Nhận thấy mối nguy của những tiến bộ khoa học ảnh hưởng đến môi trường sống của con người thế nên vào khoảng những năm sáu mươi của thế kỷ trước, người ta đã đưa ra một thứ… đạo đức mới gọi là Đạo Đức Sinh Học (Bioéthics).
Sự hình thành Đạo Đức Sinh Học phát xuất bởi cùng một nguyên nhân đó là cuộc cách mạng đồng thời của cả khoa học lẫn xã hội. Với khoa học thì có những tiến bộ vượt bực về công nghệ sinh học về biến đổi gen về di truyền học v.v…
Với xã hội thì xu hướng tự do cá nhân đòi hỏi dân chủ ngày càng nở rộ. Cũng vì sự…nở rộ ấy mà những nguyên tắc đạo đức trước đây tưởng như lúc nào cũng ổn định vững chắc thì nay đã bị hoàn toàn phá vỡ. Chẳng hạn việc sinh con đẻ cái ai cũng nghĩ cần phải có nam có nữ có cha có mẹ thì nay công nghệ sinh học có thể làm cho thụ thai trong ống nghiệm. Ngoài việc thụ thai trong ống nghiệm người ta còn làm được sinh sản vô tính nghĩa là chỉ cần một tế bào gốc thôi cũng đủ để làm ra một con vật chẳng hạn như chú cừu Dolly. Sự tiến bộ của khoa học đã làm cho các nguyên tắc đạo đức bị phá vỡ. Điều ấy khiến những người quan tâm đến vận mệnh con người không thể không lo lắng. Chính bởi vậy các uỷ ban chuyên ngành, các trường đại học đã tổ chức hết hội nghị này đến cuộc thảo luận khác để tìm phương thế thống nhất với nhau về một nền đạo đức mới hầu thích ứng với thời đại. Tuy nhiên trong một xã hội đa nguyên đề cao sự tôn trọng tự do cá nhân như thế mà đã nảy sinh tình trạng hỗn loạn về tư tưởng, ai cũng muốn bảo vệ quan điểm của mình và vì thế không thể có bất cứ sự nhất trí nào về mặt nguyên tắc.
Trong tình trạng không có sự nhất trí ấy thì đương nhiên cái gọi là Đạo Đức Sinh Học không thể hình thành. Một xã hội mà không được xây dựng dựa trên một nền tảng đạo đức nào đó thì hậu quả đưa đến cho nó chỉ có thể là tan rã sụp đổ. Đaọ đức vừa giống như một thứ keo kết dính các cá nhân lại với nhau vừa là một thứ kim chỉ nam để hướng tới một mục tiêu siêu việt.
Để được coi là đạo đức thì nhất định nó phải hướng đến mục tiêu siêu việt khỏi con người thể lý. Do đó chúng ta cần phân biệt sự khác biệt giữa đạo đức và luân lý. Luân lý là do con người quy ước với nhau vì thế nó có thể thay đổi tuỳ nơi tuỳ thời. Luân lý chẳng qua chỉ là những tập tục những truyền thống được truyền lại từ đời này sang đời kia. Trái lại đạo đức thì bất di bất dịch và sự bất di dịch ấy là cho tất cả mọi thời đại mọi dân tộc.
Đạo đức không bao giờ thay đổi còn luân lý thì có thể thay đổi. Cách đây 25 thế kỷ nhà đạo học vĩ đại của đông phương đã nêu lên quan điểm về đạo đức thế này “Thất ĐẠO nhi hậu đức, thất đức nhi hậu nhân thất nhân nhi hậu nghĩa thất nghĩa nhi hậu lễ” (Mất ĐẠO rồi mới có đức mất đức rồi mới có nhân mất nhân rồi mới có lễ – Lão Tử ĐĐK chương 38). Với định nghĩa về đạo đức như thế đã cho thấy từ bậc “Đức” trở xuống đó là luân lý theo nghĩa cao nhất. Ấy vậy mà nay ngay cả “Lễ” là bậc cuối cùng có khi người ta cũng chẳng có huống chi là đức độ.
Quan niệm đạo đức của Lão Tử nếu đem ra so sánh thì cũng không khác nếu không muốn nói là Đạo Chúa còn hơn về phần thực hành. Tuy nhiên để có thể nhận ra quan niệm đạo đức của Đạo Chúa không khác với Lão Tử chúng ta cần trở về với Đấng Thiên Chúa nội tại là Cha mỗi người. Đấng Thiên Chúa là Cha ấy là Đấng Vô Phân Biệt. Chúa Giê Su nói về đức yêu thương: “Các ngươi đã nghe phán rằng: Hãy yêu người thân cận và ghét kẻ thù nghịch. Nhưng Ta nói cùng các ngươi hãy yêu thương kẻ thù nghịch các ngươi và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi hầu cho các ngươi được làm con của Cha các ngươi trên trời bởi vì Ngài khiến mặt trời soi trên kẻ ác cùng người thiện. Kẻ công chính cũng như kẻ bất chính” (Mt 5, 43 -45).
Chúa nói “Cha các ngươi trên trời” đó là Ngài nói với một thứ quần chúng chưa được giáo hoá. Còn với các Tông Đồ thì Chúa muốn dạy cho họ một đức yêu thương mới đó là yêu thương Đấng Cha ở nơi chính mình “Giu Đa (không phải là Ích Ca riốt) hỏi Ngài rằng: Thưa Chúa có chi xảy ra mà Ngài sẽ tỏ mình ra cho chúng tôi lại không tỏ ra cho thế gian ? Chúa Giê Su đáp: Nếu ai thương yêu Ta thì giữ đạo Ta. Cha Ta sẽ thương yêu người ấy. Chúng ta đều đến cùng người và lập cư với người” (Ga 14, 22 -23)
Con người chỉ có thể yêu mến Thiên Chúa một khi Ngài là Đấng nội tại là Cha của mình. Trái lại làm sao ta có thể yêu mến Thiên Chúa nếu Ngài ở tít cao trên chín tầng mây hoặc thứ khái niệm thần học chết khô nào đó ? Hiểu như thế mới thấy chỉ có lòng yêu mến Thiên Chúa mới được gọi là đạo đức thực sự. Ngược lại không yêu mến Thiên Chúa và vâng theo lời Ngài đó là vô đạo.
Mặc dầu vậy làm sao chúng ta có thể yêu mến Thiên Chúa Đấng mà ta không biết nếu không có Đức Kitô Đấng trung gian giải hoà “Mọi sự đều ra từ Thiên Chúa, Ngài đã nhờ Đức Kitô mà khiến chúng ta hoà lại với Ngài và giao cho chúng tôi chức dịch giải hoà” (2Cr 5,18). Con người được tạo dựng là Hình Ảnh Thiên Chúa, là Con Thiên Chúa nhưng bởi Tội Nguyên Tổ mà đã trở nên bất hoà với Thiên Chúa Đấng là Cha mình, nhưng nay nhờ Đức Kitô chúng ta lại được làm hoà với Ngài.
Ý nghĩa việc làm hoà này chúng ta chỉ có thể hiểu đó là hoà lại với chính mình. Bao lâu con người chưa làm hoà được với mình tức với Bản Tâm mình thì bấy lâu vẫn còn coi thiên nhiên vạn vật như là một thứ đối tượng cần phải thu đoạt chiếm hữu. Tất cả những việc tích cóp làm giàu của cá nhân cho đến chiến tranh giữa các dân tộc quốc gia dưới bất cứ chiêu bài nào cũng đều là những hình thức chiếm hữu. Chính cái tư tưởng chiếm hữu ấy cộng với tiến bộ khoa học mà thiên nhiên đã bị khai thác đến cùng kiệt để rồi từ đó nảy sinh vấn đề ô nhiễm môi trường không cách chi có thể giải quyết. Muốn giải 1uyết vấn đề ô nhiễm môi trường thì cần phải khởi sự từ ở nơi Tâm. Bao lâu Tâm con người còn tham muốn chiếm hữu thì môi trường không có cách chi không khỏi ô nhiễm.
Giải quyết ô nhiễm môi trường thì phải khởi từ ở nơi Tâm và đây chính là vấn đề đặt ra cho tôn giáo. Nói cách rõ hơn thì Giáo Hội Công Giáo có đóng vai trò gì trong việc giải quyết vấn đề này không ? Thực sự thì Giáo Hội cũng rất quan tâm và muốn giải quyết nó theo phương thế của mình “Về phần mình Giáo Hội Công Giáo không thể dửng dưng và thản nhiên chứng kiến các diễn tiến hỗn loạn của Đạo Đức Sinh Học. Giáo hội phải lên tiếng công bố giáo thuyết đích thực của Tin Mừng về giá trị bất khả xâm phạm của sự sống con người về sự tôn trọng nhân phẩm cần phải có đối với mọi người bất kể tình trạng thể lý và trình độ học vấn của họ” (Dionigi Tettamangi & Guy Durand – Tân Đạo Đức Sinh Học Kitô).
Nếu cho rằng giáo thuyết đích thực của Tin Mừng là về giá trị bất khả xâm phạm của sự sống con người thì chắc chắn đây không phải là Tin Mừng của Đức Kitô. Sao có thể nói thế ? Bởi vì Đức Kitô chỉ rao giảng duy nhất có một Tin Mừng và đó là Tin Mừng về Nước Trời nội tại “Người Pharisiêu hỏi Chúa Giê Su về Nước TRời chừng nào đến thì Ngài đáp:Nước Trời không đến cách mắt thấy được. Người ta cũng sẽ không thể nói đây này hay đó kia vì này Nước Trời ở trong các ngươi” (Lc 17, 20 -21).
Giữa Tin Mừng về Sự Sống và Tin Mừng về Nước Trời có sự khác biệt triệt để thế này. Một đàng để nói về sự sống xác thân. Một đàng nói về Sự Sống Siêu Nhiên đời đời. Nếu chỉ nói về sự sống xác thân thì nào có chi đáng để gọi là Tin Mừng. Trái lại Đức Kitô rao giảng Nước Trời và gọi đó là Tin Mừng bởi chưng Nước Trời ấy cũng chính là Sự Sống siêu nhiên đời đời. Một người nào đó nghe Tin cho biết ngay ở nơi mình có Sự Sống siêu nhiên đời đời liền Mừng Vui hớn hở thì đó mới gọi là Tin Mừng.
Để duy trì sự sống xác thân thì phải lo toan đủ điều nào là cơm áo nào là nhà cửa thuốc men này nọ. Thế nhưng dù có lo toan đến đâu thì rồi ra có ngày nó cũng phải lăn ra chết. Lo cho nó mà rồi cũng chết thì cái lo ấy thật là vô ích bởi vậy Đức Kitô truyền dạy “Thế thì chớ có lo lắng rằng: Chúng ta ăn gì uống gì mặc gì ? Vì mọi điều ấy các dân ngoại vẫn lo. Song Thiên Phụ các ngươi biết các ngươi cần dùng những thứ đó rồi. Nhưng trước hết hãy lo tìm kiếm Nước Trời và sự công chính của Người thì mọi điều ấy sẽ được thêm cho các ngươi. Vậy nên chớ có lo lắng chi về ngày mai vì ngày mai sẽ tự lo cho ngày mai. Sự khó ngày nào đủ cho ngày ấy” (Mt 6, 32 -34).
Sống ở đời thì đương nhiên là có sự khó và cái sự khó ấy trước hết là do ở nơi thân. Thiếu ăn thiếu uống là mệt là chết. Thiếu quần áo nhà cửa thì nóng bức rét mướt. Thiếu thuốc men thì đau bệnh v.v… Tiếp theo cái khó ở nơi thân là khó ở môi trường sống gây nên. Môi trường ở đây bao gồm cả những con người chung quanh nào là vợ con nào hàng xóm láng giềng đồng nghiệp v.v… Dù là cái khó ở thân hay ở môi trường thì tất cả đều hệ tại ở nơi Tâm. Nếu Tâm ô nhiễm thì toàn thân và môi trường đều ô nhiễm. Ngược lại nếu Tâm không ô nhiễm bởi tham muốn dục lạc kiêu căng khinh thị thì cả xác thân và môi trường đều được an lạc bình an.
Mọi sự khổ vui đều được quyết định bởi Tâm, vì thế người khôn ngoan là biết tạo cho Tâm mình khỏi sự nhiễm ô của thế gian. Gieo nhân nào sẽ gặt được quả ấy và cái nhân lành tối thượng chính là biết vâng theo Thánh Ý Chúa “Chớ thương yêu thế gian cũng đừng thương yêu các vật ở thế gian nữa. Nếu ai thương yêu thế gian thì tình thương yêu Cha chẳng ở trong người ấy. Vì mọi sự trong thế gian như tư dục của xác thịt tư dục của mắt và sự kiêu căng của đời sống này đều chẳng phải từ Cha bèn là từ thế gian mà ra. Vả thế gian với tư dục của nó đều qua đi. Song ai làm theo Ý Chỉ của Thiên Chúa thì còn tồn tại đời đời” (1Ga 2, 15 -17).
Theo Lam Hồng