EMMAUS (01.12.2013) – Gần 15% người di cư cho rằng, HIV/ AIDS có thể lây lan qua đường muỗi đốt, bắt tay hoặc “thơm” nhau. Cứ 10 thanh niên thì có 3 người không biết bất cứ thông tin gì về các bệnh lây truyền qua đường tình dục…
HIểu biết về HIV/AIDS còn hạn chế ở người lao động di cư.
Những con số “giật mình” này đã được các chuyên gia về di dân, dân số đưa ra tại Hội thảo công bố kết quả nghiên cứu mang tên: “Toàn cầu hóa, di dân nội địa và nguy cơ về sức khỏe cộng đồng ở Việt Nam” tổ chức tại Hà Nội ngày 9/5 vừa qua.
Dân di cư và nỗi lo về sức khỏe cộng đồng
Nghiên cứu do Viện Dân số và các vấn đề xã hội (ĐH Kinh tế Quốc dân) phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu và phân tích toàn cầu hóa (ĐH Tổng hợp Rouen – Pháp) tổ chức. Các chuyên gia đã nghiên cứu tác động của hội nhập quốc tế ở Việt Nam đến quá trình lây lan HIV/AIDS trong lãnh thổ quốc gia. Theo đó, ở Việt Nam, với tỷ lệ nhiễm HIV khoảng 0,45% (năm 2009) và tỷ suất di cư nội địa tăng rất mạnh (6,6 triệu người di cư trong giai đoạn 2004-2009) thì vấn đề không còn là nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS qua những nguyên nhân cơ bản mà là sự lan truyền, phát tán HIV giữa các vùng trong cả nước.
Theo ông Rieber Arsène (thành viên nhóm nghiên cứu), việc hội nhập sâu rộng kinh tế quốc tế, toàn cầu hóa tất yếu sẽ dẫn đến việc phân bố lại theo không gian các hoạt động kinh tế trong nước. Quá trình này sẽ tác động đến dòng di dân nội địa, là nguồn gốc phát tán lây lan HIV/AIDS trên lãnh thổ quốc gia.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng: Ở Việt Nam, những vùng có chi phí tiếp cận với các thị trường quốc tế thấp (chẳng hạn như khu vực biên giới hoặc khu vực cảng) sau quá trình toàn cầu hóa sẽ có lợi thế tối đa trong tăng trưởng kinh tế. Sự hấp dẫn này sẽ thu hút đông đảo lực lượng di cư tìm đến.
Minh chứng cho điều này, nhóm nghiên cứu tiến hành với trường hợp thành phố Hải Phòng. Đây là nơi kết hợp cả hai tiêu thức: Người di cư đến cao và là nơi kinh tế phát triển (xếp thứ 7 GDP bình quân đầu người và có tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS xếp thứ 7 trong toàn quốc). Với mẫu nghiên cứu xấp xỉ 1.000 người di cư được chọn ngẫu nhiên, nghiên cứu chỉ ra rằng, những người độc thân (chưa từng kết hôn) hoặc di cư một mình có nhiều khả năng tham gia vào các hành vi nguy cơ cao.
Một con số đáng giật mình, gần 15% người di cư được hỏi cho rằng: HIV/AIDS có thể lây lan qua đường muỗi đốt, bắt tay hoặc… “thơm” nhau. Theo các nhà nghiên cứu, kiến thức hiểu biết về con đường lây truyền có tính quyết định đến mức độ nhận thức về nguy cơ nhiễm, tần số hành vi nguy cơ cao, ảnh hưởng mạnh đến mức độ lây lan AIDS. “Một người hiểu biết lệch lạc (nằm trong số 15% trên đây), rất có thể sẽ nghĩ: AIDS có thể lây qua đường muỗi đốt, vì vậy không cần thiết phải sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục không an toàn”, ông Rieber Arsène nhấn mạnh.
Chỉ 1% trong số người được hỏi cho rằng nơi họ đang sinh sống có nguy cơ lây nhiễm HIV. Sự hiểu biết ít ỏi về môi trường sinh sống cũng quyết định phần lớn đến việc 92% cho rằng bản thân họ không hề có nguy cơ hoặc nguy cơ thấp về khả năng lây nhiễm HIV. Người di cư chưa từng kết hôn ít thực hành các biện pháp phòng ngừa.
Thanh niên di cư chỉ chi gần 3.000đ/bữa ăn
PGS.TS Nguyễn Thị Thiềng (Viện Dân số và các vấn đề xã hội), cùng các cộng sự đã nghiên cứu đề tài “Thanh thiếu niên di cư làm việc trong khu vực phi chính thức tại Hà Nội”, với mẫu định lượng hơn 900 thanh niên từ 15-24 tuổi làm việc tại khu vực phi chính thức tập trung ở 8 xã, phường thuộc 3 quận, huyện là: Hoàng Mai, Thanh Xuân, Từ Liêm (Hà Nội).
Đa số trong số này xuất thân từ nông thôn đồng bằng, chủ yếu là nam giới chưa lập gia đình. Nghiên cứu tập trung về chất lượng sống trên 3 yếu tố: Sống, hòa nhập và phát triển. Theo đó, với thu nhập bình quân từ 1-2 triệu đồng/tháng, có 10% thanh niên sống trong những căn nhà đơn sơ, lều lán tạm bợ; 50% số thanh niên đang sống với diện tích nhà ở bình quân dưới 5m2/người, thấp hơn rất nhiều so với Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2009, với diện tích ở bình quân chung của cả nước là 17,9 m2/người. Tính trung bình, một thanh niên di cư chi cho ăn uống bình quân 279 nghìn đồng/người/tháng – chỉ bằng một nửa mức bình quân cả nước năm 2010. Như vậy, một ngày, thanh niên di cư chi 9.000 đồng cho ăn uống.
Bên cạnh đó, một nghiên cứu khác về hiểu biết về tên bệnh, cách phòng tránh và chữa trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục (LTQĐTD) của thanh niên di cư làm việc tại khu vực phi chính thức tại Hà Nội cũng chỉ ra mức độ hiểu biết chưa cao của nhóm đối tượng này. Theo TS Lưu Bích Ngọc (Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội), bình quân mỗi thanh niên chỉ biết 3/8 tên bệnh đã được nêu trong bảng hỏi. Gần 20% không biết về một bệnh LTQĐTD. Ba con đường lây nhiễm các bệnh LTQĐTD thanh niên di cư đã lựa chọn gồm: Quan hệ tình dục với nhiều người mà không sử dụng bao cao su (60,2%), quan hệ tình dục với người đã nhiễm bệnh mà không sử dụng bao cao su (56,2%); không giữ gìn vệ sinh cơ quan sinh dục (27,5%). Chỉ 15,6% nam giới cho rằng chung thủy một vợ/chồng là cách phòng tránh lây nhiễm HIV/AIDS.
Cũng theo TS Lưu Bích Ngọc, hiểu biết về tác hại của nạo phá thai của thanh niên cũng hạn chế khi gần 30% thanh niên di cư không biết những hậu họa của việc này.
Liên quan đến vấn đề chính sách cho di cư, PGS.TS Nguyễn Thị Thiềng và nhóm cộng sự đã chỉ ra rằng: Trừ Luật Cư trú có đề cập đến vấn đề cư trú, nơi cư trú, đăng ký thường trú, tạm trú, lưu trú và thông báo lưu trú… còn di dân, di dân đến đô thị vẫn là các thuật ngữ mang tính khoa học trong các tài liệu chuyên môn và nghiên cứu thuần túy. Chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào ban hành dưới hình thức pháp lý cao nhất như luật, pháp lệnh dành riêng về vấn đề di dân đến đô thị cũng như chưa có bộ, ngành nào được phân công thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về vấn đề này.
Theo giadinh.net