Emmaus (09/12/2016) Mỗi năm Việt Nam phát hiện 12.000 ca mới mắc HIV, trong số đó có đến một phần ba là nữ, tăng gấp 3 lần trong vòng một thập kỷ qua, tỷ lệ lây qua đường tình dục cũng tăng từ 15 lên 50%.
Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cho biết, thời gian qua Việt Nam liên tục giảm số mắc và tử vong do HIV/AIDS. Hiện mỗi năm nước ta có 12.000 trường hợp nhiễm HIV – đỉnh cao là hơn 30.000 vào năm 2006-2007. Dù vậy đây vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây gánh nặng bệnh tật.
Bên cạnh đó, hình thái dịch HIV/AIDS thay đổi, trong số những người nhiễm HIV mới được phát hiện, tỷ lệ nữ gia tăng. Hơn 10 năm trước tỷ lệ này chỉ chiếm 10% thì nay tăng lên gấp 3. Ngoài ra, tỷ lệ lây qua đường tình dục cũng tăng từ 15 lên 50%.
“Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nguy cơ cao đã có xu hưởng giảm mạnh, tuy nhiên hành vi nguy cơ trong các nhóm quần thể vẫn ở mức cao. Có đến gần 50% phụ nữ bán dâm không dùng bao cao su thường xuyên. Tỷ lệ này ở nam quan hệ tình dục đồng giới cũng khoảng 63%”, tiến sĩ Long cho biết.
Đánh giá cao các thành tựu Việt Nam đạt được trong thời gian qua tuy nhiên bà Kristan Schoultz, Giám đốc Chương trình phối hợp của Liên Hiệp Quốc về HIV/AIDS cũng nhấn mạnh những thành quả này rất dễ bị ảnh hưởng nếu không có nguồn tài trợ từ nước ngoài. Hơn 70% kinh phí phòng chống HIV của Việt Nam vẫn phụ thuộc vào các nguồn tài trợ. Các nhà tài trợ lớn đã và đang giảm kinh phí hỗ trợ Việt Nam phòng chống HIV.
Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu về dự phòng HIV của các nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao. Chỉ có 4 trong 10 phụ nữ mại dâm và nam tình dục đồng giới nhận được bao cao su và biết địa chỉ các cơ sở xét nghiệm HIV. Tương tự cũng chỉ có 4 trong số 10 người tiêm chích ma túy nhận được bơm kim tiêm sạch. Trong số những người mới chẩn đoán nhiễm HIV gần đây, nhiều người đã lựa chọn không công khai tình trạng nhiễm HIV với vợ/chồng/bạn tình; khách mua dâm và/hoặc những bạn tình là người tiêm chích ma túy.
“Nếu Việt Nam không kịp thời đưa ra các quyết định táo bạo, mạnh mẽ để duy trì bền vững các ứng phó quốc gia thì dịch HIV có thể bùng phát trở lại. Nếu muốn hoàn thành mục tiêu chấm dứt dịch vào năm 2030 thì không thể chỉ lệ thuộc vào nguồn tài trợ từ bên ngoài”, bà Kristan Schoultz nói.
Việt Nam đặt mục tiêu khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư dưới 0,3% vào năm 2020. Trong đó, 90% số người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm của mình; 90% số người được chẩn đoán nhiễm HIV và điều trị ARV- thuốc kháng virus; 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng virus ở mức thấp và ổn định hay còn được gọi tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế.
nguồn: vnexpress.net