Phá thai: Tội và Hình phạt

1. Thực trạng

Phá thai là một hành động vô luân huỷ hoại sự sống. Việt nam là một 5 nước đứng đầu trên thế giới về số lượng ca nạo phá thai. Con số trung bình lên đến 300.000 ca mỗi năm [1]. Đó là chưa kể đến các ca nạo phá thai ở các cơ sở tư nhân, phá thai chui và phá thai trá hình không được thống kê. Tội ác này không những không bị chính quyền ngăn cấm mà còn được cỗ vũ, khuyến khích dưới nhiều hình thức khác nhau. Và thậm chí còn được xem là quyền của mỗi người. Bên cạnh đó, các phương tiện y khoa ngày càng tinh vi hiện đại giúp việc thực thi tội ác này ngày càng dễ dàng hơn. Chỉ cần gõ chữ ‘phá thai’ trên Google, ta sẽ nhận được cả hàng trăm trang quảng cáo dịch vụ phá thai. Không những trên các website mà ở trong các thành phố ta vẫn thấy nhan nhãn những biển quảng cáo cho dịch vụ này.[2] Người Công giáo Việt Nam ngày nay đang phải sống trong xã hội với một thực trạng như vậy, chắc chắn việc phá thai sẽ là một cám dỗ rất lớn. Chủ đề phá thai được bàn đến trong nhiều lãnh vực của cuộc sống. Nó là chủ đề liên quan đến Y khoa hay tâm lý, xã hội, chính trị, luật pháp, luân lý… Ý thức được phạm vi rộng lớn của vấn đề, tôi chỉ xin đề cập nó (ở mức sơ sài) dưới cái nhìn Kinh Thánh, Giáo Luật, và Giáo Huấn của Hội Thánh về tội và hình phạt dành cho người Công giáo khi phạm đến tội ác này.

2. Thánh Kinh nói gì?

Ngay từ những trang đầu, Kinh Thánh Cựu Ước cho thấy chính Thiên Chúa đã sáng tạo nên con người (St 1, 26-27; Gióp 10, 8-12; 31,15; Tv 139,13-16). Sách Thánh khẳng định, sự sống con người thuộc về Thiên Chúa và chỉ mình Ngài mới có quyền tối thượng quyết định trên nó (Dnl 32,39). Vì thế, ai đổ máu người vô tội thì mang tội lớn và phải chịu hình phạt cũng như phải đền bù thoả đáng (St 9,5-7; Xh 21,22-25). Đặc biệt, Kinh thánh cũng đề cập đến tội lỗi và hình phạt trong việc tắm máu các trẻ thơ vô tội. “Ngươi đã làm gì vậy? Từ dưới đất, tiếng máu của em ngươi đang kêu lên Ta! Giờ đây, ngươi bị nguyền rủa bởi chính đất đã từng há miệng hút lấy máu em ngươi do tay ngươi đổ ra. Ngươi có canh tác đất đai nó cũng không còn cho ngươi hoa màu của nó nữa. ngươi sẽ lang thang phiêu bạt trên mặt đất” (St 4,10-12). Đó chính là bản án dành cho Cain khi ông đã đổ máu người vô tội là Aben, em mình.

Đến thời Tân Ước, Tin Mừng Luca cho thấy Đức Maria là mẫu gương cho chúng ta trong việc đón nhận, bảo vệ và nâng đỡ sự sống thai nhi. Hai tiếng “Xin Vâng” nói lên thái độ vâng phục và đón nhận sự sống của Mẹ từ Thiên Chúa quan lời Sứ Thần (Lc 1, 26-38). Mẹ viếng thăm, nâng đỡ bà Elisabeth và thai nhi Gioan khi nghe biết người chị họ này đã mang thai trong lúc tuổi già (Lc 1,39-45). Tin Mừng thứ ba này còn cho biết không những Đức Maria mà cả thai nhi Gioan Tẩy Giả cũng hân hoan và nhảy mừng trong bụng mẹ để đón chào Sự sống (thai nhi Giêsu): “Vì này đây, tai tôi vừa nghe lời em chào thì đứa con trong bụng đã nhảy lên sung sướng” (Lc 1, 44). Sau hết, Chúa Giêsu cũng đã bảo vệ sự sống. Thái độ yêu thương của Người dành cho các trẻ nhỏ cho thấy điều đó. Ngài đề cao các trẻ nhỏ và ví chúng như các thiên thần trên trời được chiêm ngưỡng nhan Chúa Cha (Mt 18,10).

Ngài hân hoan đón nhận các trẻ nhỏ đến với Ngài và tuyên bố “Nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng” (Lc 18, 16). Rõ ràng, Kinh thánh Cựu ước và Tân ước tuy không trực tiếp nói đến phá thai nhưng đều nhìn nhận sự cao trọng của sự sống và đặc biệt bảo vệ sự sống của thai nhi, những người vô tội yếu đuối. Xúc phạm đến sự sống vô tội đều phải gánh chịu một hình phạt nhất định.

3. Giáo Luật Và Giáo Huấn của Hội Thánh [3]

Theo bộ giáo luật 1983 điều 1398 quy định: “người nào thi hành việc phá thai có hiệu quả thì bị vạ tuyệt thông tiền kết”. Vạ tuyệt thông tiền kết là gì? Đây là loại hình phạt mang tính tự động (automatic). Hình phạt này tội nhân phải gánh chịu “do tính cách nghiêm trọng của tội ác” [4]; và không cần một tuyên án cụ thể nào của nhà chức trách có thẩm quyền. Vạ tuyệt thông tiền kết thường được áp dụng cho các tội lớn trong giáo hội như lạc giáo, bội giáo, ly giáo. Tại sao lại áp dụng án phạt này cho người có hành vi nạo phá thai? Bởi lẽ, các thai nhi không có khả năng tự vệ nên tội ác phá thai có tính chất nghiêm trọng. Giết một người trưởng thành chỉ mang tội trọng trong khi đó giết thai nhi không những mang tội trọng mà còn bị vạ tuyệt thông tiền kết. Huấn quyền đã lặp đi lặp lại và dạy một cách xác tín rằng phá thai luôn là trọng tội và vô luân nghiêm trọng [5]. Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II cũng khẳng định: “Vì vậy, với quyền bính được Chúa Kitô trao cho Phêrô và những người kế vị, trong sự hiệp thông với tất cả giám mục của Giáo Hội Công Giáo, tôi xác nhận rằng việc trực tiếp và cố ý giết một người vô tội luôn luôn là điều vô luân nghiêm trọng. Giáo lý này căn cứ vào luật bất thành văn mà mọi người nhận thấy trong thâm tâm của mình dưới ánh sáng của lý trí (x. Rm 2, 14-15), được Thánh Kinh khẳng định và Truyền Thống Giáo Hội lưu truyền và được Huấn Quyền thông thường và phổ quát giảng dạy” [6]. Nếu một người Công Giáo nạo phá thai, hành động và xác tín của họ đi ngược với Giáo Huấn của Giáo Hội. Một mặt, họ thực hiện hành vi phá thai hiệu quả và chịu hình phạt theo quy định điều luật 1398. Mặt khác, họ có quan điểm trái ngược với Giáo Huấn của Giáo Hội khi cho rằng phá thai là không vô luân, chấp nhận được hay cho rằng đó là quyền của con người. Điều này khiến họ bị liệt vào hạng người lạc giáo. Theo điều 751: “Lạc giáo là ngoan cố chối bỏ hoặc ngoan cố hồ nghi về một chân lý phải tin với Đức tin Thần Khởi và Công giáo sau khi đã lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội; bội giáo là chối bỏ đức tin Kitô giáo; ly giáo là từ chối vâng phục Đức Giáo hoàng hoặc từ chối hiệp thông với các chi thể của Giáo Hội thuộc quyền ngài.”. Các tội này chịu hình phạt vạ tuyệt thông tiền kết theo điều 1364§1 “Người bội giáo, lạc giáo hay ly giáo đều bị vạ tuyệt thông tiền kết.” Như thế, bất kỳ người Công giáo nào dù chưa phá thai hiệu quả mà cố ý cho rằng phá thai thì không vô luân đều mang tội lạc giáo và phải gánh chịu vạ tuyệt thông tiền kết.

Đối với những người Công giáo cộng tác vào việc phá thai thì sao? Theo luật dân sự, nếu một người phạm tội, người nào cung cấp các phương tiện vật chất hay tinh thần một cách chủ ý và có hiểu biết cho phạm nhân thì được gọi là kẻ đồng phạm và phải chịu những hình phạt của luật. Tương tự, bất kỳ người Công giáo nào cung cấp phương tiện vật chất hay tinh thần một cách chủ ý và có ý thức cho một người phụ nữ để thực hiện việc phá thai thì phạm tội trọng và mang vạ tuyệt thông tiền kết [7].

Việc cỗ vũ cho việc phá thai thuộc vào tội đồng loã. Những ai cỗ vũ cho việc phá thai như tuyên truyền, phát thuốc, quảng cáo, phim ảnh, ủng hộ luật phá thai hợp pháp… thì cũng đều mang tội trọng và lãnh án vạ tuyệt thông tiền kết. Một chính trị gia công giáo tham gia vào việc soạn thảo luật cho phép phá thai hay lên tiếng giữa dân chúng rằng mình ủng hộ chính sách phá thai thì cũng chịu cùng một tội và vạ trên. Khi một người bỏ phiếu tín nhiệm một quan chức ủng hộ phá thai người ấy được kể là kẻ đồng phạm. Tội trọng và án vạ tuyệt thông này đương nhiên cũng áp dụng cho những người công giáo cho mình là ‘thần học gia’ hay học giả Thánh Kinh, nhưng lại tin và dạy rằng phá thai không là vô luân nghiêm trọng.

4. Việc giải thích và áp dụng các điều Luật liên quan

Việc giải thích các điều luật về tội phạm trong Giáo Hội thường phải theo nghĩa hẹp. Không nên giải thích theo nghĩa rộng để đi đến kết án nhiều người. Các nhà chức trách có thẩm quyền được khuyên không nên vội tuyên án và sửa dạy bằng những hình phạt vạ tuyệt thông, nhất là những hình phạt liên quan đến việc ngăn cấm lãnh nhận bí tích. Ngoài ra, nên nhớ rằng một người tuy đang bị hình phạt vạ tuyệt thông do phạm tội ác này cách công khai nhưng họ vẫn là Kitô hữu. Vì thế, việc một số linh mục hay Hội Đồng Mục vụ ngăn cấm họ tham dự các buổi cử hành phụng vụ hay các hoạt động khác trong cộng đoàn nên cần phải xem lại. Vạ tuyệt thông chỉ nên dừng lại ở những ngăn cấm lãnh nhận các Bí tích và một số quyền lợi của kitô hữu. Mặt khác, trong thực tế, ta không thể ngay lập tức khẳng định rằng một người nào đó phá thai hoặc cộng tác vào việc đó là bị vạ tuyệt thông tiền kết [8]. Không phải tất cả mọi người đều mang tội và vạ như nhau khi thực hiện hành vi phá thai. Một người đi đến quyết định phá thai thường là do nhiều lý do khác nhau. Nếu họ thuộc vào trường hợp được quy định ở điều 1323 thì tội và vạ được giảm nhẹ hoặc không bị một hình phạt nào. Ví dụ, người chưa đủ 16 tuổi, người không biết đến quy định của luật, người hành động dưới áp lực của người khác (do sợ hãi, do tự vệ, người không sử dụng được trí khôn…) khi đó họ hành động thiếu sự hiểu biết, thiếu tự do và ý muốn, nên không phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Tuy nhiên, không phải vì thế mà ta nới lỏng và dung túng cho tội ác. Một cách lý tưởng là mọi hình thức phá thai phải được cấm triệt để.

5. Giải vạ tuyệt thông

Yếu tố điều kiện và hoàn cảnh có thể làm giảm nhẹ hoặc chấm dứt tội và hình phạt (vạ) cho một người thực hiện hoặc cộng tác vào việc phá thai. Nhưng một người có lương tâm nhạy cảm sẽ cho rằng hành động của mình đã phạm tội trọng và vạ tuyệt thông. Nên biết rằng, vạ tuyệt thông không phải là hình phạt đời đời mà Giáo Hội dành cho các phạm nhân. Nếu ai đó thấy mình đã bị vạ tuyệt thông tiền kết vì liên quan đến phá thai, họ nên đến toà giải tội để xưng thú điều mình đã phạm để được tha tội và vạ. Ở toà trong, Đức Giám mục có thể tha vạ do tội phá thai gây ra. Chỉ Đức Giám mục mới có quyền tha vạ này. Thường thường, ở nhiều nơi, Đức Giám mục trao quyền tha vạ này cho các linh mục giải tội. Và chỉ những ai được uỷ quyền mới có năng quyền tha vạ tuyệt thông này.

Trong trường hợp tội phạm công khai cũng cần được Đức Giám mục giải vạ. Tuy nhiên, nếu người vi phạm cách kín đáo hay công khai là một ứng sinh linh mục thì điều này sẽ gây ngăn trở cho việc truyền chức của người đó về sau [9]. Trường hợp này, việc giải vạ chỉ dành riêng cho Toà Thánh. Vì sao? Có lẽ một mặt do tính chất nghiêm trọng của tội ác; mặt khác, do tính chất cao trọng của chức vụ tư tế thừa tác, và những đòi hỏi phải có của một ứng sinh linh mục [10], toà thánh đã chỉ dành quyền giải vạ này cho mình.

6. Kết luận

Phá thai là một vấn đề nghiêm trọng đối với thời đại chúng ta. Giáo Hội luôn đứng về phía những người phò sự sống để chống lại phá thai và bảo vệ con cái mình khỏi dính vào loại tội ác mang tính diệt chủng này. Chủ đề này không chỉ được đề cập đến trong giáo luật, song trong nhiều lĩnh vực giáo huấn khác nhau của Giáo Hội như các Công Đồng, Giáo Lý Hội Thánh, Giáo Huấn của các Đức Giáo hoàng qua các triều đại, các giám mục, và các thần học gia. Quan điểm và lập trường của Giáo Hội về vấn đề phá thai sẽ không bao giờ thay đổi vì bảo vệ sự sống như là căn tính của Giáo hội. Là người Công giáo, ta luôn ý thức được sự vô luân nghiêm trọng của tội ác phá thai. Đồng thời, tích cực góp phần vào việc dựng xây nền Văn Hóa Sự Sống, để đẩy lui Văn minh chết chóc [11]. Bên cạnh đó, cần cỗ vũ việc giáo huấn cho giới trẻ đang trưởng thành có một lối sống lành mạnh. Giúp họ đào tạo lương tâm trưởng thành và có trách nhiệm trong các tương quan phái tính. Và quan trọng nhất là gây ý thức quý trọng và bảo vệ sự sống cùng can đảm tránh xa sự dữ, sự ác.

Giuse Tô Văn Toản

[1] Thống kê mới nhất của Thạc sĩ – Bác sỹ Lê Quang Thanh, Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ công bố tại hội thảo “Ngừa thai hormone – Hiểu biết nhu cầu và lựa chọn của phụ nữ” tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết với trung bình mỗi năm có khoảng 300.000 ca nạo hút thai ở độ tuổi 15-19, trong đó 60-70% là học sinh, sinh viên; Việt Nam vẫn là nước có tỷ lệ nạo phá thai ở tuổi vị thành niên cao nhất Đông Nam Á và xếp thứ năm thế giới.

[2] Trên website baomơi.com đưa tin: hàng loạt biển quảng cáo dịch vụ nạo – hút thai cở lớn tập trung ở khu vực đường Giải Phóng, đường Phùng Hưng – Hà Đông thành phố Hà Nội. (nguồn: http://www.baomoi.com/Ha-Noi-Nhan-nhan-dich-vu-nao-hut-thai/82/9721224.epi)

[3] xem Ronald L. Conte Jr, “abortion and excommunication”, www.http://www.catholicplanet.com đăng ngày 20/05/2004.

[4] GLHTCG số 2272

[5] GLHTCG 2270-2275.

[6] Thông điệp (Humanae Vitae) Đời Sống Con Người số 57.

[7] Giáo Luật 1983 điều 1329 §2

[8] Xem Catholics and abortion, Notes on Canon Law No.1, đăng trên website: http://cath4choice.org

[9] Xem điều luật 1041 số 4

[10] Xem điều luật 1029: ứng sinh linh mục cần có đức tin tinh tuyền, ý hướng ngay lành, kiến thức cần thiết, danh thơm tiếng tốt, đức hạnh vẹn toàn, nhân đức vững vàng và các đức tình khác về thể lý cũng như tâm lý phù hợp với chức thánh sẽ lãnh nhận.

[11] Theo cách nói của Gioan Phaolô II trong Evangelium Vitae, số. 19

Nguồn: daichungvienvinhthanh.com

Check Also

Nếu thai nhi bị dị tật có được phá không?

Quả thật xét theo tâm lý bình thường của con người, cha mẹ nào lại …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.