II. QUAN ĐIỂM THẦN HỌC LUÂN LÝ CÔNG GIÁO VỀ PHÁ THAI
Trong phần này bài viết trích dẫn giáo huấn Giáo hội là chủ yếu và giải thích khi cần thiết.
1. Khi nào thì phôi là người?
Đây là một đề tài lớn, tác giả bài viết đã có trình bày và phân tích khá chi tiết trong cuốn sách nhỏ “ Thân Phận Luân Lý và Thần Học của Phôi Thai: Nhận Định trên Quan Điểm Giáo Hội Công Giáo và Phôi Thai Học Hiện Đại”. Ở đây, chỉ nói vắn tắt lập trường của Huấn Quyền. Theo giáo huấn Giáo Hội, phôi người ngay từ lúc trứng thụ tinh đã khởi đầu sự sống của con người, phải được tôn trọng và đối xử như con người và do đó cùng lúc, quyền con người của phôi thai phải được nhìn nhận.[9]
Bộ Giáo Lý Đức Tin dạy rằng: “Từ lúc trứng thụ tinh, một đời sống mới bắt đầu không phải của người cha, cũng không phải của người mẹ; mà đúng hơn là một con người mới với khả năng tăng trưởng riêng của mình. Hữu thể người này không bao giờ có thể là người nếu nó không phải đã là người.” (Declaration on Procured Abortion, 12) …“Giáo huấn này vẫn còn giá trị và được xác định hơn … bằng những tìm thấy mới đây của khoa Sinh học con người nhìn nhận rằng trong hợp tử phát xuất từ thụ tinh, căn tính sinh học của một cá thể người mới đã được cấu thành.” (Huấn ThịDonum Vitae DV, I,1.)
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II giải thích thêm: “Bộ gen di truyền xuất hiện như yếu tố cấu tạo và tổ chức của cơ thể …nó điều khiển và chi phối tính thành viên loài người, nối kết di truyền và những đặc trưng thân thể và sinh học của tính cá thể. Nó có ảnh hưởng quyết định trên cấu trúc của hiện hữu thể lý từ lúc khởi đầu thụ tinh cho đến cái chết tự nhiên. Chính trên cơ sở của sự thật nội tại của bộ di truyền, đã hiện diện ngay lúc tạo sinh, khi mà bộ di truyền của người cha và người mẹ hợp nhất, mà Giáo Hội đảm nhận chính mình công việc bảo vệ phẩm giá của mỗi người ngay từ lúc khởi đầu sự hiện hữu của người ấy.”[10]
2. Định nghĩa phá thai
“Phá thai là sự giết cố ý và trực tiếp, thực hiện bằng bất cứ phương tiện nào, một con người trong giai đoạn khởi đầu sự hiện hữu, từ khi thụ thai cho đến khi sinh ra.” (Evangelium Vitae EV, s.58)
Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ trong tài liệu Các Chỉ Dẫn Đạo Đức và Tôn Giáo Cho Các Dịch Vụ Chăm Sóc Sức Khỏe Công Giáo định nghĩa phá thai như sau: “Phá thai là việc trực tiếp và cố ý kết thúc việc mang thai trước khi thai nhi có thể tự sống hoặc trực tiếp cố ý phá hủy thai còn sống…Mọi hành vi có tác dụng trực tiếp duy nhất là kết thúc việc mang thai trước khi thai nhi có thể tự sống đều là việc phá thai. Việc phá thai, trong bối cảnh luân lý của nó bao gồm cả giai đoạn giữa khi thụ thai và phôi thai làm tổ.” (s. 45)
Trong thần học luân lý phân biệt phá thai trực tiếp và phá thai gián tiếp:
– Phá thai trực tiếp (direct abortion, hay còn gọi tắt là phá thai), như đã nêu ở định nghĩa trên. Tất cả những ai phạm tội ác này với sự hiểu biết về hình phạt kèm theo tội, và bao gồm cả những người tòng phạm mà không có sự hợp tác của họ thì tội ác không thể thực hiện được, đều bị vạ tuyệt thông. Theo định nghĩa về phá thai trực tiếp, thì các trường hợp phá thai đã kể ở mục I, bao gồm phá thai trị liệu, phá thai kế hoạch, và phá thai chọn lọc hay phá thai ưu sinh đều là tội ác nghiêm trọng.
– Phá thai gián tiếp (indirect abortion): thực chất không phải phá thai, mà là trong quá trình điều trị bệnh cho người thai phụ, thai bị chết do tác dụng phụ của thuốc hoặc thủ thuật điều trị. Thầy thuốc có thể dự đoán, nhìn trước có khả năng hậu quả thai chết này , nhưng không hề nhắm đến, và không trực tiếp làm chết thai. Trường hợp này áp dụng nguyên tắc song hiệu, và có thể được chấp nhận về mặt luân lý. Từ ngữ “phá thai gián tiếp” có thể gây hiểu lầm, vì thế có thể mô tả một cách đúng hơn trường hợp này là: thai chết do hậu quả phụ của việc điều trị cho người mẹ. Ví dụ: thai phụ, cùng lúc phát hiện ung thư vú, điều trị ung thư vú này, thuốc điều trị ung thư có thể gây hư thai, thai chết. Hoặc phụ nữ bị ung thư tử cung, cùng lúc có thai, thầy thuốc phải cắt tử cung để điều trị ung thư, thai nhi như là một sự ngẫu nhiên nằm trong tử cung, và bị chết, chứ thầy thuốc hay người mẹ không nhắm làm chết đứa bé.
3. Quan điểm Giáo Hội Công Giáo về phá thai
Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tuyên bố: “Với uy quyền mà Đức Kitô trao cho Phêrô và những người kế vị ngài, và trong sự hiệp thông với các giám mục của Giáo Hội Công Giáo, tôi xác nhận rằng việc trực tiếp và cố ý giết con người vô tội luôn luôn là điều bất luân nghiêm trọng. Giáo lý này, dựa trên luật không văn tự mà con người, dưới ánh sáng của lý trí, tìm thấy trong tim mình (x. Rm 2, 14-15), được Thánh Kinh tái khẳng định, Truyền Thống của Giáo Hội lưu truyền, và được Huấn Quyền thông thường và phổ quát giảng dạy” (EV 57).
Sách GLHTCG s. 2272 công bố án phạt cho người phạm tội phá thai: “người nào thi hành việc phá thai, và nếu việc phá thai có hiệu quả, thì bị vạ tuyệt thông tiền kết (latae sententiae)”
Cần nhắc lại rằng tất cả phá thai dù bất cứ lý do gì, đều không hợp luân lý Công Giáo. Giáo hội nhìn nhận rằng, thực tế, các chọn lựa phá thai nhiều khi xuất phát từ hoàn cảnh khó khăn, thậm chí bi đát, cô độc, nhiều áp lực nặng nề về kinh tế, về tinh thần, cách riêng trong một xã hội mà ngừa thai nhân tạo và phá thai được xem như chính sách để kiểm soát dân số như ở Việt-Nam.[11] Các hoàn cảnh tiến thoái lưỡng nan như thế có thể làm giảm nhẹ trách nhiệm chủ quan của những người đã thực hiện phá thai. Tuy nhiên, dù trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn đến đâu, chính sự kiện phá hủy sự sống con người vô tội, đặc biệt là khi sự sống ấy còn chưa có khả năng bảo vệ chính mình, vẫn luôn là sự xấu nghiêm trọng (x. EV 18, 58) và tác động đến sự hiệp thông, mối tương quan của người ấy với Thiên Chúa và với tha nhân. Đồng cảm với thử thách mà nhiều cặp vợ chồng phải đối phó, Giáo Hội thừa nhận đôi khi phải cần nhân đức “anh hùng” để tuân giữ các chân lý luân lý vốn gắn liền với đức tin về phẩm giá nội tại con người. Điều đáng lo ngại hơn ở đây, ngày nay vấn đề vượt ra khuôn khổ các hoàn cảnh riêng tư, mà tồn tại ở tầm mức văn hóa, xã hội, chính trị, và ở triết lý sống nền tảng, quan niệm về tự do. Thái độ chọn lựa chống lại sự sống ngày càng được chấp nhận rộng rãi, được xem như biểu hiện hợp pháp của tự do cá nhân (x. EV 18). Hệ thống giá trị luân lý bị đảo lộn, giá trị vật chất được đặt lên trên giá trị tinh thần, giá trị thiêng liêng.
Về trách nhiệm của các người liên quan đến tội ác phá thai, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II nhận định:
“Bên cạnh người mẹ, thường có nhiều người khác cũng tham gia quyết định về cái chết của đứa trẻ trong tử cung. Trước hết, cha của đứa trẻ có thể đáng bị quở trách, không chỉ khi ông ta trực tiếp gây áp lực buộc người phụ nữ phá thai, nhưng cả khi ông ấy gián tiếp thúc đẩy quyết định như thế bằng cách bỏ mặc người phụ nữ một mình đối phó với các vấn đề của sự mang thai: theo cách này, gia đình bị tổn thương nặng nề và bị xúc phạm trong bản chất của nó như là cộng đoàn yêu thương, và trong ơn gọi là “cung thánh sự sống”. Người ta cũng không lẽ ra để thăng tiến sự sống, lại gây ra cái chết.
Nhưng trách nhiệm tương tự cũng thuộc những nhà lập pháp đã xúc tiến và phê chuẩn luật phá thai, và trong chừng mực tùy thuộc vào vai trò của họ, cả những người quản lý các trung tâm y tế nơi thực hiện phá thai. Trách nhiệm chung nhưng không kém nghiêm trọng thuộc về những ai khuyến khích phổ biến thái độ buông thả tình dục và khinh thường việc làm mẹ, và những ai đáng ra phải bảo đảm, nhưng đã không làm, những chính sách gia đình và xã hội hiệu quả trong việc nâng đỡ các gia đình, đặc biệt những gia đình đông đúc, và những gia đình có nhu cầu về thể bỏ qua những áp lực đôi khi đến từ phạm vi gia đình rộng lớn hơn và từ bạn bè. Đôi khi người phụ nữ phải chịu áp lực mạnh đến nỗi về mặt tâm lý họ cảm thấy bị bắt buộc phá thai: chắc chắn trong trường hợp này trách nhiệm luân lý cách riêng thuộc về những người đã trực tiếp hay gián tiếp buộc người phụ nữ phá thai. Các bác sĩ và y tá đều có trách nhiệm khi họ dùng những khả năng chuyên môn, kinh tế và giáo dục. Sau hết, người ta không thể coi nhẹ mạng lưới tòng phạm liên quan đến cả những cơ quan, cơ sở hay hiệp hội quốc tế, vận động một cách hệ thống cho việc hợp pháp hóa và phổ biến phá thai trên thế giới. Về mặt này, phá thai vượt khỏi trách nhiệm của cá nhân và vượt quá sự thiệt hại gây ra cho họ, và mang chiều kích xã hội đáng kể. Đó là một vết thương trầm trọng nhất gây ra cho xã hội và nền văn hóa bởi chính những người lẽ ra là những người thăng tiến và bảo vệ xã hội. Như tôi đã viết trong Thư gửi các Gia Đình, “ chúng ta đang đứng trước đe dọa khổng lồ chống lại sự sống: không chỉ sự sống của cá nhân mà còn của chính nền văn minh”Chúng ta đang đứng trước những điều có thể gọi là “cơ cấu của tội lỗi” chống lại sự sống con người chưa sinh ra.” (EV s. 59)
Cần nhắc lại, với hiểu biết về phôi thai như đã nói ở trên, một số biện pháp ngừa thai nhân tạo, thực chất là hủy sự sống con người trong giai đoạn khởi đầu, như vòng tránh thai trong tử cung . Cơ chế tác dụng chính của dụng cụ tử cung là gây ra phản ứng viêm tại niêm mạc tử cung, làm thay đổi về sinh hóa tế bào nội mạc và không tạo điều kiện thuận lợi để trứng thụ tinh làm tổ. Ngoài ra, cũng cần chú ý phân biệt với loại thuốc phá thai chứ không phải là ngừa thai như quen gọi sau đây: Postinor, RU-486 (MIFESTAD 5mg). Cái gọi là “điều hòa kinh nguyệt” khi người phụ nữ trễ kinh vài ngày, thực chất là phá thai sớm (nạo hút thai).
Giáo Hội ủng hộ các tiến bộ y khoa phục vụ sự sống. Tuy nhiên lịch sử y khoa cho thấy nhiều lần, các tiến bộ y sinh học thay vì phục vụ sự sống, lại quay ra hủy hoại sự sống, nhân danh vì một cuộc sống hạnh phúc hơn. Vì thế, Huấn Quyền thận trọng đối với vấn đề khám tiền sản: “Chẩn đoán tiền sản, vốn không trái luân lý nếu được thực hiện để xác định trị liệu y khoa có thể cần thiết cho thai nhi, rất thường trở thành cơ hội để đề nghị và gây ra phá thai. Đây là phá thai ưu sinh, được biện minh trong công luận dựa trên não trạng- nhận thức một cách sai lầm rằng đó là phù hợp với đòi hỏi của ‘các can thiệp chữa trị’- chỉ chấp nhận sự sống dưới một số điều kiện nhất định và chối bỏ sự sống khi bị khiếm khuyết, tật nguyền, hay bệnh tật nào đó.” (EV 14)
4. Trường hợp thai ngoài tử cung
Hội Đồng Giám Mục Hoa kỳ tóm tắt nguyên tắc về xử trí GEU như sau: “Trong trường hợp mang thai ngoài tử cung, không can thiệp nào được coi là hợp luân lý nếu như gây ra việc phá thai trực tiếp.”[12]
Lý thú là bước tiến triển của lý luận Giáo Hội Công Giáo về điều trị GEU. Về mặt y-khoa,một khi thai ngoài tử cung đã được chẩn đoán thì phẫu thuật lấy thai ra càng sớm càng tốt cho bệnh nhân về mặt tiên lượng. Nếu sau khi GEU vỡ, bác sĩ mới tiến hành phẫu thuật thì tỉ lệ tử vong và biến chứng cho bệnh nhân cao hơn nhiều. Cho đến khoảng 20 năm gần đây, phương pháp điều trị GEU ở vị trí vòi trứng có hai cách, hoặc là xẻ phần vòi trứng chứa thai và lấy thai ra (salpingotomy), phần vòi trứng được bảo tồn, như vậy chức năng sinh sản được bảo tồn; hoặc là cắt bỏ luôn phần vòi trứng chứa thai (salpingectomy). Thuần lý y-khoa, phương pháp salpingotomy thường được chọn vì nó bảo tồn được chức năng truyền sinh của người phụ nữ.
Giáo Hội Công Giáo, cho đến trước năm 1933, chỉ cho phép phẫu thuật GEU khi phần thai ngoài tử cung đã bị vỡ. Lý luận nền tảng giải thích cho lối xử trí này là vào thời đó, thai nhi bị coi như là nguyên nhân trực tiếp gây nguy hiểm cho tính mạng của thai phụ. Nếu GEU chưa vỡ, thai nhi còn sống thì phẫu thuật coi như giết thai nhi để cứu mẹ: phá thai trực tiếp. Đến năm 1933, một luật gia về giáo luật, Lincoln Bouscaren, Dòng Tên, hoàn thành luận án tiến sĩ thần học tại Đại Học Gregorian, Rôma. Ông là người đầu tiên lý luận rằng thủ thuật salpingectomy là phá thai gián tiếp nên được phép về mặt luân lý. Vì vậy bác sĩ công giáo không phải chờ đến lúc GEU bị vỡ mới phẫu thuật cho bệnh nhân. Ông đã cứu được nhiều người nhờ bảo vệ thành công phương pháp salpingectomy trên phương diện thần học luân lý của Giáo Hội Công Giáo. Để đi đến được kết luận đó, Bouscaren lý luận rằng khoa học hiện đại chứng minh trong GEU, lớp mạch máu của đoạn vòi trứng chứa thai nhi trở thành bệnh lý, tăng sinh, và dãn phù nề, là nguyên nhân chính đe dọa vỡ gây xuất huyết nơi người mẹ. Động tác mổ cắt đoạn vòi trứng chứa thai nhi có hai tác dụng đồng thời: lấy đi đoạn vòi trứng bệnh lý (tác dụng tốt), và cái chết của thai nhi (tác dụng xấu). Ý định của thầy thuốc là lấy đi phần vòi trứng bệnh lý để cứu thai phụ chứ không phải giết thai nhi. Lý luận của Bouscaren đáp ứng được nguyên tắc “hiệu quả kép,” và do đó, từ 1933, salpingectomy được Giáo Hội Công Giáo cho phép.[13]
Việc tiêm methotrexate trực tiếp gây chết thai nhi, không hợp với nguyên tắc luân lý Công Giáo.
III. LỜI KHUYÊN
Biện pháp đúng đắn, hợp luân lý Công Giáo trong trường hợp sức khỏe thai phụ bị nguy hiểm do mang thai là nhập viện theo dõi sát sức khỏe thai và mẹ; phải cố gắng dùng mọi tiến bộ y khoa để điều trị bệnh cho mẹ, cứu sống cả mẹ lẫn con, cố gắng duy trì thai đến tháng thứ bảy, thứ tám,…lúc này nếu thấy nguy cơ tính mạng của mẹ, có thể mổ lấy thai, với mục đích cứu cả mẹ lẫn con. Ngày nay với tiến bộ y khoa, thì có thể cứu sống thai từ bảy, tám tháng tuổi. Thậm chí có trẻ sinh non hơn, vẫn hy vọng nào đó cứu mẹ và bé. Khi thầy thuốc đã cố gắng hết sức mà không thể cứu cả mẹ lẫn con, thì đành chấp nhận như là một điều vượt quá khả năng con người.
Trường hợp khó khăn hơn là mang thai trong ổ bụng. Biện pháp hợp luân lý là chờ thai phát triển đến mức độ có thể sống ngoài cơ thể mẹ thì tiến hành phẫu thuật lấy thai mong muốn rằng mẹ tròn con vuông. Trường hợp khó khăn hơn nữa và tiến thoái lưỡng nan là mang thai trong gan, vì cả hai biện pháp mà y khoa dùng hiện nay là tiêm methotrexate hay phẫu thuật lấy bỏ thai nhi đều gây phá thai trực tiếp. Theo ý kiến cá nhân tôi, nếu phát hiện sớm thai trong gan, thì lý luận tương tự như trường hợp mang thai ở ống dẫn trứng, xem phân thùy gan có chứa thai là phần bệnh lý, có thể cắt bỏ phân thùy gan có chứa thai. Như thế có thể đáp ứng yêu cầu là không phá thai trực tiếp. Tuy nhiên, các thầy thuốc y khoa có lẽ rất khó chấp nhận biện pháp này, vì cắt phân thùy gan là cuộc đại phẫu. Rất may là thai trong gan rất hiếm. Cần nhắc lại rằng y văn thế giới đã ghi nhận có trường hợp thai trong ổ bụng và thai trong gan diễn tiến đến kỳ tự nhiên và cả mẹ và con đều may mắn sống còn.
Thật thử thách cho người mẹ trước nguy cơ mất đi mang sống để duy trì sự sống cho đứa con còn trong bụng. Đúng là đòi hỏi đức dũng cảm đến mức tử đạo. Tôi nhớ lại câu chuyện gương hy sinh của cô Caroline Aigle đã làm xúc động lòng người. Cô Caroline Aigle, nữ phi công lái máy bay chiến đấu đầu tiên trong không lực Pháp, đang được huấn luyện để trở thành phi hành gia vũ trụ, đã qua đời ở tuổi 33 còn nhiều hoài bão. Cô đang mang thai năm tháng khi cô được biết mình mắc phải bệnh ung thư. Là một người Công Giáo sống nghiêm túc niềm tin, cô đã cầu nguyện cùng với chồng, anh Christophe Deketelaere, và Caroline đã gạt bỏ lời khuyên phá thai của các bác sĩ. Hơn nữa, Caroline chọn hoãn việc trị liệu bệnh ung thư để cho đứa con trong bụng có con đường sống. Vào đầu tháng 8/2010, Caroline đã cho đứa bé chào đời sớm ba tháng rưỡi. Tuy nhiên, đứa bé vẫn tiến triển rất tốt. Người chồng cho biết: “Caroline không thể ngưng một sự sống mà nàng đã cưu mang năm tháng. Nàng nói với tôi rằng: ‘Đứa bé phải có được cơ may mà em đã có’”. Anh Christophe mô tả việc mang thai của Caroline như là trận chiến sau cùng của cô và cô đã chiến thắng. Cha Pierre, người đã làm lễ cưới cho cô Caroline nói: “Bài học lớn nhất mà Caroline để lại cho chúng ta là tính chất cấp bách của tình yêu. Không phải sự cấp bách của nỗi sợ, nhưng là sự cấp bách cần thiết phải hiểu rằng chỉ có tình yêu mới trao ban sự sống. Con người được sinh ra cho cuộc sống. Sự cấp bách này có thể làm cho tình yêu mạnh hơn và trao ban cho cuộc sống một kho tàng quý giá giữa ngay cả những nghịch cảnh trái ngang nhất”.[14]
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 84 (Tháng 9 & 10năm 2014)
[9]Bộ Giáo lý Đức Tin, “Instruction on Respect for Human Life in Its Origin and on the Dignity of Procreation,” (Rome, 22/2/1987), Donum Vitae, Origins (Vol.16, n.40, 3/ 1987) 701.
[10]Gioan Phaolô II, “Address to the Fourth General Assembly of the Pontifical Academy for Life (24/2/1998) L’Observatore Romano, 25/2/1998, 5
[11] Sách Giáo Khoa Bộ Môn Phụ Sản, Đại Học Y Dược dành riêng một bài về “Các biện pháp phá thai kế hoạch”, x. Sản Phụ Khoa, Tập 2, tr. 1013-1019.
[12] Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Ethical and Religious Directives for Catholic Health Care Services
Fifth Edition, tháng 11/ 2009, n. 48
[13]Xem Lincoln Bouscaren, Ethics of Ectopic Operations(Chicago: Loyola University Press, 1933).
[14]Thúy Dung, “Phi công lái máy bay chiến đấu Pháp Caroline Aigle là một người mẹ Công Giáo phi thường”, Vietcatholic News, 1/10/2007.