Giáo hội là bệnh viện chữa lành người tội lỗi

giao-hoi-la-benh-vien-chua-lanh

Hỏi:

Đức Thánh Cha Phanxicô đã gọi Giáo Hội là bệnh viện chữa lành cho các bệnh nhân là người tội lỗi. Xin cha giải thích thêm về việc này.

Trả lời :

Giáo Hội là Thân Thể Nhiệm Mầu của Chúa KitÔ (Mystical Body), được Chúa thiết lập trên nền tảng các Tông Đồ với Sứ Mệnh tiếp tục rao giảng Tin Mừng cứu độ của Chúa cho hết mọi dân mọi nước cho đến ngày mãn thời gian.Trong Sứ mệnh ấy, Giáo hội được ví như Con Tầu (Ark) của ông Nô-e trong thời Tân Ước hiện nay để cứu sống cho những ai không muốn bị sóng gió và nước của biển khơi là những cạm bẫy của ma quỷ và thế gian cuốn trôi vào lòng đại đương là nơi hư mất đời đời..

Nghĩa là ai muốn được cứu sống, khỏi chết đời đời vì tội, thì phải vào Con Tầu này mà truyền trưởng là chính Chúa Kitô để được chở vào bến bờ bình an là Nước Trời, nơi Thiên Chúa là Cha cực tốt cực lành đang ngự trị và đón chờ con cái nhân loai khắp nơi đến quây quần để vui hưởng hạnh phúc vĩnh cửu.

Như thế, thật vô cùng cần thiết cho những ai muốn hưởng nhờ công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô phải gia nhập Giáo Hội để được hưởng ơn cứu độ ấy qua Sứ Vụ của Giáo Hội; là người Quản lý kho tàng ơn cứu chuộc này với quyền “thảo gỡ và cầm buộc” mà Chúa Kitô đã trao cho Thánh Phêrô, là Tông Đồ Trưởng và là Giáo Hoàng đầu tiên của Giáo Hội (Mt 16: 16: 18-19).

Tiếp tục sứ mệnh rao giảng Tin Mừng cứu độ, dạy dỗ chân lý đức tin và làm chứng tá cho Chúa Kitô tronvg trần gian, Giáo Hội- trên hơn hai ngàn năm qua- đã không ngừng trung thành với sứ mệnh được trao phó để mời gọi thêm nhiều người nhận biết Chúa Kitô, và sống cách nào để được hưởng công nghiệp cứu chuộc của Chúa,Đấng đã đến trần gian làm Con Người, chịu đau khổ và “hy sinh mạng sống mình làm giá chuộc cho muôn người.” (Mt 20:28).

Cho muc đích giúp con người được hưởng công nghiệp cứu chuộc của Chúa, Giáo Hội cũng được ví như một “bệnh viện toàn khoa “để chữa trị miễn phí cho mọi bệnh nhân, là những người tội lỗi được lành khỏe trong tâm hồn để sống vui,sống sung mãn chờ ngày được về quê Trời hưởng phúc trường sinh với Chúa là cội nguồn của mọi vui sướng và vinh phúc giàu sang.

Trong tinh thần đó, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mở Năm Thánh lòng thương xót (Jubilee of Mercy) từ ngày 8 tháng 12 năm 2015 đến ngày 20 tháng 11 năm 2016 để mời gọi mọi con cái của Giáo Hội đang mạnh khỏe, và đặc biết là đang đau ốm chạy đến để được chữa trị cho lành khỏe. Đây cũng là sứ mệnh của Giáo Hội trong trần gian đòi hỏi phải giang tay ôm lấy mọi con cái, cách riêng, những đứa con đã đi hoang, đi lạc để mang về cho chung mái ấm gia đình của con cái Chúa được trao phó cho Giáo Hội là người Mẹ thương yêu giáo dục và chăm sóc về mặt thiêng liêng.

Nói rõ hơn, Giáo Hội không những có trách nhiệm rao giảng Tin Mừng của Chúa Kitô, mà còn có bổn phận nuôi dưỡng, thương yêu, nâng đỡ cho mọi con cái không phân biệt mầu da, tiếng nói và văn hóa; đặc biệt lưu tâm đến các đứa con bệnh hoạn, tức những người tội lỗi để ân cần chữa lành cho chúng, theo gương Chúa Kitô, Đấng đến “như Thầy thuốc đi tìm người đau ốm để chữa trị chứ không tìm người mạnh khỏe, không cần thấy thuốc”. Hay nói khác đi, “Chúa không đến để kêu gọi người công chính mà để kêu gọi người tội lỗi,” (Mt 9: 13)

Như Chúa đã trả lời bọn Biệt phái thắc mắc tại sao Chúa lại đến ăn uống với những người thu thuế, bị họ coi là những người tội lỗi.

Do đó, Giáo hội mời gọi và đi tìm cách riêng những người tội lỗi để mang họ trở về với Chúa là Cha giầu lòng yêu thương và hay tha thứ. Người luôn mở rộng vòng tay để ôm lấy những đứa con đi hoang trở về để nhận lại tình thương và săn sóc che chở của Người Cha nhân lành . Nhưng trở về rồi, thì phải ngoan ngoãn sống trong tình thương ấp ủ của Cha và không được đi hoang thêm lần nào nữa. Nghĩa là không được lợi dụng tình thương của Cha để lại đi hoang, lại phạm tội sau khi đã trở về và được tha thứ.

Chúa Giêsu đã nói rõ điều này với một anh tàng tật mà Chúa đã chữa cho lành và sau đó, lại găp anh trong Đền Thờ. Chúa đã nói với anh như sau:

“Này, anh đã được khỏi bệnh rồi. Đừng phạm tội nữa kẻo lại phải khốn hơn trước.” (Ga 5: 14)

Đây cũng là lời Chúa muốn nói với mọi người chúng ta đang sống đức tin trong Giáo hội.Chúa nhân từ và hay tha thứ, nhưng con người không được lợi dụng lòng thương xót của Chúa để không quyết tâm đi theo Chúa Kitô là “Con Đường, là Sự Thật và là sự Sống.” (Ga 14:6)

Là Con Đường vì không có con đường nào khác có thễ dẫn đưa con người vào chốn an nghỉ vĩnh cửu là Nước Thiên Đàng.

Là Sự Thật vì ngoài Người ra, thế gian là dối trá, gian ác, gian manh, lừa đảo, thay trắng đổi đen; nói tự do để che đậy kìm kẹp, nói dân chủ và giải phóng nhưng thực chất là độc tài chuyên chế, áp bức., bất công và bóc lột vô nhân đạo.

Là Sự Sống vì “Bỏ Thầy chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời.” (Ga 6:68), như Phêrô đã mạnh dạn trả lời Chúa khi Người hỏi Nhóm Mười Hai Tông Đồ xem họ có muốn đi theo Chúa nữa hay không.

Áp dụng cho người tín hữu chúng ta ngày nay, thì đi theo Chúa đòi hỏi mọi người chúng ta phải tin tưởng vững mạnh nơi lòng thương xót, tha thứ của Chúa để chúng ta không lo sợ hay nghi ngại chạy đến với Người trong Giáo Hội để nhận lại tình thương, mà nhiều khi chúng ta đã đánh mất, vì yếu đuối con người, nhất là vì cám dỗ của ma quỉ và mời mọc nham hiểm của thế gian; khiến cho nhiều người đã bỏ Chúa để chạy theo những quyến rũ của trần gian về tiền bạc, của cải, danh vọng phù phiếm và những vui thú vô luân vô đạo, như thực trạng sống của biết bao người trên thế giới tục hóa ngày nay.

Như thế, muốn đi theo Chúa thì chúng ta phải có quyết tâm chọn Chúa làm gia nghiệp để sống theo đường lối của Chúa và không làm những sự dữ như oán thù, giết hại ai, khủng bố, phá thai, thay chồng đổi vợ, tôn thờ tiền bạc và mọi thú vui vô luân vô đạo, trong khi dửng dưng với những người nghèo đói và bất hạnh trong xã hội, nạn nhân của các chế độ cai trị bạo tàn, bất công và bóc lột.

Chúa yêu thương và không muốn cho ai phải hư mất đời đời, vì “Thiên Chúa Đấng cứu độ chúng ta, Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý.” (1 Tm 2:4)

Nhưng vì con người còn có ý muốn tự do (free will) mà Thên Chúa luôn tôn trọng cho con người sử dụng bao lâu còn sống trên trần gian này. Nên nếu con người chọn sống theo đường lối của Chúa, thì sẽ được chúc phúc và cứu độ.Ngược lại, nếu chọn sống theo thế gian và đầu hàng ma quỉ, thì Chúa sẽ không ngăn cản và con người phải lãnh chịu mọi hậu quả của tự do chọn lựa ấy.

Đó là lý do phải có Thiên Đàng và hoả ngục để dành cho những ai chọn Chúa và Vương Quốc tình yêu, công lý và bình an của Người. Hoặc khước từ Chúa để chọn sống theo thế gian, theo ma quỷ để làm những sự dữ trái nghịch hoàn toàn với bản chất yêu thương, công bình và thánh thiện của Chúa mà không biết sám hối để xin tha thứ.

Trong tình thần đó, Năm Thánh lòng thương xót được mở ra để mời gọi những ai còn tin tưởng nơi lòng thương xót,tha thứ của Chúa, chứ không mở ra cho những người đã khước từ Chúa và không còn muốn quay trở lại để đón nhận tình thương tha thứ của Người nữa. Trong trường hợp này, Giáo Hội là bệnh viện mở rộng cửa đế đón nhận mọi bệnh nhân –tức những người tội lỗi còn muốn chữa trị cho dù bệnh trạng là hiểm nghèo. Nhưng đối với các bệnh nhân không còn tin tưởng và chạy đến nữa, thì bệnh viện cũng đành bó tay vì bệnh nhân không muốn chữa trị.

Cũng tương tự như vậy, Chúa luôn là Người Cha nhân từ, mở rộng vòng tay để ôm lấy mọi con cái đi hoang trở về. Nhưng nếu con cái cứng lòng hay thất vọng không muốn trở về thì Chúa cũng đành chịu thua thôi, vì Chúa không thể bắt buộc ai phải yêu mến Người. Cũng vậy, Giáo Hội là bệnh viện toàn khoa rộng mở cửa để mời đón mọi bệnh nhân đến xin chữa trị miễn phí. Nhưng nếu bệnh nhân không muốn đến thi bệnh viện không không biết họ ở đâu mà tìm và mời gọi.

Mặt khác, cũng cần phải nói lại là tuy bệnh viện sẵn lòng chữa trị miễn phí cho mọi bệnh nhân, tức là tha tội cho mọi hối nhân.Nhưng được tha và khỏi bệnh rồi thì phải cố gắng mà giữ gìn sức khỏe để bệnh cũ không tái phát nữa. Tức là phải cố gắng mà chừa bỏ tội lỗi, vì nếu cứ ỷ lại là có bệnh viễn miễn phí, tức nơi ban phát tình thương tha thứ của Chúa, để cứ mắc bệnh, cứ phạm tội rồi lại đi xưng tội, thì sẽ làm hư phép giải tội và hư công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô.

Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu, sau khi tha thứ cho người phụ nữ phạm tội ngoại tình mà bọn Biệt phái Do Thái dẫn đến để xin Chúa ném đá, Chúa đã nói với chị kia như sau:

“Tôi cũng vậy, Tôi không lên án chị đâu. Thôi chị cứ về đi và từ nay đừng phạm tội nữa” (Ga 8: 11).

Tại sao Chúa không nói: chị cứ về đi và lần sau, nếu lại phạm tội, thì đến tôi tha cho? Ngược lại, Chúa nói rõ: Chị về đi và từ nay đừng phạm tội nữa.

Lại nữa, nhân có mấy người bị Tổng Trấn Phila-tô giết và 18 người bị thác Si-lô-a đổ xuống đè chết, bọn Biệt phái đã hỏi Chúa Giê su xem có phải các nạn nhân kia là người tội lỗi hơn các người khác hay không, Chúa đã trả lời họ như sau :’

“không phải thế đâu. Nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy.” (Lc 13: 2,5)

Như thế đủ cho thấy là chúng ta không được lợi dụng tình thương tha thứ của Chúa để cứ coi thường tội lỗi, cứ làm bạn với ma quỷ và thân tình với thế gian để làm những sự xấu,sự tội là điều Chúa gớm ghét. Nghĩa là phải có quyết tâm đi theo Chúa, xa tránh tội lỗi, nếu không thì Chúa không thể cứu ai được. Chúa Kitô đã chết một lần trên thập giá để đủ cho con người được cứu chuộc. Nhưng con người phải cộng tác với ơn cứu độ này để quyết tâm sống theo đường lối của Chúa bằng cách “đi qua cửa hẹp mà vào, vì Tôi nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không được.” (Lc 13: 24).

Tìm cách vào mà không vào được vì không muốn qua cửa hẹp đòi hỏi phải kìm chế những khát vọng bất chính của thân xác, phải chiến đấu chống lại ma quỷ là kẻ thù luôn rình rập để lôi cuốn con người vào vòng tội lỗi với sự tiếp tay rất đắc lực của thế gian với mọi gương xấu và dịp tội. Đây chính là cửa rộng mà nhiều người đã và đang đi vào để được dẫn đến các sòng bạc, các nơi ăn uống vui chơi nhảy nhót cuồng loạn, các ổ mãi dâm và ấu dâm rất khốn nạn và tội lỗi, các thẩm mỹ viện để sửa sang thân hình cho hấp dẫn và “sexy” để luôn cuốn thèm khát bất chính của người khác… Đây là Cửa rộng mà người ta thích đi vào và chắc chắn sẽ dẫn đưa vào tòa nhà có lò thiêu sống mà lửa không hề tắt do quỷ Sa tan điều khiển để nung đốt những kẻ đã làm tôi nó trên trần gian này .

Tóm lại, Giáo Hội có sứ mệnh chăn dắt đoàn chiên của Chúa trên đường tiến về Quê Trời qua cửa hẹp là đường thập giá của Chúa Kitô, cửa hẹp mà rất nhều người không muốn đi qua nhưng lại dẫn vào sự sống và hạnh phúc vĩnh cữu nơi Chúa đang ngự trị cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Amen.

Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Check Also

Sứ điệp Ngày Quốc gia vì Sự sống lần thứ 45 của Hội đồng Giám mục Ý

Ngày Quốc gia vì Sự sống lần thứ 45 ở Ý sẽ được cử hành …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.