“Trên căn bản phẩm giá và sứ mạng của họ, các cha mẹ Kitô hữu có bổn phận đặc biệt phải giáo dục cho con cái họ biết cầu nguyện, phải đưa chúng tới chỗ dần dần khám phá ra mầu nhiệm Thiên Chúa và đối thoại riêng với Ngài: “Nhất là gia đình Kitô hữu đã nhận được những ân sủng, và đòi hỏi phong phú của bí tích Hôn Phối, nên ở đó ngay từ nhỏ, trẻ em phải được dạy dỗ để nhận biết và thờ kính Thiên Chúa cùng yêu mến tha nhân, theo như đức tin chúng đã lãnh nhận khi chịu phép Rửa Tội” (Tông Huấn Gia Đình, số 60).
Gương sống cụ thể, chứng tá sống động của cha mẹ, là yếu tố căn bản và không thể thay thế được trong việc giáo dục cầu nguyện: chỉ khi nào cha mẹ cùng cầu nguyện với con cái, chu toàn chức vụ tư tế vương giả của họ, họ mới vào sâu được trong lòng con cái và để lại đó những dấu vết mà các biến cố cuộc sống về sau sẽ không thể xóa nhòa được. Chúng ta hãy nghe lại lời kêu gọi mà Đức Phao-lô VI đã ngỏ lời với cha mẹ: “Hỡi các bà mẹ, chị em có dạy cho các con nhỏ của mình những lời kinh của người Kitô hữu không? Chị em có cộng tác với các linh mục để chuẩn bị cho chúng lãnh nhận các bí tích của thời niên thiếu: xưng tội, rước lễ, thêm sức không? Nếu chúng đau ốm, chị em có tập cho chúng quen nghĩ tới những sự đau khổ của Đức Kitô, quen kêu cầu sự giúp đỡ của Đức Mẹ Đồng Trinh và các thánh không? Chị em có lần hạt chung với chúng ở gia đình không? Còn anh em hỡi những người cha, anh em có biết cầu nguyện chung với con cái, với cộng đồng gia đình, ít là thỉnh thoảng không? Gương sống của anh em qua sự ngay thẳng trong tư tưởng và hành động, được hỗ trợ bằng ít nhiều kinh nguyện chung, quả là một bài học sống, một hành vi thờ phượng đáng tuyên dương. Như thế anh em đang đem bình an vào trong tổ ấm gia đình anh em: “Bình an cho nhà này”. Đừng quên rằng làm như thế là anh em đang xây dựng Giáo Hội!”.
Để đào tạo tâm tình cầu nguyện, để giúp các cháu nhớ có Thiên Chúa hiện diện trong gia đình, mỗi nhà đều nên có một bàn thờ sáng sủa, trình bày đơn giản để diễn tả đức tin thật chính xác. Bàn thờ tổ tiên có thể đặt ngay dưới bàn thờ Chúa, nhưng cần có sự phân biệt rõ ràng, hoặc có thể để ở gian khác, nên trình bày đơn giản, sáng sủa.
Bàn thờ cần giữ sạch sẽ, tuyệt đối không để những vật dụng lặt vặt. Nên lau bàn thờ mỗi chiều thứ bảy hoặc sáng Chúa nhật.
Điều cần thiết khi cầu nguyện là nhớ rằng Thiên Chúa đang hiện diện. Ta ở đó để nghe Chúa nói và nói với Chúa. Muốn dễ nhớ sự hiện diện của Thiên Chúa, khi cầu nguyện nên ăn mặc nghiêm chỉnh, thu dọn đồ đạc trong phòng và trên bàn cho ngăn nắp.
Để khỏi rơi vào thói quen đọc kinh máy móc, cần tránh kiểu đọc đều đều. Nên đọc chậm, ngắt câu rành rẽ, nghỉ lâu hơn. Nếu được, nên dùng cung nói thay vì cung đọc.
Buổi tối, cần thu xếp cầu nguyện thật sớm để tiện cho mọi người, nhất là để trẻ em có thể tỉnh táo. Tốt nhất là dăm phút sau khi ăn tối xong. Sáng cũng như tối, giờ cầu nguyện cần được đặt lên hàng đầu, trước khi làm mọi việc khác, để nếu cần xén bớt vài việc thì sẽ hy sinh những việc khác chứ không bỏ mất giờ kinh.
Theo thanhlinh.net