Mái ấm

BVSS (7.4.2016) – Sáng thứ Tư tuần qua, tôi tham dự thánh lễ 6 giờ sáng tại nhà thờ giáo xứ như thường lệ, thấy trước mặt tôi là năm em nhỏ, ba gái, hai trai. Em gái lớn nhất khoảng 6, 7 tuổi. Em trai nhỏ nhất khoảng 4,5 tuổi . Các em y phục gọn gàng, sạch sẽ. Áo quần có vẻ còn khá mới. Trong suốt thánh lễ, các em quỳ, đứng, ngồi theo cộng đoàn. Các em chăm chú, nghiêm trang suốt thánh lễ rất ngoan. Quỳ ngang tôi ở ghế dưới là một bà tuổi trung niên và một chị tuổi đôi mươi. Tôi đoán là những người hướng dẫn, coi sóc các em.

Lúc ra về, ở hành lang nhà thờ, tôi hỏi bà này :

– Thưa các em này là ai mà than dự thánh lễ nghiêm trang và ngoan thế?

– Các em là những trẻ mồ côi đấy. Chúng tôi đang nuôi dạy 112 em, một số bà bầu. Chúng tôi đã giúp được trên 100 cô gái để họ đừng phá thai và đã chôn cất trên 1000 thai nhi bị phá..

– Thưa, cơ sở này ở đâu ?

– Ở La Ghi. Tôi đưa các em này đi khám bệnh.

– Cám ơn bà.

Nhìn ra sân nhà thờ, tôi thấy một xe hơi 15 chỗ đang đậu, phía trước có ghi MÁI ẤM… Không rõ mái ấm này thành lập từ bao giờ, do Hội dòng hay Tu hội nào hoặc do cơ quan hay cá nhân náo đảm trách? Tôi ra về với một ấn tượng tốt đẹp trong lòng về các em và mái ấm này với những câu hỏi trong đầu không lời giải đáp.

Việc chôn cất các thai nhi, cưu mang các bà bầu để họ đừng phá thai. Sau khi họ sinh nở “mẹ tròn con vuông” sẽ tiếp tục cưu mang cả mẹ lẫn con một thời gian nữa cho cả hai mạnh khỏe, cứng cáp rồi mới trả họ về với gia đình hay về với đời thường. Nuôi dạy các em cô nhi, cho các em ăn học: học chữ, học nghề, học làm người cho đến khi trưởng thành, rồi đưa các em vào đời. Tất cả các việc đó rất tốt đêp, rất nhân đạo, rất bác ái, rất đáng trân trọng, rất đáng tuyên dương.. Nhưng có lẽ mới giải quyết vấn đề ở phần ngọn. Phần gốc vấn đề vẫn chưa có lối ra, chưa có giải pháp hiệu quả. Phải làm sao đề các thanh niên nam, nữ biết giữ mình, biết tôn trọng nhau, biết sống đạo đức, sống lành mạnh, không “ăn cơm trước kẻng”, không quan hệ bừa bãi trước hôn nhân, ngoài hôn nhân. Ở đây có vai trò quan trọng của giáo dục trong gia đình, có gương sáng của những người thân trong gia đình, trong dòng tộc; nhất là vai trò, sự giáo dục của tôn giáo…

Trong một xã hội thiên về hưởng thụ, trọng vật chất, vô thần, sống vị kỷ, vụ lợi, người ta dạy thanh niên các phương pháp ngừa thai, tránh thai, quan hệ tình dục an toàn và cho phép phá thai … thì làm sao giải quyết vấn đề tận gốc?

Theo suy luận riêng, người Việt cảm thấy các em đuợc nuôi dạy trong các mái ấm, về một vài phương diện nào đó có lẽ có phước hơn một số em ngoài xã hội. Một số em tuy được ở cùng cha mẹ, nhưng gia đình quá nghèo, không đủ ăn, đủ mặc; thiếu trước hụt sau; thiếu sự giáo dục chu đáo của cha mẹ, thiếu gương sáng của những người thân, bữa no, bữa đói; không được đi học mà phải lao động sớm hay bị bóc lột lao động rất vất vả. Lại có gia đình các em được đi học, nhưng chỉ chú trọng học chữ, học lấy bằng cấp hay học nghề để kiếm kế sinh nhai, mà không chú trọng, không quan tâm đủ đến học đạo, học làm người. Có gia đình cha mẹ quá bận rộn đi kiếm tiền, không có giờ chăm sóc, dạy dỗ con, mà phó giao việc đó cho người làm, nên các em này tuy được ăn no, mắc ấm, nhưng rất thiếu thốn tình cảm. Có những gia đình mà cha mẹ ly dị, các em này hoặc thiếu cha, hoặc thiếu mẹ, nên nhiều em bị trầm cảm, bị bệnh về tâm thần.

Đến đây, người viết lẩn thẩn nghĩ đến ý nghĩa của hai chữ “MÁI ẤM”. Chữ “mái” ở đây là phần che mưa nắng của một cái nhà. “Ấm” là nhiệt độ giữa nóng và lạnh. Chúng ta có từ kép như ấm áp là dễ chịu, nhiệt độ vừa phải của thời tiết. Ấm cúng là đông đủ, đàng hoàng. Ấm no là đủ cơm, đủ áo (Từ điển VN của Lê Văn Đức, Lê; Ngọc Trụ), tức có cơm ăn no hàng ngày, có áo đủ ấm khi trời lạnh.

“Mái” trong mái ấm ở đây được hiểu là cái nhà, là gia đình êm ấm, hạnh phúc. Nhà là nơi chúng ta trở về sau một ngày làm việc mệt nhoài ngoài xã hội. Nhà là nơi mà các thành viên trong gia đình chung sống và cùng nhau chia ngọt, sẻ bùi. Nhà là nơi vợ chờng, con cái sống chung, quây quần bên nhau, mưu cầu hạnh phúc cho nhau. Nhà là tổ ấn yêu thương, mà mọi người cảm thấy thỏa mãn, dễ chịu, bình an, dù ngoài trời có gió táp, mưa sa; có nắng cháy da hay có tuyết lạnh tơi bời.

Mái ấm là căn nhà, là gia đình mà mọi mọi thành viên sống trong đó cảm thấy ấm áp, ấm cúng, ấm no; mọi thành viên trong đó nương tựa nhau, nâng đỡ nhau, giúp đỡ nhau. Người khỏe giúp người yếu, người lớn giúp người nhỏ, người trẻ giúp người già. Cả nhà giúp đỡ nhau, mưu cầu hạnh phúc cho nhau trong tinh thần tương thân, tương ái; trên thuận, dưới hòa.

child-house

Những thành viên trong mái ấm đang nói đây có lẽ không cùng huyết thống, không máu mủ ruột rà, không bà con thân thiết. Nhưng các bà, các mẹ coi các em trong mái ấm như những đứa con ruột của mình, để tận tình săn sóc, chăm nom với tất cả tình yêu thương của một từ mẫu, với con tim rộng mở, và với đôi tay đong đầy bái ái. Các bà, các chị âm thầm, tận tụy hy sinh lo cho “các con” của mình không phải một vài tháng đôi ba năm, nhưng với nhiều ngưới là cả cuộc đời! Họ vui vẻ phục vụ, lo lắng cho miếng cơm, manh áo cho các con khi chúng khỏe; lo thuốc thang chăm sóc khi chúng đau yếu bệnh tật trong tinh thần cậy trông, phó thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa toàn năng, giàu lòng thương xót và Mẹ Maria từ mẫu luôn lắng nghe, thấu hiểu và sẵn sàng cứu giúp.

Các em thì cảm thấy yên tâm vì được săn sóc chu đáo, tận tình từ miếng cơm, manh áo. Các em lớn giúp đỡ các em nhỏ vì cùng cảnh ngộ dễ thương nhau. Vì mình đã dược cho không thì cũng cho không.

Không rõ trong cả nước chúng ta hiện nay có bao nhiêu mái ấm, bao nhiêu nhà mở? Các nhà này sinh hoạt ra sao, thiếu đủ thế nào. Co khó khăn, trở ngại gì không? Hy vọng là không. Ước gì những cơ quan bác ái, xã hội, từ thiện này, nơi có những con người cao quý đang âm thầm phục vụ cách vô vị lợi này được nhiều ân nhân, được các nhà hảo tâm, được những người hằng tâm hằng sẵn sàng gíup đỡ tận tình để những mái ấm này có đủ phương tiện cưu mang đón nhận tất cả những ai cần được cưu mang, để những người, những em đến đây được giúp đỡ, nâng đỡ tận tình; để các em được nuôi dạy ở đây sẽ trở thánh những người hữu ích cho xã hội, cho Giáo hội. Mong lắm thay!

Lạy Chúa là Đấng giáu lòng thương xót, xin ghé mất nhìn đến những người con kém may mắn của chúng con trong các mái ấm và các nhà mở. Xin thương cho những nơi này được tràn đầy tình yêu và lòng thương xót vô biên của Chúa trong năm Lòng Chúa Thương xót này.

Lạy Mẹ Maria Hằng Cứu Giúp cũng là Mẹ của lòng thương xót. Xin cứu giúp, chở che, hộ phụ và chúc lành cho các mái ấm và các nhà mở thân thương của chúng con.

Thạch Vinh

Theo Tin Mừng Cho Người Nghèo

Check Also

Anh chị đã phó thác vào Chúa và Chúa đã nhậm lời anh chị

Hôm trước đi lễ, mình nghe Cha kể lại câu chuyện Cha mới nghe từ …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.