Cảm phục người giành giật sự sống của hài nhi từ tay thần chết

BVSS (22.6.2016) Hơn 6 năm trôi qua, không khi nào vị linh mục này ngừng đi thu nhặt các thai nhi bị vứt bỏ đem về chôn cất, lại còn dành thời gian, công sức để nuôi dưỡng những bà mẹ lầm lỡ chỉ vì tình yêu con người, không muốn thấy cảnh mẹ phải giết con.

Người dân sống gần nhà thờ Tây Hải, Biên Hòa không ai là không biết linh mục Nguyễn Văn Tịch (sinh năm 1971) bởi những năm gần đây báo chí liên tục đưa tin về một người đàn ông đi nhặt thi hài các thai nhi bị phá bỏ ở các phòng khám đem về để hoả thiêu rồi an táng tử tế ở nghĩa trang thai nhi mà ông cùng những người cộng tác lập ra ở phía sau nhà thờ.

Chôn cất thai nhi

Từ việc nhìn thấy người ta vứt xác một thai nhi ngay trước cổng nhà thờ nhiều năm trước, ông Tịch cảm thấy nhói lòng mà nung nấu ý định sẽ thu nhặt các thi hài thai nhi từ khắp nơi để lo toan hậu sự đàng hoàng như một con người bình thường.

gianh-giat-su-song-01
Những người tình nguyện đang gói những thi hài thai nhi trong vải màu chuẩn bị cho lễ an táng.

Linh mục Tịch nói: “Tôi luôn tin mỗi một em là một sự sống toàn vẹn, các em qua đời thì mình cũng cầu nguyện và chôn cất các em như bao người bình thường khác”. Chỉ là một suy nghĩ chân chất như vậy, người linh mục đã làm được rất nhiều điều đáng nể.

Sáu năm qua, người ta chưa bao giờ thấy linh mục và nhóm cộng tác của mình ngưng tìm tới các bệnh viện, các phòng khám để thu nhặt những thi hài của những thai nhi tội nghiệp. Tại nghĩa trang thai nhi do ông lập nên, đã có hơn 12 ngàn thai nhi được chôn cất. Đều đặn mỗi chủ nhật cuối tháng, ông luôn tổ chức lễ an táng cho những thai nhi mới.

gianh-giat-su-song-02
Nghĩa trang thai nhi, nơi an nghỉ của hơn 12 ngàn thai nhi.

Trong “Phòng thai nhi” rộng chưa tới 5m2, nơi linh mục Tịch sẽ tắm rửa cho các thai nhi, cũng là nơi bảo quản các thi hài chờ đến lúc hoả thiêu, linh mục chia sẻ: “Những ngày đầu tiên bắt đầu làm công việc kì lạ này, tôi và những bạn cộng tác bị người ta dị nghị rất nhiều. Ai cũng thấy lạ, họ sợ tôi làm việc bất chính. Nhưng tôi và các bạn kiên trì giải thích thành thật động cơ mục đích, thậm chí mời họ về để xem. Dần dần thì các bác sĩ ở phòng khám, chính quyền địa phương và người dân cũng hiểu.”.

gianh-giat-su-song-03
Những hũ chứa thi hài thai nhi được gói và bảo quản cẩn thận.

Đó là khó khăn đầu tiên nhưng không phải duy nhất.

Cùng nhau vượt qua những lỡ lầm

Bên cạnh hoạt động thu nhặt thi hài thai nhi và chôn cất, linh mục Tịch còn thành lập Mái ấm Tạm Lánh để làm nơi nương náu cho những phụ nữ có thai ngoài ý muốn hoặc quá nghèo khổ. Trong khuôn viên 180m2 này hiện tại là nơi tạm trú của 40 bà mẹ và 19 bé sơ sinh.

gianh-giat-su-song-04
Linh mục Tịch (áo xanh, bên phải) thăm hỏi và trò chuyện với hai mẹ con tại trung tâm.

Tại mái ấm này, những người phụ nữ sẽ được nuôi dưỡng để chờ ngày sinh con. Ngoài việc hỗ trợ chỗ ăn ở, linh mục còn sử dụng mối quan hệ của mình để tìm kiếm những công việc làm thích hợp cho từng bà mẹ, giúp họ có thể rời mái ấm và sống vững vàng để nuôi con.

gianh-giat-su-song-05
Một bà mẹ trẻ đang chờ ngày sinh ở trung tâm.

Điều khó khăn tiếp theo với linh mục Tịch là làm sao để những người mẹ này không từ chối đứa con trong bụng mình, giải toả buồn phiền để hoà nhập và sống thanh thản. Có cả những bà mẹ khi đến đây chỉ mới 16, 17 tuổi. Để giải quyết vấn đề triệt để, linh mục Tịch luôn tìm đến gia đình những cô gái, vận động khuyên giải họ để họ chấp nhận con gái cũng như đứa bé.

Theo linh mục Tịch: “Gia đình mới là phần gốc của vấn đề. Gia đình bao dung và đón nhận con cháu họ, mọi chuyện sẽ được giải quyết.

Giải thích về tên gọi “Tạm lánh”, linh mục chia sẻ: “Khi những người phụ nữ này lầm lỡ ngoài xã hội, tâm trí họ không bình an và sợ hãi. Họ quyết định phá thai là cũng bởi sợ hãi. Khi vào mái ấm này, tôi mong muốn họ được tạm lánh khỏi xã hội để tĩnh lặng suy nghĩ về mình. Khi tâm trí đã bình an, họ sẽ can đảm để quay trở lại xã hội”.

gianh-giat-su-song-06
Linh mục Tịch bế một em bé sơ sinh 15 ngày tuổi trong không khí vui vẻ của mọi người tại trung tâm.

Chia sẻ hết sức nhân văn của linh mục Tịch không hề là viển vông, khi chúng tôi tiếp xúc với chị Kh. hiện đang là quản lí tại mái ấm. Trước đây chị cũng đã từng là một phụ nữ rơi vào hoàn cảnh khó khăn, muốn từ bỏ đứa con trong bụng mình, nhưng ngay lúc chị cầm viên thuốc phá thai lên thì lại nhận được điện thoại của linh mục Tịch.

Sau khi sinh con, chị Kh. tiếp tục ở lại mái ấm để giúp đỡ những chị em khác, hướng dẫn các bà mẹ chăm con và hỗ trợ linh mục Tịch quản lí mái ấm. Nhìn cô bé Coca 15 tháng tuổi (con chị Kh.) lon ton chạy nhảy khắp khuôn viên mái ấm, nói cười tíu tít, mới thấy tình yêu con người thì kì diệu biết dường nào.

gianh-giat-su-song-07
Bé Coca 15 tháng tuổi, tưởng chừng đã không có mặt trên đời nếu chị Kh. không nhận được điện thoại của linh mục Tịch

Linh mục Tịch nói: “Điều tôi muốn làm là đánh thức tình mẫu tử nơi những người phụ nữ này. Tôi muốn họ yêu đứa con mình, dù đứa con đó có là kết quả của một cuộc tình buồn, một lần lầm lỡ, một lần ăn chơi thì đó vẫn là một con người. Thật ra phá thai sẽ không bao giờ giải quyết được vấn đề. Đó chỉ hành động trốn chạy nhất thời. Nhiều năm sau, những người mẹ từng phá thai sẽ phải hối tiếc nhưng khi đó đã là quá muộn”.

gianh-giat-su-song-08
Tình mẫu tử là điều mà linh mục Tịch và những người tình nguyện muốn hướng tới.

Càng ngày linh mục và nhóm cộng sự của mình càng thu nhặt được nhiều thi hài thai nhi hơn. Càng ngày càng có nhiều người lầm lỡ đến với ông tìm nơi nương náu. Mặc dù linh mục và các cộng sự của mình mong muốn một ngày nào đó họ sẽ không còn phải làm những việc này nữa, nhưng xem ra mong muốn đó vẫn còn xa vời.

Với linh mục Tịch và những người tình nguyện, thành công chỉ đơn giản là được nghe tiếng khóc của trẻ sơ sinh, những đứa trẻ mà họ đã gắng sức giành giật lại từ những sai lầm của người lớn.

Theo Yan

Check Also

Tôi được thụ thai sau bi kịch của mẹ nhưng thật mừng vì tôi đã không bị phá thai. Tôi không phải chết vì tội ác của cha mình.

Tôi là Chủ tịch của Save The 1 – một tổ chức bảo vệ sự …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.