Câu chuyện ngày 8 tháng 3: Hủy Diệt

Tối Chúa Nhật thứ nhất Mùa Chay 5.3.2017, tôi theo thói quen thỉnh thoảng lặng lẽ ra sân sau Nhà Thờ Kỳ Đồng tìm chút thinh lặng để nghỉ ngơi tâm hồn. Các bài đọc trong Thánh Lễ hôm nay thật căng thẳng. Chúa đòi mỗi người chúng ta không thể đùa giỡn với chọn lựa cuộc đời.

Căn phòng nhỏ bé dành để thu thập các thai nhi (Góc Xót Thương) vẫn sáng đèn, tôi bước vào gặp các bạn tình nguyện viên Nhóm Fiat đang thu dọn để mang các hình hài nhỏ bé bị chối bỏ một đau thương đi an táng. Tôi lặng người vì số lượng thai nhi hôm nay nhiều quá, các bạn đang điện thoại để gọi thêm các bạn khác đến giúp. Bình thường khoảng từ 15 đến 20Kg mỗi ngày, riêng Chúa Nhật thường ít hơn vì các bệnh viện nghỉ, chỉ có các phòng tư nhân hoạt động, nhưng hôm nay là Chúa Nhật mà sao nhiều quá, nhìn các gói các bọc ngổn ngang dưới sàn tôi ước lượng khoảng gần 50Kg.

GOC-XOT-THUONG-DCCT-CN-5.3.2017-768x602

Một chút dừng lại, tôi nhận ra, hôm nay vừa đúng hơn một tháng sau Tết Nguyên Đán (28.1 – 5.3.2017). Kinh khủng vậy sao ? Lễ hội dân tộc giờ trở nên cơ hội để sự ác hoành hành sao ? Những giờ khắc thiêng liêng của đất nước ra như vầy sao ? Ngày Valentine 14.2 cũng vừa trôi qua được hơn hai tuần, vừa đủ để hậu quả “va lung tung” được “xử lý” bằng chuyện phá thai !

Khi còn niên thiếu, hình ảnh cha già Lucien Olivier (tên Việt là Hậu), thừa sai DCCT Canada, đã ảnh hưởng trên tôi rất nhiều, làm sao tôi quên được bộ râu dài bạc trắng, cả ngày cha ngồi tòa giải tội phía bên nữ, gần tòa Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, Nhà Thờ DCCT Sàigòn. Cả ngày ngồi tòa giải tội nhưng ngài lại là “ông Tiên” cho các phụ nữ nghèo đơn thân, “ông Bụt” cho những cô gái lỡ lầm, ngài đón nhận các chị em lạc lối, lo lắng cho ăn ở, giúp học nghề, làm lại cuộc đời. Dãy nhà sàn sau lưng Tu Viện và Nhà Thờ, bên dòng kênh Nhiêu Lôc trong xanh ngày ấy in đậm dấu chân ngài. Cái thì ngài mua, cái thì ngài thuê, là nơi ẩn náu của bao nhiêu chị em có hoàn cảnh nghèo khổ ngang trái.

Ngày 30.4.1975 ập đến, đội chiếc mũ cối bằng vải dày màu trắng, cha Olivier bùi ngùi gạt nước mắt chia tay con cái Việt Nam, rời khỏi quê hương yêu dấu bởi sứ mạng đã mang ngài đến. Ngày ấy cha-con đau đớn lìa nhau, hai cha già Lucien Olivier và Eugène Larouche cùng các thừa sai Canada khác trở về cố hương theo lệnh trục xuất của cái gọi là Ủy Ban Quân Quản. Về bên kia, bàn thờ trong phòng riêng của ngài là bản đồ Việt Nam hình chữ S và một nắm đất mang theo khi giã từ. Bàn thờ này lấn lượt thừa kế cho đến vị thừa sai cuối cùng về với Chúa. Tôi còn nhớ trong một lá thư gởi về cho tôi, hồi âm lá thư tôi đã chật vật cố gắng viết cho ngài bằng tiếng Pháp: “Lần sau con viết tiếng Việt để cha không quên tiếng Việt”.

Khi tham gia sinh hoạt nhóm Ba Miền (Huế – Sàigòn – Hà Nội) do cha Mátthêu Vũ Khởi Phụng khởi xướng và thực hiện trong nhiều năm liền, có một năm tổ chức tại Huế, tôi đến thăm ngôi nhà xứ đơn sơ khó nghèo của cha Nguyễn Hữu Giải ( Nhóm Anh Hài ), Tổng Giáo Phận Huế. Căn nhà đón nhận những chị em hoang thai tạm lánh. Cha giúp đỡ để họ đảm nhận trách nhiệm làm mẹ trong hoàn cảnh éo le. Nỗi trăn trở về cuộc đời của những người phụ nữ bất hạnh thôi thúc tôi mãnh liệt, nhưng vì còn tương đối trẻ, tôi e ngại nhiều điều bất tiện về công viêc này.

Năm 1990, Chúa quan phòng cho tôi gặp một vị Linh Mục nhân từ, thương người nghèo một cách đặc biệt, cha Giuse Đinh Huy Hưởng. Khi ngài về làm Chánh xứ Đức Tin, Gò Vấp, tôi xin ngài cho tôi được đi lại đồng hành với các chị em tạm lánh trong ngôi nhà của ngài ở đường Phan Văn Trị, Gò Vấp, Giáo xứ Đức Tin. Từ ngày ấy tôi bước dần vào cuộc chiến “Bảo Vệ Sự Sống”. Năm 2000, chúng tôi, một nhóm anh em chính thức dấn thân vào lãnh vực này, Nhóm Bảo Vệ Sự Sống.

Ngày ấy gian lao lắm, nhiều người lo sợ hoạt động BVSS sẽ chạm đến chính sách “kế hoạch gia đình – mỗi gia đình chỉ có hai con” của nhà nước, vẫn nỗi lo sợ như những nỗi lo sợ hôm nay còn tồn tại. Sợ bị làm khó dễ, sợ bị theo dõi, sợ bị hạn chế các việc khác, sợ… Nỗi sợ hãi ngập trong đầu nên không còn chỗ để hy vọng, để ước mơ. Nỗi sợ hãi lan mạnh đến các chi thể khác trong cộng đoàn, bóp nghẹt cả con tim, làm run hai đầu gối, nghe đến Công An là choáng váng, lên huyết áp. Vì sống chung nên các anh em khác có thể có ý kiến này nọ, thế là áp lực cứ theo số đầu người sợ hãi mà nhân lên…

Thế rồi bất chấp nỗi sợ hãi, Góc Thương Xót ra đời do sáng kiến của cha Quang Uy từ ngày ấy. Năm 2001 cũng là năm sinh của ngôi nhà tạm lánh có tên Giêradô. Ngôi nhà này cho đến nay đã đón nhận, chứng kiến, ấp ủ, sự ra đời của hơn 600 sinh linh bé nhỏ. Một phép lạ không thể không chia xẻ, hơn 600 trường hợp ngang trái nhưng không hề có một tai nạn nào xảy ra suốt 17 năm. Cùng năm ấy việc tìm kiếm, bằng mọi cách thu những thai nhi bị phá mang về an táng tử tế. Các thai nhi được sát trùng rồi hỏa thiêu, tro cốt đặt vào trong những viên gạch được làm sẵn, khi tương đối đã đủ số gạch, chúng tôi xây dựng một Nhà Nguyện nhỏ lấy tên “Lăng Anh Hài”. Ngày 28 tháng 12 năm 2011 (Lễ các Thánh Anh Hài) chúng tôi thánh hóa và mở cửa Lăng Anh Hài cho những ai có nhu cầu đến cầu nguyện. Số gạch làm tiếp sẽ xây những phần khác của ngôi Nhà Nguyện bé nhỏ này.

Bây giờ chuyện BVSS đã được nhiều người tham gia, nhiều Dòng Tu dấn thân, nhiều hoạt động đa dạng. Nhiều ngôi nhà mở thêm khiến áp lực trên nhà Giêrađô giảm xuống, ngày xưa có thời điểm hơn 20 em trú ngụ trong nhà.

Không chỉ mở nhà tạm lánh và chôn cất thai nhi được coi là phần ngọn của hiểm họa, Nhóm BVSS đã chú tâm đến những việc được coi là phần gốc như: nói chuyện giáo dục về y học, về tình dục… nhằm giảm bớt các ca phá thai. Nhưng số ca phá thai vẫn không giảm. Thống kê của Bộ Y Tế năm 2016 có 300.000 ca phá thai vị thành niên (14 đến 17 tuổi), còn trong cả nước thì có từ 1,4 đến 2 triệu ca phá thai. Tuy nhiên các bác sĩ chân chính cho biết con số phải là mấp mé 3 triệu ca. Con số khủng khiếp này phản ánh thảm trạng hủy diệt đang hoành hành trên đất nước chúng ta, dân tộc này sẽ ra sao khi tràn ngập những phụ nữ (mà người nam là thủ phạm chính, cùng với sự hợp tác đắc lực của các bác sĩ vô lương tâm) đã đi qua ngưỡng cửa giết người, giết chính đứa con của mình ?

Chúng ta cúi đầu khẩn nguyện, xin Thiên Chúa, Đấng đã ban Sự Sống làm Quà Tặng vô giá cho con người. Xin Ngài ra tay làm thay đổi lòng dạ chúng ta, giúp mỗi người chúng ta biết trân trọng Sự Sống Ngài đã ân ban.

Lm. VĨNH SANG, DCCT,
Ngày Phụ Nữ 8.3.2017

Nguồn: giesuchanhlongthuong.net

Check Also

Thông điệp Giáng Sinh là bảo vệ sự sống

Sự kiện Chúa Giáng Sinh mang thông điệp bảo vệ sự sống. Chúa Giêsu xuống …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.