BVSSHN (16.01.2016) Đây là một bức thư của một người anh trai gửi cho cô em gái. Một bức thư đầy ắp sự lo lắng trăn trở nhưng cũng đầy ắp yêu thương mà cô gái nào cũng nên đọc. Bởi những lời tâm tình dạy dỗ này cần thiết cho mọi cô gái khi bước vào cuộc đời và tìm kiếm cho mình một người để trao gửi tình yêu.
Em của anh,
Quả là một thời gian quá dài anh và em dường như chẳng có một chút liên lạc, kể cả trên Facebook hay bất cứ một phương tiện giao tiếp xã hội nào cũng không. Nhìn bề ngoài có vẻ như tình cảm của anh em mình không có gì để nói và đang nhạt dần theo sự im lặng của không gian và thời gian. Thế nhưng, bỗng có một điều khiến cho anh và em có thể khởi đầu một cuộc trò chuyện online, vì em đang muốn anh chia sẻ chút suy nghĩ của mình về một bản nhạc mà em đang rất thích, vì theo em, nó nói lên những điều lòng em đang suy nghĩ và con tim em đang thao thức, bản nhạc “Mình Yêu Nhau Đi” mà trong đó nổi bật lên đoạn điệp khúc có câu: “Hay là mình cứ bất chấp hết yêu nhau đi”. Và em nghĩ rằng đó là một lời đề nghị đúng đắn và hợp thời teen như em, thời mà các bạn nam lẽ ra phải bạo dạn và nam tính hơn, thì hoá ra lại trở thành “những hoàng tử bé” thích ôm gấu bông vào chốn đông người, thích có đôi mắt long lanh, đôi môi hồng thắm, và một làn da trắng hơn cả sữa bò, nên trong tình yêu có tính chất “đảo chiều” không hề nhẹ, nghĩa là rụt rè, e lệ, bén lẽn như các cô, nên để cho nhanh nhanh phiến phiến, thì các cô phải ngỏ lời trước “hay là mình cứ bất chấp hết yêu nhau đi”.
Em của anh, theo lời đề nghị của em, anh cũng thử mày mò lên mạng để tìm và nghe thử, cảm giác đầu tiên của anh khi anh “bất chấp hết mọi rào cản về sự hiểu biết, tính nghiêm túc của âm nhạc, tính nghiêm túc của ca từ, và tính nghiêm túc của một người con gái” thì anh thấy cũng thật đã tai thật, bởi ít nhất con gái ngày nay cũng đã đạt tới một sự giải phóng tuyệt vời, một kiểu giải phóng số học và toán học, đó là sự bình đẳng về giới. Theo đó, người nam và người nữ giờ đây giống như đẳng thức toán học A = B. Một sự bình đẳng nghe qua có vẻ hợp lý và hợp thời, nhưng đó lại là một sự bình đẳng dẫn đến bạo loạn và làm mất hết căn tính về phái của cả hai bên, nhất là đối với phái nữ như em. Nếu em hiểu được bình đẳng là gì, thì có lẽ em sẽ không bao giờ cho phép mình rơi vào một kiểu bình đẳng cứng nhắc của toán học như hiện nay, đâu em ạ. Vậy thì đâu là sự bình đẳng đích thực?
Theo đó, sự bình đẳng đích thực không phải hệ tại ở chuyện ai làm gì tôi cũng làm được, phái nam làm gì thì phái nữ cũng làm được và ngược lại như quan niệm hiện tại, mà đó là một sự rõ ràng về vai trò và trọng trách mà trong ưu thế về phái tính của mình, mỗi bên thi hành một nhiệm vụ đặc biệt của phái mình để bổ trợ và cùng nhau làm cho cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn. Thế nên, nếu theo quan niệm bình đẳng số học hiện tại thì anh hỏi em, người con trai có làm được một người mẹ đúng đắn không? Nghĩa là mang thai, sanh nở, nuôi nấng bằng dòng sữa mẹ như một người con gái và phụ nữ bình thường không? Câu trả lời chắc chắn và vĩnh viễn là ‘KHÔNG’ rồi, phải không em? Thế nên, trong tình yêu, không có chuyện người con gái chủ động theo kiểu “bất chấp hết” như trong bài hát này, vì nếu không, sẽ dẫn đến một hệ luỵ vô cùng nguy hiểm, đó chính là tình trạng đánh mất hết căn tính về phái của mình, và tạo nên một tình trạng loạn về mặt luân lý tính dục.
Về căn tính phái: Em sẽ không còn là một người con gái đúng mực như phẩm giá của mình nữa, mà giờ đây em phải gồng mình lên để chiều chuộng người bạn trai mà em đã trót anh hùng rơm đưa ra lời đề nghị “hay là mình cứ bất chấp hết yêu nhau đi”. Bởi theo tâm lý bình thường, một người được yêu sẽ thấy mình nhỏ bé trước người yêu mình và đồng thời thấy mình được cái quyền “hư” mà dân gian hay gọi là “làm nũng”, hay tắt một lời là quyền được nuông chiều. Theo trật tự tình yêu này, bản chất phái nữ luôn ở vai trò người được yêu và được nuông chiều, thì giờ đây hoán chuyển sang cho “mỹ nhân nam” kia. Và em biết, cái gì trái với trật tự thì sẽ sinh ra đau khổ, đổ vỡ, mệt mỏi, chết chóc. Em có thể chiều chuộng chàng được một vài tháng, nhưng không thể chiều được cả đời như kiểu tuyên bố anh hùng rơm trong bài hát:
“Cho dù ta đã mất rất rất lâu để yêu nhau
Nhưng chẳng còn gì ý nghĩa nếu như chúng ta không hiểu nhau,
Và muốn quan tâm nhau, phải không anh?
Và em xin hứa sẽ mãi mãi yêu một mình anh
Cho dù ngày sau dẫu có nắng hay mưa trên đầu
Em chẳng ngại điều gì đâu chỉ cần chúng ta che chở nhau
Có anh bên em là em yên lòng
Kể từ hôm nay em sẽ chính thức được gọi anh: Anh yêu”.
Về luân lý tính dục: Tự bản chất, xét về mặt đạo đức bình dân, thì ai cũng biết rằng yêu không đồng nghĩa với những thoả mãn tính xác thịt của hai phái. Thế cho nên, cũng theo trật tự phái bình thường, bản chất tự nhiên của người nam là luôn đòi hỏi những thoả mãn thuộc hàng “trái cấm” ấy, còn phụ nữ thì phải biết tránh tạo dịp, tạo cớ, và biết từ chối khi bị đưa vào dịp dù là tình cờ. Còn bây giờ, đã trót dại tuyên bố đầy hào khí “hay là mình bất chấp hết yêu nhau đi” khi ngỏ lời yêu bạn trai kia, vậy em lấy gì để từ chối khi bạn kia nói “hay là mình cứ bất chấp trao hết cho nhau để chứng minh tình yêu đi”? Em từ chối, thì kiểu gì em cũng bị cho là quê mùa, đã can đảm mời gọi người ta yêu mình mà giờ đây không đủ can đảm để trao hết những gì là còn lại để minh chứng tình yêu. Chưa kể, em lại đóng vai nam trong câu chuyện này, nên không thể nhát cáy như con gái bình thường được nữa, nên đành phải nhắm mắt anh hùng rơm để “bất chấp hết mọi rào cản luân lý và đạo đức” để thoả mãn xác thân. Và khi đã “bất chấp hết để ‘yêu nhau'” thì sẽ dẫn đến một tội ác mang tên “hay là chúng mình cũng bất chấp hết để phá thai đi”, một tội ác giết người.
Em của anh, “mọi cơn cám dỗ đều bắt đầu từ một sự không có gì là nguy hiểm. Rồi sau đó nó tìm đồng minh để cùng thực hiện. Sau đó là nó lây lan sang nhau. Và cuối cùng thì nó tự biện minh cho chính nó”, đó là lộ trình của mọi cơn cám dỗ mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chỉ ra cho chúng ta thấy. Thế nên, tự bản chất thì bài hát và lời bài hát không phải là một điều gì đó xấu xa đáng tránh, nhưng nếu nghe nhiều, nghĩ nhiều, và từ đó đi đến chỗ đồng tình với quan điểm của tác giả sáng tác, thì việc hành động theo lời ca là chuyện tất yếu phải xảy ra. Thế nên, cách tốt nhất để tránh nguy hại cho mình và cho mọi người là phải tránh ngay từ trong tư tưởng của chính mình. Vậy, là một cô gái ngoan hiền và đạo đức, em có muốn biến mình thành một nam anh hùng rơm để phải gánh chịu hậu quả của cái gọi là “hay là mình bất chấp hết để yêu nhau” không? Em có muốn gia đình em phải mang lấy nỗi khổ đau vì một chút anh hùng rơm và sự hiểu biết nông cạn về bình đẳng phái không? Anh tin là em hoàn toàn không muốn, phải không? Vậy thì em “cứ hãy bất chấp hết những âm thanh kia đi” và “cứ hãy bất chấp hết mọi lời mời mọc” để rút sâu vào trong nội tâm trong sáng của em, ở đó, em sẽ thấy một tình yêu trọn hảo và mang lại niềm vui, bình an, và sự sống dồi dào cho em và mọi người thân yêu của em.
Anh của em,
Joseph C. Pham