)

Căn bệnh thế kỷ HIV đã cướp mất của Nguyệt cả cha lẫn mẹ. Còn lại một mình trên cõi đời, đau đớn thay Nguyệt lại bị lây nhiễm HIV từ người mẹ. Từng ngày trôi qua cô bé 7 tuổi đang phải chịu hàng vạn nỗi đau về cả thể xác lẫn tinh thần.

Vượt hàng trăm km đường trường xa xôi chúng tôi tìm về xã Tân Hương, huyện miền núi Tân Kỳ (Nghệ An) theo lời cầu cứu của người thân em Đàm Thị Thu Nguyệt (7 tuổi) ở xóm 11, xã Tân Hương (Tân Kỳ, Nghệ An). Dưới ánh chiều chạng vạng, chúng tôi gặp cháu Nguyệt đang ngồi ở bậc cửa trước ngôi nhà 2 gian nhỏ bé, ôm tấm di ảnh của người mẹ đã mất, cháu đang đợi người dì ruột đi bán củi ngoài chợ về.

Nguyệt gầy lắm, giọng nói yếu ớt, đôi mắt đượm buồn như nói lên cuộc đời bi thương của chính bản thân em. Khi được hỏi Nguyệt nghẹn ngào: “Bố mẹ cháu mất hết rồi! Cháu được dì đưa về đây nuôi! Nhưng dì đi bán củi ở chợ chưa về, cháu đói lắm”. Nghe những lời của cô bé mà chúng tôi không cầm nổi nước mắt!

SỐ phẬN thƯƠNg cẢM

Mỗi khi nhớ mẹ, Nguyệt chỉ biết ôm tấm di ảnh của mẹ mà khóc. Cô bé còn quá nhỏ để cảm nhận hết những đau thương mà gia đình mình phải chịu vì căn bệnh HIV. Bản thân em cũng đang từng ngày, từng giờ bị căn bệnh HIV hủy hoại cơ thể nhỏ bé gầy guộc của mình.

Một lát sau tiếng xe đạp lạch cạch, chị Nguyễn Thị Út (SN 1969) người dì ruột cưu mang cháu Nguyệt đã về khi những giọt nắng cuối cùng đã rọi trên mái nhà xiêu vẹo của hai dì cháu. Thấy có người lạ chị Út vội mời khách vào nhà uống nước nhưng lúng túng vì căn nhà trống không có nổi một bộ cốc chén để tiếp khách.

Ôm đứa cháu đáng thương vào lòng chị Út như trút hết những dòng tâm sự mặn chát cõi lòng, chị xót xa: “Từ ngày bố cháu Nguyệt qua đời vì căn bệnh HIV, cháu cùng người mẹ xấu số bị gia đình bên chồng hắt hủi, lạnh nhạt. Tôi đành đưa hai mẹ con nó về nhà chăm sóc chữa trị. Nhưng nào ngờ căn bệnh không buông tha, mẹ nó cũng qua đời không lâu sau đó và bây giờ chính bản thân cháu nó cũng bị lây nhiễm HIV từ mẹ. Nhiều lúc nhìn cháu mà nước mắt tôi cứ trào ra…”.

 

Cũng theo lời chị Út, trước đây mẹ của cháu Nguyệt là Nguyễn Thị Sỉu (SN 1975) đã bất chấp mọi lời khuyên ngăn của gia đình người thân, đem lòng yêu người chồng là anh Đàm Công Qúy (SN 1971) ở xã Kỳ Sơn, huyện Tân Kỳ. Mặc dù có nhiều lời đồn đoán, dị nghị về việc anh Qúy có nghiện ma túy trong thời gian anh này làm việc tại TP HCM.

Tưởng bằng chính tình yêu thương của mình, chị Sỉu sẽ cảm hóa người chồng và xây dựng một mái ấm đầy hạnh phúc. Nhưng chính những ngày nghiện ngập ở đất khách anh Qúy đã mang vào mình căn bệnh HIV khi nào không hay. Để rồi chính anh đã lây nhiễm HIV qua cho vợ mình. Sau đó không lâu vào tháng 10/2010, anh Qúy qua đời vì bệnh tật triền miên mà cũng không biết mình đã nhiễm HIV.

Từ ngày chồng mất, cuộc sống của hai mẹ con chị Sỉu lại càng khó khăn bi đát khi chị thường xuyên đau ốm, điều trị dài ngày nhưng không khỏi. Linh cảm của người phụ nữ, người mẹ đã thúc giục khiến chị Sỉu mạnh dạn xuống bệnh viện Ba Lan để xét nghiệm. Và chị đã suy sụp hoàn toàn khi kết quả cho thấy mình đã mắc HIV giai đoạn cuối. Những ngày sau đó chị sống trong hàng vạn nỗi đau của bệnh tật rồi sự lạnh nhạt của gia đình chồng và hàng xóm khi biết chị đã mắc HIV.

Bệnh tình của chị Sỉu ngày một trở nên nghiêm trọng, mặc dù đã được điều trị nhưng chị cứ yếu đi trông thấy, thân tàn ma dại… Thương em gái mình phải sống trong sự lạnh nhạt của gia đình bên nội và dày vò của bệnh tật, chị Út đã đưa em và cháu về nhà chăm sóc và chạy chữa.

Gạt vội những giọt nước mắt trên đôi gò má chai sạm, chị Út nghẹn ngào: “Trước khi mất nó cứ giục tôi đưa con Nguyệt đi xét nghiệm. Lúc ra đi nó muốn biết con mình có bị HIV hay không. Nhưng tôi không dám cho nó biết. Nó chỉ ôm con bé mà khóc thôi, không chịu ăn uống gì cả, ít hôm sau đó thì nó mất!”.

“Khi đó mẹ tôi đã kề dao lên cổ, đe sẽ từ mặt nó (chị Sỉu) nếu tiếp tục yêu và cưới Qúy nhưng nó không nghe. Anh em họ hàng cũng khuyên can nhưng nó đều bỏ ngoài tai vì ai cũng biết thằng Qúy trước đây nghiện ngập trong khi đi làm việc ở trong Sài Gòn. Chỉ nghĩ rằng nó nghiện thôi nào ngờ …”. Chị Út nghẹn đắng lại khi nhìn lên di ảnh của người em gái xấu số.

Dù biết rằng cơ hội để cháu Nguyệt thoát khỏi căn bệnh HIV là vô cùng mỏng manh, nhưng chị Út vẫn như chết lặng khi nhận tờ phiếu ghi kết quả xét nghiệm của Nguyệt trên tay. Kết quả cho thấy Nguyệt cũng dương tính với HIV. Bỏ qua những mặc cảm, những lời dị nghị của mọi người dì Út vẫn kiên quyết đưa Nguyệt về chăm sóc. Vì hơn ai hết chị hiểu được người trong lúc này Nguyệt cần đến dì đến những người thân bên cạnh hơn bao giờ hết.

cảm thương số phận

Giờ Nguyệt có thể đến trường và đi học đều với các bạn cùng trang lứa.

Nguyệt vẫn ngồi lặng lẽ một mình nơi góc giường ôm tấm di ảnh của mẹ vào lòng. Từ ngày mẹ mất, Nguyệt như người mất hồn em nhớ mẹ mình nhiều lắm. Từ đôi mắt của đứa trẻ thơ ngây một nỗi buồn đến sâu thẳm, chát đắng, Nguyệt nói: “Mẹ thương cháu lắm. Bây giờ mẹ đi rồi không còn ai ru cháu ngủ như trước nữa. Cháu nhớ mẹ lắm! Cháu chỉ mong mẹ sẽ về với cháu thôi”.

Nguyệt còn quá nhỏ dại để cảm nhận hết nỗi đau thương bất hạnh của gia đình mình đã phải gánh chịu. Em cũng không thể biết hết những điều khủng khiếp đang dần đến với chính bản thân em. Căn bệnh HIV đang từng ngày từng giờ ăn mòn dần những tế bào trên cơ thể gầy guộc, mỏng manh của em. Nguyệt đã yếu dần, tuổi thơ của em là triền miên những ngày nằm trên giường bệnh, là những ngày cắn răng chịu đựng nỗi đau mang căn bệnh thế kỷ. Em cũng không được thoải mái vui chơi như các bạn cùng trang lứa, những nụ cười trong sáng của tuổi thơ được thay bằng những giọt nước mắt đau thương.

cảm thương số phận2

Hiện tại Nguyệt được điều trị bằng thuốc dành cho người có HIV, vì thế sức khỏe của cháu đã có những tiến triển tốt hơn trước.

Để có tiền chăm sóc đứa cháu đáng thương, hàng ngày ngoài làm 2 sào ruộng chị Út phải đi đốn củi về đem bán ngoài chợ. Mỗi bó củi mà chị nhọc nhằn gánh bộ hàng cây số về rồi mang ra chợ bán cũng chỉ được 30 ngàn đồng. Vì thế cuộc sống của hai dì cháu là triền miên những ngày đói khổ. Dù thế nhưng không bao giờ chị Út được cho phép mình nghỉ một ngày, thậm chí là một giờ. Vì chị biết những đồng tiền thấm đượm mồ hôi mà mình nhọc nhằn kiếm được sẽ kéo dài thêm cho đứa cháu tội nghiệp những ngày được có mặt trên thế gian.

“Có những hôm nhà hết sạch tiền, tôi phải gửi cháu cho bà con lối xóm rồi một mình xuống TP Vinh lấy thuốc cho cháu. Tiền thuốc thì được bệnh viện miễn phí hoàn toàn mình chỉ mất tiền chi phí đi lại thôi. Nhưng gia cảnh thế này mỗi chuyến đi là mình phải gom góp tiền hàng tháng trời mới đủ tiền xe cả đi lẫn về”. Chị Út tâm sự.
Bản thân chị Út cũng đau ốm thường xuyên vì vậy sức khỏe cũng không được như người bình thường. Chị bị chứng đau dây thần kinh, viêm khớp, thoát vị địa đệm nên mỗi lần trái gió trở trời là toàn thân lại đau nhức không làm được bất kỳ việc gì. Những lúc như thế chị chỉ thương đứa cháu tội nghiệp phải chịu đói rét cùng mình mà bản thân chị không làm được gì để giúp nó.

Sưu Tầm: Dân Trí

Check Also

Truyền Thông BVSS/HIV-AIDS tại Lớp GLHN 17/10/2018

Lúc 19h30, 17/10/2018 tại tầng 3 nhà học giáo lý Thái Hà đã diễn ra …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.