Tự nhiên và siêu nhiên trong đời sống con người (Phần 2/2)

5. Sự thông phần vào bản tính Thiên Chúa (2Pr 1, 4)

Đức Kitô đã cho chúng ta được thông phần vào bản tính Thiên Chúa. Tất cả những gì con người phải làm là sống phù hợp với thần tính Thiên Chúa trong mình. Thật vậy, Đức Kitô đã trở nên như chúng ta để chúng ta trở nên như Ngài.

Các Giáo phụ Hy lạp đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, qua sự nhập thể của Đức Giêsu, Đấng đồng bản tính với Thiên Chúa, đã nhận lấy bản tính nhân loại của chúng ta, và qua đó Người hoạt động trong tất cả mọi người để thần hóa họ. Các Giáo phụ nhìn nhận có một một sự “hội nhập huyền bí” của loài người trong Đức Kitô, là Đấng sáng tạo sự sống thần linh nơi mỗi người, để chúng ta “thoát cảnh hư đốn do dục vọng gây ra trong trần gian”.

Cuộc gặp gỡ với Tâm lý học xuyên bản ngã (Psychologie transpersonnelle) cũng cho ta biết, ai ý thức sâu xa về đời sống nội tâm của mình cũng cảm nhận về sự sống đích thực luôn khơi dậy trong mình, như một sức mạnh siêu nhiên giúp ta vượt thoát sự đồi bại và hư ảo do tính tham lam đưa đẩy. Cũng vậy, vượt trên quyền lực của lòng tham không phải là kết quả của một sự tiết chế to lớn, mà là một kinh nghiệm mới về sự sống của Thiên Chúa trong mình.

Trong kinh nghiệm đó, chúng ta mới sống thực sự đúng với thần tính của mình. Từ đó, mới phát xuất tình mến (agapè) dành cho Thiên Chúa, con người và toàn thể tạo vật. Trong sự thông phần với bản tính Thiên Chúa nhờ Đức Kitô, tình yêu của chúng ta chính là tâm điểm để nối kết tự nhiên với siêu nhiên, hiện tại với vĩnh cửu, hạ giới với thiên giới, trần thế với thần thiêng, nhân bản với thiêng liêng.

Khi nhập thể, Thiên Chúa giới hạn mình trong thực thể nhỏ bé của một cá nhân, chính là để phá vỡ giới hạn đó, và để mặc khải cho con người chiều kích sâu rộng và cao cả của họ. Qua Đức Kitô, chúng ta biết được chân tướng của Thiên Chúa (x. Ga 14, 9), và trong Đức Kitô, chúng ta hội nhập vào thần tính của Ngài (x. 2Pr 1, 4). Trong thần tính Ngài, chúng ta được giải thoát khỏi tính mỏng giòn và sự biến chất của nhân tính, chúng ta được thông phần vào sự sống thật mà thậm chí cả cái chết cũng không thể phá hủy được. Nơi bản tính ấy, chúng ta được giải thoát khỏi nỗi lo âu về sự chết thường luôn gặm nhấm và hủ hóa cuộc sống mình.

Trong Đức Kitô, tự nhiên và siêu nhiên đã hòa quyện vào đời sống của chúng ta trong mọi chiều kích nhân sinh, và trong mọi hoạt động nhân bản. Ý thức sâu xa về hồng ân cao cả này, chúng ta mới vui mừng để ngập chìm trong sự sống của Thiên Chúa trong mọi nơi mọi lúc, và làm cho sự sống đó lan tỏa và kết sinh hoa trái dồi dào. Bởi vậy, tách lìa cuộc sống tự nhiên với siêu nhiên là cắt xén và vô hiệu hóa công trình cứu độ của Đức Kitô, phá vỡ sự thống nhất nơi chính mình, đánh mất định hướng nền tảng của cuộc đời mình và của mọi thụ tạo.

Chỉ muốn sống tự nhiên thôi, con người rơi vào trạng thái “duy vật”, mặc tình cho xung năng thúc đẩy và cho cảm tính hành hung. Chỉ muốn sống siêu nhiên thôi, con người lại rơi vào trạng huống “duy tâm”, trở nên mơ hồ và ảo tưởng mà không sống thực cuộc đời mình. Điều nhất thiết ở đây là biết nhìn ngắm Đức Kitô để sống như Ngài đã sống, với toàn vẹn thần tính nhưng cũng trọn vẹn nhân tính. Chỉ trong Đức Kitô, tiềm năng sự sống và tính cách nhân-thần của chúng ta mới được phát huy cách toàn vẹn và sung mãn.

adam-eva

6. Vai trò của thân xác trong tu tâm

Con người không làm gì mà không làm nơi và với thân xác của mình. Thân xác và tinh thần hợp tạo nên cái mà ta gọi là tâm hồn. Tây phương vốn coi tư tưởng là phát biểu của tinh thần, nhưng tư tưởng xuất hiện như một cái gì nghiêng về bề mặt và hướng về khách thể (object). Chỉ tâm tình mới nổi lên như cái “bên trong” hay chiều sâu, nhờ đó làm hiển hiện cái chính mình tôi.

Bằng thân xác tôi gặp gỡ chính tâm hồn. Qua dáng người và giọng nói, tôi nhìn thấy và cảm nhận về người tôi yêu. Chính con người ấy vừa đẹp ở vẻ mặt, vừa thành thật ở đôi mắt. Ngoại diện và hình thái diễn đạt nội tâm và tình cảm ẩn chứa. Cái thu hút thật sự nơi con người ấy còn là một cái gì cao đẹp từ sâu thẳm, mà tôi có thể cảm nhận qua dung mạo bên ngoài. Vì thế, chẳng lạ gì mà thánh Gioan lại bảo: “Kẻ không yêu anh chị em mà nó thấy, thì chẳng thể yêu Thiên Chúa mà nó không thấy” (1Ga 4, 20). Đó là điều mà ta thấy rõ siêu nhiên đã thành hình trong tự nhiên.

Các hiền triết Trung Hoa cũng chủ trương thân xác còn vươn xa hơn cả không gian khoáng-sinh-nhân. Vì một cách nào đó, thân xác là một với thiên nhiên, nên khi hòa mình vào thiên nhiên, người ta còn bắt được đạo Trời in đậm nét trên thụ tạo, làm thành con đường Nhân đạo. Triết Đông còn cho rằng mệnh Trời biểu lộ ở ngay tính tự nhiên [1] của con người, ngay trong thiên nhiên vạn vật, nhờ đó ta có thể đạt minh trí.

Còn hơn thế nữa trong Kitô giáo, với mầu nhiệm Thiên Chúa làm người, thì thân xác không chỉ phản ảnh đạo Trời, nhưng còn mang Trời, thành chân dung của Trời: “Ai thấy Ta là thấy Cha” (Ga 14, 9). Thân xác huyền nhiệm ấy không dừng lại ở Đức Giêsu, mà lan rộng đến ai trở thành Thân mình nối dài của Ngài, nghĩa là được Kitô hóa để sống tâm tình và tính cách của Ngài. Từ đó, tính khả giác có khả năng thiêng liêng hóa và thần thánh hóa nơi dấu hiệu hữu hình, vì theo thánh Benađô, nhờ việc chiêm ngưỡng Đức Kitô, giác năng đã được thanh luyện để có thể nhìn thấy Thiên Chúa trong mọi sự, nơi mọi người.

7. Giới tính

Ở đây, ta muốn nêu lên vấn đề giới tính vốn là cơ bản của thân xác, làm thành sự phản chiếu và tính nòng cốt của đôi bên nam nữ. Ai cũng hiểu rằng, muốn sống đạo sâu xa thì phải sống trọn vẹn con người mình. Do đó, ngay cả trong tu đức hay tu tâm, giới tính phải được đặc biệt lưu tâm.

♥ Nữ giới

Phụ nữ vốn nghiêng về tình cảm hơn là lý trí, nên tình cảm vừa là điểm yếu, vừa là điểm mạnh của họ. Ở điểm yếu, họ phải tập cho mình cách thoát ra khỏi sự kiềm chế của nó. Ở điểm mạnh, họ cần biết tận dụng sức đẩy của nó để vươn cao, tỏa sáng, vượt trên những chấp nhất nhỏ mọn và tình cảm thấp kém mà người ta vẫn gọi là “nhi nữ thường tình”.

Muốn vậy, không có gì hữu hiệu bằng sự hy sinh, quên mình, để làm tan biến tính hẹp hòi, ích kỷ, vốn là nguyên nhân của sự giận hờn, ghen ghét. Nặng tình cảm thì dễ trở nên nhẹ dạ và nông nổi, kéo theo một loạt những hệ quả khác là dễ nghe, dễ theo, dễ bị ràng buộc và đồng hóa.

Cái khó của nữ giới là thường suy tư theo tình cảm, mà không phân minh theo lý trí, nên dễ lạc hướng và sai lầm. Hành động của họ luôn nặng phần cảm tính nên cũng dễ chủ quan và độc đoán. Cảm nhận của họ thường lệ thuộc vào đối tượng nên cũng dễ vui dễ buồn. Nắm bắt vấn đề bằng trực giác nên cũng hên xui. Sống theo cảm ứng của bản năng, nên cũng dễ đánh mất tính siêu nhiên đã được định hướng ngay trong tự nhiên. Vì thế họ phải tập luyện cho mình có khả năng đưa tình cảm vào tầm kiểm soát của lý trí sáng suốt và ý chí kiên định, đồng thời biết siêu nhiên hóa cái nhìn để trải rộng tình thương một cách bao dung, chan hòa, nhưng luôn quân bình và hài hòa.

Về đời sống thiêng liêng cũng vậy, người nữ thường chạy theo những ước muốn của tình cảm mà thiếu sự nhận biết về chính mình. Cha Alselm Grun cho biết có một nữ tu luôn trung thành với mọi thời gian cầu nguyện nhưng chẳng biến đổi gì hơn. Chị làm rất nhiều việc đạo đức, nhưng lại cảm thấy nhạt nhẽo và trống rỗng. Chị chu toàn mọi việc bổn phận nhưng không hề có sức sống. Tiếc thay chị đã không tìm biết những nguyên nhân nào đã kiềm chế mình như vậy.

Những lý do cơ bản là chị đã không đặt trọng tâm nơi Chúa mà chỉ xoay quanh chính mình; chỉ lo cầm giữ mình trong những hình thức đạo đức mà không nhằm đến sự tăng trưởng đời sống thiêng liêng; chỉ muốn giải quyết mọi vấn đề bằng lời cầu nguyện nhưng lại không đặt mình trước sự thật; thay vì đi tìm sức sống thì lại mong ước sự an toàn cho mình; thay vì nỗ lực để sinh hoa kết trái thì lại chạy theo thành công vì coi nó như một kỳ tích; thay vì cậy dựa vào Chúa thì lại cậy dựa vào những việc đạo đức để nêu cao bản thân mình.

Qua đó cho ta thấy ước muốn tình cảm của chị luôn qui về chính mình, chỉ mưu toan hành động ngay ngắn chứ không sống thực cuộc đời mình trước Chúa và mọi người. Chị đã không gặp được Chúa trong cầu nguyện và bao nhiêu việc đạo đức của mình, mà trái lại, chỉ để củng cố “cái tôi” của mình. Tiềm ẩn bên trong lối sống đó là nỗi lo sợ mọi người không nhìn nhận mình như mình đang là, và đáng lẽ phải là. Chị không dám buông mình cho Chúa, không đi đến tận cùng con người mình, không chịu chôn vùi và mục thối nên cũng không thể phát sinh sự sống mới.

♥ Nam giới

Nam giới thường phát huy điểm mạnh của mình ở lý trí và ý chí. Đó là khả năng nhận biết và lập luận có tính khoa học để đánh giá thực tại một cách khách quan, đồng thời điều gì đã quyết thì không dễ thay đổi. Đây là điểm mạnh đồng thời cũng là điểm yếu, tùy theo cách vận dụng của mình để phát triển theo hướng nào. Chỉ với lý trí và ý chí, nó sẽ dễ biến nam nhân thành cục sắt không có trái tim, hoặc một trái tim cứng cỏi, lạnh lùng và băng giá. Khi đó, tình cảm sẽ là hơi thở ấm áp cần thiết để biến một “rôbôt” thành con người, một con người được dựng nên do tình yêu, để họ cũng biết tha thiết sống cho tình yêu.

Nói tới yêu là nói tới tin. Tình yêu và niềm tin sẽ mở cõi lòng họ, cho họ thấy ý nghĩa và giá trị cuộc sống không nằm trong việc chinh phục, chế ngự hay chiếm đoạt, mà là sống quảng đại và bao dung. Điều này đòi họ phải vượt trên những tính toán quá hệ thống và logic, những phản ứng quá hình thức và máy móc, những hành động quá luật lệ và nguyên tắc.

Chính sự rung động của con tim mới khiến họ biết động lòng trắc ẩn trước cuộc sống đầy những tình cảnh đáng thương, mà không bị chặn đứng bởi một khuôn khổ hay nguyên tắc nào của lý trí, ngay cả luật lệ chủng tộc hay tôn giáo. Đây là điều mà dụ ngôn người Samaritanô đã nói lên như một điển hình cho các bậc trượng phu (x. Lc 10, 29-37). Lòng nhân đạo tự nó đã mang mầm siêu nhiên, và khi được phát triển sâu rộng, đúng hướng, nó diễn đạt tính thần thiêng của con người.

Ở đây cần nói thêm rằng, có những người coi tính hung hăng và giới tính như một chướng ngại và đối chọi lại đời sống tinh thần cần phải diệt trừ. Nhưng đó lại là những điều mà Thiên Chúa đã phú bẩm cho chúng ta như những sức mạnh giúp chúng ta sống đạo đức (x. 2Pr 1, 3).

Vấn đề không phải là loại trừ mà sử dụng chúng một cách đúng đắn. Chẳng hạn về tính hung hăng hay nóng nảy, nếu ta chỉ muốn bóp nhẹt nó thôi thì lại càng bị nó khống chế và làm phát sinh sự trầm uất. Nói thế không có nghĩa là trút sự nóng giận của mình trên người khác, nhưng là kiểm soát, và cho phép nó được bộc lộ một cách tương xứng trong những trường hợp chính đáng. Ta không thể đi tìm Thiên Chúa ngoài tính nóng nảy của mình, cũng không thể coi nó như một thế lực ngoại lai luôn làm hại mình, nhưng phải coi nó như một sức mạnh của Chúa tiềm ẩn trong mình, để khi con người biết sử dụng và điều hướng đúng mục tiêu thì nó trở nên một năng lượng đầy sáng tạo.

Cũng vậy, có những người coi giới tính như một điều xấu, và dùng hết sức để khử trừ hoặc trấn áp nó. Không những không thành công mà còn đưa tới sự dồn nén và bức bách bản thân mình, đưa tới một lối sống mất quân bình, cũng như hành xử cách hỗn loạn với những người chung quanh. Hơn nữa, giới tính sẽ tấn công họ vào những lúc suy sụp hoặc căng thẳng, và càng chống chọi càng sa lầy. Đây là điều đã gây ra thảm kịch trong đời sống nhiều người.

Giới tính là một sức mạnh như một dòng chảy mà không dễ gì thông dòng theo như mình muốn. Điều quan trọng là phải xem nó như một sức mạnh Thiên Chúa ban trong bản tính của mình: một sức mạnh tốt đẹp và cần thiết cho sự sống của chúng ta, để từ đó chúng ta biết sát nhập nó vào trong quan niệm sống của mình.

Không thể coi tu đức như một chiến lược đi vòng để tránh né hay ngăn chặn những tiềm năng sinh lực mà Thiên Chúa đã đặt để trong bản tính của mình như một tài lực để phát huy sự sống dào hơn. Tất cả đều tốt đẹp trong công trình tạo dựng của Chúa nơi toàn thể đời sống của chúng ta. Mọi cái chỉ trở nên xấu xa từ cái nhìn đầy dục vọng của con người, hoặc nhìn từ cái “ngã” của mình. Chính vì vậy mà nó tạo nên cuộc chiến Xác-Thần, làm phân rẽ giữa tự nhiên và siêu nhiên.

8. Cuộc chiến Xác-Thần: giữa tự nhiên và siêu nhiên

Xác và Thần trong từ ngữ của Gioan và Phaolô là hai sức mạnh đối đầu trong con người. Xác thì ghì xuống, Thần thì hướng lên. Xác thịt ở đây hiểu theo nghĩa sinh hoạt của bản năng, mang nặng tính vị kỷ và hướng về khoái lạc. Nhưng cũng nơi con người tự nhiên ấy, có một yếu tố khác mà Phaolô gọi là Esô anthropos. Con người bên trong gồm lý trí và tinh thần, đáng lẽ phải nghiêng về luật Chúa (x. Rm 7, 22) để trở nên chính mình, nhưng bất lực trước sức mạnh nhục thể. Phải nhờ sự cứu chuộc của Đức Kitô để gia tăng sức mạnh tinh thần hầu nâng cao con người toàn diện (x. Rm 7, 25; 8, 2-6).

Chúa Thánh Thần hằng làm việc trong ta. Sự có mặt của Thánh Thần (Hieros pneuma) sinh ra nơi ta một tinh thần siêu nhiên để chiến đấu và chiến thắng. Sự chiến đấu giữa cái Tôi xác thịt và cái Tôi tinh thần nằm trong một cuộc chiến bao quát hơn giữa Bóng tối và Ánh sáng, giữa Satan và Chúa Kitô. Vấn đề không phải là diệt xác để giải phóng tinh thần, nhưng làm suy yếu sức mạnh của bóng tối là tham dục, là ích kỷ nơi ta, và làm cho sức mạnh tinh thần hưng thịnh lên mãi. Đó là một hướng sống đi lên để đạt tới tầm vóc viên mãn của con người.

Thánh Phaolô cho thấy: “Hướng đi của tính xác thịt là sự chết, còn hướng đi của Thần Khí là sự sống và bình an.”. (Rm 8,6). Vì thế, “Nếu anh em sống theo tính xác thịt, anh em sẽ phải chết; nhưng nếu nhờ Thần Khí, anh em diệt trừ những hành vi của con người ích kỷ nơi anh em, thì anh em sẽ được sống.” (Rm 8,13). Như vậy, “Những ai bị tính xác thịt chi phối thì không thể vừa lòng Thiên Chúa.” (Rm 8,8).

Không thể thăng hoa đời sống mình nếu không tiết chế ham muốn. Đây là sức mạnh làm chủ bản thân đòi tu tập liên tục. Tuy nhiên, nếu kiềm chế quá sức chịu đựng, sẽ gây nên những hậu quả tai hại về tâm lý cũng như đường thiêng liêng. Vì thế, giải trí và thư giãn là cần thiết cho đời sống tu đức. Riêng đối với những ai thấy được ơn Chúa thúc đẩy mãnh liệt, sẵn sàng đi vào mọi cuộc phiêu lưu, thì nhắm mắt đưa chân, gác một bên những tính toán và khôn ngoan bình thường để sống triệt để cho Chúa. Nhưng đối với những ai không được thúc đẩy mãnh liệt như thế, thì hãy bước đi trong thận trọng và khiêm tốn.

Phương pháp tốt nhất không phải là cưỡng lại xung động (pulsion), nhưng lợi dụng sức của nó để chuyển hướng. Theo Jung thì năng lượng tâm sinh là một, dù xuôi hay ngược cũng thế, vấn đề là chuyển đổi đối tượng hướng tới. Năng lượng ấy hướng về xác thịt thì tinh thần yếu đi, nhưng nếu càng hướng đến tinh thần siêu nhiên thì ham muốn hạ đẳng càng giảm bớt. Vì thế, ta cần dồn năng lượng tâm sinh để phục vụ lý tưởng, bằng cách mở rộng lòng yêu thương và làm tăng triển những khả năng tinh thần. Một khi tinh thần trên đà chiến thắng, thì toàn thể con người thân-tâm đạt tới sự thống nhất, có khả năng siêu nhiên hóa mọi hoạt động, dễ dàng sống theo ý Chúa. Khi đã là một với chính mình thì cũng làm một với Chúa trong mọi sự. Đây là một ân ban, nhưng lại tùy thuộc nỗ lực vươn lên trong đời sống tinh thần. Thiên Chúa chỉ có thể thần hóa những gì con người đã cố gắng nhân hóa. Kết quả sẽ là một thỏa mãn mới, nhẹ nhàng và sâu xa, trong sáng và bền vững, chứ không bứt xé và xáo trộn như một khoái cảm vật chất hay thể xác.

Kinh nghiệm chiến đấu thiêng liêng cho thấy lúc đầu quả là gay go, nhưng dần dần sự va chạm sẽ giảm đi, cường độ của những ham muốn mang tính bản năng yếu dần, không còn sức phản kháng nữa, để cho Thần trí lên ngôi hướng đến thiện toàn. Tuy mầm mống dục vọng vẫn còn chi phối, nhưng sức mạnh của nó đã được chuyển hóa, nhường bước cho một hấp dẫn thâm sâu của tính Thần thiêng nơi con người. Một hạnh phúc mới đã hình thành, mà xác thịt xưa kia chưa hề biết tới, nay đã chia sớt làm một với tinh thần. Tự nhiên và ân sủng đã phối kết để làm nên một cuộc sống duy nhất trong Chúa. Sự Thái hòa kết tụ từ bên trong sẽ tỏa ra nơi sắc diện và phong thái, để rồi tác động đến bầu khí chung quanh mình. Xác-Thần đã hòa hiệp, trong ngoài đã hanh thông, và toàn thể con người như cây đèn tỏa sáng. Đó chính là hoạt động của Thánh Thần trong ta, âm thầm nhưng rất mạnh mẽ hữu hiệu, miễn ta đừng chống trả và phản kháng theo tính xác thịt của mình. Đến đây, ta mới hiểu ra kinh nghiệm thiêng liêng sâu xa của thánh Phaolô: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2, 20).

Tóm lại, con người siêu nhiên là con người được ân sủng biến cải trên chính nền tảng tự nhiên của nó. Con người tự nhiên là người cả xác lẫn hồn. Qua mầu nhiệm Nhập Thể, con người tự nhiên của ta đã được thông phần bản tính Thiên Chúa, và có khả năng làm hiển lộ gương mặt bất phàm của Ngài. Và nơi nhân tính của mình, Đức Giêsu đã thông đạt cho ta tính cách con Thiên Chúa. Từ nay, cái khả giác thành dấu hiệu hữu hiệu hay huyền tích, để thực hiện trong ta cái siêu giác là “con người thiêng liêng”. Con người được tạo dựng cho Thiên Chúa, nên không thể qui về chính mình, không lấy mình làm mục đích để sống theo bản năng tự nhiên nữa. Vì thế, sống là sống theo Thần Khí. Những ai sống theo Thần Khí thì không còn làm nô lệ cho tính tự nhiên theo xác thịt (1Cr 2,14), nhưng hòa quyện vào tinh thần siêu nhiên, hướng chiều theo ân sủng để kiện toàn mình trong Thiên Chúa.

Lời nguyện

Lạy Chúa!

Sâu nhiệm và cao cả thay những gì Chúa đã làm nên,

đặc biệt trên chính đời sống con người, là chóp đỉnh của việc tạo dựng và cứu chuộc.

Chúa muốn hoàn thành cách tốt nhất cuộc sống của chúng con trong tính cách của Chúa, nhưng nhiều khi chúng con cứ muốn lầm lì trong tính cách của mình.

Cuộc sống Kitô hữu là một hành trình hiến thân để hóa thân,

nhưng nhiều lúc con chỉ muốn tiến thân để rồi hư thân.

Nhiều khi con chỉ muốn sống với những gì mình đang có và muốn có,

mà quên sống với những gì mình là và phải là theo Thiên ý.

Ham chuộng với những gì quá tự nhiên, con đánh mất ý thức siêu nhiên.

Chạy theo những gì dưới đất, con quên mất ái mộ những gì trên trời.

Chỉ lo sống theo những nhu cầu của thể xác,

con làm ngưng trệ những đòi hỏi bức thiết của đời sống tâm linh.

Chỉ chú tâm vào những công trình và thành đạt,

con trở nên bệ rạc trong chính trái tim mình.

Xin chỉnh đốn và điều hòa lại đời sống con.

Xin cho con biết nhìn ngắm Đức Kitô mỗi ngày

để tìm thấy sự vẹn toàn đích thực của đời sống con trong Chúa. Amen.

Lm. Thái Nguyên

[1] Tính tự nhiên ở đây hiểu là tính bản thiện: “Nhân chi sơ tính bản thiện”.

Theo gpcantho.com

Check Also

Nếu thai nhi bị dị tật có được phá không?

Quả thật xét theo tâm lý bình thường của con người, cha mẹ nào lại …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.