“ Biết Phòng Này Là Phòng Gì Không”- câu nói đầu tiên chú nói khi chúng tôi bước vào phong bệnh. Chú là chú V – một bệnh nhân HIV đang sống một cuộc sống bình thường sau 17 năm mắc bệnh.
Cứ vào thứ 4 và thứ 6 hàng tuần tôi cùng một số bạn trong nhóm Emmaus vào bệnh viện để gặp gỡ và trò truyện với các bệnh nhân. Hôm nay cũng vậy nhưng tôi thấy thật khác. Ngay khi bước vào phòng chúng tôi đã gặp chú V – chú nhìn qua chúng tôi rồi quát to “ Biết Phòng Này Là Phòng Gì Không”.Câu nói đó làm tôi cảm thấy e đè hơn đặc biệt là e dè với chú. Chú có dáng người thanh thanh không gầy, khuôn mặt trí thức cùng với cặp kính cận, thần sắc khá tốt không giống người đang mắc bệnh. Vẫn can đảm chúng tôi lại gần và nói chuyện với chú. Cũng phải mất một lúc chú mới biết chúng tôi là thành viên trong nhóm Emmaus sang thăm các bệnh nhân HIV và cũng có hiểu biết về H. Từ lúc đó, chú bắt đầu nói chuyện cởi mở hơn hẳn. Chú kể cho chúng tôi về gia đình chú, về cuộc đời chú về các thăng trầm trong cuộc sống mà chú và cả việc chú mắc bệnh HIV thế nào.
Chú V đã 40 tuổi và cùng quê Nam Định với tôi. Tôi không biết phải nói về chú như thế nào, bởi với riêng tôi chú là một con người phi thường. Cuộc sống có lẽ luôn tồn tại những thử thách và những chướng ngại, mỗi lần bước qua là một trải nghiệm đầy thú vị mà chỉ những ai dám vượt qua mới cảm nhận được điều đó. Và hành trình cuộc đời Chú cũng vậy, mọi thứ đôi lúc không như mong muốn, nó đến bất ngờ và hậu quả thì cứ theo ta mãi. Chú được sinh ra trong một gia đình tri thức, cả bố và mẹ là cựu sinh viên du học từ Pháp. Sau khi tốt nghiệp HV Tài Chính, chú bắt đầu cuộc sống bươn chải. Đúng lúc này chỉ vì sự tò mò chú đã lỡ quan hệ tình dục với gái mại dâm và mang trong mình căn bệnh HIV. Lúc đó, chú mới chỉ 23 tuổi. 23 tuổi, cái tuổi mà bắt đầu sự nghiệp với biết bao hoài bão, tôi nghĩ nếu là nếu là tôi thì có thể tôi sẽ bị sụp đổ. Nhưng chính lúc đó chú cho thấy mình thật mạnh mẽ kiêm cường, chú đã đứng lên để tiếp tục sống. Chú không đầu hàng số phận.
Chú kể bằng giọng điềm tĩnh: sau khi mắc bệnh, chú tìm hiểu mọi thông tin về HIV, tới các trung tâm tư vấn về căn bệnh này để được tư vấn tốt nhất. Chú sống với nó hơn 17 năm nay, trải qua không biết bao nhiêu lần đau đớn gây nên bởi HIV, chú nói hài hước- tới các bác sĩ còn không tin chú qua khỏi. Nếu ai đó sẽ ngừng hi vọng thì chú lại là người luôn hi vọng, căn bệnh không đẩy lùi được mục đích sống của chú. Như bao người thiên chức được làm cha mẹ là điều gì đó thiêng liêng và chân trọng – chú luôn khao khát . Vợ chú không may cũng bị nhiễm HIV như Chú, vì thế nên chuyện có con khỏe mạnh sẽ càng khó khăn hơn. Thế nhưng hai từ “ Cha Mẹ “ thôi thúc chú phải làm điều gì đó. Chú nói với tôi , để chuẩn bị có con, chú phải thực hiện chế độ dinh dưỡng đầy đủ, uống ARV đều đặn, cùng với sự chỉ dẫn của bác sĩ và bằng phương pháp “ Thụ Tinh Nhân Tạo”. Hiện tại chú có một bé trai 10 tuổi ngoan ngoãn, học giỏi, hoàn toàn khỏe mạnh không bị nhiễm HIV. Chú là một chiến binh dũng mãnh trong cuộc chiến với căn bệnh thế kỉ này. Chú tiếp tục nói “Khi đã từng trải qua điều khó khăn nhất, thì không còn điều gì ngăn cản để bạn vượt qua những thử thách tiếp theo, để rồi mỗi khi nhìn lại đó lại là nguồn tiếp thêm nghị lực”.
Cuộc đời chú trải qua quá nhiều biến cố, chú nói nếu không có gia đình nâng đỡ và luôn yêu thương thì có lẽ chú dã không thể vượt qua – Gia Đình quan trọng thế đó. Nói chuyện với chú, chúng tôi dường như đều bị thu hút bởi điều gì đó, có lẽ bởi cách nói chuyện sâu sắc và ấm áp của chú. Tôi dường như quên vai trò tới thăm, an ủi chú mà thay vào đó chú đang kể chuyện và dạy bảo chúng tôi như người chú đang dạy con cháu mình vậy. Chú lắng nghe, thấu hiểu và chia sẻ cho chúng tôi những kinh nghiệm mà chú đã trải qua, chú truyền cho chúng tôi nghị lực sống và bước tiếp khi gặp khó khăn. Cảm nhận của riêng tôi, chú hiền từ và phúc hậu, tôi bị thích câu “ chú hiểu” cảm giác ấm áp và đồng cảm. Chú biết rất nhiều, về mọi thứ vì thế mà chúng tôi cũng học được rất nhiều mỗi lần tới thăm chú, các mặt cuộc sống, chuyện hôn nhân gia đình, đối với đứa hằng ngày còn lê lết trên giảng đường như tôi thì đó là những bài học và là hành trang hữu ích cho cuộc sống sau này của tôi. Tôi học được ở chú sự điềm đạm, nghị lực và luôn có trách nhiệm với chính bản thân cũng như mọi người xung quanh, chú luôn ý thức tự phòng tránh và nhắc nhở chúng tôi để không bị lây nhiễm. Tôi mới hiểu ra câu nói ban đầu “ Biết Phòng Này Là Phòng Gì Không”- chỉ là câu cảnh giác của người chú dành cho các cháu ngơ ngác. Chú lịch sự và mến chúng tôi, mỗi lần ra về dù trời có gió lạnh, dù can ngăn thế nào chú cũng ra tiễn và đợi chúng tôi đi khuất chú mới vào phòng – một sự quyến luyến. Chú mạnh mẽ nhưng ánh mắt của chú không giấu nổi sự yếu đuối thật sự tiềm ẩn bên trong.Có lẽ ai cũng vậy là con người ai cũng có phần yếu trong mình, và tôi nghĩ có khi nào chú cũng muốn được ‘ khóc”. Có quá nhiều thứ để nói về con người chú , bởi đó là hành trình cuộc đời, với sự hiểu biết và cảm nhận hạn hẹp, tôi chẳng thể nào diễn tả hết được về chú.
Tạ Ơn Chúa! Người đã mang chú tới cho chúng con, để qua đó chúng con có cơ hội nhìn nhận lại chính bản thân mình, sống đẹp ý Chúa hơn và có trách nhiệm với bản thân mình hơn. Chính Chúa đã gửi Chú đến, hiện diện với chúng con, xin Chúa cũng hãy gìn giữ và thêm sức cho chú để công việc của Chúa được hoàn thiện nơi chú!.
Tác giả: Huyền Ruồi
Nhóm Emmaus – Thái Hà