Thông điệp Humanae Vitae

Thông Ðiệp Sự Sống Con Người (Humanae Vitae)
của Ðức Thánh Cha Phaolô VI

25 tháng 7 năm 1968

Thân gửi Chư Huynh đáng kính, các Vị Thượng Phụ, các Vị Tổng Giám Mục, Giám Mục và các vị Giáo Quyền tại những nơi giao hảo và hiệp thông với Tòa Thánh, các Tu Sĩ, các Giáo Hữu thuộc thế giới Công Giáo và toàn thể những Người Thiện Tâm Thiện Chí.

Kính chào chư huynh khả kính và các con thân mến, xin gửi đến tất cả phép lành Tòa thánh.

 

Sự lưu truyền đời sống

1. Nhiệm vụ lưu truyền đời sống là một nhiệm vụ trọng đại của đôi phối ngẫu, một nhiệm vụ khiến họ trở nên những người tự động tham dự vào trách nhiệm tạo dựng của Ðấng Tạo Hóa, một nhiệm vụ luôn luôn mang lại cho họ nhiều nguồn an ủi, vui sướng lớn lao, song đồng thời thỉnh thoảng cũng gây cho họ không biết bao nhiêu khó khăn, cực lòng.

Trong mọi thời đại, việc thi hành nhiệm vụ lưu truyền đời sống thường đặt các đôi phối ngẫu trước nhiều vấn đề thắc mắc, khó giải quyết; và đặc biệt những tiến hóa của xã hội hiện đại đã gây rất nhiều biến chuyển, và tạo ra nhiều vấn đề mới, Giáo hội không thể không lưu tâm đến những vấn đề này, vì đây là một lãnh vực có liên hệ mật thiết với đời sống và hạnh phúc con người.

 

I. Những Khía Cạnh Mới Của Vấn Ðề

Về Quyền Hạn Của Giáo Quyền

Những dữ kiện mới

2. Những biến chuyển mới xảy ra hết sức rõ ràng, quan trọng và thuộc nhiều lãnh vực. Biến chuyển đầu tiên là việc dân số trên thế giới gia tăng mau lẹ. Nhiều người tỏ ý lo ngại: với nhịp độ này, không mấy lúc nữa, các tài nguyên thực phẩm sẽ không đủ cung ứng cho nhu cầu của con người, vì nhịp độ sản xuất chậm hơn. Viễn tượng đó đã tạo ra một tâm trạng khắc khoải, khiến nhiều gia đình, nhiều dân tộc chậm tiến phải lo âu, và các nhà cầm quyền rất dễ ngã theo chủ trương làm mạnh để chặn đứng nguy cơ này. Ngoài ra, các điều kiện làm việc, tình trạng nhà ở, và các nhu cầu đòi hỏi mới của nhân loại trong lãnh vực kinh tế, giáo dục đã gây rất nhiều khó khăn trở ngại cho việc dưỡng dục con cái một cách đầy đủ, nếu chúng đông quá.

Biến chuyển thứ hai được phát hiện trong vai trò người đàn bà: giá trị cũng như vị trí của họ trong xã hội hiện đang được người ta thảo luận, cân nhắc, xét lại. Sự biến chuyển còn thấy ngay vấn đề tình yêu hôn nhân, trong ý nghĩa của các tác động hôn nhân xét theo khía cạnh của tình yêu.

Cuối cùng, biến chuyển quan trọng nhất hiện nay trên thế giới là việc con người đã tiến những bước khổng lồ trong địa hạt chinh phục và tổ chức lại các lực lượng thiên nhiên, và vì thế, họ cũng muốn áp dụng khả năng chinh phục ấy đối với chính bản thân (xét trong khía cạnh toàn bộ) của họ: thân xác, đời sống vật lý, đời sống xã hội và ngay cả các định luật vốn dùng làm tiêu chuẩn điều hành trong việc lưu truyền đời sống, họ cũng muốn sửa đổi thay thế.

3. Lẽ tất nhiên tình trạng trên đây đã phát sinh nhiều vấn đề mới. Người ta nghĩ rằng: Khi các điều kiện sinh hoạt đã thay đổi, khi ý niệm về các hành vi hôn nhân đã xoay chiều để tạo sự hòa hợp và trung thành giữa đôi vợ chồng, cố nhiên không thể không lưu tâm xét lại các định luật luân lý có liên hệ đến hôn nhân, nhất là khi người ta nhận thấy, muốn tuân giữ các định luật trên, nhiều khi phải hy sinh, phải có một chí can đảm phi thường.

Ðem áp dụng nguyên tắc “toàn bộ” về vấn đề này, nhiều người tự hỏi: liệu có thể, với ý thức và mục đích hạn chế bớt việc sinh sản và điều hòa nó một cách khoa học, người ta có thể biến chế việc vô hiệu hóa năng lực sinh sản thành một hành vi hợp pháp và khôn ngoan không? Nói cách khác, liệu người ta có quyền chấp nhận quan điểm này: cứu cánh, mục đích của việc sinh sản không phải chỉ bao gồm mỗi hành vi, mà trái lại, bao gồm toàn thể đời sống hôn nhân không?

Người ta còn đi xa hơn nữa và tự hỏi rằng: với tinh thần trách nhiệm ngày một lớn của con người cận đại, liệu đã đến lúc nên cho phép họ căn cứ vào lý trí, ý muốn của mình để tự điều hòa lấy vấn đề sinh sản, hơn là cứ phó mặc cho các định luật sinh lý.

Quyền hạn của giáo quyền

4. Những vấn đề trên đây đòi hỏi Giáo hội phải suy nghĩ cân nhắc lại một cách kỹ càng các nguyên tắc của học thuyết luân lý liên quan đến hôn nhân: một học thuyết tuy căn cứ trên các định luật thiên nhiên, song lại được Thiên Chúa mặc khải, soi sáng và phong phú hóa thêm.

Cố nhiên không người giáo hữu nào phủ nhận quyền hạn của Giáo hội trong việc giải thích luật, dầu luật ấy là luật luận lý tự nhiên. Quả vậy, như các vị tiền nhiệm của Ta đã nhiều lần tuyên bố (Ðức Piô IX trong Quipluribus, Ðức Piô XI trong Casti Connubii, Ðức Piô XII trong Magnificat Dominum, Ðức Gioan XXIII trong Mater et Magistra), khi Chúa Giêsu Kitô trao quyền Thiên Chúa của mình lại cho Thánh Phêrô và các Tông đồ, sai các Ngài đi khắp các nước truyền rao các giáo huấn của Người (Mt 28,18-19), Chúa đã đặt các Ngài làm người chính thức bảo vệ và giải thích toàn thể bộ luật lý, không phải chỉ lề luật Phúc âm, mà cả các lề luật tự nhiên nữa, vì lề luật tự nhiên biểu lộ thánh ý của Chúa, và vì muốn được cứu rỗi, không thể không tuân hành luật lệ ấy được (Mt 7,21).

Với sứ mạng trên, Giáo hội thường xuyên ban hành một nền giáo huấn mạch lạc liên quan đến bản chất của hôn nhân cũng như về phương pháp sử dụng một cách đứng đắn quyền lợi của hôn nhân, và về nhiệm vụ của các đôi vợ chồng. Ðặc biệt, trong thế kỷ hiện đại, các giáo huấn thuộc loại này được ban hành và phổ biến nhiều hơn bao giờ hết (Catechismus Concilii Tridentini, Divini Illius Magistri của Ðức Piô XI, các diễn văn của Ðức Piô XII, Mater et Magistra của Ðức Gioan XXIII…)

Những nghiên cứu đặc biệt

5. Ý thức được sứ mạng Chúa giao phó, ta đã xác nhận và mở rộng Ủy ban nghiên cứu mà vị tiền nhiệm của Ta, Ðức Gioan XXIII, đã thành lập từ tháng 3 năm 1963. Ủy ban này gồm nhiều chuyên viên thuộc các tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau, và cả một số người có đôi bạn, với các ý kiến liên quan đến các vấn đề mới thuộc lãnh vực “đời sống hôn phối”, đặc biệt lưu ý vấn đề điều hòa sinh sản, để giáo quyền đầy đủ yếu tố, tài liệu cần thiết hầu trả lời thích đáng cho giáo dân cũng như cho dư luận thắc mắc của nhân loại (Diễn văn của Ðức Phaolô VI ngày 23/6/1964, 24/3/1965, 29/10/1966).

Nhờ công việc nghiên cứu của Ủy ban nói trên, nhờ các ý kiến phán đoán, khuyến cáo của các chư huynh trong hàng Giám mục, hoặc tự ý, hoặc theo lời Ta yêu cầu đã gom góp thêm vào, Ta thấy có thể đánh giá, ước lượng mọi khía cạnh của vấn đề phức tạp này. Vì thế, Ta hân hoan và nhiệt thành gửi lời cám ơn tất cả các vị.

Câu trả lời của giáo quyền

6. Tuy nhiên, một điều cần phải nói ngay là các kết luận của Ủy ban trên đã đưa ra không thể coi như có tính cách quyết định và Ta nhận thấy có nhiệm vụ phải tự cứu xét thêm, lý do vì tính cách quan trọng của vấn đề cũng có, mà cũng vì các nhân viên trong Ủy ban không hoàn toàn đồng ý về các định luật luân lý sẽ đem ban hành, và chấp nhận là có một số tiêu chuẩn của các biện pháp đề nghị đã đối nghịch lại học thuyết luân lý về hôn nhân do giáo quyền chủ trương một cách kiên quyết từ trước đến nay.

Vì những lý do đó, sau khi đích thân xem xét các tài liệu đệ trình, sau khi cân nhắc cẩn thận, sau khi cầu xin Thiên Chúa ban ơn soi sáng, Ta sẽ nhân danh Chúa Kitô ủy thác, trả lời những vấn đề thắc mắc được nêu ra trong lãnh vực hôn nhân.

II. Các Nguyên Tắc Giáo Lý

Một ý thức trọn vẹn về con người

7. Cũng như tất cả các vấn đề liên quan đến đời sống con người, vấn đề sinh sản cần được ý thức và quan niệm không phải dưới một vài khía cạnh riêng biệt – như khía cạnh sinh lý, dân số và xã hội mà – phải lưu tâm toàn thể con người, đến ơn gọi thiên nhiên cũng như siêu nhiên, trần tục cũng như muôn đời của họ. Ngoài ra vì nhận thấy có nhiều người có khuynh hướng tìm cách chứng minh hợp pháp hóa các phương pháp nhân tạo để kiểm soát việc sinh sản bằng cách căn cứ vào các nhu cầu của tình yêu trong hôn nhân, và “trách vụ trở thành cha mẹ” của đôi vợ chồng, nên Ta sẽ minh xác quan niệm chính thống về hai thực tại quan trọng của đời sống trên đây. Lẽ tất nhiên trong lãnh vực này, Ta căn cứ trên những điều Công đồng Vatican II đã trình bày và quyết định trong Hiến chế mục vụ “Vui Mừng Và Hy Vọng” (Gaudium et Spes).

Tình yêu trong hôn nhân

8. Bản chất thực tiễn và sự cao quí của Tình yêu trong Hôn nhân được biểu lộ hoàn toàn khi người ta nhìn qua Nguồn gốc tối thượng của nó là Thiên Chúa Tình yêu (Ga 4,8), “là Cha toàn năng, nguồn mạch của mọi tình cha con, trên trời cũng như dưới đất” (Ep 3,15).

Chính vì thế nên hôn nhân không phải kết quả của ngẫu nhiên hay của các lực lượng tự nhiên, vô ý thức tạo thành. Trái lại, đó là một tổ chức khôn ngoan do Ðấng Tạo Hóa vì tình thương đã thực hiện nơi nhân loại. Ðôi vợ chồng cống hiến chính bản thân mình cho nhau, hòa đồng bản thể của đôi bên lại để hoàn thiện hóa cá nhân mình hầu cộng tác với Thiên Chúa trong việc lưu truyền sự sống và dưỡng dục các đời sống mới.

Hơn thế nữa, đối với những người đã chịu Phép Rửa tội. Hôn nhân còn mang sắc thái cao quý của Bí tích ơn nghĩa thánh, lý do vì hôn nhân tượng trưng sự kết hợp giữa Chúa Kitô và Giáo hội.

Các đặc tính của tình yêu trong hôn nhân

9. Ðược ý thức như thế, Hôn nhân sẽ bật nổi sáng chói với những đặc tính, những đòi hỏi đặc biệt của tình yêu hôn phối. Do đó chúng ta cần phải có một ý niệm xác thực về vấn đề này.

Trước tiên đó là một thứ tình yêu hoàn toàn nhân nghĩa là vừa hữu hình, và vừa siêu hình. Ðây không phải chỉ là một việc di chuyển tình cảm và bản năng từ người này sang người kia, mà đó chính là một hành vi của lý trí và tự do, một hành vi cần được bảo vệ và gia tăng qua những vui buồn của đời sống thường nhật, để đôi vợ chồng trở nên một tâm hồn, tinh thần và cùng nhau đạt tới đỉnh hoàn thiện của nhân loại.

Ngoài ra đây còn là một thứ tình yêu trọn vẹn nghĩa là một hình thức đặc biệt của tình bạn cá nhân, nhờ đó hai vợ chồng cùng nhau chân thành yêu mến, chia sẻ mọi sự, không dấu diếm, không tính toán ích kỷ. Một người phối ngẫu yêu bạn mình không phải vì những cái bạn đã cho mình, mà chính vì bạn với niềm hân hoan vui sướng được lấy chính bản thân mình phong phú hóa cho bạn.

Ðây cũng là một thứ tình yêu chung thủy và dành riêng cho một người cho đến lúc chết, và đó chính là cảm nghĩ của đôi vợ chồng ngày hai người tự ý, tự nguyện hiến trọn thân mình cho nhau khi nói lên lời giao ước hôn nhân. Lòng chung thủy ấy tuy đôi khi khó thực hiện, song ai cũng công nhận là có thể giữ được, và lòng chung thủy ấy là một thái độ cao quí, đáng trọng. Kinh nghiệm hôn nhân qua bao thế kỷ, với những cử chỉ đáng phục của muôn vạn người chồng trong các thế hệ chứng tỏ rằng lòng chung thủy không những hợp với bản chất của hôn nhân mà còn là nguồn hạnh phúc sâu xa bền vững.

Cuối cùng đây là một tình yêu phong phú không hề tiêu hao trong việc truyền thông giữa hai vợ chồng, trái lại đủ sức tiếp tục bằng việc tạo những đời sống mới. “Hôn phối và tình yêu trong hôn nhân, tự bản chất nó, được hướng về việc sinh sản và nuôi dưỡng con cái. Trên thực tế, con cái là ân huệ tối thượng của hôn nhân và mưu ích rất nhiều cho chính cha mẹ chúng” (Công đồng Vatican II, Hiến chế Mục vụ “Vui Mừng Và Hy Vọng” – Gaudium et Spes, số 50).

Trách nhiệm trở thành cha mẹ

10. Vì lý do trên tình yêu trong hôn nhân đòi hỏi đôi vợ chồng phải ý thức sứ mạng “trách nhiệm trở thành cha mẹ” của mình, một trách nhiệm mà người hiện đại thường xuyên nhắc tới và hết thảy chúng ta cần phải thấu hiểu ý nghĩa xác thực của nó, trách nhiệm ấy cần được cân nhắc, thảo luận dưới nhiều khía cạnh khác biệt nhưng liên hệ với nhau.

Xét về phương diện sinh lý học, nhận “trách nhiệm trở thành cha mẹ” tức là thấu hiểu và tôn trọng các tiến trình hoạt động của sinh lý: trí thức giúp ta khám phá ra khả năng sinh sản, định luật luân lý nằm ngay trong bản chất con người (Summa Theologiae, I-II, q. 94, art. 2).

Xét về phương diện các khuynh hướng của bản năng về tình dục, trách nhiệm trở thành cha mẹ có nghĩa là phải dùng lý trí và lòng cương quyết để điều khiển chúng.

Xét về phương diện các điều kiện thể lý, kinh tế, tâm lý và xã hội, trách nhiệm trở thành cha mẹ có nghĩa là: biết cân nhắc suy nghĩ để rồi sẵn sàng làm cho gia đình mình tăng thêm nhân số, hoặc để rồi căn cứ vào những lý do xác đáng, và trong tinh thần tôn trọng lề luật luân lý quyết định tạm ngưng việc sinh sản trong một thời gian ngắn hay vô hạn định.

Ðặc biệt nhất là trách nhiệm trở thành cha mẹ bao hành sự tôn trọng trật tự luân lý do Thiên Chúa ấn định bằng cách biểu lộ một lương tâm ngay chính thẳng thắn. Vì thế việc đảm nhận trách nhiệm trở thành cha mẹ đòi hỏi đôi vợ chồng phải chu toàn nhiệm vụ đối với Thiên Chúa, với chính mình, với gia đình, xã hội trong tinh thần tôn trọng bậc thang chính thống của các giá trị. Chính vì thế nên trong lãnh vực lưu truyền sự sống, họ không có quyền tự do hành động theo sở thích, tự ý lựa chọn những phương pháp cho là chính đáng, trái lại, phải hướng hành động mình theo đúng thánh ý tạo dựng của Thiên Chúa, thánh ý đó được biểu hiện bằng chính bản chất và các hành vi của hôn nhân cũng như bằng các lời giáo huấn liên tục của Giáo hội (Hiến chế mục vụ “Vui Mừng Và Hy Vọng” – Gaudium et Spes, số 50 và 51).

Việc tôn trọng bản chất và cứu cánh của hành vi vợ chồng

11. Những hành vi của đôi vợ chồng dùng để kết hợp với nhau trong tình thân mật trong sạch hầu tạo thành và lưu truyền đời sống con người, là những “hành vi cao quí và chính đáng” (Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, số 49). Ðó là những hành vi hợp pháp, ngay cả trong trường hợp hai vợ chồng có thể đoán trước được là chúng sẽ không có hiệu năng sinh sản, vì những lý do ngoài ý muốn của mình: những hành vi ấy vẫn còn mục đích biểu lộ và làm cho sự liên kết của đôi vợ chồng thêm bền chặt. Trong thực tế, kinh nghiệm cho ta thấy: không phải mỗi hành vi, mỗi giao kết của hôn nhân đều tạo ra được một mầm sống mới. Thiên Chúa khôn ngoan vô cùng đã thu xếp và thiết lập những định luật, những chu kỳ tự nhiên của mầm sống: Chính những chu kỳ ấy có sức giảm bớt số sinh. Tuy nhiên Giáo hội vẫn nhắc nhở loài người phải tuân hành các định luật tự nhiên và các lời giáo huấn của Giáo hội luôn luôn xác định rằng: Hành vi Hôn nhân phải hướng về việc lưu truyền đời sống (Thông điệp Casti Connubial của Ðức Piô XI).

Hai khía cạnh bất khả phân ly: Giao hợp và Sinh sản

12. Nền giáo huấn của giáo quyền căn cứ trên nguyên tắc này: Thiên Chúa đã quyết định liên kết (và con người không ai có quyền tự ý hủy bỏ) hai sự việc của Hôn nhân giao hợp và sinh sản.

Quả vậy, tự bản tính sâu xa của nó, hành vi hôn nhân liên kết chặt chẽ hai vợ chồng, giúp họ tạo thành những đời sống mới theo đúng những định luật cố hữu nằm ngay trong bản thể con người đàn ông và đàn bà. Chỉ khi nào bảo vệ nổi hai hình thức cốt yếu căn bản là giao hợp và sinh sản, hành vi hôn nhân mới giữ được trọn vẹn ý nghĩa của một thứ tình yêu chân thành giữa hai tạo vật và đạt được mục đích sứ mạng cao cả của loài người là trở thành cha mẹ. Ta thiết nghĩ rằng, những con người của thời đại này đủ điều kiện để nhận thấy rằng nguyên tắc căn bản trên đây vừa hợp lý vừa xứng nhân bản.

Trung thành với ý định của Thiên Chúa

13. Ðúng thế, người ta có thể ghi nhận rằng: bắt người phối ngẫu của mình phải chấp nhận một hành vi hôn nhân ngược với điều kiện thuận lợi, hoặc ý muốn của họ là một cử chỉ không xứng đáng với một thứ tình yêu chân thành và do đó, đi ngược hẳn lại với trật tự luân lý cần phải có trong mối liên quan giữa đôi vợ chồng. Ngoài ra, chỉ cần suy nghĩ kỹ, ta sẽ nhận thấy khi một hành vi hôn nhân giữa hai người phối ngẫu phá hoại khả năng lưu truyền đời sống, một khả năng mà Chúa tạo thành, đã liên kết hẳn với hành vi hôn nhân theo những định luật riêng, thì hành vi ấy trái ngược với ý định cấu tạo của hôn nhân cũng như với ý muốn của Ðấng tạo thành đời sống. Vì thế, nếu người ta sử dụng quyền năng của Thiên Chúa ban để phá hủy – dù chỉ phá hủy một phần – ý nghĩa và cứu cánh của nó, thì người ta quả đã đi ngược lại bản tính mối tương quan sâu xa giữa người đàn ông và đàn bà, và đồng thời chống lại chương trình và ý muốn của Thiên Chúa. Trái lại, nếu chúng ta sử dụng quyền năng của tình yêu hôn nhân trong tinh thần tôn trọng các định luật diễn biến của mầm sống, thì mặc nhiên chúng ta công nhận rằng mình không nắm quyền “sinh sát” đối với nguồn mạch của đời sống con người, mà ngược lại, chúng ta đã giúp thực hiện các ý định của Chúa tạo thành. Nếu con người không có toàn quyền, một thứ quyền vô hạn đối với thân xác của mình, thì lẽ tất nhiên, họ cũng không có quyền hạn vô song đối với các khả năng tạo thành mầm sống (hiểu theo đúng nghĩa của chúng), vì các khả năng ấy có mục đích cố hữu là sinh ra sự sống, sự sống do chính Thiên Chúa là nguyên lý. Ðức Gioan XXIII đã có dịp nhắc nhở điều này trong Thông điệp Mater et Magistra: “Ðời sống con người là siêu việt: ngay từ nguyên thủy đời sống ấy đã trực tiếp mang dấu ấn bàn tay sáng tạo của Thiên Chúa”.

Những phương tiện bất hợp pháp dùng để điều hòa sinh sản

14. Căn cứ vào những điểm cốt yếu trong quan niệm của Công giáo cũng như của con người về vấn đề hôn nhân, Ta thấy cần phải tuyên bố một lần nữa là: không thể nào chấp nhận – lý do vì việc đó bất hợp pháp – việc điều hòa sinh sản bằng cách trực tiếp ngăn chặn sự diễn biến đã khởi sự một mầm sống, và nhất là việc cố ý phá thai dù với lý do y tế cũng vậy (Catechismus Romanus Concilii Tridentini. Thông điệp Casti Connubii của Ðức Piô XI, Gaudium et Spes của Công đồng Vatican II).

Ngoài ra, như giáo quyền đã nhiều lần tuyên bố, chúng ta không thể chấp nhận việc trực tiếp vô hiệu hóa khả năng sinh sản nơi người đàn ông hay đàn bà, dù là vĩnh viễn hay chỉ tạm thời trong một thời gian (Thông điệp Casti Connubii).

Chúng ta cũng không có quyền chấp nhận bất cứ một hành vi nào có mục đích hay dùng làm phương tiện để ngăn chặn việc sinh sản, hoặc trước khi hoặc đang khi làm hành vi hôn nhân, hoặc làm trở ngại việc diễn tiếp tự nhiên của hành vi ấy (Catechismus Romanus Concilii Tridentini, Thông điệp Casti Connubii, Mater et Magistra).

Chúng ta cũng không có quyền bào chữa cho những hành vi hôn nhân được cố tình vô hiệu quả, vì lẽ để tránh một tác hại nào đó hoặc với lý do các hành vi ấy đã là thành phần của những hành vi vốn có hiệu năng, xẩy ra trước hay sau, và vì thế cũng có giá trị như nhau. Trong thực tế, phải công nhận rằng: thỉnh thoảng người ta có quyền chấp nhận một tai hại nhỏ để tránh một tai hại lớn hoặc để thực hiện một việc tốt đẹp. (Diễn văn của Piô XII tại Hội nghị quốc gia các luật gia Công giáo Ý ngày 6/12/1953), nhưng không bao giờ ta được phép làm một việc ác để đạt tới một sự thiện (Rm 3,8) nghĩa là được phép tùy ý làm một việc tự bản tính nó vốn xấu hoặc một việc bất xứng với nhân cách, dầu là với mục đích bảo vệ hay tạo ra điều tốt cho cá nhân, gia đình hay xã hội. Chính vì lý do đó, ta không thể quan niệm rằng: một hành vi hôn nhân vốn dĩ xấu, vì được cố tình làm thành vô hiệu năng, lại có thể trở thành một hành vi tốt, dầu nó có phong phú hơn cho cả một cuộc đời của đôi bạn.

Tính chất hợp pháp của những phương tiện y khoa, y dược

15. Trái lại, Giáo hội không hề coi là trái phép việc sử dụng những phương tiện y khoa, y dược xét ra thực cần thiết để chữa các chứng bệnh của cơ thể, mặc dầu người ta đoán trước rằng việc sử dụng ấy sẽ cản trở sinh sản, miễn là việc cản trở ấy không phải do chính đương sự trực tiếp ưng muốn (Diễn văn của Ðức Piô XII đọc trước Hội nghị quốc gia các Bác sĩ chuyên môn về thận, ngày 8/10/1953).

Tính chất hợp pháp của việc lợi dụng các thời kỳ không đậu thai

16. Như Ta trình bày trong đoạn 3 trên đây, hiện nay người ta chống đối lại lời giáo huấn của Giáo hội về nền luân lý hôn nhân, chủ trương rằng con người có quyền dùng tri thức của mình để quản trị và điều khiển các năng lực nằm trong thiên nhiên vô tri để mưu ích cho toàn thể nhân loại. Người ta đặt câu hỏi: nếu có thể, trong một vài trường hợp, sử dụng phương pháp nhân tạo để kiểm soát việc sinh sản hầu đem lại hòa đồng êm ấm cho gia đình và giúp cho việc giáo dục con cái (đã sinh ra rồi) được dễ dàng tốt đẹp hơn, thì tại sao lại không sử dụng?

Ta cần phải trả lời một cách minh xác rằng: Giáo hội sẵn sàng chấp nhận, tán thưởng việc dùng tri thức trong một lãnh vực, mọi công tác Thiên Chúa cùng hoạt động với tạo vật tri thức, như Giáo hội khẳng định rằng: trong trường hợp này, phải tôn trọng nền trật tự được Thiên Chúa thiết lập.

Vì thế, nếu có những hoàn cảnh, những lý do thể lý, tâm lý, hoặc ngoại cảnh đòi hỏi vợ chồng phải hạn chế bớt việc sinh con, thì trong trường hợp đó, Giáo hội cho biết có thể căn cứ vào các chu kỳ tự nhiên, cố hữu của cơ năng sinh sản để làm hành vi hôn nhân trong những thời gian không đậu thai, và chỉ có phương pháp điều tiết sinh sản ấy mới không đi ngược lại những nguyên tắc luân lý căn bản mà Ta vừa nhắc nhở trên đây.

Giáo hội không mâu thuẫn khi chủ trương rằng: người ta được áp dụng phương pháp các thời gian không đậu thai, đồng thời lên án việc sử dụng những phương pháp trực tiếp gây trở ngại cho việc sinh sản, dù với những lý do có vẻ đứng đắn, lương thiện. Quả vậy, hai sự việc trên đây hoàn toàn khác biệt nhau; trong trường hợp thứ nhất, đôi bạn sử dụng một cách hợp pháp những dữ kiện tự nhiên, còn trong trường hợp thứ hai, họ cản trở một diễn biến của thiên nhiên. Tuy trong cả hai trường hợp, hai người phối ngẫu đều tích cực, đồng ý với nhau tìm cách tránh không cho có con vì những lý do thoả đáng, nhưng đặc biệt trong trường hợp trước, hai người tự kiềm chế, không sử dụng quyền hạn của hôn phối trong những thời gian có thể đậu thai vì những nguyên do hợp lý, và sử dụng quyền hạn đó trong thời gian không thể có con để biểu lộ tình thương nhau và bảo vệ lòng chung thuỷ với nhau. Trong hành động này, hai người đã chứng tỏ một tình yêu hoàn toàn và thực sự lương thiện.

Những hậu quả nghiêm trọng của việc áp dụng các phương pháp nhân tạo để điều hòa sinh sản

17. Những người thiện tâm thiện chí sẽ có dịp nhận chân giá trị của nền Giáo lý Giáo hội trong lãnh vực này, nếu họ chịu bình tâm suy nghĩ về những hậu quả tai hại của việc áp dụng các phương pháp nhân tạo để điều hòa sinh sản.

Trước tiên, họ cần lưu tâm đến hiện tượng nguy hiểm của sự bất trung trong hôn nhân cũng như đến việc luân lý trở thành sa đọa trong trường hợp các phương pháp trên được đem áp dụng. Không cần nhiều kinh nghiệm ta cũng thấy được rằng con người vốn yếu đuối và tất cả, nhất là giới thanh niên, thường dễ đi ngược lại nền luân lý, nếu không luôn luôn có người kèm bên khuyên bảo và nếu bây giờ ta còn giúp cho họ có dịp để vi phạm các lề luật luân lý thì thật hết chỗ nói! Một nguy cơ khác rất có thể xảy ra là nếu để con người tự do áp dụng những phương pháp ngừa sinh sản, dần dần có thể họ sẽ hết kính trọng người phụ nữ, mà khi đã coi thường sự thăng bằng về tâm lý và thể lý của người đàn bà, cuối cùng họ sẽ coi đó là dụng cụ thỏa mãn dục tính một cách ích kỷ, chứ không coi đó là người bạn đường đáng mến, đáng trọng nữa.

Chúng ta cũng cần nghĩ rằng, nếu chấp nhận việc tự do hạn chế sinh sản, rất nhiều chính quyền vốn dĩ đặt nhẹ các yêu sách của luân lý, sẽ triệt để lợi dụng khai thác ngay. Nếu các đôi vợ chồng được phép hạn chế sinh sản vì lý do gia đình, thì lấy cớ gì cấm đoán các chính quyền áp dụng chủ trương ấy để giải quyết các vấn đề của tập thể? Lúc đó, ai sẽ có quyền cấm đoán một chính phủ không những tán thưởng mà hơn thế nữa còn ép buộc dân chúng phải áp dụng những phương pháp ngừa thai mà họ cho là hiệu nghiệm hơn cả? Và thế là muốn tránh né những khó khăn của cá nhân, gia đình hay xã hội trong việc tuân giữ luật Chúa, cuối cùng người ta đã hoàn toàn dành cho các chính quyền được tự do thao túng một lãnh vực thân mật, cá nhân riêng biệt nhất của đôi vợ chồng.

Vậy nếu ta không muốn để loài người được quyền độc đoán quyết định về sứ mạng lưu truyền đời sống thì ta bó buộc phải chấp nhận một ranh giới nhất định ngăn cấm không cho ai vượt qua: Con người không có toàn quyền đối với thân xác cũng như các cơ năng của thân xác mình. Không ai dù với tư cách cá nhân, dù với tư cách chính quyền, được phép hủy bỏ ranh giới trên, là những ranh giới được ấn định bằng lòng tôn trọng đối với toàn bộ cơ thể và cơ năng con người theo đúng những nguyên lý trình bày trên đây và theo đúng “nguyên tắc toàn bộ” mà đấng Tiền nhiệm của Ta Ðức Piô XII đã nói (trong bài diễn văn đọc ngày 8/10/1953).

Giáo hội là bảo đảm cho những giá trị của con người

18. Ta biết trước lời giáo huấn này khó được sự tán thành của con người, vì hiện nay số người chống đối lại chủ trương của Giáo hội rất nhiều, và họ biết dùng những phương pháp tối tân để khuếch đại sự tuyên truyền của họ. Thực sự Giáo hội không ngạc nhiên khi thấy mình trở thành một “dấu hiệu chống đối” (Lc 2,34) giống Ðấng đã thiết lập mình. Nhưng Giáo hội vẫn luôn luôn khiêm tốn, vừa cương quyết tuyên bố tất cả nền luân lý – luân lý tự nhiên cũng như của Phúc âm. Giáo hội không phải là người tạo ra nền luân lý, vì thế Giáo hội không thể làm trọng tài, mà chỉ là người canh giữ, giải thích lề luật ấy. Giáo hội không có quyền tuyên bố một điều là hợp pháp khi nó bất hợp pháp, lý do vì ngược hẳn với lợi ích thực sự của con người.

Giáo hội biết rõ rằng: Khi đứng lên bảo vệ toàn bộ nền giáo lý hôn nhân, Giáo hội đồng thời cũng thiết lập một nền văn minh thực sự nhân bản. Giáo hội khuyến cáo loài người không nên chối bỏ trách nhiệm của mình và hoàn toàn phó thác cho các phương diện kỹ thuật; chính nhờ đó Giáo hội bảo đảm nổi phẩm giá của các đôi vợ chồng. Giáo hội luôn luôn trung thành với nền giáo huấn và gương sáng của Chúa Cứu Thế và luôn luôn chứng tỏ mình là người bạn chân thành và vô vị kỷ của nhân loại, vì Giáo hội muốn giúp đỡ họ, ngay từ trên con đường trần gian này, để “tham dự như con cái vào đời sống của Thiên Chúa là Chúa hằng sống và là Cha của mọi người” (Thông điệp Populorum Progressio).

III. Những Hướng Dẫn Mục Vụ

Giáo Hội Là “Mẹ Và Là Thầy”

19. Lời nói của Ta sẽ không bộc lộ chân thành tư tưởng và lòng thiết tha của Giáo hội là Mẹ và là Thầy dạy các dân nước, nếu Ta chỉ nhắc nhở con người tôn trọng và tuân giữ lề luật của Thiên Chúa về vấn đề hôn nhân, mà không khuyến khích họ cố gắng noi theo phương pháp điều hòa sinh sản một cách chân chính, dầu gặp phải những trở ngại đang gây nhiều khó khăn cho các gia đình và các dân tộc. Quả vậy, đối với con người, Giáo hội không có quyền có một thái độ khác với thái độ của Chúa Cứu chuộc: Giáo hội thấu hiểu sự yếu hèn, thông cảm tình trạng của đám đông và sẵn sàng tiếp rước người tội lỗi; song Giáo hội không thể từ bỏ việc rao giảng lề luật, thứ luật của đời sống nhân loại đã khôi phục lại được nền chân lý nguyên thủy và tiến bước trong tinh thần Thiên Chúa (Rm 8).

Lề luật Chúa có thể tuân giữ được

20. Nhiều người sẽ cho học thuyết Giáo hội về vấn đề điều hòa sinh sản là một việc khó khăn không tuân giữ nổi. Ta công nhận rằng lề luật trên đây, cũng như hết mọi thực tại lớn lao và hữu ích, thường đòi hỏi cá nhân, gia đình và xã hội phải tận tâm cố gắng trong việc thi hành. Hơn thế nữa, Ta còn có thể nói rằng, nếu không có ơn Thiên Chúa nâng đỡ, thêm sức mạnh cho, con người sẽ không sao tuân hành được. Nhưng nếu suy nghĩ kỹ, ta sẽ thấy rằng, sự cố gắng của con người trong lãnh vực này sẽ làm cho họ trở thành cao quý và phong phú hóa thực sự cho cộng đồng nhân loại.

Làm chủ lòng mình

21. Muốn điều hòa sinh sản của một cách đúng đắn, trước hết các người phối ngẫu phải tin tưởng mạnh mẽ vào chân giá trị của đời sống, của gia đình và phải tập luyện thế nào để có thể hoàn toàn làm chủ lòng mình. Việc dùng lý trí và ý muốn tự do để làm chủ bản năng lẽ tất nhiên đòi hỏi phải có một đời sống thiêng liêng đặc biệt, vì chỉ có thế đôi vợ chồng mới có thể biểu lộ một cách tốt đẹp tình thương yêu trong hôn nhân, đặc biệt trong việc hạn chế sử dụng tình yêu trong từng thời kỳ.

Kỷ luật của đời sống thanh tịnh giữa hai người phối ngẫu không hề làm suy giảm tình yêu trong hôn nhân, trái lại, còn làm cho hôn nhân ấy tăng thêm giá trị nhân bản. Kỷ luật này đòi hỏi bậc vợ chồng phải luôn luôn cố gắng, nhưng nó có một ảnh hưởng tốt đẹp và giúp cho hai người phối ngẫu phát triển toàn diện nhân vị mình và được phong phú hóa bằng các giá trị siêu nhiên. Chính nhờ đó, đời sống gia đình sẽ trở nên thanh tao, hòa hiệp giúp vợ chồng giải quyết dễ dàng các vấn đề khác. Cũng chính nhờ đó, người bạn sẽ lưu tâm đến người phối ngẫu của mình và cả đôi bên sẽ tránh được tính ích kỷ là một yếu tố làm hại tình yêu chân chính, đồng thời tinh thần trách nhiệm của hai người sẽ có dịp tăng thêm. Bậc cha mẹ nhờ tuân giữ kỷ luật này, sẽ tạo được một ảnh hưởng tốt đẹp mỹ mãn hơn trong việc giáo dục con cái: vì các trẻ em và thiếu niên lớn lên trong tinh thần tôn trọng các giá trị nhân bản, và có hoàn cảnh thuận tiện để phát triển các khả năng thiêng liêng và cảm xúc của mình.

Việc tạo ra một bầu không khí thuận tiện cho Ðức Thanh Khiết

22. Ta muốn nhân dịp này nhắc nhở các nhà giáo dục và những người có trách nhiệm đối với lợi ích công cộng lưu tâm một bầu không khí thuận tiện cho việc giáo dục về đức thanh khiết, nghĩa là giúp cho mọi người tôn trọng trật tự luân lý để sự tự do, một thứ tự do chân chính, chiến thắng sự buông tuồng trụy lạc.

Tất cả những phương tiện truyền thống xã hội nào có ý kích thích tình dục, suy đồi phong hóa, cũng như tất cả mọi hình thức trụy lạc, những hình ảnh, trình diễn khiêu dâm đều không thể chấp nhận, và những ai còn tha thiết với nền văn minh tiến bộ đều có nhiệm vụ chống đối để bảo vệ những lợi ích tối thượng của tinh thần con người. Tìm cách bào chữa cho những sự kiện, hiện tượng sa đọa ấy với những lý do nghệ thuật khoa học (Inter Mirifica của Công đồng Vatican II) hoặc vịn cớ Chính phủ tự do chứ không cấm đoán là một việc làm, một luận cứ vô vọng, vô ý thức.

Lời kêu gọi các nhà cầm quyền

23. Với các nhà cầm quyền, với những người có trách nhiệm chính yếu và có khả năng bảo vệ giá trị luân lý, Ta lên tiếng kêu gọi: xin quý vị đừng để nền luân lý của dân tộc mình trở thành đồi trụy; xin quý vị đừng để những tập quán sa đọa, ngược với luật thiên nhiên và luật Chúa, xâm nhập vào các gia đình là thành phần cấu tạo cốt yếu của xã hội. Các cơ quan chính quyền có thể và có nhiệm vụ cộng tác tham dự vào giải quyết vấn đề dân số bằng những phương pháp và đường lối chính đáng, bằng cách ấn định một chính sách gia đình được dự tính hóa từ trước, bằng cách ấn định một chương trình công dân giáo dục thật khôn ngoan, bằng cách tôn trọng lề luật luân lý cũng như quyền tự do của các công dân.

Ta cũng nhận thức rõ ràng những khó khăn gai góc mà các chính quyền gặp phải trong lãnh vực này, nhất là trong trường hợp của những quốc gia đang đi trên đà phát triển. Vì thế Ta đã dành riêng bức thông điệp Populorum Progressio để bình luận về những trường hợp ấy. Tuy nhiên, Ta cần nhắc lại nơi đây lời nhắn nhủ của Ðức Gioan XXIII, vị tiền nhiệm của Ta: “Không thể giải quyết khó khăn trở ngại bằng những phương pháp và đường lối bất xứng với nhân phẩm, vì chúng thường căn cứ trên một quan niệm hoàn toàn vật chất về bản thể và đời sống con người. Phương pháp duy nhất để giải quyết vấn đề trong chính sự phát triển kinh tế, tiến hóa xã hội và căn cứ trên tinh thần tôn trọng các giá trị nhân bản chân chính, về cá nhân cũng như về xã hội” (Thông điệp Mater et Magistra). Thật không có gì vô lý và bất công hơn là quy trách nhiệm cho Thiên Chúa quan phòng những sự việc xảy ra hoàn toàn do một nền cai trị thiếu khôn ngoan, chiếm hữu ích kỷ hoặc thái độ ươn hèn, ngại khó khăn hy sinh, không chịu cố gắng nâng cao mức sống của dân tộc và các công dân (Thông điệp Populorum Progressio).

Ta thiết tha mong ước các chính quyền hữu trách nhiệt thành và rộng rãi tăng gia nỗ lực, như một số các cơ quan công quyền đã làm một cách rất đáng khâm phục, Ta cũng mong ước các thành phần của đại gia đình nhân loại thêm phần trợ lực lẫn nhau; và đây là một lãnh vực hoạt động hết sức rộng rãi đang chờ đợi sự tham gia của các cơ cấu tổ chức quốc tế lớn trên thế giới.

Lời kêu gọi các nhà bác học

24. Tới đây Ta muốn lên tiếng khuyến khích các nhà bác học, là những người vốn “dồi dào khả năng để cộng tác nghiên cứu, khám phá thêm những điều kiện thuận lợi cho việc điều hòa một cách chính đáng vấn đề sinh sản hầu giúp cho hôn nhân trở thành tốt đẹp, cho các gia đình được yên vui, cho các lương tâm đỡ khắc khoải” (Hiến chế Mục vụ “Vui Mừng Và Hy Vọng” – Gaudium et Spes, số 52). Ðặc biệt, như Ðức Piô XII đã có lần biểu lộ, Ta mong ước cho y khoa thành công trong việc khám phá, ấn định được những tiêu chuẩn chắc chắn về các chu kỳ tự nhiên của con người, hầu giúp cho các đôi vợ chồng có thể căn cứ vào đó và vững tâm tuân giữ để điều hòa sinh sản. Và với công tác đó, các nhà bác học, đặc biệt là các nhà bác học Công giáo, có thể chứng minh bằng những sự việc rõ ràng lời giáo huấn sau đây của Giáo hội là: “giữa những lề luật do Thiên Chúa ấn định để lưu truyền đời sống và các lề luật bảo vệ tình yêu trong hôn nhân, không gì mâu thuẫn cả” (Hiến chế mục vụ “Vui Mừng Và Hy Vọng” – Gaudium et Spes, số 51).

Lời kêu gọi các đôi vợ chồng Kitô giáo

25. Tới đây, Ta lên tiếng kêu gọi thẳng các con cái của Giáo hội, đặc biệt là những người Thiên Chúa đã chọn sống trong bậc vợ chồng. Các con nên nhớ rằng, Giáo hội không phải chỉ trình bày những đòi hỏi của lề luật Thiên Chúa, mà còn tuyên bố ơn cứu rỗi, dùng các phép bí tích để mở rộng con đường của ơn thánh, là ơn làm cho con người đã trở nên một tạo vật mới đủ khả năng thực hiện trong tinh thần tự do và yêu mến ý định của Ðấng Tạo hóa, đồng thời cũng là Ðấng Cứu chuộc, và nhận thấy ách của Chúa Kitô thật là êm ái nhẹ nhàng. (Mt 11,30).

Chớ gì các đôi vợ chồng Kitô giáo tuân theo tiếng Chúa gọi, nhớ kỹ rằng thiên chức Kitô hữu của mình bắt đầu từ ngày chịu phép Rửa tội, để rồi được xác nhận rõ ràng thêm khi chịu Bí tích hôn phối. Nhờ phép Bí tích này các người phối ngẫu trở thành vững mạnh để chu toàn nhiệm vụ của mình, để thực hiện sứ mạng của mình một cách hoàn hảo, để trở thành người chứng nhân xứng đáng về Kitô giáo trước mặt thế gian (Hiến chế mục vụ “Vui Mừng Và Hy Vọng” – Gaudium et Spes, số 18, Hiến chế tín lý “Ánh Sáng muôn Dân” – Lumen Gentium, số 35). Họ chính là những người đã được Thiên Chúa giao cho trách vụ biểu lộ tính chất thánh thiện và sự êm dịu của lề luật liên kết hai sự việc tình yêu giữa hai người phối ngẫu và việc họ cộng tác với Thiên Chúa tình yêu tạo dựng đời sống con người.

Ta không có ý che giấu các khó khăn, nhiều khi hết sức gai góc, mà các đôi vợ chồng Kitô hữu thường xuyên gặp phải: đối với họ, cũng như đối với mọi người. Ta muốn nói: “Cửa dẫn vào sự sống thì chật, đường đưa tới sự sống thì hẹp” (Mt 7,14; Dt 12,11). Nhưng Ta tin rằng viễn ảnh của sự sống đó sẽ chiếu sáng đường lối, và nếu họ nhớ rằng “Thế gian này sẽ qua đi” (I C 7,31), họ sẽ đủ can đảm vượt mọi khó khăn để sống một cách khôn ngoan, công chính và sốt sắng trong thời gian hiện tại (Tt 2,12).

Chớ gì các đôi vợ chồng cố gắng mỗi khi cần thiết, đồng thời trông cậy vào sức mạnh của Ðức Tin, Ðức Cậy là những nhân đức “không hề lừa dối ai, vì Thiên Chúa đã ban cho chúng ta Chúa Thánh Thần là Ðấng tràn đầy tình yêu Chúa vào tâm hồn chúng ta” (Rm 5,5). Chớ gì họ kiên trì cầu xin Chúa ban ơn hộ giúp; nhất là chớ gì họ tìm kiếm trong Phép Thánh Thể nguồn mạch ơn Thánh và đức bác ái. Và nếu tội lỗi vẫn đè nén trên họ, họ đừng có thất vọng, hãy nhẫn nại khiêm tốn xin Chúa mở lòng từ bi thương xót tha thứ bằng phép Bí tích giải tội. Chỉ có thế, họ mới thực hiện nổi trọn vẹn đời sống hôn nhân đúng như Thánh Phaolô đã viết trong thư gửi dân thành Êphêsô (5,25.28-29.32-33), “Hỡi các người chồng, hãy yêu vợ mình như Chúa Kitô đã yêu Giáo hội. Các người chồng phải yêu vợ như chính thân xác mình. Vì yêu thương vợ là yêu thương chính mình. Mà ta thấy rằng không ai ghét thân xác mình bao giờ; họ nuôi dưỡng, coi sóc, gìn giữ y như Chúa Kitô đã làm đối với Giáo hội… Nhiệm tích này thật là vĩ đại so sánh với Chúa Kitô và Giáo hội. Nhưng về phần anh em, chớ gì mỗi người hãy yêu vợ như yêu chính mình và chớ gì người vợ hãy kính trọng chồng mình!”

Việc Tông đồ giữa các gia đình

25. Trong số các hậu quả tốt đẹp của việc trung thành với lề luật Thiên Chúa, hậu quả quý báu nhất chính là việc thường khi chính các người phối ngẫu cảm thấy nên truyền thông kinh nghiệm của mình cho người khác. Do đó, trong lãnh vực tông đồ giáo dân, ta thấy phát hiện một hình thức mới mẻ và đặc biệt: Ở đây chính các gia đình trở thành Tông đồ và đứng ra hướng dẫn các gia đình khác. Và không ai phủ nhận rằng, đây là một hình thức Tông đồ thích thời nhất hiện nay (Hiến chế tín lý “Ánh Sáng Muôn Dân” – Lumen Gentium, số 35 và 41; Hiến chế Mục vụ “Vui Mừng Và Hy Vọng” – Gaudium et Spes, số 48-49).

Lời kêu gọi các Bác sĩ và nhân viên Y tế

27. Ta thành thật ngưỡng mộ các bác sĩ và các nhân viên ngành y tế đã biết tuân theo các yêu sách của thiên chức người Kitô hữu trong khi thi hành chức vụ, và đặt quyền lợi loài người dưới quyền lợi siêu nhiên. Chớ gì họ tiếp tục đưa ra mỗi khi cần thiết những biện pháp căn cứ trên Ðức Tin, lý trí chân chính và hãy tìm cách tuyên truyền giải thích cho giới của mình tin tưởng và tôn trọng các biện pháp ấy. Ta cũng mong ước họ sẽ dùng hết lương tâm chức nghiệp, phát minh những sự kiện mới về khoa học liên quan đến lãnh vực tế nhị này và giúp các đôi vợ chồng tới thăm bệnh những ý kiến khôn ngoan và ngay chính.

Lời kêu gọi các Linh mục

28. Hỡi các Linh mục, đoàn con yêu dấu của Ta, thiên chức đã đặt chúng con làm cố vấn và làm người hướng dẫn thiêng liêng của cá nhân cũng như của các gia đình. Giờ đây, Ta đặt tất cả lòng tin tưởng nơi chúng con. Nhiệm vụ đầu tiên của chúng con, nhất là những người phụ trách giảng dạy khoa luân lý thần học, là thẳng thắn trình bày nền giáo huấn của Giáo hội liên quan đến hôn nhân. Trong khi thi hành giáo vụ, chúng con hãy xung phong nêu gương chứng tỏ mình hoàn toàn chấp nhận, trong tâm trí cũng như bên ngoài, lời chỉ dẫn của giáo quyền. Chúng con cũng biết rằng, tinh thần chấp nhận ấy không phải chỉ vì những lý do, luận cứ dã nêu ra riêng đây, mà vì chúng con đã được ơn Chúa Thánh Thần soi sáng, dành riêng cho các vị chủ chiên trong việc trình bày và giải thích chân lý (Hiến chế tín lý “Ánh Sáng Muôn Dân” – Lumen Gentium, số 25). Chúng con cũng biết rằng, muốn cho các lương tâm được yên ổn, muốn bảo vệ tính chất thống nhất của dân Kitô giáo, chúng con cần phải hoàn toàn vâng phục lời chỉ dẫn của giáo quyền, không phải chỉ trong lãnh vực Tín lý mà cả trong lãnh vực Luân lý nữa; chúng con cần phải cùng chung một ý kiến, cùng nói một tiếng nói. Vì thế, Ta dùng lời của Thánh Cả Tông đồ Phao lô để thiết tha kêu gọi chúng con: “Hỡi anh em, nhân danh Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta, tôi khuyên anh em hãy cùng có một tình cảm; chớ gì anh em đừng chia rẽ, trái lại, hãy hợp nhất trong cùng một tinh thần và một tư tưởng” (1C 1,10).

29. Một hình thức bác ái cao siêu hơn cả là đừng tìm cách dấu diếm giáo lý của Chúa Kitô. Nhưng trong việc này, ta cần phải giữ đức nhẫn nại và nhân từ như chính Chúa đã làm gương trong cách đối xử với người đồng thời. Chúa đã đến không phải để xét đoán, nhưng để cứu rỗi (Ga 3,17): Chúa đã giữ thái độ quyết liệt đối với sự dữ, nhưng trái lại, đã tỏ lòng nhân từ đối với con người. Khi gặp các gian nan thử thách, chớ gì các đôi vợ chồng luôn tìm được nơi tâm hồn và tiếng nói của Linh mục, hình ảnh và tiếng vang của tình yêu cũng như lời nói của Chúa Cứu Chuộc.

Hỡi đoàn con yêu dấu, chúng con hãy nói lên một cách tin tưởng, hãy vững tin nơi Chúa Thánh Linh, vì không những Người chỉ soi sáng giáo quyền trong công tác trình bày Giáo lý, mà đồng thời cũng soi sáng nội tâm người Kitô hữu để giúp họ sốt sắng chấp nhận giáo lý đó. Chúng con hãy dạy cho các đôi vợ chồng con đường thiết yếu của lời cầu nguyện, hãy chuẩn bị tập luyện giúp họ thường xuyên và tin tưởng tìm đến các Phép Bí tích Thánh thể và Giải tội, và đừng có bao giờ thất vọng trước sự yếu đuối của con người.

Lời kêu gọi các vị Giám mục

30. Chư huynh đáng kính trong hàng Giám mục, các vị là những người cùng mang như Ta niềm lo âu đối với lợi ích thiêng liêng của dân Chúa; tới đây là phần kết luận của bức Thông điệp; và Ta đặc biệt nghĩ tới các vị với tất cả tấm lòng thương mến quý trọng. Ta khẩn thiết kêu gọi Quý vị hãy hướng dẫn các Linh mục (là cộng tác viên của mình) và giáo dân, hăng hái và không ngừng hoạt động để bảo vệ sự thánh thiện của hôn nhân, để nó luôn luôn giữ được trọn vẹn tính chất nhân bản và Kitô giáo của mình. Các vị hãy coi đó là một trong những trách vụ khẩn thiết của giai đoạn hiện tại. Các vị tất nhiên cũng biết rằng: trách vụ đó bao gồm việc hoạt động mục vụ trong tất cả mọi lãnh vực sinh hoạt của con người: kinh tế, văn hóa và xã hội; quả vậy phương pháp duy nhất là phải đồng loạt cải thiện các lãnh vực trên đây để giúp cho đời sống của cha mẹ, con cái trong gia đình, không những dễ thở, mà còn hạnh phúc, sung sướng hơn, để giúp cho cuộc sống chung trong xã hội trở nên thân hữu và an bình hơn, và tất cả đều sẵn sàng theo ý định chương trình của Thiên Chúa đối với trần gian.

Lời kêu gọi cuối cùng

Chư huynh đáng kính. Các con yêu dấu,

31. Những người thiện tâm thiện chí, Ta kêu gọi tất cả hãy tham dự vào một công cuộc giáo dục, tiến bộ và tình yêu vĩ đại, căn cứ trên nền tảng lời giáo huấn của Giáo hội mà người kế vị Thánh Phêrô và các anh em trong hàng Giám mục là người có nhiệm vụ giữ gìn và giải thích. Quả vậy, Ta tin chắc rằng, đây là một công cuộc vĩ đại đối với thế giới cũng như đối với Giáo hội, lý do vì con người chỉ có thể tìm được chân hạnh phúc mà họ luôn luôn thiết tha mong muốn bằng cách tôn trọng các lề luật Thiên Chúa đã ghi khắc trong bản tính con người và có nhiệm vụ phải tuân hành với tất cả lý trí và tình yêu, Ta nguyện xin ơn Chúa xuống tràn đầy công cuộc này và trên anh em, đặc biệt là trên các đôi vợ chồng; và để chứng tỏ lòng từ bi Thiên Chúa, Ta ban cho tất cả Phép lành Tòa Thánh.

Ðền Thánh Phêrô, Rôma ngày 25 tháng 7, lễ Thánh Giacôbê Tông Ðồ, năm 1968, năm thứ sáu triều Giáo hoàng của Ta.

_________________________________

* Bản dịch của Lm. Phan Du Sinh, Senatus Saigon xuất bản năm 1969 )

* Bản dịch do Senatus Saigon xuất bản năm 1969 trong tập Công Ðồng Chung Vatican II, có chỉnh sửa một vài từ)

Nguồn: caritasvietnam.org

Check Also

Sứ điệp Ngày Quốc gia vì Sự sống lần thứ 45 của Hội đồng Giám mục Ý

Ngày Quốc gia vì Sự sống lần thứ 45 ở Ý sẽ được cử hành …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.