Các khủng khoảng của giới trẻ trong thời đại mới

Dẫn nhập
 
Trong quá trình làm người, mỗi người nhận được biết bao nguồn giáo dục khác nhau: giáo dục tại gia, giáo dục tại trường lớp, giáo dục nơi Giáo Hội… Tất cả những nền giáo dục ấy đều nhằm mục đích đào tạo nên một con người toàn diện cả về nhân bản lẫn tâm linh. Trong mỗi lĩnh vực con người nhận được một nền giáo dục khác nhau. Khi nhắc về vấn đề giáo dục người ta dễ dàng liên tưởng đến việc giáo dục văn hoá tại trường lớp mà quên đi mảng giáo dục về tinh thần đóng vai trò không nhỏ trong việc hình thành nên con người. Vấn đề giáo dục tinh thần quan trọng hơn cả có lẽ là vấn đề giáo dục lương tâm.
 
Vấn đề lương tâm là vấn đề của toàn xã hội. Cho dù người có tôn giáo hay không tôn giáo vẫn cảm thấy mình phải làm điều thiện tránh điều ác. Con người có tâm ngay thẳng sẽ xây dựng một xã hội công bằng và tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, trong bối cảnh xã hội hôm nay, vấn đề lương tâm đang là vấn đề nhức nhối của thời đại. Sống trong xã hội văn minh tiên tiến, nhưng gần như con người lại đang đánh mất lương tâm của mình hoặc có lương tâm sai lạc. Đặc biệt trong giới trẻ, họ không còn cảm nhận được sự thôi thúc làm điều lành, tránh điều ác, họ hành động một cách xem thường luân lý, đạo đức, gia phong, thậm chí đôi lúc mất hết lương tâm: vụ Nguyễn Hải Dương và Vũ Văn Tiến, đều 24 tuổi trong vụ sát hại 6 người trong gia đình đêm 7/7/2015. Vì thế, vấn đề giáo dục lương tâm cần phải đặt lại.
 
Cách riêng, Giáo hội Công giáo có đường hướng giáo dục riêng của mình. Ngoài việc giáo dục để rèn luyện nhân cách con người sống hữu ích cho cộng đồng, giáo dục Kitô giáo còn nhắm đến việc giáo dục con người trở nên con Thiên Chúa. Hơn thế nữa, trước thực trạng xuống cấp về tình trạng luân lý, đạo đức của giới trẻ, giáo dục Kitô giáo ngày nay nhấn mạnh đến việc giáo dục lương tâm. Vậy Kitô giáo bằng hình thức giáo dục nào mới có khả năng đưa lương tâm người trẻ trở về với nẻo chính đường ngay?
 
pray
 
1. Giới trẻ và những cơn khủng hoảng trong thời đại mới
 
Thế giới đang biến đổi từng ngày do bàn tay và khối óc của con người tác động lên nó. Các công trình nghiên cứu, những phát minh trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật ra đời được tính bằng cấp số nhân làm cho thế giới đạt đến nền văn minh vượt bậc. Sống trong xã hội mà các ngành khoa học chế tạo máy đã phát triển thay thế cho lao động chân tay, con người dường như cảm thấy mình được thoả mãn mọi nhu cầu trong cuộc sống. Cả guồng máy sản xuất hàng hoá, dịch vụ nhằm phục vụ con người cách tốt nhất, nhanh nhất, rẻ nhất. Đã qua rồi thời kỳ con người chỉ biết ăn no mặc ấm để tiến đến thời kỳ ăn ngon mặc đẹp. Mọi thứ như đang mời chào con người đến để hưởng dùng.
Trong xu hướng phát triển của xã hội, giới trẻ là thành phần nhạy cảm nhất với những thành tựu của khoa học kỹ thuật: máy tính, điện thoại, ipad, internet… Bởi lẽ họ là một bộ phận được thừa hưởng những thành quả ấy và là người tiếp bước trên con đường khoa học để đưa thế giới này bước sang trang mới. Tuy sống trong một xã hội văn minh, tiến bộ và đầy đủ tiện nghi như thế nhưng người trẻ hôm nay đang rơi vào trong cuộc khủng hoảng về ý nghĩa và căn tính của đời mình. Đôi lúc các bạn trẻ cảm thấy mình như bị cô đơn và trống rỗng.
 
2. Khủng hoảng về căn tính và ý nghĩa của cuộc sống
 
Khi đọc các tập sách phóng sự của tác giả Cù Mai Công và Vương Liễu Hằng bàn về giới trẻ Việt Nam, người ta không khỏi giật mình về những sinh hoạt không lành mạnh và không đúng đắn của một bộ phận giới trẻ ngày nay. Tất cả những hành động ấy như muốn nói lên rằng giới trẻ đang rơi vào trong cơn khủng hoảng mới của thời đại – khủng hoảng về ý nghĩa đời mình.
 
Trong cuộc sống, hoạt động trong bất kỳ lĩnh vực nào, người ta đều phải có lối đi rõ ràng hay nói cách khác họ phải có định hướng. Tuy nhiên, giới trẻ hôm nay lại đang loay hoay để đi tìm định hướng cho đời mình. Không thiếu những người trẻ đang dần đánh mất hướng đi của mình do các trào lưu của xã hội hiện đại bày ra trước mắt họ. Điển hình là trào lưu tục hoá bành trướng theo đà phát triển của khoa học đã nhận chìm giới trẻ trong cơn mê của trào lưu hưởng thụ. Trào lưu này đã làm cho giới trẻ hôm nay “gần như chẳng còn một lý tưởng nào để tranh đấu và để sống! Các ý thức hệ lớn đã bị sụp đổ, bây giờ phải sống và đối diện với vực thẳm vô nghĩa của một xã hội tiêu thụ. Trong một mức độ nào đó, họ là nạn nhân của buổi giao thời, đang lần mò, quờ quạng trong tăm tối, với tâm sự bi đát và nỗi niềm lo riêng… để tìm một hướng đi cho cuộc sống”. Các hiện tượng phi chuẩn mực hay tha hóa trong tầng lớp người trẻ hôm nay có thể nói đều xuất phát từ hiện trạng bị chao đảo trong cơn bão thực dụng. Nhiều bạn trẻ cảm thấy chán sống vì họ không tìm được ý nghĩa cho đời mình. Khi không tìm được ý nghĩa sống, người trẻ dễ rơi vào những tệ nạn của xã hội, bi quan. Chính lối sống không định hướng làm cho người trẻ hôm nay trở nên hoang mang, bất mãn với hiện tại, thích hưởng thụ mà không lao động. Bên cạnh hiện trạng sống không định hướng, người trẻ hôm nay còn rơi vào một cuộc khủng hoảng khác – khủng hoảng về luân lý, đạo đức.
 
3. Khủng hoảng về luân lý, đạo đức
 
Có lẽ chúng ta đều thấy nền luân lý đạo đức của giới trẻ ngày nay đang xuống dốc một cách trầm trọng. Truyền thống đạo đức của cha ông hầu như không được mấy người trẻ quan tâm, để ý, thậm chí bị coi là lạc hậu, lỗi thời. Mọi hành động của người trẻ hôm nay đều dựa trên tự do, điều mà họ cho rằng họ có quyền sử dụng nó một cách tối đa. Chính vì thế, thảm trạng sống nháp thử trước hôn nhân, quan hệ trước hôn nhân, phá thai đang là vấn đề đau nhức của của các nhà luân lý và của những ai đang thao thức về tệ trạng này. Đối với người trẻ hôm nay, vấn đề luân lý, đạo đức không còn một tác động nào đối với họ, có chăng họ biết, nhưng hết sức coi thường. Xã hội sẽ phải tự hỏi đâu là nguyên nhân của thảm trạng này?
 
Khoa học hôm nay đã giải quyết được rất nhiều vấn đề trong cuộc sống mà trước đây con người vẫn coi đó là các hiện tượng của thần linh. Vì vậy, khoa học như đang muốn giản lược Thiên Chúa vào trong thế giới và nhắm đến chiều kích của con người tại thế. Điều này làm cho phong trào khử thiêng tục hoá được khai sinh. Trào lưu tục hoá tự bản chất và định nghĩa là một phong trào về tư tưởng và thái độ chủ trương một nền nhân bản tuyệt đối không có Thiên Chúa, bị thu hút bởi sự say mê hưởng thụ và tìm kiếm hưởng lạc mà không quan tâm gì đến mối nguy “mất linh hồn”. Thế nào trào lưu tục hoá cũng làm hao mòn cảm thức về tội. Cùng lắm tội chỉ còn là một điều xúc phạm đến con người. Như thế, trào lưu tục hoá đã làm cho giới trẻ ngày nay không còn cảm thức về tội, và họ có quyền hành động mà không quan tâm đến vấn đề luân lý, đạo đức. Nói cách khác, tiếng nói thâm sâu nơi người trẻ là tiếng nói của lương tâm không còn vang vọng trong đời sống của họ. Thực tế này đã được Đức Giáo Hoàng Piô XII diễn tả một cách ấn tượng: “tội của thế kỷ chúng ta là mất cảm thức về tội”. Nghĩa là chúng ta phạm tội mà không cho là mình phạm tội, chúng ta đang tìm đủ mọi lý luận để hợp thức hóa hành động phạm tội của mình.
 
Lm. Giuse Nguyễn Văn Hạnh

Nguồn: thanhlinh.net

Check Also

Anh chị đã phó thác vào Chúa và Chúa đã nhậm lời anh chị

Hôm trước đi lễ, mình nghe Cha kể lại câu chuyện Cha mới nghe từ …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.