Báo Công giáo và Dân tộc (CGvDT) đã có một “bàn tròn” với các linh mục và cá nhân đang dấn thân trong lãnh vực Bảo vệ sự sống (BVSS): Linh mục Tổng Đại diện giáo phận KonTum Phêrô Nguyễn Vân Đông (Lm NVĐ), kiêm Giám đốc Caritas KonTum; linh mục Giuse Nguyễn Văn Tịch (Lm NVT), chánh xứ Tây Hải – GP Xuân Lộc; anh Phanxicô Xaviê Đinh Việt Thanh (A ĐVT), thành viên Caritas Phú Cường, phụ trách mảng BVSS.
Mọi người cùng chung một ý hướng nhưng lại khác biệt địa bàn – cha Đông ở vùng cao Tây Nguyên, cha Tịch trong khu vực gần như toàn tòng Công giáo Hố Nai; anh Thanh ở Bình Dương, nơi tập trung nhiều di dân – công nhân.
Họ đã chia sẻ về công việc chôn cất thai nhi, hỗ trợ vật chất và tinh thần nơi các cộng đồng dân cư, sự chung tay của Giáo hội và về niềm tin Kitô giáo…
HƠN 250.000 THAI NHI ĐƯỢC CHÔN CẤT
CGvDT: Theo thống kê của Ủy ban quốc gia Dân số và Kế hoạch hóa gia đình, ở nước ta, cứ một trẻ em ra đời thì có một bào thai bị phá bỏ. Trung bình, mỗi năm có 1,2 – 1,6 triệu trẻ em được sinh ra, tương ứng với đó con số bào thai bị phá bỏ. Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc xếp Việt Nam là một trong 5 nước có phụ nữ phá thai cao nhất thế giới và đứng đầu trong khu vực đông Đông Nam Á.
Thưa quý cha và anh Thanh, qua nhiều năm xây dựng các hoạt động Bảo vệ sự sống mà cụ thể là việc thu nhận hài nhi bị bỏ đi và xây dựng nghĩa trang đồng nhi, tính đến thời điểm hiện nay, số thai nhi đã tiếp nhận và chôn cất là bao nhiêu. Với những con số đó, quý cha và anh có nhận xét gì?
Lm NVĐ: Chúng tôi bắt đầu chôn cất các em từ năm 1992 tại Pleiku và Kontum rồi cộng tác với nhiều nơi khác nữa trên cả nước như Buôn Ma Thuột, Nha Trang, Quảng Ngãi, Vinh… Có chỗ chúng tôi hỗ trợ phần nào, có nơi họ tự lo việc chôn cất và xây mộ cho các em. Trong 16 nghĩa trang đồng nhi mà chúng tôi đồng hành đã có hơn 250.000 hài nhi được chôn cất, riêng tại Pleiku, nơi tôi làm việc là hơn 16.000 em. Đây chỉ là một trong những thai nhi chúng tôi xin được hay được người ta cho, còn trong thực tế, số lượng chắc chắn phải hơn nhiều.
Lm NVT: Tôi làm công việc chăm sóc sự sống, cưu mang những cô gái cơ nhỡ, từ khi làm linh mục (2006). Riêng việc thu nhận những hài nhi bị bỏ đi cũng như được gửi đến bắt đầu từ năm 2011 với 65 thai nhi. Cho đến nay đã có 7.656 trường hợp, như thế trung bình mỗi tháng là 239 thai nhi bị bỏ đi và mỗi ngày chúng tôi lại nhận nhiều hơn. Ở những phòng khám gần Biên Hòa số lượng có giảm đi, nhưng sở dĩ con số tăng là do có nhiều phòng khám cho hơn và số các cha mẹ đem đến gửi cho chúng tôi ngày nhiều hơn. Điều đó cho thấy việc làm này có sức lan tỏa và nhiều người biết đến.
A ĐVT: Caritas Phú Cường đã xây dựng các hoạt động BVSS trong hai năm qua, trung bình mỗi tháng chúng tôi nhận được hơn 25 thai nhi (đây là con số chúng tôi xin được từ hai bệnh viện) và thuyết phục thai phụ giữ lại thai nhi chờ ngày sinh nở khoảng 40 chị/năm. Tuy con số còn khiêm tốn nhưng công việc dần cho thấy hiệu quả tích cực.
KHÔNG CHỈ CHÔN CẤT THAI NHI…
CGvDT: Công việc của quý cha và Caritas Phú Cường chắc hẳn không chỉ đơn thuần là chôn cất thai nhi, ngăn chặn hay hạn chế tình trạng phá thai…, về nội dung mở rộng của chương trình BVSS thì sao?
Lm NVT: Thu nhận các thai nhi và chôn các em chỉ là phần ngọn của vấn đề, đây cũng không phải công việc để kết tội hay lên án, chúng tôi chỉ muốn gây ý thức mạnh mẽ hơn về các khía cạnh BVSS như chữa lành các vết thương của những người đã phạm lỗi, giúp người vướng mắc hóa giải tâm trạng, tìm lại sự bình an và tiếp tục cống hiến cho đời. Chúng tôi nói với người trẻ về sự sống và tình yêu, về giao ước hôn nhân, sứ mệnh, ơn gọi của họ; đánh động lương tâm mọi người qua các việc làm thiết thực như nhà tạm lánh dành cho những người cơ nhỡ và những gia đình bất hòa, chương trình chén cháo tình thương, bát cơm nhân đạo, hạt gạo, viên thuốc, giọt sữa… cho các thành phần khó khăn, bên lề xã hội…
Lm NVĐ: Ở vùng chúng tôi người dân tộc chiếm 2/3 dân số, và chỉ có người Kinh mới bỏ con mình. Người dân tộc không phá thai nhưng họ nghèo và sinh đẻ cũng như nuôi con theo nếp cũ của buôn làng nên con cái dễ chết sau khi sinh. Do đó, đối với những trường hợp người có thai nghèo chúng tôi hỗ trợ mỗi ngày một ký gạo (khoảng 10.000 đồng), một nửa để ăn và một nửa dùng khi sinh nở ăn. Kết quả thu về rất khả quan, người mẹ và em bé đều khỏe mạnh. Trường hợp người mẹ thiếu sữa, nhóm chị em tín dụng tại địa phương sẽ vận động giúp họ có sữa cho em bé.
Ngoài ra, chúng tôi giúp người dân tộc có bảo hiểm y tế và mở các khóa đào tạo mụ làng. Những mụ làng sẽ được học về cách vệ sinh, chăm sóc người mới sanh, trẻ sơ sinh và vận động trẻ em trong làng chích ngừa. Đây chính là những hạt nhân giúp thay đổi những hủ tục trong buôn làng về vấn đề sinh đẻ cũng như vệ sinh trong gia đình và cộng đồng. Về phương tiện, chúng tôi luôn cố gắng hỗ trợ tối đa trong khả năng có thể.
Và tất nhiên là chúng tôi vẫn luôn tìm cách này hay cách khác đánh động lương tâm người dân để hạn chế việc bỏ con, cũng như luôn mở rộng vòng tay đón nhận những cha mẹ hối lỗi hoặc muốn giữ lại giọt máu của mình.
A ĐVT: Caritas Phú Cường còn có các buổi truyền thông về mầu nhiệm sự sống, các phương pháp ngừa thai theo luật Công giáo, sức khỏe sinh sản tuổi vị thành niên dành cho các lớp giáo lý hôn nhân, giới trẻ và các bậc phụ huynh. Các nữ tu thuộc dòng Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô đảm nhận việc tham vấn giữ lại thai nhi và hỗ trợ chăm sóc các bà mẹ đơn hành…
SUY NGHĨ TỪ CỘNG ĐỒNG DÂN CƯ
CGvDT: Sau nhiều năm gắn bó với chương trình, đâu là thành quả trong công việc?
A ĐVT: Caritas Phú Cường thực hiện chương trình được hai năm nên đây mới chỉ là bước đầu cho một tiến trình lâu dài và là một bước đệm cho các hoạt động khác trong chương trình BVSS. Nên nói đến sự thành công thì quá sớm so với kế hoạch lâu dài mà chúng tôi đã vạch ra. Nhưng trong thời gian qua, kết quả chúng tôi thu về là khá khả quan.
Lm NVĐ: Các tôn giáo bạn và nhiều người không có tín ngưỡng cũng đã chung tay với chúng tôi. Ở nghĩa trang đồng nhi Pleiku hiện nay không có biểu tượng của một tôn giáo nào vì qua công việc này, mỗi tôn giáo đều có cách biểu lộ niềm tin của mình. Chúng tôi cũng nhận được rất nhiều sự sám hối từ những cha mẹ bỏ con và giúp họ sống tốt sau đó.
Lm NVT: Tôi có trao đổi với nhiều người, nhiều giới về công việc của mình và mời đến tham quan cũng như tham dự thánh lễ cầu nguyện cho các thai nhi và an táng các em. Công việc phát xuất từ niềm tin tôn giáo này được mọi người thấu hiểu và cảm thông, mở ra cho tất cả mọi người cùng tham gia không phân biệt tôn giáo. Riêng với giáo dân, họ lắng nghe, ủng hộ và cộng tác tích cực, không một chút băn khoăn cả về mặt đức tin và việc làm. Thành quả của chương trình là nhiều thai nhi có nơi an nghỉ xứng đáng, có những mầm sống đáng lẽ bị hủy nhưng đã được cưu mang và sinh làm người.
CÒN LÀ THỂ HIỆN NIỀM TIN KITÔ GIÁO
CGvDT: Nhiều người vẫn nghĩ “chôn cất thai nhi là một việc làm nhân đạo”. Dưới cái nhìn Công giáo, việc làm này còn bao hàm ý nghĩa nào khác?
Lm NVĐ: Lúc đầu, chúng tôi nghĩ đó là một công việc nhân đạo, dần dần cảm nhận có vấn đề đức tin. Chúa dựng nên con người, công trình tạo dựng của Chúa vẫn tiếp tục nơi chúng ta. Trong đức tin Công giáo, thân xác là đền thờ và thân xác sẽ sống lại. Giáo hội cũng dạy chúng ta thương linh hồn có bảy mối, thương xác bảy mối nên chôn xác kẻ chết phù hợp với đức tin và giáo lý Công giáo.
Lm NVT: Giới răn cao trọng nhất của Chúa là tình yêu, tình yêu không dừng lại ở đời này là chôn cất các thai nhi mà đi xa là xin cho các em ơn giải thoát, thực hiện ơn chữa lành và cùng với mọi người sống tốt trên đường hy vọng. Cho nên tôi nghĩ đây không phải là một công việc cho bằng là một ơn gọi, tức là có tin, có cảm nhận và sống đức tin, sống tình yêu cho các thai nhi cũng như mọi người. Đức Thánh Cha Phanxicô từng nói : “Mỗi thai nhi không được sinh ra, nhẫn tâm phá thai, đều có khuôn mặt của Đức Giêsu Kitô, khuôn mặt của Chúa”. Xin các bạn trẻ, các gia đình luôn trân trọng tình yêu, sự sống bằng tự chủ, trách nhiệm.
A ĐVT: Khi thụ thai, dù chưa được sinh ra nhưng với đức tin Công giáo, đó đã là một con người. Để ngăn chặn và hạn chế việc nạo phá thai, ngoài việc giáo dục cho giới trẻ về sự nghiêm túc trong tình cảm và quan hệ giới tính, chúng ta cần giúp họ hiểu và giữ gìn truyền thống đạo đức trong hôn nhân và tình yêu thương chân thật, tức là tình yêu thương có sự thấu hiểu và cảm thông.
GIÁO HỘI CHUNG TAY
CGvDT: Có vẻ như, các hoạt động Bảo vệ sự sống thường xuất phát từ các hội đoàn, giáo xứ mà thiếu đi sự liên kết chặt chẽ ở cấp hạt, giáo phận và xa hơn là Giáo hội Việt Nam? Liệu chúng ta có cách nào để quy tụ và mời gọi mọi người, nhất là các đấng bậc cùng cộng tác?
Lm NVT: Tôi vẫn quan niệm và cũng nói với mọi người rằng nhà thờ, nhà nước, nhà trường và nhà thương cần liên kết với nhau để phục vụ tha nhân. Mỗi yếu tố đều có lãnh vực riêng nhưng tất cả vẫn là để phục vụ cho hạnh phúc con người. Liên kết cùng hiện diện và làm việc sẽ có được kết quả tốt hơn. Riêng về Giáo hội Việt Nam, mỗi giáo phận đều có mảng mục vụ “bảo vệ sự sống” nhưng cần dấn thân nhiều hơn về vấn đề này. Tôi nghĩ rằng, việc chia sẻ thông tin cho nhau, thông tin về những hoàn cảnh cụ thể, tổ chức chung những buổi nói chuyện chuyên đề, giao lưu hội thảo, truyền lửa và kỹ năng cho nhau là rất cần thiết. Việc này bắt đầu từ phía dưới, những người đang làm việc, đang thao thức để thấy nhu cầu rồi các vị lãnh đạo phía trên (các giáo phận, HĐGM) mới là ca trưởng quy tụ cho tất cả hòa thành bản giao hưởng chung.
A ĐVT: Theo tôi, hoạt động BVSS là chương trình của cả cộng đồng. Riêng về giới Công giáo, cần có sự cộng tác từ các hội đoàn, giáo xứ và xa hơn là giáo phận. Caritas Phú Cường thường xuyên tổ chức cho nhân viên BVSS các buổi tập huấn. Ngoài ra, chúng tôi còn có sự cộng tác của nhiều nhân viên y tế trong khu vực và các mạnh thường quân.
Lm NVĐ: Caritas có chương trình BVSS và nhiều giáo xứ đã dành Đất Thánh để chôn cất thai nhi và thực hiện chương trình BVSS. Công việc này cần hai yếu tố tài chính và cái tâm. Có tiền để thực hiện chương trình đã khó nhưng tìm được người có tâm gắn bó với chương trình còn khó hơn bội lần. Tôi mong ước người Công giáo cần phối hợp nhiều hơn nữa trong công việc cấp thiết này.
HÃY ĐẾN VỚI CHÚNG TÔI
CGvDT: Nếu dành mộtlời khuyên cho những người có dự định phá thai, quý cha và anh sẽ nói gì?
Lm NVĐ; Lm NVT; A ĐVT: Xin cho chúng tôi các thai nhi các nhi bị bỏ đi, đừng sợ và đừng ngại, các em sẽ được đối xử xứng đáng bằng lời cầu nguyện, bằng lễ cầu nguyện và có nơi an nghỉ như một công viên xinh đẹp. Xin các bạn trẻ, các gia đình luôn trân trọng tình yêu, sự sống bằng tự chủ, trách nhiệm. Và nếu có gì trục trặc, xin đừng ngại gọi cho chúng tôi, chúng tôi chỉ muốn đồng hành với các bạn.
Trung Nhân – Minh Hải thực hiện
Theo báo Công giáo và Dân tộc