Gia đình, tiếng gọi thân thương trong đại dịch

Gia đình chính là động lực cho em đủ sức vượt qua khó khăn trong đại dịch…

Đã quá nửa đêm, tôi chuẩn bị vào ca trực. Ở một góc phố của Bệnh viện Dã chiến, vẫn còn sáng rực ánh đèn. Làn gió hiu hiu trong đêm bỗng gợi nhớ trong tôi về… gia đình.

‘Gia đình’ – tiếng gọi thân thương mà ai sinh ra trong cuộc đời cũng đều mong được ấp ủ trong đó. Đó là nơi không chỉ đơn thuần là một mái nhà thật to với vài ba con người sinh sống, mà còn là nơi được sưởi ấm bởi tình yêu thương giữa vợ chồng, giữa ba mẹ với con cái. Đó là nơi mà bất kì ai đã ở rồi thì đều không muốn rời xa.

Khi nói về gia đình, người ta thường nói về hạnh phúc, yêu thương và thành công. Với tôi, gia đình là nơi tình yêu xen lẫn đau khổ và cả những hy sinh, là nơi thiêng liêng vì nó mang lại cho ta biết chung nhịp đập với nỗi đau của người bên cạnh.

B.T.N. – một bạn trẻ bị con virút hành hạ – đã làm cho tôi thấy quý biết bao giây phút bên gia đình thân thương của mình. Chuông điện thoại reo, đầu dây bên kia giọng nghẹn ngào: “Sơ ơi, sơ nhớ thăm N. giúp con. Nhà con bị Covid cả nhà, mỗi người một nơi. Nay chúng con đã được về nhà. Hơn một tháng rồi, con chưa nghe tiếng của nó. Chúng con nhớ và mong nó lắm!”

Tôi đã không thể kìm nước mắt khi nhìn hình ảnh của em. Gần một tháng trời, em chiến đấu trong từng hơi thở. Em nằm khoa ICU, có khi không đủ sức, bác sĩ cho chạy máy ECMO. Tuy nhiên, khuôn mặt em lúc nào cũng tươi tắn, miệng lúc nào cũng nở nụ cười. Mỗi lần gặp mặt, câu đầu tiên em hỏi: “Sơ ơi, cả nhà con vẫn bình an đúng không ạ? Con nhất định sẽ khỏe để về gặp cả nhà. Con nhớ ba, nhớ mẹ, nhớ cả em gái hay ghẹo con nữa!”

Gia đình chính là động lực cho em đủ sức vượt qua khó khăn. Em có một nghị lực phi thường. Bác sĩ bảo: “Ca này tưởng không qua khỏi, không ngờ nay có dấu hiệu khá lên rồi. Người nhà của sơ à? Sơ cứ tiếp tục động viên, thăm hỏi như thế, hy vọng sẽ có tin vui.” Nghe đến đó, những giọt nước mắt trong tôi trào ra, hòa lẫn với những giọt mồ hôi trong bộ đồ bảo hộ. Niềm vui như vỡ òa. Không biết tôi đã trở thành ‘người thân’ của em tự bao giờ. Được phục vụ nơi đây, vui và hạnh phúc nhất chính là khi nhận được tin một bệnh nhân được xuất viện. Do đó, nếu có chút thời gian, tôi thường rủ một số chị em khác đi thăm hỏi và động viên bệnh nhân, giúp họ lấy lại tinh thần để chiến đấu.

Thăm hỏi nhau là một điều gì đó ‘xa xỉ’ trong mùa dịch, vì hành vi này có thể mang mầm bệnh đến cho người khác. Nhiều khi không thăm hỏi lại là đang làm điều tốt cho nhau. Nghịch lý ấy làm cho ta thấy rằng, chúng ta đã bỏ sót nhiều cơ hội viếng thăm, ở cạnh nhau, chưa coi trọng sự hiện diện và cơ hội được ở bên nhau trước khi Covid đến. Nhiều khi ở bên nhau nhưng tâm hồn xa cách nhau, hoặc nhiều khi ở chung trong một gia đình mà không cảm nhận được niềm vui và sự hiện diện của nhau. Đúng là có xa nhau mới thấy nhớ, có mất đi thứ gì đó mới biết trân trọng nó.

N. đã làm tôi thức tỉnh để nhận ra và trân quý phút giây được ở bên gia đình, bên ba mẹ yêu quý của mình. Bởi có nhiều bệnh nhân chỉ thèm giây phút được nhìn ba, mong được nhìn mẹ từ xa dù chỉ là một phút mà cũng không thể. Con virút nhỏ bé làm cho N. yếu dần đi từng ngày. Em không biết còn có cơ hội để được nhìn mặt ba mẹ nữa không. Nhưng nghị lực nơi em khiến tôi phải cảm phục. Tôi tin em nhất định làm được.

Mỗi lần gặp tôi, tuy mệt mỏi nhưng em luôn có nụ cười trên khuôn mặt nhỏ nhắn. Em bảo: “Con cười thì sẽ mau khỏe, đúng không sơ? Rồi con sẽ được về nhà với ba, với mẹ, với em gái nữa. Con nhớ… con nhớ cả nhà lắm, sơ ạ! Sơ nhắn với cả nhà là con sẽ khỏe lại, sẽ về với mọi người. Sơ nói với mẹ đừng lo cho con, đừng khóc. Mẹ chờ con… nhất định con sẽ về!” Phải, em sẽ về, em sẽ làm được N. ạ! Cố lên em nhé!

Em tâm sự: “Thực sự trước đây, con đã không để ý đến suy nghĩ, cảm xúc của ba mẹ. Con cũng chưa hề mở miệng nói với ba mẹ một câu: ‘Con yêu ba, con thương mẹ nhiều lắm!’”

Thế đấy, dường như, càng lớn, con cái càng xa bố mẹ. Những cái ôm hôn và câu nói yêu thương, cảm ơn bố mẹ ngày càng ít dần và khó mở lời. Nhiều bạn trẻ dù rất yêu thương bố mẹ của mình nhưng lại không thể hiện được bằng lời nói. Câu nói ‘Con yêu ba, con yêu mẹ’ trở nên ngượng nghịu. Không chia sẻ, không thể hiện tình cảm, vô tình khiến khoảng cách giữa cha mẹ và con cái cứ thế mà lớn dần. Trong khi thời điểm hiện tại, có những bạn khao khát được gặp ba mẹ để nói lên câu này mà không thể được.

Giây phút này, N. rất nhớ và chỉ mong được ở trong vòng tay của ba mẹ dù chỉ một phút thôi nhưng cũng không được. Quả thật, những ai còn ba mẹ bên cạnh mình thực sự là rất may mắn và hạnh phúc.

Em kể tôi nghe ba mẹ của em luôn là một người quá đỗi nghiêm khắc và khó tính. Có những lúc em cảm thấy thật ganh tị với những đứa bạn có người cha luôn vui vẻ, dịu dàng; có người mẹ thương yêu, chiều chuộng. Em đã từng nghĩ rằng, “Ba mẹ không yêu thương con, không quan tâm con, không hiểu con. Khi con làm sai ba mẹ thường mắng con, không cho con cơ hội giải thíchNhững ngày ở nhà, con thực sự không hề vui, sơ ạ! Con đã khóc, khóc vì mình không có được sự quan tâm, sự thông hiểu của ba mẹ.” Khi nghe những tâm sự ấy tôi đã không cầm được nước mắt, khóe mắt tôi cay cay. Tôi thấy nơi khóe mắt em cũng đang tuôn trào hai hàng nước mắt.

Em tâm sự: “Cứ như vậy, càng lớn con càng không dám mở lòng với ba mẹ. Em rất sợ ra ngoài bởi sẽ bắt gặp những gia đình tràn ngập tiếng cười mà tủi thân.”

Giờ đây, em đang khóc không phải vì tủi thân nhưng khóc vì thèm biết bao những khoảnh khắc đã qua ấy, khoảnh khắc ba quan tâm, giây phút được mẹ mắng yêu. Bởi em tin và cảm nhận được ba mẹ làm tất cả vì yêu.

“Con thật vô tâm đúng không sơ? Con đã không để ý đến suy nghĩ, cảm xúc của ba mẹ. Con cũng chưa hề mở miệng nói với ba mẹ một câu: ‘Con yêu ba, con thương mẹ nhiều lắm!’ Con muốn sơ giúp con chuyển những lời này đến ba mẹ yêu quý của con: ‘Con yêu ba mẹ nhiều nhiều lắm. Ba mẹ chờ con trở về. Mong mẹ đừng lo nghĩ nhiều.’ Con sợ ở nhà mẹ lại trằn trọc suy nghĩ về con và sợ nhất giọt nước mắt của mẹ.”

Em nói trong mệt nhọc: “Con không chắc mình sẽ sớm khỏe nhưng con hứa sẽ cố gắng hết sức, từng hơi con thở là để nhớ đến tình yêu ba mẹ dành cho con. Sơ biết không, con là anh hai khỏe mạnh hơn em, con tự nhủ: mình phải là đứa con ngoan, không làm ba mẹ phải phiền lòng. Vậy mà, giờ đây con lại làm mẹ phải khóc. Con thật tệ phải không sơ?”

N. mang căn bệnh này, lỗi đâu phải do em! Khi mang trong mình nỗi đau đớn, em lại nghĩ về người khác hơn là bản thân mình.

N. đã làm tôi phải nhìn lại mình. Chính khi tôi còn được đứng đây nghe em tâm sự, còn được hít thở qua lớp khẩu trang, đó đã là ơn đặc biệt Chúa ban rồi.

Tôi chợt nhận ra: Đại dịch làm cho ta phải xa cách, phải cô lập để bảo vệ nhau, nhưng lại cũng là cơ hội để ta quý trọng giây phút mình được ở bên nhau. Tôi tin rằng khi dịch qua đi, mình sẽ thật sự biết trân trọng nhau, biết cảm ơn nhau, biết mang niềm vui đến cho nhau.

Đến đây, tôi nhớ câu nói của một thi hào người Anh: “Thiên Chúa thì thầm trong những lúc ta vui – Người thì thầm trong lương tâm ta. Nhưng Người nói lớn mạnh trong những đau khổ của ta. Những đau khổ đó là cái loa tăng âm để làm thức tỉnh một thế giới ngủ mê.” (Clive Staples Lewis)

Gia đình thực sự là nơi để trở về, là động lực cho biết bao tâm hồn yếu đuối. Xin cho những ai có gia đình luôn biết quý trọng những gì mình có, vì chỉ có yêu thương mới làm nên tổ ấm thực sự. Đại dịch đến cho ta một cơ hội nhìn lại sự may mắn của bản thân, để thấy quý giá hơn những gì mình đang có, để nhớ thật nhiều về tình người, về sự quan tâm và yêu thương dành cho nhau.

Têrêsa Nguyễn Vui (TGPSG)
Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Linh Mục

Check Also

Anh chị đã phó thác vào Chúa và Chúa đã nhậm lời anh chị

Hôm trước đi lễ, mình nghe Cha kể lại câu chuyện Cha mới nghe từ …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.