ĐGM Barron về Thông điệp Humanae Vitae

Lời từ video:

Tháng 7 tới (2018) là kỷ niệm 50 năm thông điệp nổi tiếng và gây tranh luận của ĐTC Phaolô VI, Humane Vitae. Tôi sẽ không làm bạn chán ngán với những chi tiết của những cuộc tranh cãi và những xung đột đã xảy ra vì Humane Vitae. Nói chung đây là điểm bất hòa nổi cộm giữa hai phe trong Giáo Hội Công Giáo, nhóm bảo thủ và nhóm tự do.

Lí lẽ trọng tâm của Humane Vitae khá dễ trình bày. Đó là tính toàn vẹn của hành vi tình dục, là một chức năng của việc [hai người] đến với nhau trên phương diện kết hợp và sinh sản. Khi hành vi tình dục diễn tả tình yêu giữa hai người đã kết hôn và cởi mở để đón nhận một đứa con, hành vi ấy có phẩm chất toàn vẹn này.

Khi qua một sự lựa chọn có ý thức, cặp đôi đưa vào một sự gì đó nhân tạo để cản trở việc thụ thai, họ làm một điều xâm phạm tính toàn vẹn này và vì thế đi ngược lại với thánh ý của Chúa. Đó là điểm tranh luận chính của Humane Vitae.

Trong video này, tôi sẽ không đi vào những tranh luận thuận và chống. Bạn có thể đọc những điều đó ở nhiều nơi khác. Điều tôi quan tâm đến và thấy thực sự hấp dẫn khi tôi đọc lại Humane Vitae vì ngày kỷ niệm sắp đến là ở trong đoạn số 17. Bạn có thể lên Internet hoặc nếu có Thông điệp này, xin mở đến mục 17 vì trong đoạn này ĐTC Phaolô đóng vai trò của một vị tiên tri và rõ ràng ngài cho rằng việc tránh thai nhân tạo là một điều tự nó không tốt lành và ngài cũng đã nhìn thấy nhiều thứ hệ quả trong xã hội. “Nếu việc tránh thai nhân tạo trở nên phổ biến, nhiều điều tệ hại khác sẽ theo sau.” Mục 17 của thông điệp.

Tôi thú thật nó làm tôi hết hồn khi tôi đọc lại thông điệp vì tôi nghĩ, “Wow, năm 1968 mà ĐTC rõ ràng đã nhìn thấu thời đại của chúng ta.” Tôi sẽ chỉ đưa ra vài ví dụ về điều này. Đây là trích dẫn có tính tiên tri đầu tiên ở mục 17. ĐTC nói,

Trước tiên, trong trường hợp các phương pháp trên được đem áp dụng [việc tránh thai nhân tạo] họ cần lưu tâm đến hiện tượng nguy hiểm của sự bất trung trong hôn nhân cũng như đến việc luân lý trở thành sa đọa. Không cần nhiều kinh nghiệm ta cũng thấy được rằng con người vốn yếu đuối và tất cả, nhất là giới thanh niên, thường dễ đi ngược lại nền luân lý, nếu không luôn luôn có người kèm bên khuyên bảo và nếu bây giờ ta còn giúp cho họ có dịp để vi phạm các lề luật luân lý thì thật hết chỗ nói!

Điều tôi muốn nêu ra là có ai có thể nghi ngờ rằng 50 năm từ khi Thông điệp Humane Vitae được ban hành, chúng ta đã nhìn thấy sự yếu đi của định chế hôn nhân? Có ai dám nghi ngờ về việc chúng ta đã nhìn thấy tỷ lệ ngoại tình tăng cao cách đáng kể? Có ai có thể thành thật nghi ngờ chúng ta đã nhìn thấy sự hạ thấp, sự bị làm thành thô tục những tiêu chuẩn đạo đức?

Chúng ta không đổ lỗi mọi sự cho việc tránh thai nhân tạo và ĐTC cũng không đưa ra đề nghị đó. Có nhiều nguyên nhân cho hệ quả trên. Tuy nhiên, tôi thật sự tin ĐTC đã linh cảm được điều hết sức quan trọng. Đó là khi chúng ta tự cho mình quyền định nghĩa lại những hành vi tình dục, chúng ta đặt mình trên con đường khó khăn và trơn trượt, đi đến chủ nghĩa hoàn toàn tình nguyện (volunteerism), qua đó tôi có ý nói chúng ta bởi hành động của ý chí, định nghĩa ý nghĩa của sự việc, tự chúng ta xác định nó phải như thế nào.

Khi chúng ta bắt đầu quá trình đó bằng việc tách lìa khía cạnh kết hợp với sinh sản, chúng ta đặt mình trên con đường nguy hiểm đi đến chỗ chúng ta sẽ xác định ý nghĩa của hành vi tình dục theo bất cứ cách nào chúng ta ước muốn.

Năm 1968 điều này được coi là có chút nào đó hoang tưởng hoặc hơi phóng đại. Hôm nay, người ta chỉ cần nhìn quanh xã hội và người ta sẽ tìm thấy rất nhiều sự hoàn toàn là chủ nghĩa tình nguyện, về định nghĩa của hành vi tình dục.

Đây là lời tiên tri thứ hai từ mục 17. ĐTC nói,

Một nguy cơ khác rất có thể xảy ra là nếu để con người tự do áp dụng những phương pháp ngừa sinh sản, dần dần có thể họ sẽ hết kính trọng người phụ nữ, mà khi đã coi thường sự thăng bằng về tâm lý và thể lý của người đàn bà, cuối cùng họ sẽ coi đó là dụng cụ thỏa mãn dục tính một cách ích kỷ, chứ không coi đó là người bạn đường đáng mến, đáng trọng nữa.

Tôi không biết các bạn như thế nào nhưng khi tôi đọc đoạn đó ngay sau việc lấn át tình dục của Harvey Weinstein được làm công khai và trong khi tôi đang thu video clip này, chúng ta có thể nói, một cuộc thanh tẩy phi thường trong văn hóa chúng ta đang xảy ra.

Người ta nhận ra đã có quá nhiều sự ngược đãi nữ giới RẤT TỆ HẠI, một sự thiếu tôn trọng người nữ RẤT SÂU SẮC. Và bây giờ chúng ta nghe thấy hằng ngày trên tin tức. Những người nổi tiếng khác cũng bị buộc tội vì chính những hành vi này. Toàn thể xã hội rất đúng đắn khi phẫn nộ về việc này.

Nhưng tôi tự hỏi mấy người đã rút ra mối liên hệ như ĐTC Phaolô đã từng với con mắt của nhà tiên tri nhìn thấy trong sự chia cách quá tùy tiện của hai khía cạnh kết hợp và sinh sản và việc đối xử người nữ như một vật dụng để chỉ để thỏa mãn nam giới. Nếu hành vi tình dục như Chúa đã thiết kế đúng thật bao gồm khoái lạc, sự nối kết làm một và tình yêu, cộng với việc sinh sản. Khi bạn phân tách những điều đó, hành vi tình dục dễ dàng biến thành một phương tiện chỉ để người nam tìm khoái lạc tình dục và người nữ chỉ còn là một vật dụng để người nam thao túng.

Người ta có thể nói bất cứ điều gì họ muốn về lời dạy của Giáo Hội, “Ồ, quá là áp bức.” “Ôi, quá là khắt khe.” Tôi không biết bạn ơi. Nhưng tôi nghĩ những gì chúng ta thấy đặc biệt trong thời đại hôm nay là giá như người ta đã đi theo trực giác của Giáo Hội, người nữ đã được tôn trọng nhiều hơn là trong bối cảnh xã hội thế tục hiện tại.

Đây là một điểm tiên tri thứ ba từ mục 17. ĐTC Phaolô nói,

Chúng ta cũng cần nghĩ rằng, nếu chấp nhận việc tự do hạn chế sinh sản, rất nhiều chính quyền vốn dĩ đặt nhẹ các yêu sách của luân lý, chúng ta lấy cớ gì cấm đoán các chính quyền áp dụng chủ trương ấy để giải quyết các vấn đề của tập thể nếu các đôi vợ chồng cho là được phép hạn chế sinh sản [cách nhân tạo] vì lý do gia đình? Lúc đó, ai sẽ có quyền cấm đoán một chính phủ không những tán thưởng những phương pháp ngừa thai mà họ cho là hiệu nghiệm hơn cả mà còn ép buộc mọi người phải áp dụng nếu họ cho rằng điều này là cần thiết?

Tôi nghĩ nếu người ta đọc đoạn này năm 1968 có thể nói, “Ồ, thôi nào ĐTC Phaolô. Có phải ĐTC hơi quá phóng đại hoặc ngay cả hơi bị hoang tưởng về chính quyền giành quyền điều khiển công việc này.”

Trái lại, tôi nghĩ lời tiên đoán của ĐTC KHÁ là chính xác. Bạn nhìn vào xã hội hôm nay về lệnh HHS trong đất nước chúng ta. Lệnh này có mục đích gì? Chính là để bắt buộc ngay cả các tổ chức Công Giáo, đúng vậy, ngay cả Little Sisters of the Poor/ các soeur Dòng Tiểu Muội bần cùng phải có kế hoạch bảo hiểm cung cấp thuốc phá thai và ngừa thai nhân tạo. Một lần nữa, “Nếu chính phủ cho rằng phương pháp ngừa thai là điều cần thiết, họ có thể thậm chí ép buộc mọi người phải sử dụng.”

“ĐTC bị hoang tưởng?” Tôi nghĩ là không. Sự công kích này của chính quyền, ĐTC Phaolô VI đã nhìn thấy 50 năm trước đây, là điều theo sau, là hậu quả của những gì đang xảy ra trong năm 1968.

Tôi xin đưa ra một quan sát nữa. Giáo Hoàng đương thời, ĐTC Phanxicô là người rất ngưỡng mộ ĐTC Phaolô VI và bạn thấy điều này qua nhiều cách. Bạn thấy sự ngưỡng mộ đó trong việc ĐTC Phanxicô chú tâm vào việc Phúc Âm hóa. Bản văn Evangelii gaudium – Niềm Vui Của Tin Mừng của ĐTC Phanxicô là tiếng vang dội của Evangelii nuntiandi của ĐTC Phaolô VI, là bản văn tuyệt hảo trong di sản của Phúc Âm hóa.

Tuy nhiên, tôi muốn thêm rằng ĐTC Phanxicô cũng ngưỡng mộ ĐTC Phaolô VI cho bản văn tuyệt vời của Humanae Vitae / Về sự sống con người. Hãy nhìn vào Tông huấn Amoris laetitia, bản văn của ĐTC Phanxicô về đời sống hôn nhân và gia đình, trong đó Humanae Vitae được tái khẳng định. Sự kết hợp của hai yếu tố sinh sản và kết hợp làm một của hành vi tình dục được tái khẳng định.

Hơn nữa, trong nhiều lần, ĐTC Phanxicô đã than thở về điều ngài gọi là thực dân hóa của hệ tư tưởng, nghĩa là phương Tây áp đặt hệ tư tưởng tình dục của mình trên khắp hoàn cầu thường dùng những viện trợ kinh tế của họ tùy thuộc vào sự đón nhận một số giả định của hệ tư tưởng. Điều này làm ĐTC Phanxicô quan tâm cũng như nó đã làm ĐTC Phaolô VI quan tâm.

Tôi nghĩ trong năm nay, nhân kỉ niệm 50 năm, nhiều người sẽ đọc lại Thông điệp Humanae Vitae. Rất tuyệt. Tôi xin đề nghị nơi bạn cần bắt đầu là mục 17.

Đây là mục 17 của Thông điệp:

Những hậu quả nghiêm trọng của việc áp dụng các phương pháp nhân tạo để điều hòa sinh sản

17. Những người thiện tâm thiện chí sẽ có dịp nhận chân giá trị của nền Giáo lý Giáo hội trong lãnh vực này, nếu họ chịu bình tâm suy nghĩ về những hậu quả tai hại của việc áp dụng các phương pháp nhân tạo để điều hòa sinh sản.

Trước tiên, họ cần lưu tâm đến hiện tượng nguy hiểm của sự bất trung trong hôn nhân cũng như đến việc luân lý trở thành sa đọa trong trường hợp các phương pháp trên được đem áp dụng. Không cần nhiều kinh nghiệm ta cũng thấy được rằng con người vốn yếu đuối và tất cả, nhất là giới thanh niên, thường dễ đi ngược lại nền luân lý, nếu không luôn luôn có người kèm bên khuyên bảo và nếu bây giờ ta còn giúp cho họ có dịp để vi phạm các lề luật luân lý thì thật hết chỗ nói! Một nguy cơ khác rất có thể xảy ra là nếu để con người tự do áp dụng những phương pháp ngừa sinh sản, dần dần có thể họ sẽ hết kính trọng người phụ nữ, mà khi đã coi thường sự thăng bằng về tâm lý và thể lý của người đàn bà, cuối cùng họ sẽ coi đó là dụng cụ thỏa mãn dục tính một cách ích kỷ, chứ không coi đó là người bạn đường đáng mến, đáng trọng nữa.

Chúng ta cũng cần nghĩ rằng, nếu chấp nhận việc tự do hạn chế sinh sản, rất nhiều chính quyền vốn dĩ đặt nhẹ các yêu sách của luân lý, sẽ triệt để lợi dụng khai thác ngay. Nếu các đôi vợ chồng được phép hạn chế sinh sản vì lý do gia đình, thì lấy cớ gì cấm đoán các chính quyền áp dụng chủ trương ấy để giải quyết các vấn đề của tập thể? Lúc đó, ai sẽ có quyền cấm đoán một chính phủ không những tán thưởng mà hơn thế nữa còn ép buộc dân chúng phải áp dụng những phương pháp ngừa thai mà họ cho là hiệu nghiệm hơn cả? Và thế là muốn tránh né những khó khăn của cá nhân, gia đình hay xã hội trong việc tuân giữ luật Chúa, cuối cùng người ta đã hoàn toàn dành cho các chính quyền được tự do thao túng một lãnh vực thân mật, cá nhân riêng biệt nhất của đôi vợ chồng.

Vậy nếu ta không muốn để loài người được quyền độc đoán quyết định về sứ mạng lưu truyền đời sống thì ta bó buộc phải chấp nhận một ranh giới nhất định ngăn cấm không cho ai vượt qua: Con người không có toàn quyền đối với thân xác cũng như các cơ năng của thân xác mình. Không ai dù với tư cách cá nhân, dù với tư cách chính quyền, được phép hủy bỏ ranh giới trên, là những ranh giới được ấn định bằng lòng tôn trọng đối với toàn bộ cơ thể và cơ năng con người theo đúng những nguyên lý trình bày trên đây và theo đúng “nguyên tắc toàn bộ” mà đấng Tiền nhiệm của Ta, Ðức Piô XII đã nói (trong bài diễn văn đọc ngày 8/10/1953).

Nguồn “trongsach.com”

Check Also

Tội phá thai và giải vạ tuyệt thông tiền kết theo Giáo luật

Trong những năm gần đây, tại nhiều nơi, phá thai đã trở thành chuyện thường …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.