“Người ta bảo tôi bỏ thai đi, xì xào là sao mày nỡ để con như vậy, tội nó. Nhưng con là duyên đến với mình, không bỏ được”, người mẹ 44 tuổi nói.
Mang thai trong thời gian khó khăn, chị Q (44 tuổi) không có điều kiện theo dõi thai kỳ. Lần khám duy nhất là khi thai 4 tháng tuổi, cũng là lúc chị biết con bị hở hàm ếch. Nhiều người khuyên chị hay là bỏ thai đi, vì con sinh ra dị tật vừa khổ thân bé vừa khổ người mẹ. Hơn nữa, bé xuất hiện là ngoài kế hoạch (chị Q đã có 3 con).
Chị gạt bỏ mọi lời dị nghị, chuẩn bị tâm lý kỹ càng. Vậy nhưng khi đón con vào lòng, chị vẫn sốc nặng, gần như câm lặng. “Ai cũng xì xào bảo sao mày để nó như vậy, sao đẻ con ra như thế, nhưng tôi kệ. Con là duyên, con đã đến với mình nên sẽ cố chạy chữa hết sức”.
8 ngày sau, vừa xuất viện sản, chị đón xe lên Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM tìm gặp các bác sĩ. Hành trình này chỉ có chị đơn độc vì dịch bệnh. Tất cả hy vọng, chị gửi gắm vào bác sĩ Nguyễn Minh Hằng – Khoa Răng Hàm Mặt. Vậy mà cả 3 lần, chị đều nhận cái lắc đầu.
“Con đủ ký để phẫu thuật nhưng lại bị thiếu máu. Ngày nào bắt xe khách từ Kiên Giang lên TP.HCM cũng nghĩ là sẽ thành công. Mãi đến hai hôm trước, con mới phẫu thuật được. Nhìn cái môi liền lại là tôi mừng lắm rồi. Bác sĩ nói hành trình còn dài, dài bao nhiêu mình cũng đi theo con”.
Bác sĩ Nguyễn Minh Hằng, Phó Khoa Răng Hàm Mặt, Phó Khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM chia sẻ, lần nào chị Q đến cũng khóc. “Tôi bối rối lắm vì thương mẹ, thương đường xá xa xôi. Dù mình luôn cố gắng mổ sớm nhưng có nhiều lý do không thuận lợi cho cuộc mổ thì không thể thực hiện. Thậm chí có người nằng nặc ở lại bệnh viện, xin được mổ mới dám đưa em bé về gặp người nhà”.
Bác sĩ Hằng tâm sự, đến tận giờ đây, vẫn còn nhiều gia đình khi phát hiện thai nhi hở hàm ếch lại muốn bỏ con. Trong khi đó, bệnh có thể được phát hiện sớm, tư vấn theo dõi và lên chương trình điều trị phẫu thuật. Riêng tại Bệnh viện Nhi đồng 1, đã có 10.000 bé được phẫu thuật khe hở môi vòm, tìm lại được nụ cười, tiếng nói.
Theo Vietnamnet.vn